| Hotline: 0983.970.780

Giữ ngư trường cho con cháu

Thứ Năm 02/08/2012 , 10:36 (GMT+7)

Phú Yên, nơi được mệnh danh “thủ phủ” cá ngừ đại dương của dải đất duyên hải miền Trung, trong những ngày này bỗng trở nên náo nức với hoạt động sửa chữa, nâng cấp tàu cá.

Phú Yên, nơi được mệnh danh “thủ phủ” cá ngừ đại dương của dải đất duyên hải miền Trung, trong những ngày này bỗng trở nên náo nức với hoạt động sửa chữa, nâng cấp tàu cá.

>> Ngư dân không đơn độc
>> Ngư dân không nao núng

Hỏi ra thì biết, do thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, không cho đánh bắt nên họ quyết tâm nâng công suất tàu để đối phó. Tinh thần bám biển của ngư dân Phú Yên đang kiên cường ở mức cao độ.

Bỏ biển, ông bà dưới suối vàng buồn lắm

Làng biển Đông Tác thuộc phường Phú Đông (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tấp nập những chiếc tàu cá từ khắp nơi kéo về đây để làm nước, nâng cao công suất. Bận bịu tính toán chi phí sửa chữa tàu với các thợ làm ghe nhưng ngư dân Võ Đường ở phường 6 (TP Tuy Hòa) vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Ông Đường là thế hệ thứ 4 của gia đình có truyền thống làm nghề biển.

Mấy năm trước, ông nổi danh trong nghề câu cá ngừ đại dương nhờ phát hiện loại mồi mực xà được cá ngừ khoái ăn hơn mồi truyền thống. Sau đó, ông dùng mực xà thay đổi “thực đơn” cho cá ngừ, hiệu quả đánh bắt tăng cao trông thấy. Những ngày này, nhân thời điểm gió mùa tây nam thổi mạnh không thuận lợi ra khơi, ông kéo 2 chiếc tàu mang số hiệu PY 90018 TS (160CV) và PY 92476 TS (90 CV) của mình vượt qua cửa biển Đà Rằng về Đông Tác để làm nước, nâng cấp. Riêng tàu PY 92476 TS, lần này ông cho cải tạo lại vỏ tàu và thay luôn máy tàu mới có công suất cao hơn: 280CV. “Lúc này, mỗi khi ra khơi tui thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, làm ăn không ngon lành gì. Tàu mình nhỏ nên không dám đối phó lại. Từ đầu năm nay, tui bàn với bà vợ là dành hết thu nhập từ những chuyến biển của 2 chiếc tàu để nâng cao công suất. Bà vợ tui gật đầu cái rụp. Thế là bây giờ tui có 600 triệu để sửa lại vỏ tàu và mua máy mới cho tàu PY 92476 TS”, ông Đường hồ hởi kể chuyện.


Tàu cá đang tiếp đá với hừng hực khí thế ra khơi bám biển

Từ đầu năm đến nay, 2 chiếc tàu của ông Đường mỗi chiếc đã ra khơi được 6 chuyến, 3 chuyến làm ở vùng biển Hoàng Sa và 3 chuyến làm ở Trường Sa. Mặc dù thường xuyên bị tàu Trung Quốc rượt đuổi nhưng những chiếc tàu của ông Đường vẫn không rời bỏ ngư trường, kiên tâm bám biển nên chuyến nào cập bờ cũng mang về được 30-40 chục con cá (hơn 2 tấn). Hơn 20 thuyền viên đi bạn trên 2 chiếc tàu của ông Đường mỗi người có được khoản thu nhập gần 50 triệu. Ông Đường kể: “Có trường hợp mình đang kéo câu thì tàu Trung Quốc bỗng xuất hiện rượt đuổi. Vì tiếc của, mình bặm gan làm, không quan tâm đến nó thì nó dùng súng bắn uy hiếp. Nhiều khi chúng bắn rát quá, tụi tui phải bỏ 50-70 lưỡi câu chưa kịp kéo nổ tàu đi nơi khác làm, chịu mất đến 10 triệu đồng tiền lưỡi cả những con cá đã dính câu. Ức không chịu nổi”.

Theo Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng (Đồn Biên phòng TP Tuy Hòa), từ đầu mùa mở biển năm 2012 đến nay, phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương về cập cảng cá phường 6 đều có lãi. Bình quân mỗi tàu, mỗi chuyến đánh bắt được trên dưới 30 con, khoảng 1,3-1,5 tấn. Năm nay, nắng ấm, biển êm nên ngư dân câu đâu trúng đó. Nhiều tàu mỗi chuyến câu được từ 30-40 con trở lên. Nhờ làm ăn được nên bà con ngư dân thường xuyên bám biển vừa mưu sinh vừa tham gia giữ gìn chủ quyền biển bảo.

Ngư dân Võ Đường trút lòng: “Biển càng nhiều cá tụi tui càng phải thường xuyên bám biển để vừa khai thác, vừa bảo vệ. Thời gian gần đây có nhiều tàu nước ngoài hoạt động vào sâu vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của nước mình để đánh bắt trộm hải sản. Nếu tụi tui không thường xuyên bám biển, liên kết lại xua đuổi chúng đi thì nguồn lợi từ biển sẽ bị khai thác cạn kiệt, không còn cho đời con, đời cháu. Ngư dân tụi tui mà bỏ biển là chỉ có đói. Với lại, nếu bây giờ mà tụi tui không gắn bó với những gì tổ tiên gìn giữ bao đời nay thì dưới suối vàng ông bà buồn chết”.

Ra khơi với sức mạnh đoàn kết

Trước những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên biển Đông, hơn lúc nào hết, ngư dân ở Phú Yên đang thể hiện tinh thần đoàn kết, siết chặt tay nhau bám biển bảo vệ ngư trường theo hình thức tổ tàu an toàn (TTAT). Hiện toàn tỉnh Phú Yên có trên 100 TTAT với hơn 900 phương tiện và gần 8.000 ngư dân tham gia. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, mỗi tổ có 10-12 tàu thuyền. Ngư dân Trần Trọng Thoại ở huyện Sông Cầu cho biết: “Từ khi thành lập TTAT, việc liên lạc với nhau qua điện đàm của những chiếc tàu đang đánh bắt ngoài khơi đã giúp ngư dân yên tâm hơn. Tụi tui có cảm giác bên cạnh mình luôn có đồng đội sát cánh nên không còn cảm thấy đơn độc như trước đây”. Theo ghi nhận của Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, các TTAT không chỉ đơn thuần là liên kết làm ăn mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Khoảng 5 năm trở lại đây, có không ít tàu Trung Quốc khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển Việt Nam, nhờ phát hiện của các TTAT nên cơ quan chức năng kịp thời can thiệp, xử lý.

“Nhờ tinh thần bám biển của ngư dân đang rất mạnh mẽ nên từ đầu năm đến nay, hơn 550 tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên đều ăn nên làm ra. Tính đến thời điểm này, sản lượng cá ngừ đại dương đã đạt được gần 6.000 tấn, tăng hơn 500 tấn so cùng kỳ năm ngoái”, ông Nguyễn Hữu Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên.

Ngoài ra, sự liên kết trên biển còn tạo ra sức mạnh giúp ngư dân đối phó với những sự cố bị tàu Trung Quốc ức hiếp khi đang hoạt động trên biển. Có thể lấy trường hợp của chiếc tàu do ông Võ Đường (phường 6 - TP Tuy Hòa) làm chủ làm ví dụ. Lần mới nhất tàu của ông Đường bị tàu Trung Quốc rượt đuổi là vào tháng 3 âm lịch vừa qua. Lúc tàu ông đang bủa lưới trên vùng biển của mình thì bỗng dưng 2 chiếc tàu chiến của Trung Quốc từ đảo Châu Viên chạy ra, 1 chiếc chận đầu trên, 1 chiếc chận đầu dưới. Ông Đường lập tức dùng bộ đàm liên lạc kêu những chiếc tàu khác trong tổ đoàn kết đang đánh bắt gần đó tập trung lại, dàn hàng ngang bảo vệ lẫn nhau. Thấy lực lượng tàu mình đông, chúng lập tức tháo chạy. Nhờ đó, 7 chiếc tàu trong tổ liên kết của ông Đường mới yên ổn tiếp tục đánh bắt.

Tinh thần kiên cường bám biển không chỉ có ở ngư dân đánh bắt xa bờ, mà còn lan tỏa đến những ngư dân chuyên kinh doanh trên bờ. Một số ngư dân đã mạnh dạn đầu tư vốn đóng tàu công suất lớn để làm dịch vụ thu mua hải sản và cung ứng nhiên liệu, lương thực ngay trên biển nhằm giúp lực lượng đánh bắt quay vòng chuyến biển nhanh hơn. “Nước lên thuyền lên”, tiếp nối hiệu quả của mô hình TTAT, mới đây, ngư dân ở phường 6 (TP Tuy Hòa) tiếp tục thành lập nghiệp đoàn nghề cá với hơn 150 ngư dân tham gia, liên kết nhau bám biển khai thác tại vùng biển Trường Sa. “Nghiệp đoàn nghề cá ra đời sẽ là “mái nhà chung” để bà con tạo sức mạnh đoàn kết, liên kết cùng nhau bám biển đánh bắt và tương trợ nhau mỗi khi gặp sự cố trên biển, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Phan Thuẫn nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm