| Hotline: 0983.970.780

Vì sao thịt lợn bẩn tung hoành Hà Nội?

Thứ Năm 02/08/2012 , 10:36 (GMT+7)

Những quy định về ATVSTP bị phớt lờ. Lò mổ tự phát, nhỏ lẻ thu hút hết “đồ tể” khiến các lò mổ tập trung vắng hoe vắng hoét, chính quyền địa phương, cán bộ thú y, kiểm dịch chưa thực hiện hết chức năng của mình… Liệu đó có phải là lý do thịt lợn bẩn ngày càng tung hoành ở Thủ đô?

Những quy định về ATVSTP bị phớt lờ. Lò mổ tự phát, nhỏ lẻ thu hút hết “đồ tể” khiến các lò mổ tập trung vắng hoe vắng hoét, chính quyền địa phương, cán bộ thú y, kiểm dịch chưa thực hiện hết chức năng của mình… Liệu đó có phải là lý do thịt lợn bẩn ngày càng tung hoành ở Thủ đô. Nhóm PV NNVN đã có cuộc khảo sát ở nhiều lò mổ và thu thập thêm được nhiều nguyên nhân khác.

Rùng rợn các lò mổ tự phát

 

 

Sau khi lò mổ Thịnh Liệt ở quận Hoàng Mai bị xóa sổ năm 2010, hàng trăm đồ tể tẩu tán tứ tung tìm “đất diễn”. Các lò mổ tự phát mọc lên như nấm, việc kiểm soát gặp muôn vàn khó khăn.

 

Bẩn kinh hoàng

Phường Đồng Mai, quận Hà Đông có khoảng 4 lò mổ tự phát. 3 lò mổ lợn và một lò mổ bò. Dường như các quy định về ATVSTP của TP cũng như các bộ ngành chưa về đến khu vực này bởi khi nhóm PV chúng tôi thâm nhập các lò mổ thì rất dễ để chứng kiến sự bẩn thỉu, nhếch nhác. Vậy mà khi đề cập đến chuyện vệ sinh, các chủ lò đều tự tin: Thế này là sạch sẽ rồi đấy chứ!

Chúng tôi mục sở thị cơ sở giết mổ GSGC của HTX TBB 27-7 tại tổ 5 Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông. Dù được xem là lò mổ lớn nhất khu vực này nhưng khuôn viên chỉ rộng 200m2, trước mặt là nghĩa trang liệt sĩ phường Đồng Mai. Dù không phải vào giờ giết mổ cao điểm, song cứ 5 đến 10 phút có một con lợn bị hóa kiếp. Việc giết mổ được thực hiện trực tiếp trên các sàn bê tông ẩm thấp, nội tạng lợn được phân loại, sơ chế tại chỗ. Nhân viên trong lò mổ không có bảo hộ, hầu hết chỉ đi ủng và mặc quần mưa chống bẩn. Phần thân lợn và nội tạng được sơ chế cạnh nhau, trộn lẫn cả phân và nước thải. Bể nước dùng để phục vụ việc giết mổ có màu nhờ nhờ như nước sông Đáy, dù cho một nhân viên trong lò mổ này khẳng định chắc nịch đây là nước giếng khoan.

Sau khi giết mổ, lợn được các thương lái chất lên xe máy tiến thẳng vào phố mà không cần bất cứ một dụng cụ che đậy nào. Mặc dù quy trình giết mổ hết sức bẩn thỉu nhưng ông Huấn, một nhân viên HTX giết mổ này vẫn hết sức thản nhiên: “Các lò mổ thủ công, tự phát đều thế này cả. Nền xi măng, nước nôi đều đảm bảo. Tất cả chúng tôi đều được cấp giấy phép kinh doanh hẳn hoi”.



Cảnh giết mổ bẩn thỉu phổ biến ở các lò mổ tự phát

Cách lò mổ của HTX TBB chừng 1km là một lò mổ khác của chủ lò Nguyễn Duy Trung. Với công suất vài chục con mỗi ca nhưng lò mổ này không thua bất cứ cơ sở nào về độ bẩn thỉu. Vào vai những người đến mua thịt, chúng tôi dễ dàng vào sâu bên trong khu vực giết mổ. Lò ông Trung có 6 chuồng, mỗi chuồng có khoảng 20 con lợn đang chờ “lên thớt”.

Trước cổng, nước thải trộn lẫn máu và phân chảy lênh láng gây trở ngại cho bất cứ ai muốn đi vào. Giữa sàn giết mổ, vài ba con lợn nằm phơi xác trên thứ nước lấp xấp nhầy nhụa ấy. Ngay bên cạnh đống xác lợn đã được sơ chế thành phẩm chờ chuyển đi, tốp phụ nữ phụ trách xử lý nội tạng thản nhiên tuốt lòng, phân lẫn vào nước rồi chảy vào… đống lợn thành phẩm đã được làm sạch. Còn phế phẩm? Tất cả đều được trút xuống ao hồ, hoặc làm phân bón ruộng. Không có sàn, sạp inox, không có xe chuyên dụng để vận chuyển theo quy định của TP, hệ thống xử lý nước thải còn thủ công, nhưng khi chúng tôi nhắc đến, ông Trung khẳng định là chưa hề biết những quy định ấy. Còn đám phụ nữ ngừng tay dao lóc thịt đứng dậy nói liên hồi: “Quy định kiểu đó ai mà chấp hành được. Lợn vừa mổ xong nếu cho vào thùng nhôm thì có mà thành thịt chín à. Chưa kể thùng bé tý tẹo, mỗi lần chỉ chở tầm một con thì có mà ăn cám. Quy định thế chẳng bằng giết người ta”.

Lò ông Trung mỗi ngày giết mổ 2 ca. Ca thứ nhất từ 2-5 giờ sáng. Ca thứ hai từ 13-15 giờ chiều. Vị chủ lò mổ này thừa nhận: Biết là bẩn, chưa đảm bảo đúng các quy định của TP nhưng từ từ rồi chúng tôi sẽ khắc phục. Nguồn lợn phục vụ lò mổ này chủ yếu lấy tạp nham từ các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TX Sơn Tây… Nhưng công tác kiểm dịch được thực hiện hết sức sơ sài.

Chính quyền bao che, thú y phớt lờ kiểm dịch

Tại các lò mổ tự phát ở quận Hà Đông, các chủ lò đều khẳng định là lợn của họ được kiểm dịch đầy đủ, nhưng thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, cán bộ kiểm dịch rất ít khi thực hiện công việc của họ.


Lợn vận chuyển không cần che đậy

Ca giết mổ từ 13-15 giờ chiều ở lò mổ ông Trung, hàng chục con lợn được đè ra mổ chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng cán bộ thú y đến để kiểm dịch. Lợn mổ xong cứ ngang nhiên tuồn ra chợ mà chẳng cần bất cứ dấu má hay giấy tờ gì chứng nhận an toàn cả. “Các lò mổ tự phát như chúng tôi, công suất hoạt động không đáng kể, cán bộ kiểm dịch cũng có xuống đóng dấu, mỗi con mất 7.000 đồng tiền dấu, nhưng cán bộ thì lúc xuống lúc không”. Ông Trung thừa nhận.

Điều đáng nói là các lò mổ tự phát ở Đồng Mai đã nổi tiếng về độ bẩn thỉu, nhưng chính quyền địa phương không những không lên tiếng phản đối mà ngược lại còn ủng hộ rất nhiệt liệt. Ông Trần Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai phân tích: “So với ngày trước thì các lò mổ tự phát ở đây bây giờ đã sạch sẽ lắm rồi. Nghề của người ta, bao năm nay rồi. Mà thử hỏi các lò mổ tập trung đã đảm bảo vệ sinh chưa? Đã sạch sẽ chưa? Không nhất thiết phải vào lò mổ tập trung làm gì khi mà các lò mổ tự phát đang... đảm bảo vệ sinh”.

Khi chúng tôi đề cập đến các công đoạn bẩn thỉu, phớt lờ các quy định của UBND TP Hà Nội, ông Minh khoát tay: “Quy định là một chuyện, còn đáp ứng lại là chuyện khác. Các cơ sở giết mổ tập trung cũng có đáp ứng được quy định đâu mà bắt các lò mổ tự phát phải theo”.

Cạch mặt các lò mổ tập trung

Theo thống kê tại một cuộc hội thảo do Bộ NN-PTNT cho thấy, tại 12 địa phương khu vực phía Bắc, hiện có 11.544 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 0,51%. 11.485 cơ sở còn lại đều nhỏ lẻ, tự phát. Đáng chú ý hơn cả là các cơ sở giết mổ tập trung không tạo được sự hấp dẫn bởi các thủ tục vào lò phức tạp, phí cao và phân bố không đều. Điều đó cũng dẫn đến thực trạng nhiều cơ sở giết mổ tập trung nhưng rơi vào tình trạng “đắp chiếu” vì không có khách.

Thậm chí như ở lò giết mổ tập trung Minh Hiền (huyện Thanh Oai - Hà Nội), nhiều chủ lò đã vào thuê mặt bằng nhưng rồi lại bỏ vì giá cả cao quá. “Lò thấp thì 15 triệu, cao 25 triệu. Mỗi ngày mổ khoảng chục con thì lúc nào cũng lỗ. Chúng tôi vào đấy chỉ được một năm rồi phải chạy làng, quay về chỗ cũ vì không đủ tiền để trả mặt bằng”. Ông Huấn ở lò mổ TBB nói.

Tỉ lệ các điểm và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở phía Bắc được kiểm soát chỉ có 8%, trong khi ở miền Đông Nam bộ là 90%. Điều đáng nói, lực lượng thú y hiện mới kiểm soát được 929 cơ sở, điểm giết mổ, chiếm tỷ lệ quá nhỏ, khoảng 8,05%. Tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thậm chí là giết mổ tập trung, sai phạm về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hàng loạt.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.