| Hotline: 0983.970.780

Đội tàu “khủng” của một ngư dân

Thứ Tư 08/08/2012 , 10:53 (GMT+7)

Chỉ sau 15 năm, bằng đôi bàn tay trắng, ông Ái đã gầy dựng lại cơ nghiệp với 4 chiếc tàu “khủng” và hiện nay trở thành “đại gia” trong các làng chài miền Trung.

Sau khi lập gia đình, sinh đứa con thứ 3, vợ ông Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ - Bình Định) lâm bệnh hiểm nghèo. Ông Ái bán tàu cá, bán cả những miếng tôn lợp nhà lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Vậy mà chỉ sau 15 năm, ông Ái đã gầy dựng lại cơ nghiệp với 4 chiếc tàu “khủng” và hiện nay trở thành “đại gia” trong các làng chài miền Trung.

>> Phải hiện đại tàu cá
>> Đóng tàu lớn vươn khơi
>> Tiếp sức ngư dân
>> Giữ ngư trường cho con cháu
>> Ngư dân không đơn độc
>> Ngư dân không nao núng

Tay trắng làm nên cơ nghiệp

Sinh ra trong gia đình có truyền thống bám biển kiếm kế sinh nhai, mới 19 tuổi, ông Nguyễn Văn Ái đã nối nghiệp ông cha lái ghe ra biển. Khi ấy, chiếc ghe tạo kế mưu sinh của gia đình ông Ái rất nhỏ, chỉ 12 CV. Với chiếc ghe “tí hon” thế này đố ai dám ra khơi, bởi vậy ông Ái chỉ đánh bắt trong lộng, mỗi ngày kiếm vài mẻ lưới cá cơm, cá nục. Ghe nhỏ, làm nghề gần bờ nên mức thu nhập rất thấp, chỉ đủ cho gia đình ông sống qua ngày.


Chiếc tàu BĐ 94439 TS công suất 900 CV của ông Ái cập tại cảng Quy Nhơn

Cuộc sống tuy không sung túc nhưng rất bình yên đang diễn ra, bỗng nổi cơn sóng gió khi bà Nguyễn Thị Lằm, vợ ông, sau khi sinh đứa con thứ 3 bị tê liệt toàn thân, nằm 1 chỗ. Thương vợ, ông Ái nuốt nước mắt bán đi chiếc ghe vốn là nguồn sống của cả gia đình. Khi ấy, chiếc ghe nhỏ chỉ bán được khoảng 70.000đ, không thấm vào đâu với căn bệnh hiểm nghèo của vợ. Ông Ái quyết định dỡ hết mấy chục miếng tôn đang lợp nhà bán nốt để thuốc thang cho vợ, chấp nhận sống cảnh màn trời chiếu đất ngay trong ngôi nhà của mình.

“Thằng con mới sinh đã mất ngay sữa mẹ, khóc suốt ngày. Để cắt cơn khóc của nó, tui phải lấy nước dừa cho nó bú. Bú nước dừa miết nó ớn, cứ ngậm núm vú chứ không chịu nút nữa. Lúc này bà nội phải ẵm nó đi từ làng trên xuống làng dưới để kiếm người mới sinh xin cho bú nhờ. Cơm nước hàng ngày cho tui và 2 anh chị của đứa nhỏ cũng được ông bà nội lo tất”, ông Ái ngậm ngùi nhớ lại.

Mọi nỗ lực của ông Ái không cứu vãn được tình hình, bệnh vợ ông mỗi ngày mỗi nặng, người gầy ốm như que tăm. Bố mẹ vợ của ông Ái ở Cam Ranh (Khánh Hòa) biết con rể mình đã hết khả năng chạy chữa, nhắn người ra bảo ông Ái đưa vợ về Cam Ranh để ông bà tiếp tục thuốc thang. Khốn khổ, đã trắng tay rồi thì tiền đâu thuê xe, ông Ái phải vận động 6 trai tráng trong họ tộc khiêng người bệnh đi bộ lên ga Phù Mỹ, rồi theo đường tàu lửa khiêng vào đến Cam Ranh.

Ông Ái kể: “Phải mất 3 ngày 3 đêm tụi tui mới đưa được bà ấy đến Cam Ranh. 6 người thay phiên nhau khiêng đi cả ngày lẫn đêm, không dám ngủ nghỉ vì trên đường ray tàu lửa thì có chỗ nào đâu mà nằm. Nhiều khi đang khiêng đến đoạn có bờ ta luy hẹp, gặp tàu đến, tụi tui phải đưa người bệnh xuống ruộng để tránh va chạm với tàu”.

Sự cố trên đã tước hết nhuệ khí khỏi cái cơ thể tráng kiện của ông Ái, dù khi ấy ông chỉ mới chạm 30 tuổi. Ông Ái bỏ biển, suốt ngày quanh quẩn bên bà vợ bệnh tật. Sau 1 năm rưỡi, bệnh của vợ thuyên giảm. Lúc ấy, bố mẹ vợ của ông Ái động viên ông trở lại với biển bằng cách cho tiền đóng chiếc ghe mới, dù cũng chỉ nhỏ như ghe cũ (12 CV), nhưng trong bối cảnh này nó đáng giá ngàn vàng.

Được trở lại với biển, ông Ái như được “sống lại”, ông cặm cụi làm ăn, dành dụm. Đến năm 1985 thì bán ghe cũ, đóng được chiếc ghe mới lớn hơn: 30 CV. Với chiếc ghe mới này, ông Ái đổi sang làm nghề lưới rút gần bờ. Biển no, ghe ông Ái được no theo, chuyến nào cũng ăm ắp cá. “Đúng vào thời điểm này các phương tiện thông tin đại chúng đã phổ biến. Xem ti vi, nghe đài nói cá ở ngoài khơi xa nhiều vô kể. Ham quá, dù ghe chỉ 30 CV nhưng tui bặm gan đi đánh bắt xa bờ đến 30-40 hải lý. Quả nhiên đài báo nói không sai, cá vào lưới nườm nượp, chỉ 1 ngày là ghe đầy ắp. Hồi đó ghe nhỏ đâu có hầm đá để ướp, khi vào bờ cá ươn phải đổ đi, tiếc hùi hụi”, ông Ái tâm sự.

Có gan bám biển, có cơ hội làm giàu

Ra khơi gặp nhiều luồng cá mà năng lực đánh bắt yếu khiến ông Ái chạnh lòng. Không thể bỏ qua cơ hội, năm 1997, ông lại “bặm gan” vay ngân hàng số tiền tương đương 5 cây vàng để đóng chiếc ghe lớn gấp đôi, có công suất 60 CV. Chiếc ghe này được trang bị 2 hầm đá nên ông Ái có thể bám biển dài ngày hơn. Ông mở rộng ngư trường đánh bắt vào vùng biển Đại Lãnh, Cam Ranh (Khánh Hòa).

Càng đi xa càng đánh được nhiều cá, ông Ái liền “nổi máu mê”, dần dần cho ghe vào tận Ninh Thuận, Bình Thuận để đánh bắt. Thấy ông Ái ăn nên làm ra khi nâng cao năng lực khai thác và mở rộng ngư trường, nhiều ngư dân ở Bình Định học tập làm theo.

Làm chủ chiếc ghe 60 CV trong 2 năm, chuyến biển nào cũng đánh không hết những luồng cá gặp được, ông Ái vô cùng tiếc nuối. Lúc này những đứa con trai của ông đã trưởng thành, ông Ái quyết định dành dụm khoản thu nhập từ mỗi chuyến biển. 2 năm sau, vay thêm bà con họ hàng, ông Ái mua lại 1 chiếc tàu có công suất đến 90 CV tại Đầm Môn -Vạn Giã (Khánh Hòa), dạng tàu “khủng” thời bấy giờ” với giá 2,5 kg vàng (48 cây). Có tàu lớn trong tay, ông Ái lập tức vươn khơi, mở rộng ngư trường ra tận đảo Côn Sơn. Những nỗ lực của ông Ái được biển cả đền đáp, chuyến biển nào cập bờ tàu cũng khẳm be, đầy lút cá.


Ông Nguyễn Văn Ái đang chờ tàu cập bến bán sản phẩm tại cảng Cam Ranh

Tiền vào như nước. Làm ăn ngon trớn, chỉ 1 năm, sau khi trả vốn vay mua chiếc tàu trước, ông Ái còn dư ra khoản tiền lớn để đóng thêm chiếc tàu thứ 3 mà không cần phải vay mượn nữa. Tiền lớn đóng được tàu lớn, chiếc tàu này có công suất đến 270 CV với 3 hầm đá. Lần này ông Ái quyết định vươn ra biển Đông, vùng biển vô cùng trù phú với nghề mới: nghề lưới vây rút chì.

Do cá “dày đặc”, cộng với nghề mới cho hiệu quả đánh bắt cao nên 1 chuyến biển kéo dài chỉ có 3 ngày, đánh chỉ vài ba mẻ lưới là cả 3 hầm đá đã đầy lút với 7-8 tấn cá, phải cho tàu cập bờ bán nhanh sản phẩm để tiếp tục ra khơi. “Thuở ấy cha con tui làm quên ăn quên uống, thậm chí quên cả vợ. Tàu cập bờ, bán sản phẩm là sắm tổn ra khơi ngay tắp lự. Cá đang chờ mình ngoài khơi, không chần chừ được. Chuyến nào phải nằm bờ vài ngày là bụng tui nóng như có lửa đốt. Mẹ tui thương con dâu, cứ lấy áo tui hơ lên lò lửa để tui thấy nhớ vợ nhớ con mà về thăm nhà”, ông Ái trút lòng.

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Ái đang sở hữu 4 chiếc tàu cá “khủng”: Chiếc BĐ 94439 TS, 900 CV; chiếc BĐ 94529 TS, 800 CV; chiếc BĐ 94032, 500 CV và chiếc BĐ 94033 TS, 450 CV. Mỗi chuyến biển, những chiếc tàu của ông Ái giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động. Từ đầu năm đến nay, mỗi lao động đi tàu cho ông Ái có thu nhập hơn 70 triệu đồng/người.

3 chiếc tàu của ông Ái thường xuyên ra khơi, mỗi năm mỗi chiếc tàu đi được hơn 20 chuyến biển. Chuyến biển nào cũng cho thu nhập cao nên vào năm 2010, ông Ái bán đi chiếc tàu có công suất nhỏ nhất để đóng chiếc tàu “khủng” 900 CV, có tốc độ tối đa 11,5 hải lý/giờ. Chiếc tàu này có đến 10 hầm đá với sức chứa vài chục tấn cá, cho phép bám biển hàng tháng trời với tổng vốn đầu tư là 4,8 tỷ đồng.

“Đó mới chỉ tính tiền đóng vỏ tàu và mua 2 máy tàu. Tiền đầu tư cho giàn lưới thêm 1 tỷ nữa. Tấm lưới này dài 600 sải, chiều đứng 70 sải. Đáy lưới được gắn 120 khoen bằng chì, mỗi khoen nặng 10kg để kéo lưới chìm sâu xuống biển. Trọng lượng của tấm lưới gần 7 tấn, trong đó khoen chì 1,2 tấn, lưới 5 tấn, còn lại là dây cáp”, thuyền trưởng Nguyễn Công Tý (con trai ông Ái), cho biết thêm.

Không dừng lại, mới năm ngoái (2011), ông Ái tiếp tục bán đi 1 chiếc tàu nhỏ để đóng mới 1 chiếc tàu “khủng” khác có công suất 800 CV. Mới hạ thủy vào đầu năm nay nhưng chiếc tàu này đã cho thu nhập kha khá, ông Ái tiếp tục lấy khoản dư này để nâng cấp chiếc tàu 270 CV lên 500 CV.

Song song với đóng tàu mới và nâng cấp tàu nhỏ công suất, ông Ái còn vừa xây xong nhà mới cho con. Ông Ái hớn hở tâm sự: “Làm cái nhà mất 1 tỷ rưỡi mà chưa có nội thất, để chuyến biển tới kiếm thêm sắm sửa sau. Nói chú mừng, gia đình tui cũng vừa mua được chiếc ô tô 7 chỗ ngồi giá 800 triệu đồng. Bây giờ về Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản họp hành hay nhận tiền hỗ trợ tui không phải đi xe đò nữa”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm