| Hotline: 0983.970.780

Đào Nhật Tân trên vùng đất Bazan

Thứ Sáu 07/09/2012 , 10:59 (GMT+7)

Người có công “ép” cây đào Nhật Tân nở hoa trên cao nguyên Lâm Đồng là ông Chu Đức Lợi (55 tuổi) - một nghệ nhân thứ thiệt gốc Nhật Tân.

Ông Lợi đang chăm sóc, tỉa đào mới ghép

Từ 10 năm nay, những người con Hà Nội xa xứ ở Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng) đã phần nào nguôi nhớ Thăng Long khi mỗi độ xuân về lại được ngắm những nụ hoa đào Nhật Tân chính gốc nở đỏ một góc trời cao nguyên. 

>> Tỷ phú Hà Thành trên cao nguyên

HOA ĐÀO NỞ GIỮA TRỜI NAM 

Người có công “ép” cây đào Nhật Tân nở hoa trên cao nguyên này là ông Chu Đức Lợi, năm nay 55 tuổi, một nghệ nhân thứ thiệt gốc Nhật Tân. Một buổi chiều, khi ánh chiều sắp khuất phía chân trời xa, tôi mới lò dò tìm đến nhà ông Lợi ở thôn Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban. Căn nhà vắng bóng người lớn, chỉ có mấy đứa nhỏ đang chơi đùa trước sân. “Đây có phải nhà chú Lợi không cháu?”. Cô bé có vẻ là chị trong nhóm nhanh nhảu: “Dạ đúng rồi chú. Bố cháu đang ở ngoài kia kìa”. Nhìn theo cánh tay nhỏ xíu của cô bé, chăm chú một lúc tôi mới nhìn thấy tít đằng xa bóng người đàn ông đội nón cối, áo xanh, đang thấp thoáng giữa những cây đào cao ngang đầu. 

Dựng vội chiếc xe trước sân, tôi len lỏi giữa hai hàng đào xanh mướt. “Đi từ từ thôi”, tiếng kêu to làm tôi giật mình chững lại mấy giây. Thì ra, ông Lợi thấy tôi đeo chiếc ba lô to tướng, lại “hùng hổ” bước giữa hai hàng cây đào nên ông lo tôi làm gãy những cành hoa xòe ra kín lối. “Những cành dài, xòe ra đó tôi đang dưỡng để uốn”, ông Lợi nói.  

Ông Lợi kể: “Tôi là một nông dân chính hiệu, gốc Nhật Tân. Gia đình tôi mấy đời trồng đào. Năm 1997, tôi vào Nam Ban thăm người anh ruột, thấy nhà có trồng mấy cây đào Nhật Tân do ổng mang từ quê vào chơi tết, chơi xong trồng xuống luôn. Tôi thấy cây rất khỏe, nhưng nhìn qua là tôi biết chưa bao giờ nó ra hoa, dù dù thời điểm đó không phải là tết. Bởi vì anh ruột tôi không làm nông, lúc trẻ đi học rồi thoát ly làm công chức, đâu biết chăm sóc đào. Lúc đó tôi nhận định là do chăm sóc không đúng cách thôi chứ khí hậu, thổ nhưỡng ở đây có thể trồng đào Nhật Tân được. Nghĩ thế nên tôi “ngứa nghề”, ở lại một thời gian để chăm mấy cây đào. Và ngay tết năm đó, mấy cây đào nhà anh tôi ở Nam Ban trổ bông!”. 

Năm đó, chứng kiến cây đào Nhật Tân trổ bông trên cao nguyên, không chỉ khách đi đường thích thú ngắm nhìn, ngay chính bản thân ông Lợi cũng vui như vừa làm được một việc quan trọng trong đời. Và, ý tưởng mang đào Nhật Tân vào Nam Ban trồng nhen nhóm trong ông từ đó. Năm 2000, ông Lợi quyết định rời Nhật Tân vào vùng cao nguyên lập nghiệp. Hành trang ông mang theo khi đó là mấy chục cây đào giống Nhật Tân. 

Đến nay, vườn đào của ông Lợi đã có 700 gốc, trồng trên diện tích 2 sào (2.000m2). Quan sát trong vườn, tôi thấy rất nhiều gốc đào “cổ thụ” nên ngạc nhiên hỏi: “Chú mới trồng đào ở đây được 10 năm, sao có những gốc to như vậy? Có phải mang từ Nhật Tân vào không?”. Ông Lợi cười lớn: “Đâu có, đó là những cây đào ăn trái, hay còn gọi là đào dại, tôi mua quanh vùng này. Những gốc to thế công đâu mà mang từ ngoài Bắc vào”. Những gốc này, sau khi mua về được ông Lợi trồng xuống, rồi ghép mầm đào Nhật Tân vào. Khi cây đào dại sùi nhựa từ chỗ ghép ra và “ôm” chặt mầm đào ghép, ông Lợi chặt bỏ phần thân cây dại để gốc tập trung sức nuôi mầm vừa ghép. Những cây này sau đó được tạo dáng với những tên gọi như: Ngũ Phúc, Thăng Long, Song Long, Tứ Quý… Mỗi gốc như vậy có giá từ 10 đến 30 triệu đồng.  

Chỉ vào một gốc đào to cỡ thân người lớn, xù xì, nhiều hang hốc xung quanh, có 5 nhánh sà từ trên xuống sát đất,  ông Lợi nói: Cây đào thế này có dáng “Ngũ Phúc”, gốc của nó là đào dại, ít nhất cũng 30 năm tuổi rồi. Tôi mua về trồng rồi ghép mầm đào bích vào. Bây giờ giá của cũng vài chục triệu rồi đấy”.  

MƠ MỘT LÀNG HOA ĐÀO TRÊN CAO NGUYÊN 

Do đã có mấy chục năm gắn bó với nghề, gia đình lại mấy đời chuyên trồng đào nên việc lai ghép cây đào dại với mầm đào bích là công việc ông đã quá quen. Đó là những bí quyết mà theo ông Lợi là “cha truyền con nối”. Hiện nay, vườn đào của ông Lợi cũng đã có đủ 3 loại đào là đào Bích, đào Liễu, đào Hồng, được lai ghép từ đào Nhật Tân với gốc cây đào bản xứ. “Mỗi loại có nét đẹp, đặc điểm riêng. Nhưng có cái hay là đào Nhật Tân trồng ở đây có màu đỏ thẫm, cánh dày và rất lâu tàn”, ông Lợi nói.  

Nhiều năm nay, mỗi khi xuân về, khu vườn nhà ông Lợi lại tấp nập người xe. Ông Lợi bảo, gốc đào rẻ nhất cũng vài trăm ngàn, còn những cây đào thế, hoa đẹp, có khi lên đến vài chục triệu. Ra giêng, những cây đào thế lại được người mua mang đến gửi tại vườn để ông chăm sóc. Tùy theo giá trị mỗi cây, tiền công chăm từ 500 ngàn/năm đến 5 triệu đồng/năm.  

“Nếu không muốn mua thẳng, khách có thể thuê cây để chơi trong mấy ngày tết rồi trả lại. Tùy cây, giá thuê cũng từ 2 đến 20 triệu đồng”. Tôi hỏi: “Vậy chỉ riêng tiền công chăm cây khách gửi và tiền thuê cây chú cũng kiếm bộn rồi”. Ông Lợi cười đáp: “Cũng… vài trăm triệu. Phải chịu thôi, chứ nếu không chăm đúng cách, đố ra hoa được”. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi năm ông Lợi cũng thu hơn tỷ đồng từ bán cây, cho thuê và công chăm cây.  

Ông Lợi đang ấp ủ ước mơ mở một làng hoa ở Nam Ban, vì theo ông, đất Bazan rất thích hợp cho cây đào phát triển. Trong cùng một khoảng thời gian, cây đào ở đây có thể lớn gấp 3 lần cây ở Hà Nội, và không cần phân bón nhiều.  

“Đất đỏ Bazan rất mát, cây lên rất nhanh. Như cây này, mới có một năm mà đã lên cỡ này, nếu ở ngoài bắc thì phải 3 năm mới được thế nay. Nhưng nếu không biết cách chăm sóc thì tết đến cây toàn lá, không có hoa hoặc hoa ra không đúng tết. Tôi muốn có một làng hoa ở đây. Khi đó, đích thân tôi sẽ đứng ra làm. Rất nhiều những bí quyết cha truyền con nối như chăm sóc, tỉa cành, ghép nhánh, hãm cây… dám chắc chỉ có tôi mới biết. Nhưng, vì cái chung, tôi sẵn sàng truyền lại”. 

Nói về mô hình đào Nhật Tân của ông Chu Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Ban Nguyễn Văn Đông, trăn trở: “Mô hình trồng đào của ông Lợi rất hiệu quả. Vì ở đây có đến gần 2/3 dân số là người Hà Nội, rất thích hoa đào. Nhưng hiện giờ chưa thể nhân rộng mô hình này ra vì đây là nghề cha truyền con nối, không phải ai cũng làm được. Sắp tới đây chúng tôi sẽ cùng bàn bạc với ông Lợi để tìm cách phát triển mô hình này”.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm