| Hotline: 0983.970.780

Cổ phần hóa hay phá!

Thứ Hai 20/05/2013 , 09:36 (GMT+7)

Trên 30 năm sản xuất kinh doanh liên tục có lãi, Cty Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên từng trở thành biểu tượng một thời của ngành thép Việt Nam vậy nhưng chỉ sau 2 năm cổ phần hóa công ty đã lỗ 102 tỉ đồng.

Trên 30 năm sản xuất kinh doanh liên tục có lãi, Cty Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên từng trở thành biểu tượng một thời của ngành thép Việt Nam vậy nhưng chỉ sau 2 năm cổ phần hóa công ty đã lỗ 102 tỉ đồng. Đến nay, hoạt động sản xuất gần như tê liệt, thiết bị, máy móc bị trộm cắp tháo dỡ bán với giá sắt vụn đẩy hàng trăm lao động lâm vào tình cảnh không có việc làm…

Liên miên "có biến"

Thất bại trong cổ phần hóa, Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên (đơn vị trực thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình. Tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên được thành lập năm 1973, chuyên sản xuất thép xây dựng với công nghệ khép kín từ sản xuất phôi đến sản phẩm cuối cùng là thép thanh (từ phi 10 - phi 25), do CHDC Đức thiết kế và lắp đặt, với công suất ban đầu 5 vạn tấn thép/năm; năm 1994, Nhà máy nâng công suất lên 10 vạn tấn/năm và liên tục làm ăn có lãi tới tận năm 2006, cuộc sống người lao động và các vấn đề an sinh xã hội luôn được đảm bảo.

Đến năm 2007, đơn vị được chọn thí điểm để cổ phần hóa với cơ cấu vốn ban đầu Nhà nước nắm giữ 39,66%, Cty CP Thương mại Thái Hưng góp vốn 20%, vốn của cá nhân ông Lê Xuân Hộ (cổ đông tự do) là 8%, còn lại là vốn của người lao động 32,34%.


Chiếc xe chở dàn con lăn và sắt thép chuyển ra khỏi Cty bị công an bắt hôm 12/4

Ngay lập tức, các mưu đồ tư lợi cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước trỗi dậy, dẫn đến gần 3 năm đầu hoạt động sản xuất, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ 102 tỷ đồng (chỉ riêng việc mua thép phế liệu với giá cao đã gây thất thoát lên tới 27 tỷ đồng). Xót ruột, một số cổ đông lớn của Cty và công nhân đã phải tiến hành đại hội cổ đông bất thường để miễn nhiệm toàn bộ hội đồng quản trị và ban điều hành cũ của doanh nghiệp, thành lập ra một hội đồng quản trị mới. Ban lãnh đạo khác được thành lập, chỉ trong vòng hơn 1 năm (30/6/2009 - 31/12/2010), Cty sản xuất, kinh doanh lãi 42 tỷ đồng, đời sống người lao động được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, mọi thành quả đạt được đã mau chóng bị dập tắt bởi sự chỉ đạo của lãnh đạo Cty Gang thép Thái Nguyên - theo đó đã tiến hành đại hội cổ đông bất thường một lần nữa: Xóa toàn bộ hội đồng quản trị và ban điều hành vừa mới thành lập đang mang hiệu quả cho Cty, để rồi lại lập ra một hội đồng quản trị, ban lãnh đạo mới?

Dưới sự điều hành của ban lãnh đạo “mới” mọi việc lại trở về như cũ. Hoạt động sản xuất của Cty lại xuất hiện những đơn hàng nhập nguyên liệu cao hơn giá thị trường… Liên tục 2 năm sau hoạt động của Cty lỗ tới 49 tỷ đồng và cho đến nay con số lỗ đã tăng lên đến 108 tỷ đồng (theo báo cáo của Hội đồng quản trị trình đại hội cổ đông thường niên 2013). Nguyên nhân chính được cổ đông đưa ra đó là yếu tố chủ quan của Hội đồng quản trị và ban điều hành. Họ đã mua phôi thép chất lượng thấp, dầu FO chất lượng xấu nhưng giá mua cao dẫn đến thu nhập bình quân của công nhân đang từ mức 5 triệu đồng/người/tháng, nay chỉ còn 1 triệu đồng/người/tháng, người lao động không được đóng BHXH, từ tháng 1/2012 đến nay, công nhân nghỉ không có việc làm, không thu nhập…

Phá bằng mọi giá

Do lỗ quá nhiều nên gần một năm nay hoạt động sản xuất của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên bị tê liệt. Ngân hàng ngừng cho vay, điện bị cắt, không cân đối được vốn để duy trì sản xuất, không việc làm cho công nhân. Thêm vào đó thiết bị nhà xưởng cứ dần không cánh mà bay… Toàn bộ thiết bị xưởng cán 340 và xưởng luyện thép công suất 7 vạn tấn/năm đã bị mất cắp hoàn toàn, một số thiết bị đã được tháo bán với giá rẻ như cho mà không tuân thủ theo một điều lệ nào của Cty. Lạ lùng thay, việc mất cắp thiết bị vận hành máy móc được lãnh đạo Cty cho thống kê và tính toán theo kiểu “giá sắt vụn” khiến không ít cổ đông và người lao động sửng sốt khi hay tin.

Theo đó, ngày 8/1/2013, công nhân của Cty đã phát hiện mất cắp tài sản, gồm các thiết bị cơ và điện máy cán 340 cùng toàn bộ các thanh cái bằng đồng của lò điện 3 và 4, dây dẫn điện bằng đồng. Theo các kỹ thuật viên lắp máy trong Cty (những người lắp đặt các thiết bị này trước đây) nhận định, những thiết bị mất cắp phải lên đến 9 tấn, hoàn toàn không thể tháo, vác một cách thủ công mà phải sử dụng các thợ kỹ thuật lành nghề, phải có công cụ hỗ trợ bằng xe cẩu để nâng hạ, tháo dỡ thiết bị, xe ô tô tải trọng lớn chuyên chở và vận chuyển thì mới ra khỏi Cty và phải mất từ 5 - 7 ngày.

Việc mất cắp thiết bị cơ và điện này đã làm tê liệt 2 phân xưởng không bao giờ có thể hoạt động sản xuất trở lại, con số thiệt hại ước tính sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 16/1/2013, ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Cty cùng đại diện các phòng, ban đã lập bảng tổng hợp tài sản bị mất trộm, nhưng tính giá trị thiết bị mất trộm chỉ là 6 tấn đồng phế liệu có giá trị trên 917 triệu đồng? Một lượng tài sản lớn có giá trị của Nhà nước, cổ đông, người lao động bị mất cắp nhưng ban lãnh đạo Cty cố tình đánh giá thấp giá trị tài sản từ thiết bị máy móc biến thành đồng phế liệu, thậm chí không trình báo với cơ quan công an để điều tra làm rõ. Việc làm này buộc một số cổ đông phải gửi đơn kiến nghị lên Hội đồng quản trị và ông Tổng giám đốc về việc tăng cường công tác quản lý tài sản Cty; đồng thời chuyển đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra.

Vụ việc mất cắp thiết bị trước chưa được làm rõ thì đến rạng sáng ngày 12/4/2013, Công an thành phố Thái Nguyên đã bắt quả tang một xe ô tô vận chuyển các thiết bị, sắt thép phế liệu qua cổng bảo vệ Cty để đi tiêu thụ (được biết chiếc xe tải này trước đó vẫn thường xuyên ra vào theo lệnh của một thành viên ban lãnh đạo Cty). Hiện công luận và trên 500 người lao động Cty đang rất mong vụ việc sớm được làm sáng tỏ, kẻ trộm cắp tài sản sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.