| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế trang trại, tắc từ đồng vốn

Thứ Ba 05/11/2013 , 10:09 (GMT+7)

Nhiều trang trại chăn nuôi ở Bắc Giang đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do gặp phải vướng mắc trong cơ chế chính sách. Chính vì điều này có không ít trang trại buộc phải co lại quy mô sản xuất hoặc cầu cứu chính quyền, ngân hàng.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở Bắc Giang đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trong việc duy trì và phát triển đàn vật nuôi do gặp phải vướng mắc trong cơ chế chính sách. Chính vì điều này có không ít trang trại buộc phải co cụm lại quy mô sản xuất hoặc cầu cứu lên cấp chính quyền và ngân hàng nhằm tìm ra lối thoát. Tuy nhiên lối thoát đó vẫn đang còn xa vời...

Đói vốn

Tân Yên là huyện có nhiều trang trại kinh tế được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 27B của Bộ NN-PTNT. Đến thời điểm này toàn huyện có 204 trang trại được cấp chứng nhận/398 trang trại toàn tỉnh. Nhìn chung các trang trại đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và mở rộng quy mô sản xuất.

Gần 2 năm qua, giá lợn thịt luôn rớt đáy nên người chăn nuôi ở đây không gượng dậy được. Để có thể duy trì được chuồng trại, nhiều chủ trang trại tính đến nước kết hợp với việc nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế vườn đồi. Một câu chuyện không bao giờ mới nhưng vẫn luôn đậm tính thời sự mỗi khi chúng tôi tiếp xúc với người chăn nuôi.

Đó là, không hiểu sao, giá thức ăn chăn nuôi càng ngày càng cao, trong khi giá đầu ra của sản phẩm thì cứ xuống thấp? Câu hỏi đó cứ đặt ra mà chưa một lời giải nào thỏa đáng cho người chăn nuôi ấm lòng.

Không chỉ bí đầu ra sản phẩm, người chăn nuôi còn bị tắc bởi đồng vốn mỗi khi có nhu cầu vay. Với doanh thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm, chủ trang trại Nguyễn Văn Minh (thôn Đồng Mai, xã An Dương, huyện Tân Yên) tự nhận mình là khách hàng chung thủy với Ngân hàng NN-PTNT trong nhiều năm qua. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để người chăn nuôi có được nguồn vốn khá hơn nhằm mạnh dạn đầu tư.


Ba khu chuồng trại chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Hoàn ở thôn Đụn 2, xã An Dương đã xây dựng khang trang đang chờ vốn ngân hàng để mua con giống

Ông Minh chỉ ra những bất cập trong việc tiếp cận đồng vốn ở ngân hàng mà theo ông đáng ra không nên có sự cứng nhắc trong các điều kiện vay. Ông nói: “Tiềm lực của người dân chỉ có đất và nhà ở, một ít đất làm chuồng trại và một ít vốn để xây dựng chuồng trại. Còn lại vốn đầu tư cho con giống, thức ăn thì nhất thiết phải trông chờ vào ngân hàng.

Tuy nhiên, thực tế việc định giá tài sản thế chấp của ngân hàng đối với tài sản của người chăn nuôi là quá thấp. Không chỉ có định giá tài sản quá thấp mà suất cho vay cũng chỉ ở mức 50 - 75% trong tổng giá trị được định giá đó. Ngoài ra, người chăn nuôi không được thế chấp tài sản lưu động, trong khi đây mới là tài sản lớn của người chăn nuôi”.

Đồng quan điểm với ông Minh, nhiều chủ trang trại ở Tân Yên cũng cho rằng, việc định giá tài sản thế chấp hiện nay của ngân hàng là còn thấp và nhiều bất cập. Chính vì điều này, người chăn nuôi luôn rơi vào tình trạng đói vốn để duy trì sản xuất. Chủ trang trại Nguyễn Văn Minh dẫn chứng: “Chẳng hạn để nuôi 10 con lợn nái, riêng giống mất 150 triệu đồng. Phía ngân hàng thẩm định tài sản cố định chỉ có thể cho gia đình vay trong khoảng 50 - 70 triệu đồng. 

Tiếp tục, để đáp ứng cho một chu kỳ sinh sản của 10 con lợn nái đến khi xuất chuồng lứa lợn thịt đầu tiên đòi hỏi phải có khoảng 400 triệu đồng tiền mua thức ăn (chưa kể tiền phòng trừ dịch bệnh - PV). Số tiền đó tôi dự tính cho lứa đẻ đầu tiên của 10 nái là 100 con lợn và bình quân mỗi con sẽ ăn hết 4 triệu đồng tiền cám”.

Như vậy, dẫn chứng của ông Minh cho thấy số tiền hơn 400 triệu đồng buộc người chăn nuôi phải tự xoay xở thôi chứ không thể trông mong ngân hàng. Đây cũng chính là điều người chăn nuôi gặp khó mỗi khi lợn đến kỳ ăn mạnh.

Theo ông Minh, nếu hộ chăn nuôi đảm bảo điều kiện về chuồng trại và mạnh dạn đầu tư nuôi đến 10 con lợn nái thì phía ngân hàng cần cho họ vay với mức 300 triệu đồng mới là hợp lý. Còn nếu chỉ căn cứ vào định giá tài sản cố định người chăn nuôi luôn rơi vào tình trạng đói vốn sản xuất.

Cũng với câu chuyện này, chủ trang trại Ngô Xuân Lương (thôn Tân Châu, xã Ngọc Châu) cho rằng, người chăn nuôi ở ta khó khăn lớn nhất chính là đồng vốn. Ngay từ khi lập kế hoạch chăn nuôi, được ngân hàng định giá cho thế chấp vay nhưng không được vay với mức đảm bảo cho một chu kỳ nuôi.

Chính vì thế, sau khi xuất chuồng một lứa lợn, không tính đến lỗ hay hòa vốn mà cứ cho là có lãi thì số tiền lãi đó cũng không đáng kể. Số tiền không đáng kể đó liệu có đảm bảo để cho người chăn nuôi tái đầu tư không hay lại làm một lần thủ tục vay vốn tiếp để chăn nuôi như quy trình vay vốn lần đầu? Cách làm này vừa mất thời gian, tốn kém và gây tâm lý mệt mỏi cho người chăn nuôi.

Chúng tôi tìm đến trang trại được đánh giá quy mô nhất hiện nay ở huyện Tân Yên. Đó là trang trại của vợ chồng anh Thân Văn Thành và chị Nguyễn Thị Hoàn (thôn Đụn 2, xã An Dương). Nhắc đến trang trại của vợ chồng anh Thành, nhiều người ngưỡng mộ về sự chịu khó và dám làm để khuất phục đồi hoang, cải tạo ruộng trũng, đánh đổ đói nghèo vươn lên giàu có. Song cái giàu có như đánh giá của mọi người, theo chị Hoàn thì nó chưa thực sự bền vững.

Anh Thành không có nhà. Chị Hoàn cho biết cả tháng nay anh ấy không mấy khi ở nhà mà chạy vạy khắp nơi để lo đồng vốn cho lứa lợn hối thúc sắp phải xuất chuồng. Thêm vào đó là số tiền vừa đầu tư xây mới 3 chuồng đang vay nợ nóng bên ngoài chưa có để trả.


Chủ trang trại Nguyễn Văn Minh ở thôn Đồng Mai, xã An Dương cho rằng, việc định giá tài sản thế chấp của ngân hàng đối với tài sản của người chăn nuôi là quá thấp

Chị Hoàn bộc bạch: “Đâm lao phải theo lao thôi, không còn cách nào khác. Trước lúc đầu tư xây thêm 3 chuồng, chúng tôi có nhận được lời hứa của cán bộ tín dụng nói là sẽ cho gia đình vay thêm vốn nhưng nay chuồng trại đã xây dựng khang trang đạt tiêu chuẩn chăn nuôi tập trung quy mô lớn rồi vẫn chưa được phía ngân hàng giải ngân”.

Chị Hoàn dẫn tôi đi xem khuôn viên trang trại. Đúng là, nếu nhìn vào tổng tài sản cố định và cả lưu động của gia đình chị hiện nay thì khá lớn. Riêng quy mô chuồng trại đã được đầu tư với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Từ năm 2004, vợ chồng chị Hoàn vay mượn anh em bạn bè để đầu tư cho chăn nuôi trên chính mảnh đất của gia đình.

Sau vài năm thấy có hiệu quả, anh chị mạnh dạn mở rộng quy mô bằng cách thuê lại đất của người dân và địa phương để có diện tích 13 ha, trong đó có 3 ha nuôi trồng thủy sản. Riêng nuôi trồng thủy sản thì có hiệu quả rõ rệt. Còn chăn nuôi lợn vài năm gần đây khó khăn.

Thời gian đầu gia đình chị nuôi 40 lợn nái và hàng trăm con lợn thịt xuất chuồng mỗi lứa. Đến 2012 chuyển sang nuôi 4 vạn con gà. Sau 2 lứa gà mất toi 4 tỷ đồng do giá bán rớt thê thảm. Sang năm 2013 này, anh chị không nuôi gà và lợn nái nữa mà tập trung cho 3.000 con lợn thịt. “Chúng tôi cũng đã thành công nhiều trong chăn nuôi nhưng xem ra thất bại không phải ít” - chị Hoàn thành thật.

Nguyện vọng lớn nhất của vợ chồng chị Hoàn cũng như hàng trăm chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Tân Yên là mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay với mức ưu đãi nhất trong điều kiện thông thoáng để họ có sức bật cho đầu tư sản xuất. Chứ với quy định như hiện nay, đôi khi cộng với sự hoạnh họe của cán bộ tín dụng nữa người chăn nuôi khó mà thành ông chủ lớn.

Theo phản ánh của các chủ trang trại thì để có được đồng vốn vay từ ngân hàng họ thường mất quá nhiều thời gian để được thẩm định, giải ngân vốn. Không chỉ vậy, mỗi lần tiếp xúc với cán bộ tín dụng, kể cả lãnh đạo chi nhánh lại phải lót tay...

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm