| Hotline: 0983.970.780

Phó Giám đốc nấu cơm quét nhà, cán bộ kéo nhau đi phụ hồ làm thuê

Thứ Tư 20/11/2013 , 09:49 (GMT+7)

Nhiều người ví von rằng cuộc sống ở các nông lâm trường đang ở thời điểm “bắc nước chờ gạo”. Nghe đã thảm. Nhưng thực tế nhiều nơi còn bi đát hơn...

Nhiều người ví von rằng cuộc sống ở các nông lâm trường đang ở thời điểm “bắc nước chờ gạo”. Nghe đã thảm. Nhưng thực tế nhiều nơi còn bi đát hơn...

>> Rạng Đông có ló rạng?
>> Lay lắt số phận nông lâm trường

Bị ép làm giám đốc, vay tiền nộp bảo hiểm

Tiền thân của Cty chè Sông Cầu là Nông trường chè Sông Cầu. Một thời, chè Sông Cầu là niềm tự hào, là nồi cơm của người dân huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên). Người ta tung hô vùng chè trung du này lên tít trời mây. Nhất là thời điểm chè Sông Cầu có mấy hợp đồng xuất khẩu giá trị tính bằng đô la.

Thậm chí Tổng công ty chè Việt Nam một hai kéo về trực thuộc cho bằng được rồi phong cho cái danh đơn vị mạnh của ngành chè. Ấy vậy mà bây giờ “đơn vị mạnh” ấy không có tiền để trả lương cho công nhân, sản xuất kinh doanh theo phương châm “bắc nước chờ gạo”, nông dân bán cho tý nào thì thu mua tý đấy, không đành chịu.

Thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về sắp xếp đổi mới nông lâm trường, Sông Cầu cũng đổi tên từ nông trường thành công ty nhưng bình mới rượu cũ, thực trạng ngày càng bi đát.

Tôi đến trụ sở của Cty chè sông Cầu vào ngày thứ hai, ngày đi làm duy nhất trong tuần của toàn thể cán bộ, công nhân viên theo quy định của công ty này. Lịch làm việc có phần không giống ai ấy đã hình thành độ hơn một năm nay.


Trụ sở vắng hoe của Cty chè Sông Cầu

Trụ sở vắng hoe vắng hoắt, gian hàng trưng bày sản phẩm gồm mấy chiếc tủ kính nằm chỏng chơ, phủ bụi, tịnh không có lấy một gói chè nào. Cả công ty chỉ có mỗi ông Phó Giám đốc, bà Chủ tịch công đoàn và ông bảo vệ đi làm. Đìu hiu, lay lắt như số phận của một “đơn vị mạnh” đang giãy chết.

Phó Giám đốc Cty chè Sông Cầu Nguyễn Văn Bốn, người gắn bó lâu nhất với đơn vị này nhàn rỗi đến mức tự ví mình như người thất nghiệp: Không có tiền, không có nguyên liệu, không sản xuất được. Anh em kéo nhau đi làm ngoài kiếm sống hết rồi.

Như tôi đây này, mỗi tuần lên cơ quan một ngày, già rồi, không theo anh em đi làm thuê được nữa nên đành về nhà quét dọn, nấu cơm, chăn gà cho vợ đi dạy học. Sống bám vào đồng lương giáo viên của vợ chứ 3 - 4 tháng nay công ty không có đồng nào.

Vừa rồi giám đốc cũ của Cty chè Sông Cầu là ông Nguyễn Quốc Khánh chuyển công tác, bỏ lại chức danh cao nhất của đơn vị này nhưng chẳng ai chịu làm. Bầu bán không xong, cuối cùng tập thể đành thống nhất ép ông Đào Văn Mẫn, kế toán trưởng lâu năm lên thay. Hôm tôi đến, ông Mẫn đang đi ô tô vào Tây Nguyên học tập mô hình làm kinh tế. Ông đang tập làm lãnh đạo ở tuổi sắp nghỉ hưu.

Nông trường chè Sông Cầu thành lập từ năm 1962. Có thời điểm chè Sông Cầu quản lý hơn 2.000 ha đất quy hoạch nông lâm trường, thu hút hơn 1.800 lao động từ miền xuôi lên khai hoang làm kinh tế mới tại các xã Hóa Thượng, Hóa Trung, Minh Lập, Quang Sơn, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Thời hoàng kim ấy đã qua từ lâu lắm, bây giờ vỏn vẹn còn lại có 170 người. Trong số đó, 70 thuộc diện giao khoán, 100 còn lại là các đội sản xuất và phòng ban hành chính trong công ty. Không có vốn đầu tư sản xuất nên đất đai hoang hóa chiếm phần nhiều, dân vào dựng nhà, lập trại, trồng cây lúc nào công ty cũng không hay biết.

Mà biết cũng chẳng để làm gì? Biết thì cũng để hoang chứ tiền đâu mà đầu tư sản xuất? Từ chỗ đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh, bây giờ chè Sông Cầu bị động hoàn toàn về nguyên liệu. Như vụ chè năm vừa rồi, kế hoạch từ đầu năm đề ra rõ rành rành là phải thu mua bằng được 800 tấn.


Phó Giám đốc Nguyễn Văn Bốn

Toàn thể công ty xác định, không mua đủ số chè ấy thì cũng chẳng có lương vì không hạch toán nổi lỗ lãi. Huy động hết nhân lực thu gom, kể cả chấp nhận mua chè cành về sao chế nhưng tất tần tật cũng chỉ có tầm 200 tấn.

Kết quả ra sao thì rõ. Công nhân không có việc, công ty không có tiền. Mặc dù được nhà nước đầu tư dây chuyền sản xuất chè đen công suất 18 tấn/ngày để xuất khẩu đi Liên Xô, sau đó còn được bổ sung dây chuyền sản xuất chè xanh phục vụ thị trường Nhật Bản.

Nhưng thời điểm này cả hai dây chuyền sản xuất của chè Sông Cầu gần như đắp chiếu do thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều bận, cán bộ công ty đến tận nhà dân hỏi mua chè thì bị đuổi như đuổi tà. Giá công ty thấp hơn ngoài chợ, ai dại gì bán cho.

“Theo thời giá, cứ 5 kg chè tươi (1 kg giá 5 ngàn đồng) thì sấy được một cân chè khô. Cộng thêm 14 ngàn tiền chi phí chế biến nữa là 39 ngàn. Giá chè bán ra cũng chỉ có 39 ngàn, chỉ đủ tiền công, còn tiền lương từ trước đến nay vẫn được tính theo lũy kế của sản lượng sản xuất kinh doanh. Trích 5% từ doanh thu bán hàng để trả lương cho anh em.

Ví dụ một năm được 800 tấn thì mới có dôi dư, còn giảm chừng nào chết chừng đó. Như thực trạng hiện nay hầu hết công nhân phải đi vay tiền để nộp bảo hiểm chứ lương không có. Phía công ty, 200 tấn chè, chỉ bán được có 100, nợ nần tùm lum hết cả”, ông Bốn chán ngán.

Chết cũng không chôn được!

Nguyên nhân chính khiến chè Sông Cầu ngắc ngoải là do thiếu vùng nguyên liệu, người dân quay lưng lại với công ty. Nhưng có một nghịch lý là trong khi ở nhiều địa phương khác, các đơn vị nông lâm trường đang cố giữ đất để làm tư liệu sản xuất thì Cty chè Sông Cầu lại nằng nặc xin UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi sớm chừng nào hay chừng đó.

Trong một biên bản vừa lập hồi tháng 6 vừa rồi, có đại diện của Tổng Công ty Chè Việt Nam, đại diện Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên và Cty chè Sông Cầu, thật khó tin nổi là diện tích đất mà công ty này xin giữ lại để sản xuất kinh doanh chỉ vỏn vẹn có 2,46 ha. Chủ yếu là trụ sở và nhà xưởng. Còn lại 1.947,51 ha đã trả lại toàn bộ cho địa phương làm thủ tục giao cho người dân sản xuất. Kể cả diện tích tầm 400 ha đã đầu tư sản xuất từ hơn 50 năm nay chè Sông Cầu cũng không giữ nổi do tiền đầu tư chẳng còn lấy một đồng.

“Tiếng là trả thế thôi chứ thực ra từ trước đến nay Cty chè Sông Cầu chỉ quản lý hờ. Hầu hết diện tích đất đã thuộc về người dân từ lâu lắm rồi. Một dạo cũng kiện cáo nhau tùm lum cuối cùng giải quyết không đâu vào đâu cả. Đất quy hoạch là của nông trường chè, nhưng đất nhiều mà không có vốn để đầu tư sản xuất thì giữ làm gì? Thôi thì trả ra cho dân làm rồi tính bài mua lại sản phẩm của họ. Chết là chết ở chỗ chè sát một bên hàng rào công ty mà người dân lại bán cho cánh thương lái từ bên Tuyên Quang sang vì mình không cạnh tranh nổi với giá cả thị trường”, ông Bốn phân tích.

Thì ra, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của chè Sông Cầu là do họ thuộc 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam. Từ trước đến nay, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh đều theo kiểu vay mượn theo mùa vụ. Bản thân Tổng Công ty Chè Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh “mẹ yếu hơn con”, hiện đang phải nợ tiền chè của Sông Cầu nhưng chưa có trả.

Đất đai trả hết, người dân tự sản xuất, vậy hàng trăm con người ở Cty chè Sông Cầu tồn tại với vai trò gì? Ông Bốn hơi ngấp ngứ khi đề cập đến vấn đề nan giải này. “Trên danh nghĩa thì vẫn là sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu cứ theo đà này không ổn. Phải cổ phần hóa hoặc giải thể? Cty chè Sông Cầu chỉ có hai lựa chọn ấy mà thôi. Nhưng “trở đi mắc núi trở về mắc sông”, cách nào cũng khó. Cổ phần thì không xác định được giá trị đất, giải thể lại càng rối rắm vì cần lộ trình dài. Kiểu như chết nhưng không chôn được”.

Cách khả thi nhất là cổ phần hóa để thực hiện liên kết bốn nhà theo Nghị quyết 80, nhưng muốn như thế phải có điều kiện là tiền. Phải có tiền mới thu hút được người dân liên kết sản xuất, bán chè nguyên liệu cho công ty. Khổ nỗi, tiền lại là yếu tố chưa bao giờ thuận lợi ở Sông Cầu.

Trước thực trạng thê thảm của chè Sông Cầu hiện tại, hầu hết cán bộ công nhân viên đều muốn về hưu sớm. Ngay bản thân ông Bốn, Phó Giám đốc hẳn hoi, nhưng lương chưa bao giờ nhận đủ. Ông bảo: Bây giờ có ai thay là sẵn sàng nghỉ ngay cho khỏe.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm