| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị lúa gạo VN: Bài toán chưa ai giải

Thứ Sáu 07/05/2010 , 10:01 (GMT+7)

Giá gạo VN luôn thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan từ 40 – 100 USD/T. Nguyên nhân khiến cho gạo Việt Nam bị thua thiệt là bởi… chất lượng kém.

Rồi đây vựa lúa sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề về nước biển dâng

TẠI SAO GẠO VN CHỈ BÁN ĐƯỢC VỚI GIÁ THẤP

Giá gạo VN luôn thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan từ 40 – 100 USD/T. Nguyên nhân khiến cho gạo Việt Nam bị thua thiệt bởi… chất lượng kém.

Tiêu chuẩn của gạo trắng Việt Nam hiện nay được xác định bởi hình thức, trong đó tỷ lệ tấm là số 1. Khi chế biến họ để riêng gạo nguyên và tấm, trước lúc đóng bao xuất khẩu mới trộn tấm vào gạo theo định lượng, gạo 5% thì trộn 5% tấm, gạo 10% thì trộn 10% tấm. Các tiêu chí khác như độ dài hạt gạo, tỷ lệ bạc bụng cũng được đề cập đến nhưng là thứ yếu; Các tiêu chuẩn xác định chất lượng như hàm lượng Amylose, độ dài thể gen… không được đề cập đến. Với một “đầu ra” như vậy thì việc lẫn 3-5 giống lúa trong một bao gạo là bình thường và vì vậy chỉ bán được ở phân khúc thị trường cấp thấp, mà đối tượng sử dụng là “an ninh lương thực” với giá rẻ.

Việt Nam còn có một đặc biệt khác là tuy là nước số 2 về xuất khẩu gạo nhưng lại không hề có một thương hiệu gạo nào. Pakistan có Basmati, Thái Lan có Khaodawkmali, Nhật Bản có Japonica… Ở các nước có thương hiệu gạo không phải 100% gạo của họ là ngon, là tốt mà số gạo ngon của họ cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, nhưng nhờ thương hiệu đó mà gạo chất lượng trung bình của họ cũng bán được với giá cao hơn.

Thương hiệu cho gạo Việt được xác định là một trong các biện pháp nâng cao giá trị gạo VN, nhưng muốn làm được thương hiệu thì buộc phải có đặc sản, chứ không phải là loại gạo trắng, gạo xô mà các công ty lương thực VN đã và đang bán hơn 20 năm nay.

Trên cả 3 phương diện lý thuyết sinh học, lý thuyết kinh tế và thực tiễn sản xuất, khẳng định rằng gạo đặc sản không thể có được với giống lúa mà TGST chỉ trên dưới 100 ngày, không thể có ở chân đất trồng lúa 3 vụ/năm. Một số đặc sản như nàng thơm chợ Đào, nàng nhen, nàng đùm… thì diện tích quá bé không đủ thành hàng hóa. Duy chỉ có dải đất “tôm lúa” ven biển khoảng 100.000 ha từ Long An tới Kiên Giang. Nếu chỉ đạo tốt, dải đất này chỉ trồng 1-2 giống lúa thì việc 5-7 năm nữa VN sẽ có được thương hiệu gạo, nhưng đáng tiếc đây lại đang là mảnh đất màu mỡ của lúa lai.

TẠI SAO CÁC CÔNG TY XK GẠO DỬNG DƯNG VỚI THƯƠNG HIỆU?

Tại một cuộc họp triển khai sản xuất lúa ở các tỉnh ĐBSCL do Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Trương Thanh Phong, TGĐ Tổng công ty Lương thực Miền Nam cho biết – Nghe tin Sóc Trăng có gạo ST5 ngon, chúng tôi cử người xuống mua nhưng số lượng quá ít nên không thể tổ chức thu mua, chế biến thành hàng xuất khẩu.

Thuận và tiện, lợi và khỏe bao nhiêu khi chỉ việc hái quả đã chín trên cành mà chẳng phải chăm chút trồng cây nên mặc dù mỗi năm xuất khẩu 4-5 triệu T gạo, thu về lợi nhuận hàng trăm, hàng nghìn tỷ nhưng chưa có một công ty xuất khẩu gạo nào có được vùng nguyên liệu, chưa có một công ty nào làm được vai trò “bà đỡ” cho một giống mới, một thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Quy trình xuất khẩu gạo của các công ty phần lớn được tóm lược như sau: Ký hợp đồng bán, ra giá mua, vay tiền ngân hàng ứng cho các “vệ tinh” để họ thu mua, chế biến, hẹn ngày chở ra cảng xuất khẩu. Mối quan tâm của họ với người trồng lúa cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ tham gia phong trào tặng nhà tình thương, tình nghĩa, nuôi dưỡng bà mẹ VN anh hùng, ủng hộ chút đỉnh nhân ngày lễ lạt...

Cả nước VN này duy chỉ có một công ty làm tốt được vùng nguyên liệu và 2 công ty bắt đầu nhen nhóm, đó là AgiKitoku (Nhật Bản), tổ chức sản xuất, thu mua lúa Nhật ở An Giang, Kiên Giang, còn 2 công ty còn lại là Cty ADC “bà đỡ” cho lúa GlobalGAP Mỹ Thành (Cai Lậy, Tiền Giang), muộn hơn là công ty Gạo Việt (Gentraco) đang làm “bà đỡ” cho lúa ST5 ở Hòa Lời, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.

Xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu là công việc khó nhưng không phải không làm được. Từ Nhật Bản xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa, tập quán khác nhau mà còn làm được, 2 công ty cổ phần nhỏ bé cả trí lẫn lực còn làm được huống chi các công ty xuất khẩu gạo to đùng.

CẦN HẠN CHẾ GIỐNG LÚA

Việt Nam (có lẽ) là nước dẫn đầu trên toàn thế giới về số lượng giống lúa. Thống kê trong 10 năm, trên đồng ruộng ĐBSCL có tới 230 giống. Thống kê trong 1 năm có tới 128 giống hiện diện. Có người nói số lượng giống chứng tỏ trình độ cao của các nhà tạo giống. Nhiều giống đã tạo nên sự đa dạng sinh học khiến cho rầy lớn, rầy nhỏ và cả virus VL, LXL không thể bộc phát trên diện rộng. Tuy nhiên quá nhiều giống lại là một trở ngại đáng kể trong nỗ lực nâng cao chất lượng gạo VN.

Giống lúa đã rất nhiều, mỗi năm lại được công nhận thêm hàng chục giống mới. Thế nhưng sự ào ạt về giống đã không làm nên sự đổi mới trong bức tranh lúa gạo bởi các giống cứ na ná nhau mà không có sự đột phá nào đáng kể.

Lỗi quá nhiều giống không phải ở các nhà lai tạo giống mà ở cơ chế quản lý khoa học, mỗi khi đã đăng ký đề tài, đã được chấp thuận, đã xài tiền của nhà nước thì tất nhiên… phải có giống mới. Chân lý nghiên cứu khoa học 10 mới được 1 (tính bình quân) hình như không được các nhà quản lý tiền bạc biết đến.

Việc các cơ quan nghiên cứu khoa học về lúa không có trại thực nghiệm, không có kinh phí thực nghiệm của riêng mình mà phải nhờ dân làm thực nghiệm cũng là một lỗ hổng để “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Gần như 100% giống mới được công nhận đều đã được dân chúng sử dụng trước đó vài ba vụ.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.