| Hotline: 0983.970.780

Một yến nhãn, mới được cân thịt lợn

Thứ Tư 24/08/2011 , 08:48 (GMT+7)

Trong khi các loại trái cây ở miền Nam đang rớt giá thê thảm thì ở miền Bắc, vựa nhãn Hưng Yên cũng đang khởi động vào vụ thu hoạch chính. Mặc dù nhãn năm nay được mùa gấp đôi năm 2010, nhưng nông dân thì không vì thế mà vui, bởi mới đầu mùa mà nhãn đã rẻ ê hề.

Trong khi các loại trái cây ở miền Nam đang rớt giá thê thảm thì ở miền Bắc, vựa nhãn Hưng Yên cũng đang khởi động vào vụ thu hoạch chính. Mặc dù nhãn năm nay được mùa gấp đôi năm 2010, nhưng nông dân thì không vì thế mà vui, bởi mới đầu mùa mà nhãn đã rẻ ê hề. 

Dọc theo QL 39 qua TP Hưng Yên về vựa nhãn lớn nhất tỉnh Hưng Yên tại khu vực xã Nam Hồng (TP Hưng Yên) thời điểm này, nhìn đâu cũng rợp những vườn nhãn quả trĩu trịt. Hiếm có năm nào, nhãn Hưng Yên lại được mùa như năm nay. Các giống nhãn chất lượng cao như nhãn cùi, nhãn đường phèn quả mọng, da trơn, to đều, mẫu mã có thể nói là đẹp chưa từng thấy. Mấy năm nay, vùng nhãn Nam Hồng gần như đã chuyển 100% đất nông nghiệp sang trồng nhãn, với tổng diện tích gần 400 hecta. Tại đây cũng đã thành lập HTX nhãn Nam Hồng gồm 40 hộ xã viên, tổng diện tích nhãn hơn 50 mẫu, trong đó 100% là các giống nhãn chất lượng cao.  

Ông Đặng Văn Xây, Phó Chủ nhiệm phụ trách thị trường của HTX Nam Hồng ước tính, không chỉ nhãn của HTX, cả vựa nhãn Hưng Yên năm nay đều được mùa to. Riêng sản lượng nhãn của HTX Nam Hồng ước tính sẽ đạt 300 tấn, tăng gấp đôi năm 2010. Sở NN-PTNT Hưng Yên cũng cho biết, diện tích nhãn của Hưng Yên vụ này vẫn duy trì ở mức 3.000 hecta, trong đó diện tích nhãn cùi, nhãn đường phèn chất lượng cao chiếm 60-70%, tập trung phần lớn tại các vùng nhãn truyền thống như TP Hưng Yên, Tiên Lữ, Ân Thi… Ước tính, sản lượng nhãn toàn tỉnh năm nay sẽ lên đến trên 40 nghìn tấn, tăng gấp đôi so với năm 2010 và tương đương với năm 2008 – năm được mùa nhãn lịch sử của vùng nhãn Hưng Yên với khoảng 20 nghìn tấn. 

Nhãn trúng mùa đậm, nhưng dân Hưng Yên buồn rười rượi vì quá rẻ

Nhãn được mùa, nhưng nông dân thì vẫn buồn rười rượi. Dẫn tôi ra vườn nhãn rộng 5 sào với hơn 50 gốc nhãn 5- 6 năm tuổi đang thời kỳ cho quả sung sức, ông Nguyễn Thế Việt, một nhà vườn tại thôn Vông, xã Nam Hồng (TP Hưng Yên) miệng cười mà mặt méo xệch cho biết: Năm ngoái không phải là quá mất mùa nhưng vườn nhãn nhà tôi chỉ cho khoảng 1,5 tấn quả. Còn năm nay thì chắc phải được 3 tấn. Mỗi tội, mới đầu mùa mà không hiểu sao giá đã rẻ ê chề. Loại nhãn đẹp, dùng làm quà giai đoạn đầu mùa năm ngoái giá 30 - 35.000đ/kg, thương lái đến tận vườn tranh nhau đặt cọc tiền trước cả tuần. Còn năm nay, mặc dù phải còn một tuần nữa trà thu hoạch chính mới bắt đầu, mà giá nhãn loại đẹp cũng chỉ được 14 – 15.000đ/kg. Cá biệt mới có loại bán được giá 18.000đ/kg, nhưng chủ buôn cũng chê ỏng chê eo. 

 “Mấy năm nay xã này chuyển hết đất lúa sang trồng nhãn, nên cả nhà tôi quanh năm chỉ trông vào mỗi một vụ nhãn. Năm ngoái, bình quân cả vụ giá nhãn lên tới gần 30.000đ/kg, tổng thu vườn nhãn gia đình còn được 20 triệu đồng. Chứ năm nay, nhãn đẹp mới đầu mùa mà chỉ có 14 – 15.000đ/kg, khoảng 1 tuần nữa vào thu hoạch rộ thì không chừng giá còn xuống 10 – 11.000 đ/kg. Vì được mùa nên nếu quy ra tổng thu thì xem như bằng năm ngoái đấy! Nhưng anh tính, một cân nhãn năm ngoái còn mua được gần một cân thịt lợn, chứ năm nay thì không khéo cả yến nhãn mới đổi được cân thịt chứ chẳng chơi” – ông Việt lắc đầu ngao ngán.  

Loại nhãn đẹp nhất tại chợ nhãn Bảo Châu chỉ 14 – 15 nghìn đồng/kg – chỉ bằng ½ năm ngoái

Bơ vơ như bán… đặc sản 

Cái tên nhãn lồng Hưng Yên lâu nay vẫn được xem như là một món quà đặc sản của miền Bắc, thế nhưng cũng như câu chuyện của quả vải thiều, điệp khúc được mùa, rớt giá cứ lặp đi lặp lại, mãi mà không gỡ ra nổi. Và con đường tiêu thụ của quả nhãn lồng đặc sản, đến nay vẫn vật vã, bơ vơ đến tội nghiệp. 

Cho đến mùa nhãn năm nay, gần như  99% sản lượng nhãn ở Hưng Yên đều được bán qua tay thương lái kiểu “hàng chợ”. Cả vựa nhãn Hưng Yên hiện chỉ mỗi một HTX nhãn Nam Hồng (TP Hưng Yên) là có khâu tổ chức từ SX, giám sát chất lượng sản phẩm và tiêu thụ khá bài bản qua hệ thống siêu thị, cửa hàng rau quả cố định. Tuy nhiên, việc tìm đường đi cho quả nhãn ở HTX này đang gần như bấn loạn.  

Đứng trước một mùa nhãn được mùa, ông Đặng Văn Xây, Phó Chủ nhiệm phụ trách thị trường của HTX  nhãn Nam Hồng lo âu cho biết: Mặc dù thành lập từ năm 2007 với sự trợ giúp của nhiều chương trình xúc tiến thương mại của UBND tỉnh và các tổ chức nước ngoài, tuy nhiên đến nay, việc tìm đường tiêu thụ cho nhãn của HTX cũng đang bế tắc. Đến năm 2010, HTX cũng chỉ mới ký được một vài hợp đồng cung cấp nhãn cho một số siêu thị và cửa hàng thực phẩm, rau quả ở Hà Nội, chỉ mang tính giới thiệu sản phẩm là chính. Còn từ đầu vụ nhãn năm nay, HTX mới ký được 8 hợp đồng  tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ qua kênh siêu thị và cửa hàng rau quả ở các thành phố rất chậm, nếu cố gắng thì năm nay chỉ được khoảng 10 tấn là cùng. Số lượng này chẳng thấm tháp vào đâu so với sản lượng hàng nghìn tấn nhãn chỉ riêng ở xã Nam Hồng. Vì thế, mặc dù mang tiếng là thành lập HTX, nhưng đến nay hầu hết xã viên vẫn phải bán sản phẩm cho các thương lái tứ xứ.

Tại chợ nhãn Bảo Châu (Phố Hiến, TP Hưng Yên) thời điểm này, mỗi ngày đã có 5 – 10 xe ô tô khắp miền Bắc đổ về đây chờ mua nhãn, nhưng không khí mua bán khá trầm lắng. Bà Vũ Thị Thơm, một chủ đại lý chuyên thu gom nhãn tại chợ nhãn Bảo Châu dự đoán, khoảng một tuần nữa, khi nhãn chính vụ thu hoạch đại trà, khả năng giá nhãn quà tụt xuống mức 10 – 12.000đ/kg là chắc chắn. Năm ngoái, loại nhãn nước, nhãn thóc dùng xoáy long nhãn lúc cao điểm còn lên tới 22 – 25.000 đ/kg, chứ năm nay mới đầu mùa nhưng thương lái cũng chỉ dám mua giá 7 – 8.000 đ/kg, bởi thị trường long nhãn cũng đang tụt giá. 

Cũng như nhãn tươi, long nhãn sấy khô năm 2010 lên tới 200 nghìn đồng/kg, nay tụt xuống 140 – 150 nghìn đồng/kg. Giá long nhãn hạ, khiến loại nhãn thóc, nhãn nước (loại nhãn quả bé, hạt to, cùi mỏng, chỉ dùng làm long) cũng rẻ như cho.

Một chủ vườn nhãn nhễ nhại mồ hôi thồ một xe nhãn nước từ Bình Lục (Hà Nam) sang TP Hưng Yên bán dạo cho các lò sấy long nhãn than thở: “Đầu vụ, lúc nhãn mới ra quả tôi đã liều đặt cọc một vườn nhãn nước 20 gốc của một chủ vườn ở xã Đinh Xá. Ai ngờ bây giờ sang đây rao giá 5 nghìn/kg chẳng ai mua. Nếu thuê người đi bẻ nhãn thì tiền công phải 200 nghìn đồng/ngày, bán nhãn cũng không đủ trả tiền công bẻ nên tôi đành phải tự làm lấy. Phen này thì lỗ to”.

Khi được hỏi vì sao mới đầu vụ, giá nhãn Hưng Yên đã rẻ như bèo, anh Đỗ Văn Thêm, một thương lái quê tại Thắng Lợi (Văn Giang, Hưng Yên) đi gom hàng tại chợ nhãn Bảo Châu để đưa lên Hà Nội tiêu thụ tiết lộ: Vợ chồng tôi có cửa hàng kinh doanh hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên nên tôi nắm rõ lắm. Năm nay từ đầu tháng 7 nhãn Thái Lan đã về rào rào. Nhãn Thái Lan quả to, cùi dày, ngọt mà lại rẻ nên hiện chúng tôi chỉ dám mua nhãn Hưng Yên giá 15 - 18 nghìn đồng/kg là hết đát rồi. Lên chợ Long Biên cùng lắm chỉ bán lại cho chủ cửa hàng hoa quả giá 24 – 25 nghìn/kg là cùng.

Theo chân anh Thêm, 12h đêm, chúng tôi có mặt tại chợ đầu Long Biên khi những chiếc xe tải chở hoa quả Trung Quốc, Thái Lan rầm rập xuống hàng. Trong đó, có đến bảy tám chiếc xe tải thùng lạnh cỡ 20 tấn chở toàn nhãn từ Thái Lan đã tập kết về. Nhãn được đóng vào các thùng nhựa cỡ 20kg/thùng, bọc kín bằng giấy và chất vào xe lạnh. Về chợ Long Biên lá vẫn xanh tươi. Nhãn quả to, quả nào cũng đều nhau tăm tắp, bóc ăn thử thấy cùi dầy, vỏ mỏng, ngọt đậm, vỏ màng rất đẹp mã. Hỏi giá, các chủ buôn cho biết loại nhãn này về đến chợ Long Biên bán giá từ 25 – 27 nghìn đồng/kg. Khi ra đến sạp thì giá từ 30 – 35 nghìn đồng/kg, và đều đã được các cửa hàng kinh doanh hoa quả đặt hàng trước nên gần như không có bán rong. 

Chúng tôi trở ra khu cổng chợ Long Biên, khi những chiếc xe máy chở nhãn từ chợ nhãn Bảo Châu (Hưng Yên) cũng đã tập kết về đây. Những sọt nhãn được chở trần  bằng xe máy, chỉ một ngày sau khi hái, đưa từ Hưng Yên lên Hà Nội chỉ hơn 30km nhưng lá đã khô queo. Lên tới chợ Long Biên lại bị chất thành đống, quả lành lẫn quả dập nát, nằm ê hề ở khu vực chân cầu Long Biên trông vô cùng nhếch nhác. Hỏi giá, loại nhãn lồng Hưng Yên cỡ to, đẹp cũng chỉ được gần 20.000đ/kg, thua xa giá nhãn Thái Lan.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.