| Hotline: 0983.970.780

Tiếng kêu cứu từ hồ Dầu Tiếng

Thứ Ba 29/11/2011 , 09:38 (GMT+7)

Ngoài việc cung cấp nước tưới cho gần 100 ngàn ha đất nông nghiệp ở Tây Ninh, TP HCM, Long An, hồ Dầu Tiếng còn có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương nói trên. Dù có vai trò hết sức to lớn, nhưng hiện hồ Dầu Tiếng đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Hồ cấp nước sinh hoạt thành hồ... xả thải

Hồ Dầu Tiếng là 1 trong 3 hồ thủy lợi trọng điểm của cả nước. Ngoài việc cung cấp nước tưới cho gần 100 ngàn ha đất nông nghiệp ở Tây Ninh, TP HCM, Long An, hồ Dầu Tiếng còn có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương nói trên. Dù có vai trò hết sức to lớn, nhưng hiện hồ Dầu Tiếng đang bị xâm hại nghiêm trọng.

 Vô tư lấn chiếm, xả thải

Đến xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) hỏi tới trang trại Hương Sinh, gần như ai cũng biết. Bởi đây là một trang trại lớn, với hàng chục ha trồng cao su và một khu chăn nuôi heo được đầu tư hiện đại, nuôi khoảng 600 heo nái và 1.000 heo thịt. Ngoài ra trang trại còn nuôi nhiều heo mọi, vịt …

Không chỉ sở hữu một diện tích lớn, ông chủ trang trại còn là một người năng động, khéo tính toán, biết liên kết với Cty VISSAN để tạo đầu ra ổn định. Trang trại này nổi tiếng tới mức dù nằm sát khá sâu trong một con đường đất đỏ chạy ngoằn nghoèo qua những vườn cao su, với nhiều đường nhánh dễ làm cho khách xa tới rẽ nhầm lối cần đến, tôi vẫn dễ dàng tìm ra nó nhờ sự chỉ dẫn tận tình, cặn kẽ của những người dân 2 bên đường.

Có thể nói Hương Sinh là một mô hình trạng trại tốt, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt quy mô công nghiệp. Nhưng có điều đáng tiếc là trang trại này lại có hành vi lấn chiếm mặt nước hồ Dầu Tiếng và xả nước thải chăn nuôi ra hồ. Tại khu vực của trang trại này, có một chỗ hồ Dầu Tiếng ăn lõm vào thành một cái eo nhỏ. Chủ trang trại đã vô tư cho người đắp một con đập, biến cái eo nhỏ đó thành một cái ao riêng của mình với diện tích “ao” vào khoảng 0,5- 0,6 ha.  

Góc hồ Dầu Tiếng ở sát trang trại Hương Sinh, nơi thường bốc mùi hôi thối vào mùa nước kiệt

Nhưng sự lấn chiếm mặt nước hồ Dầu Tiếng của trang trại Hương Sinh, chưa ăn thua gì so với những trang trại ven hồ khác. Theo ông Nguyễn Anh Thái, Trưởng phòng Quản lý nước (Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa), Cty TNHH Thiên Hà ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (Bình Phước), từ nhiều năm nay đã lấn chiếm khoảng 12 ha vùng bán ngập. Trên diện tích lấn chiếm đó, trang trại này đã ngăn thành nhiều ao nhỏ để nuôi cá. Gần đó, trang trại Phú Gia cũng đã tranh thủ bao chiếm khoảng 1 ha mặt hồ …

Một trong những nỗi lo lớn nhất hiện nay ở hồ Dầu Tiếng là tình trạng ô nhiễm đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là do hàng loạt nhà máy chế biến mủ cao su, khoai mì, trại chăn nuôi … ở các xã ven hồ, thuộc địa phận các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, vẫn đang thoải mái xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống lòng hồ.

Như ở trang trại Hương Sinh, khi vào tới sát khu biệt thự của trang trại này, tôi đã ngửi thấy ngay mùi hôi nồng nặc bốc ra từ trại heo nằm kế bên khu biệt thự và cũng sát ngay bên hồ Dầu Tiếng. Hỏi một người phụ nữ làm trong trang trại, chị này cho biết trang trại hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải, mà nước tắm rửa heo, dội rửa chuồng heo được xả thẳng ra hồ. Ông Vũ Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, xác nhận, vào mùa nước kiệt, ở khu vực này thường bốc lên mùi hôi thối nồng nặc.

Tình trạng khai thác cát quá mức trong lòng hồ Dầu Tiếng cũng ít nhiều ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước hồ. Sáng ngày 26/11, có mặt ở bến Bưng Bàng (xã Minh Hòa, Dầu Tiếng), tôi chứng kiến cảnh mấy chiếc xà lan lớn nhỏ đang thi nhau hút cát. Xung quanh xà lan, có những váng dầu nổi lập lờ. Thấy tôi nhìn những vệt dầu, bà Chín Thu, một người dân địa phương cho biết, hôm nào người ta dùng xà lan mới để hút cát thì không sao. Nhưng cứ dùng xà lan cũ thì lại có dầu rò rỉ ra ngoài.

Theo bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đại biểu Quốc hội TP HCM, vừa rồi, khi cùng một đoàn chuyên gia thủy lợi đi khảo sát hồ Dầu Tiếng, bà đã ghi nhận được gần chục chiếc tàu hút cát đang hoạt động ở phía Bình Dương. Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho biết thêm, tình trạng người dân nuôi cá lồng bè trên hồ đang tái diễn trở lại, nhất là ở khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh Bình Dương. Thức ăn thừa, xác cá chết, chất thải và rác thải sinh hoạt của các hộ nuôi cá bè đang tham gia tích cực vào việc gây ô nhiễm hồ Dầu Tiếng.

Ông Vũ Đức Hùng cho biết thêm: “Diện tích vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng khá lớn. Khi nước rút, người dân xuống vùng bán ngập để trồng trọt. Lúc thu hoạch, họ bỏ lại một khối lượng lớn thân cây, gây ô nhiễm không nhỏ tới nguồn nước hồ. Hàng ngày công nhân công ty tôi vẫn thường phải đi vớt những thân cây này mà không xuể”.

Địa phương thờ ơ?

Điều đáng nói là Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, là đơn vị thường xuyên phát hiện ra những sai phạm nói trên, nhưng lại không có thẩm quyền xử lý. Ông Vũ Đức Hùng cho biết, tiếng là chủ hồ, nhưng công ty chỉ quản lý, phân phối, cung cấp lượng nước trong hồ, còn UBND các tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo vệ hồ chứa cũng như tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường hồ chứa trên địa bàn địa phương.  

Khai thác cát ở bến Bưng Bàng (xã Minh Hòa, Dầu Tiếng, Bình Dương)

GS.TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học Thủy lợi TP HCM không giấu nổi sự lo lắng về tình trạng hồ Dầu Tiếng bị lấn chiếm. GS cho rằng việc lấn chiếm đó ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng điều tiết nước của hồ, nhất là mỗi khi có lũ. Nếu không xử lý ngay tình trạng này, chúng ta phải trả giá đắt bởi khả năng lũ tàn phá khu vực dân cư sống quanh hồ và TP HCM sẽ cao hơn.

Mặt nước hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn của 3 tỉnh, nhưng trên thực tế công ty không có chế tài để xử phạt, ngăn chặn những hành vi vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi mà đành phải gửi văn bản nhờ các địa phương ven hồ xử lý, nhưng nơi làm nơi không. Ông Hùng nhấn mạnh: “Nước hồ là nơi cung cấp nước cho các nhà máy nước tại TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước. Trong khi đó, công ty lại không được các tỉnh giao đất trong vùng bán gập để thống nhất bảo vệ và quản lý. Do đó, công ty không có cơ sở pháp lý đủ mạnh để phối hợp với các địa phương xử lý và ngăn chặn những hành vi gây mất an toàn công trình và ô nhiễm nguồn nước về hồ, nước trong hồ”.

Bức xúc trước việc các địa phương chưa quan tâm hoặc xử lý không triệt để thực trạng lấn chiếm, gây ô nhiễm nặng cho hồ Dầu Tiếng, ông Nguyễn Trường Xuân, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi TP HCM, đã phải cảnh báo rằng nếu không xử lý đến nơi đến chốn, rồi đây, hồ Dầu Tiếng có thể cũng ô nhiễm chẳng thua gì sông Sài Gòn. Và khi ấy, đề án lấy nước từ hồ Dầu Tiếng nhằm thay thế cho sông Sài Gòn và sông Đồng Nai trong việc đảm bảo toàn bộ nhu cầu nước sinh hoạt của TP HCM, coi như phá sản.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm