| Hotline: 0983.970.780

Tắc bởi chính mình

Thứ Hai 16/04/2012 , 09:49 (GMT+7)

Sức mua thị trường nhỏ giọt khiến việc lưu thông mặt hàng đường gần như đóng băng.

* Kiến nghị cho XK đường!

Sức mua thị trường nhỏ giọt khiến việc lưu thông mặt hàng đường gần như đóng băng. Doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, mía tồn nhiều trong dân nhưng không được thu mua. Nếu nông dân bỏ ruộng mía, ngành đường sẽ đứng trước nguy cơ mất vùng nguyên liệu…

Doanh nghiệp ốm, dân khổ

Sau nhiều năm thiếu đường phải nhập khẩu, khoảng 3 năm trở lại đây giá đường TG luôn ở mức cao, sản xuất đường trong nước có lãi nên giá cả thu mua mía cho bà con nông dân được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2012 các nhà máy đường đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đường trong nước với sản lượng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, do nguồn tiền mặt lưu thông ít, sức mua năm nay nhỏ giọt nên các nhà máy đường tồn kho lớn.

Theo Hiệp hội mía đường lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường hiện là 366.000 tấn. Với mức giá khoảng 16 triệu đồng/tấn thì số vốn đang tồn đọng và gánh chịu lãi suất của ngành đường ước trên 5.000 tỉ đồng mà lãi suất ngân hàng ở mức cao, vốn lưu động thực tế của các doanh nghiệp mía đường hiện phải vay lãi suất trên 18%. Để có vốn sản xuất các nhà máy đã phải liên tục giảm giá bán đường từ 18.000 đ/kg xuống còn 15.500 đ/kg nhưng thị trường trong nước vẫn tiêu thụ chậm. Bằng cách này hay cách khác các doanh nghiệp phải xuất khẩu sang TQ qua cửa khẩu phụ hoặc qua đường mòn.

Hiện nay, mía còn rất nhiều nhưng các nhà máy đang sản xuất cầm chừng do sợ lỗ và không có vốn. Việc ruộng mía không được thu hoạch không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà máy mà còn đè nặng lên vai người nông dân. Nguy cơ trong vụ tới nhiều vùng nguyên liệu mía sẽ tái sinh kém, thiếu nguyên liệu và nước ta lại trở về với điệp khúc nhập khẩu đường.

Cần liệu pháp đặc trị

Đường là sản phẩm sản xuất theo thời vụ nhưng tiêu thụ quanh năm nên theo quy định của Chính phủ cần phải cân đối để đảm bảo nhu cầu trong nước. Nhưng thị trường nội tiêu trong nước không lưu thông các doanh nghiệp mía đường tựa như “người ốm” cần một liệu pháp đặc trị.

Ông Đoàn Xuân Hòa – Cục phó Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng thị trường hàng hóa luôn hoạt động theo nguyên tắc “bình thông nhau” nhưng nay thị trường đường trong nước đóng băng, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc rất thiếu hàng thì bị hạn chế bởi Chính phủ mới chỉ cho phép xuất khẩu qua cửa khẩu phụ 30.000 tấn. Vậy tức là doanh nghiệp mía đường không có đầu ra. Nếu các doanh nghiệp mía đường cố gắng tự cứu mình bằng cách xuất theo đường mòn, lối mở thì Chính phủ không thể nắm bắt, cân đối được cung cầu và có thể dẫn tới tình trạng đầu năm xin xuất khẩu, cuối năm lại xin nhập khẩu đường.

Bởi vậy, muốn giải quyết vướng mắc của ngành mía đường Chính phủ cần phải thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô. Ở đây có hai giải pháp, thứ nhất nên thực hiện chính sách tạm trữ đường trong 3 tháng, giải quyết nhanh áp lực về vốn lưu động tạo điều kiện để doanh nghiệp tái sản xuất. Sở dĩ phải tạm trữ đường 3 tháng là vì nước ta tiêu thụ đường chủ yếu vào vài dịp trọng điểm như vào đợt Trung thu, Tết và dịp lễ hội sau Tết. Chính phủ tạm trữ đường vào thời điểm này là để phục vụ dịp Trung thu sắp tới vì thông thường các doanh nghiệp bánh kẹo, nước ngọt sẽ nhập đường làm nguyên liệu trước khoảng hai tháng. Lúc ấy chúng ta đã có sẵn đường để cung ứng cho thị trường, còn dịp Tết thì không lo bởi lúc ấy các nhà máy đường phía Nam đã có vụ thu hoạch mới.

Thứ hai là cho phép doanh nghiệp xuất qua cửa khẩu phụ. Đây là giải pháp dễ dàng và hiệu quả nhất để doanh nghiệp cắt lỗ, vì cho dù có phải hạ giá bán như hiện tại thì doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế VAT đồng thời không bị tồn đọng vốn, không phải chịu lãi suất ngân hàng thậm chí còn gửi tiền ngân hàng để hưởng lãi suất. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế thị trường mía đường và những khó khăn của các nhà máy đường đang gặp phải Bộ NN-PTNT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị có chính sách đảm bảo đủ vốn cho một số công ty sản xuất đường vay tạm trữ 200.000 tấn và hỗ trợ lãi suất trong thời gian 3 tháng. Ngoài ra, cũng nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ với số lượng khoảng 100 ngàn tấn.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.