| Hotline: 0983.970.780

Lỗ không còn ngóc đầu lên được

Thứ Ba 15/05/2012 , 10:09 (GMT+7)

Trong khi các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng đang điên đầu vì thua lỗ triền miên, thì những “đồng nghiệp” khác của họ là các trang trại chăn nuôi gia cầm thịt cũng đang ngắc ngoải chờ phá sản.

Hơn hai tháng trôi qua kể từ sau cú sốc về thông tin chất tạo nạc đến nay, giá thịt lợn không thể ngóc đầu trở lại, trong khi đó giá gia cầm cũng chẳng hơn gì. 

>> Trứng chất như núi
>> Người chăn nuôi như ngồi chảo lửa

Mỗi kilogam, lỗ 10 nghìn đồng!

Trong khi các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng đang điên đầu vì thua lỗ triền miên, thì những “đồng nghiệp” khác của họ là các trang trại chăn nuôi gia cầm thịt cũng đang ngắc ngoải chờ phá sản.

Hơn một tháng nay, gan ruột của ông Lê Huy Lộc – chủ trang trại chăn nuôi gà thịt có quy mô hơn 4 vạn con gà lông trắng tại xã Cẩm Bình (Cẩm Giàng, Hải Dương) lúc nào cũng như lửa đốt. Bởi hơn một tháng trở lại đây, giá gà thịt (gà lông trắng) từ chỗ 36 – 37 nghìn đồng/kg, đã  xuống một mạch mười giá, xuống 26 – 27 nghìn đồng/kg, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Ông Lộc phân tích: Tính bình quân gà thịt tăng trọng thêm 1kg hiện tốn khoảng 2,2 kg cám. Mỗi con gà thịt lông trắng tới lúc xuất chuồng nặng từ 3 đến 3,2kg, tốn không dưới 6,7kg thức ăn, với giá cám hiện nay 12 nghìn đồng/kg thì  tiền cám đã  tới 80 nghìn đồng/đầu gà xuất chuồng.

Trong khi đó,  giá gà xuất chuồng hiện nay chỉ 25 – 26 nghìn đồng/kg  xem như bán gà chưa đủ bù tiền cám. Nếu cộng  chi phí thuốc thú y, nhân công, tiền giống, tiền điện…, thì bình quân mỗi con gà xuất chuồng 3kg, chúng tôi lỗ không dưới 30 nghìn đồng, nghĩa là cứ 1kg gà xuất chuồng lỗ 10 nghìn đồng! “Cứ  mỗi tháng xuất chuồng 2 lứa  24 nghìn con. Chỉ tính riêng trong tháng vừa qua, với giá gà  26 nghìn đồng/kg, trại  đã  lỗ  gần 800 triệu đồng…” – ông Lộc tái mặt kêu.


Với mức lỗ 10 nghìn đồng/kg gà thịt xuất chuồng, nhiều chủ trang trại nuôi gà thịt 
đang đứng trước nguy cơ phá sản vì lỗ

Dẫn tôi vào thăm khu chuồng nuôi khép kín có quy mô hơn 12 nghìn con gà thịt lông trắng, con nào cũng to sồ sồ tới trên 3kg, ông Lộc lo lắng cho biết, toàn bộ số gà này hiện đã quá tuổi xuất chuồng hơn 1 tuần, nhưng do giá gà tiếp tục xuống quá thấp nên đành phải  liều giữ lại. “Xuất chuồng lúc này, lỗ thế nào thì anh đã biết, còn đánh liều giữ lại, nếu giá gà sắp tới không tăng lên, thì xem như tôi vỡ nợ! Bởi chỉ tính riêng số gà quá tuổi xuất chuồng này, mỗi ngày đang ngốn hết của tôi 27 triệu đồng tiền cám” – ông Lộc tiếp.

Nói về tình cảnh bi đát của người nuôi gia cầm hiện nay, anh Trần Văn Hùng, một chủ trang trại nuôi gia cầm có quy mô hơn 6 nghìn con gà thịt tại xã Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) ví von rằng, người chăn nuôi thời gian qua giống như những người đánh bạc kém may mắn, thua đậm liên miên nhưng họa hoằn mới có ván thắng. Bằng chứng là từ nửa cuối năm 2011 đến nay, giá gia cầm chưa kịp “ấm” lên thì đã lập tức bị giáng cho những đòn chí mạng.

Anh Hùng thống kê: Liên tục từ tháng 9/2011 đến cuối năm 2011, giá gia cầm liên tục ảm đạm, có lúc xuống tới 27 – 28 nghìn đồng/kg. Giai đoạn đó, nhiều chủ trang trại đã lỗ… phát hoảng với mức 17 – 18 nghìn đồng/đầu gà xuất chuồng. Tới cận Tết  Nhâm Thìn, giá gia cầm bắt đầu tăng nhẹ trở lại, và ổn định dần ở mức 36 – 37 nghìn đồng/kg (đối với gà lông trắng), giúp người chăn nuôi cơ bản có lãi. Thế nhưng khoảng thời gian tốt đẹp đó kéo dài không được bao lâu thì tới giữa tháng 3/2012 tới nay, giá thịt gà cũng bắt đầu lao dốc một mạch. Hiện tại, giá gà thịt (lông trắng) xuất chuồng chỉ còn 26 – 27 nghìn đồng/kg – còn thấp hơn cả giá gà của thời kỳ tồi tệ nhất vào nửa cuối năm 2011.

“Sau đợt xuất chuồng lỗ đậm vào cuối năm 2011, tôi làm liều vào lứa giống mới, xuất chuồng vào đầu năm 2012 và lãi được 30 triệu, sau đó tiếp tục vào lứa mới. Thế nhưng không ngờ đến nay, giá gà thịt lông trắng chỉ còn 26 nghìn đồng/kg. Với tổng đàn hơn 6 nghìn con gà thịt lông trắng sắp xuất chuồng, chắc chắn tôi lỗ không dưới 150 triệu. Chung quy lại thì từ năm 2011 đến nay, không cần nói thì ai cũng biết dân nuôi gà thịt như chúng tôi lỗ chổng vó”. 


Ông Lê Huy Lộc – chủ trang trại chăn nuôi gà thịt có quy mô hơn 4 vạn con gà lông trắng tại xã Cẩm Bình (Cẩm Giàng, Hải Dương) và Anh Nguyễn Hồng Hà, một chủ trang trại lợn thịt tại Văn Giang (Hưng Yên) than phiền về việc càng nuôi càng lỗ.

Người nuôi lợn lại “treo” chuồng

Trong khi giá thịt lợn tại miền Nam hiện đang “lao xuống hố” chỉ còn 42 – 43 nghìn đồng/kg thì tại miền Bắc, tình cảnh của người nuôi lợn cũng ảm đảm chẳng kém. Hiện tại, mặc dù giá thịt lợn ở miền Bắc… chưa khiến người chăn nuôi lỗ nặng, tuy nhiên các chủ trang trại cũng đang bắt đầu giảm đàn vì thị trường tiêu thụ ế ẩm.

Anh Nguyễn Hồng Hà, một chủ trang trại lợn thịt tại Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, sau sự cố về chất tạo nạc hồi tháng 3/2012, giá thịt lợn đã tụt từ 56 – 57 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 46 – 47 nghìn đồng/kg. Mức giá này “dậm chân tại chỗ” trong suốt gần 2 tháng qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Điều này đang làm cho giới chủ trang trại vô cùng mệt mỏi, buộc phải giảm đàn, thậm chí treo chuồng.


Người nuôi lợn đã bắt đầu “treo” chuồng vì giá thịt lợn hạ kéo dài

Anh Hà phân tích, chi phí tiền giống hiện tại vào khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng/con, cộng với thức ăn, thuốc thú y, chi phí nhân công… và các khoản chi phí tăng thêm trong chăn nuôi vào mùa hè, giá thành cho mỗi đầu lợn xuất chuồng 100kg hiện không dưới 4,7 triệu đồng. Với giá lợn hơi xuất chuồng chỉ có 46 – 47 nghìn đồng/kg như hiện tại, chỉ có những trang trại không phải đi vay vốn ngân hàng may ra hòa vốn hoặc có lãi một chút, còn nếu tính cả lãi suất đi vay thì xem như lỗ 100 nghìn đồng/đầu lợn xuất chuồng. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đó là thị trường tiêu thụ thịt lợn đang “đóng băng” nghiêm trọng. Anh Hà cho biết, với quy mô tổng đàn khoảng 5.000 đầu lợn thịt, bình quân trước đây mỗi tuần, các chủ lò mổ ở khu vực Thanh Oai (Hà Nội) đánh xe về tận trang trại bắt khoảng 100 con.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, tốc độ tiêu thụ đã giảm nghiêm trọng. Có lứa lợn xuất chuồng 100 con nhưng lò mổ chỉ yêu cầu 50 con, mà phải chở lên tận lò mổ họ mới nhận. Theo anh Hà, nhìn vào tốc độ hoạt động của các lò mổ thì có thể thấy, mức độ tiêu thụ thịt lợn hiện giảm không dưới 40% so với bình thường. “Từ đầu tháng 4/2012, nhận thấy tình hình thị trường quá ảm đạm, tôi đã quyết định rút dần số lượng lợn thịt từ 5.000 con xuống chỉ còn 4.000 con, sa thải 4 nhân công lao động, đồng thời phải thanh lí hơn 30 con lợn nái để giảm tải sức ép dây chuyền lên trang trại. Dẫu biết phải thanh lí lợn nái là bất đắc dĩ, nhưng không còn cách nào khác. Hầu hết các trại khác ở khu vực này hiện cũng đang rút dần đàn nuôi và treo chuồng” – anh Hà cho biết thêm.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm