| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế VN và nguy cơ đình - lạm?

Thứ Tư 16/05/2012 , 09:52 (GMT+7)

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì những nỗ lực của Chính phủ còn chưa nhất quán nên giảm hiệu quả tác động đến nền kinh tế.

Kinh tế suy giảm, Chính phủ đang thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất như giảm, giãn thuế, hạ trần lãi suất, tăng lương kích cầu tiêu dùng… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì những nỗ lực của Chính phủ còn chưa nhất quán nên giảm hiệu quả tác động đến nền kinh tế.

Theo TS Trần Việt Tiến – ĐH Kinh tế QD, kinh tế nước ta vừa trải qua lạm phát. Bây giờ, nguy cơ suy thoái kinh tế đang xuất hiện buộc chúng ta phải chuyển đổi mục tiêu chống lạm phát với giải pháp là thắt chặt tiền tệ sang ưu tiên chống suy thoái kinh tế với một trong các giải pháp là nới lỏng tiền tệ. Trong thời điểm nhạy cảm này, những biện pháp chống suy thoái kinh tế như kích cầu, tăng lượng tiền vào lưu thông có thể dẫn nền kinh tế lâm vào căn bệnh trầm trọng hơn. Đó là hiện tượng “đình - lạm”, tức nền kinh tế vừa đình trệ, suy thoái vừa lạm phát.


Tăng giá nguyên liệu đầu vào trong suy thoái sẽ dẫn tới lạm phát “chi phí đẩy”

Hiện sức mua trong nước yếu vì vậy nhà nước đang sử dụng các biện pháp hành chính để kích cầu đầu tư và chi tiêu như giảm, giãn thuế thu nhập cho một số nhóm doanh nghiệp; giảm lãi suất; tăng lương kích thích tiêu dùng. Đây là nhóm giải pháp phổ biến thường được các nước dùng khi gặp suy thoái kinh tế nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay việc kích cầu đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng thật không dễ. Để kích cầu đầu tư đúng hướng, cần thực hiện tốt hơn việc công khai các danh mục đầu tư, thúc đẩy hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa. Như vậy sẽ giảm các chi phí kinh doanh và chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp. Đối với kích cầu tiêu dùng cá nhân cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm giá hàng tiêu dùng, tăng cường quản lý thị trường, tăng lương, tăng cho vay tiêu dùng, trợ cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, mở rộng bảo hiểm xã hội…

Và quan trọng nhất là tăng việc làm để tạo thu nhập cho người lao động. Cái khó ở đây là trong điều kiện suy thoái các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ sẽ dẫn tới sa thải công nhân, như vậy để tăng việc làm phải tăng đầu tư Nhà nước. Nhưng cũng theo TS. Trần Việt Tiến thì kích cầu phải minh bạch và đúng chỗ, đúng lĩnh vực để sự phát triển đủ sức lan tỏa.

Ví dụ, trong đầu tư nhà nước cần ưu tiên cho các dự án sắp hoàn thành đưa nhanh vào sử dụng, các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt nên khuyến khích các dự án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp việc này vừa giải quyết khó khăn về nhà ở cho hàng triệu công nhân viên chức và người lao động trên khắp cả nước vừa góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tạo động lực phát triển liên ngành xây dựng, sản xuất vật liệu. Còn trong giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Để tồn tại trong thời kì suy thoái kinh tế, sẽ có nhiều doanh nghiệp chọn phương án đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản xuất.

Nhưng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì vậy Nhà nước có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp thay đổi công nghệ bằng cách bảo lãnh tín dụng. Đối với hoạt động trợ cấp tiêu dùng cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, lao động thất nghiệp, đồng bào thiểu số, người dân các vùng khó khăn, vùng bị thiên tai… Nhà nước không nên trợ cấp bằng tiền bởi họ có thể không sử dụng tiền trợ cấp đề mua sắm nên không thực hiện được mục đích kích cầu. Trường hợp này có thể trợ cấp thông qua các “séc mua hàng”, chỉ có tác dụng mua hàng. Các cửa hàng, siêu thị sẽ thanh toán “séc mua hàng” này với Nhà nước.

Đánh giá về các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, ông Tiến cho rằng chính sách hiện nay còn chưa nhất quán nên vẫn xảy ra hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong khi nhà nước đang nỗ lực thực hiện mọi giải pháp nhằm kích thích tiêu dùng thì điện, xăng, nước… đòi tăng giá ầm ầm. Việc tăng giá các sản phẩm thiết yếu trong bối cảnh suy thoái kinh tế có thể dẫn nền kinh tế đến lạm phát “chi phí đẩy”, gây ra hiện tượng “đình - lạm”. Do đó tuy nó có thể đáp ứng được lợi ích cục bộ của một số thành phần kinh tế nhưng hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế nói chung. Theo tính toán của các nhà kinh tế việc tăng giá điện trong thời gian thực hiện gói kích cầu trước đây đã làm giảm nỗ lực kích cầu của Chính phủ khoảng 5.000 tỉ đồng. Kích cầu mà không đúng đối tượng, không đủ lượng thì mục đích kích không đạt mà ngân sách nhà nước lại càng gia tăng gánh nặng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.