| Hotline: 0983.970.780

Tôm XK sang Nhật Bản bị cảnh báo Ethoxiquin

Thứ Tư 23/05/2012 , 10:01 (GMT+7)

Tình hình tôm xuất khẩu sang Nhật Bản bị cảnh báo Enrofloxacin và Trifuralin vừa được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, thì mới đây, cơ quan chức năng của nước này lại cảnh báo về dư lượng 1 chất mới trong tôm Việt Nam: Ethoxiquin.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ ngày 18/5/2012, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra lên 30% với các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về dư lượng Ethoxiquin (quy định của Nhật Bản với dư lượng này là không quá 0,01 ppm). Nếu tiếp tục phát hiện thêm 1-2 lô tôm Việt Nam có dư lượng chất này, Nhật Bản có thể nâng tần suất kiểm tra lên mức 50%. Sau đó, nếu lại có thêm 1-2 lô tôm nữa bị phát hiện dư lượng Ethoxiquin, tần số kiểm tra sẽ lên tới 100%.

VASEP cho biết việc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nâng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin, đang làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật Bản hoang mang, lo ngại. Bởi hiện nay, Ethoxiquin đang được sử dụng khá phổ biến làm chất chống oxy hóa trong sản xuất thức ăn nuôi tôm nói riêng và thức ăn thủy sản nói chung.

Theo một số chuyên gia thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản rất dễ bị oxy hóa trong quá trình chế biến và bảo quản vì có hàm lượng chất béo cao và thành phần của chất béo chứa nhiều acid béo không no. Khi bị oxy hóa, thức ăn thủy sản sẽ bị hôi dầu và mất đi các acid béo thiết yếu. Đồng thời, các vitamin tan trong dầu như: A, D, E, carotenoids bị phá hủy làm giá trị dinh dưỡng của thức ăn bị giảm. Do đó, khi sản xuất thức ăn thủy sản, người ta cần bổ sung chất chống oxy hóa.

Hiện nay, các chất chống oxy hóa thường được sử dụng là BHT, BHA và Ethoxiquin. Riêng chất Ethoxyquin có hàm lượng cho phép là 1,2 dihydro – 6 ethoxy – 2,2,4 trymethyl quinoline, tương đương với 150 ppm. Nếu đối chiếu với ngưỡng Ethoxiquin trong quy định của Nhật Bản là 0,01 ppm, thì hàm lượng Ethoxiquin trong thức ăn thủy sản hiện nay rõ ràng đang vượt quá xa. Trên thế giới, đã có một số suy đoán cho rằng Ethoxiquin trong thức ăn chăn nuôi có thể gây tác hại tới một số vấn đề về sức khỏe con người.

Tuy nhiên, cho đến nay, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) mới chỉ tìm thấy một kết nối có kiểm chứng giữa Ethoxiquin và sự tích tụ của protoporphyrin IX trong gan, cũng như độ cao trong các enzym trong gan liên quan đến một số động vật. Tuy nhiên, vẫn chưa có một hậu quả nào về sức khỏe con người được xác thực liên quan đến những hiệu ứng này.

Mặc dù vậy, nhiều thị trường đã quy định hàm lượng Ethoxiquin trong thực phẩm ở mức rất thấp, như là một hàng rào kỹ thuật đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có Nhật Bản. Trước tình hình đó, để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, uy tín của tôm Việt Nam và để việc xuất khẩu tôm sang Nhật Bản không gặp thêm những khó khăn mới, vào ngày 22/5, VASEP đã gửi Công văn số 52/2012/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, kiến nghị Bộ kiểm tra nguyên nhân và thông báo cho doanh nghiệp và các đơn vị liên quan những thông tin về nguồn lây nhiễm, cách phòng tránh và biện pháp tăng cường kiểm soát từ khâu nguyên liệu đối với chất Ethoxiquin.

Theo VASEP, Nhật Bản hiện vẫn đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Từ ngày 1/1 đến 15/4/2012, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 136,2 triệu USD, chiếm 26,71 tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.
Đồng thời VASEP cũng đề nghị Bộ NN-PTNT rà soát luôn việc sử dụng chất Sulfamethoxazole trong nuôi thủy sản. Hiện nay, chưa có lô tôm nào của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng Sulfamethoxazole, nhưng nhiều lô tôm của Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản đã bị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cảnh báo về chất này. Việt Nam nằm liền kề Trung Quốc, lại nhập khẩu nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc, do đó, việc rà soát thêm chất Sulfamethoxazole trong nuôi trồng thủy sản để có giải pháp ứng phó kịp thời là không thừa.

Sulfamethoxazole thuộc nhóm kháng sinh Sulfonamides có tác dụng kiềm khuẩn. Trong nuôi trồng thủy sản ở nước ta Sulfonamides nằm trong nhóm kháng sinh hạn chế sử dụng (dư lượng tối đa là 100 ppb). Còn chất Ethoxiquin chưa thấy nằm trong danh mục bị cấm hay hạn chế sử dụng nào. Theo Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ, hồi tháng 3 năm nay, trong chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại ở Nam bộ, cơ quan này đã phát hiện 1 mẫu cá rô đồng thương phẩm tại cơ sở nuôi Phạm Văn Thuần (ấp 11, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có dư lượng Sulfonamides vượt mức cho phép.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất