| Hotline: 0983.970.780

Tan giấc mộng dứa Cayen, phập phồng cao su

Thứ Sáu 23/03/2012 , 12:04 (GMT+7)

Chưa cây trồng nào lại được người dân Văn Yên (Yên Bái) đón nhận nhiệt tình như cây dứa Cayen, nhiều hộ góp đất để trồng dứa... Niềm vui chưa kịp đến thì giấc mộng đã tan tành, còn bây giờ họ đang phập phồng chờ đợi cây cao su.

Chưa cây trồng nào lại được người dân Văn Yên (Yên Bái) đón nhận nhiệt tình như cây dứa Cayen. Nhiều hộ góp đất để trồng dứa, bởi ai cũng chứa chan hy vọng cây dứa sẽ làm thay đổi cuộc sống lam lũ của người nông dân. Niềm vui chưa kịp đến thì giấc mộng đã đổ vỡ tan tành, còn bây giờ họ đang phập phồng chờ đợi cây cao su…

>> Hậu quả mạnh ai, nấy trồng
>> ''Choáng'' với giá sắn
>> Sắn đồng loạt phá vỡ quy hoạch ở Miền trung - Tây nguyên

Tan tành giấc mộng dứa Cayen

Chương trình trồng và chế biến dứa Cayen xuất khẩu của Yên Bái do Cty Vật tư tổng hợp Vinashin làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2003 sau khi chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Dự án qui hoạch phát triển vùng dứa nguyên liệu 5 xã phía Bắc huyện Văn Yên. Theo dự án này 5 xã phía bắc huyện Văn Yên bao gồm: Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Đông An, Lâm Giang và Lang Thíp với tổng diện tích qui hoạch là 2.400 ha, trong đó Nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu trực thuộc Cty quản lý 1.500 ha, nông dân tự trồng 900 ha.

  
Những nông dân trở thành "công nhân" Nhà máy chế biến dứa XK

Chưa có loại cây gì ở Yên Bái lại được nông dân tiếp nhận như cây dứa Cayen, với sự cam kết của Cty các hộ nông dân đóng góp từ 0,5-1 ha đất sẽ được Cty nhận một lao động vào làm công nhân vùng nguyên liệu nhà máy, được hưởng mọi quyền lợi mà chính sách của Nhà nước qui định. Chỉ trong một thời gian ngắn đã hình thành được 7 đội sản xuất dứa nguyên liệu, 230 hộ góp 230 ha đất để trồng dứa, trong đó xã Đông An 160 ha, Châu Quế Hạ 50 ha, Châu Quế Thượng 20 ha, tổng số dứa do Cty và huyện Văn Yên đã trồng được khoảng 600 ha.

Theo dự án, mỗi ha dứa 50-60 tấn, cộng với tiền bán chồi thì mỗi ha cho thu nhập trung bình từ 100-140 triệu, với số thu nhập đó cách nay 10 năm là một điều không mấy người tưởng tượng nổi. Mọi người hoàn toàn yên tâm bởi cây giống do Cty thực phẩm Đồng Giao ở Ninh Bình cung cấp và cam kết thu mua sản phẩm.

Dự án sản xuất dứa xuất khẩu của Yên Bái chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2003-2005 hình thành vững chắc vùng nguyên liệu tập trung 1.500 ha, giai đoạn II từ năm 2005 xây dựng nhà máy chế biến dứa XK. Theo dự án này với tổng vốn đầu tư 113,54 tỷ, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 7 tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí đào tạo lao động, chi phí khuyến nông, hỗ trợ mua cây giống, hỗ trợ đầu tư theo chính sách…


Cây dứa Cayen khi còn rất nhiều hy vọng

Với tham vọng của cây dứa Cayen sẽ lan rộng sang huyện Văn Chấn và một số địa phương khác hàng trăm ha mới đủ nguyên liệu cho nhà máy dứa nước cô đặc xuất khẩu sang các nước châu Âu. Với mức thu nhập từ 100-140 triệu/ha thì người nông dân vùng dứa với giấc mộng tỷ phú, đại tỷ phú chả mấy nỗi trở thành hiện thực. Nhiều vị lãnh đạo quốc gia khi lên Yên Bái đều được mời lên thăm vùng cây công nghiệp dứa Văn Yên, càng củng cố thêm niềm tin của người dân.

Nhưng không ai có thể học được chữ ngờ, ngay vụ dứa đầu tiên, dứa bán không được, vì giống dứa Cayen vỏ mỏng, nhiều nước không thể vận chuyển đi xa được, hàng trăm tấn dứa bị bỏ thối trên đồi không người mua, hàng trăm triệu đồng ném xuống sông xuống bể. Giấc mộng về cây dứa Cayen đã đổ vỡ tan tành. Cty Vinashin đầu tư trồng 478 ha dứa chuyên canh với khoảng 40 tỷ không thấy tăm hơi, nhiều hộ dân tự bỏ vốn trồng dứa Cayen cho Cty cũng trở nên trắng tay.

Lại phập phồng giấc mơ cao su

Từ năm 2009 cây cao su bắt đầu được nhắc tới ở Yên Bái, nhất là khi vùng núi phía Bắc được quy hoạch phát triển 200.000 ha cao su. Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch nhưng Yên Bái không thể ngồi nhìn cây "vàng trắng" phát triển mạnh ở các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nên đã "xung phong" trồng. Với những số liệu mà Đề án phát triển cây cao su thì rất sáng ngời, bằng phép tính so sánh với cây chè, cây cao su cho thu nhập gấp 1,6 lần, gấp 2,7 lần so với cây quế, gấp 4,7 lần so với trồng keo lai…

Với thu nhập như vậy thì diện tích cao su tiểu điền sẽ phát triển nhanh hơn so với diện tích cao su đại điền. Bởi trồng cao su thu nhập ngang với trồng cây ăn quả, thì hàng chục ngàn hộ nông dân ở Yên Bái đang trồng rừng sẽ phá bỏ keo, bồ đề… để trồng cao su. Bức tranh về cây cao su còn rực rỡ và sáng ngời hơn cả cây dứa Cayen. Khả năng đất để phát triển cây cao su của tỉnh Yên Bái sau khi rà soát lại 3 loại rừng ở các huyện vùng thấp, có thể chuyển đổi là 15.000-20.000ha sang trồng cao su đã nằm trong tầm tay.

Giống cao su YITC 774 trồng một năm trên đất An Bình
Hừng hực khí thế với cây cao su, mặc dù ngày 6/1/2011 UBND tỉnh Yên Bái mới ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010-2020, với tổng diện tích được quy hoạch là 12.000ha, diện tích trồng cao su là 10.090ha, nhưng cuối năm 2010 Cty CP Cao su Yên Bái đã tổ chức trồng 330ha cao su bằng các giống: GT1, RRIC121, RRIM 600, Lai Hoa 83/85 ở hai huyện Văn Yên và Văn Chấn. Kết thúc vụ rét 2010 toàn bộ diện tích cao su đã trồng ở Yên Bái chết không còn một cây.

Sau vụ rét năm 2010 không thể giết chết sự kỳ vọng về cây cao su, Cty CP Cao su Yên Bái đã nhập giống cao su chịu lạnh từ Trung Quốc về trồng trên diện tích đã chết từ tháng 4/2011. Huyện Văn Yên được tỉnh Yên Bái quy hoạch trồng cao su ở 10 xã: Lang Thíp, An Bình, Lâm Giang, Mậu Đông, Quang Minh, Ngòi A, Yên Thái, Đông An, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, với diện tích là 3.897ha.

Ngày 20/3/2012 PV báo NNVN đã có mặt xã An Bình, để tận mắt nhìn thấy đồi cao su mà Cty CP Cao su Yên Bái trồng bằng giống YITC 774. Ông Đặng Tiến Trung - đội trưởng Đội cao su An Bình cho biết: Với diện tích đội An Bình được quy hoạch là 523 ha, đến nay đã trồng được 108,65 ha. Vụ rét 2011 đội đã sử dụng biện pháp phủ ni lon chống rét cho cây, nên số cây sống tỷ lệ rất cao, đến nay cây phát triển tốt, nhiều cây mọc cao quá đầu người…

Tại đồi cao su chúng tôi thấy những cây cao su mới trồng được một năm nhưng nhiều cây gốc đã to bằng bắp tay, lá xanh, chồi khoẻ thân hình cây phát triển tốt. Trao đổi với các công nhân đang chăm sóc cao su tại đây, ai cũng phấn khởi. Chị Lý Thị Chánh, dân tộc Dao, một trong số 32 công nhân là người địa phương được Cty tuyển vào làm công nhân cho biết: Trước đây tôi là công nhân Lâm trường Văn Yên mới được tuyển vào làm Cty Cao su 2 năm nay, diện tích nhận khoán là 3 ha, hiện nay đang là thời kỳ trồng và chăm sóc, mỗi tháng được trả lương 2,5-3 triệu đồng. Với mức lương ấy hiện cũng tạm được. Nghe nói, khi được cạo mủ thì lương sẽ cao hơn, nhưng còn chục năm nữa mới được cạo mủ nên bây giờ Cty bảo làm gì thì mình làm thôi…

Niềm hy vọng về cây cao su đang phập phồng trong lòng nhiều người dân, mong sao niềm hy vọng đó không bị tan vỡ sau 10 năm nữa…


Chị Lý Thị Chánh công nhân Cty CP Cao su Yên Bái, với hy vọng sau 10 năm nữa

 

“Những gì vượt quá quy hoạch, trái quy hoạch, không chóng thì chầy sẽ dính hậu quả, như sắn chúng ta quy hoạch cả nước ổn định đến 2015 là 375.000ha nhưng thực tế hiện diện tích sắn đã vọt lên khoảng 700.000 ha, kết quả nhận ngay tức khắc, thời điểm này có nơi sắn đổ đi không ai lấy. Cao su vùng Đông Bắc cũng vậy, Chính phủ đâu phê duyệt trồng cao su vùng này, nhưng bất chấp, các tỉnh cứ ồ ạt trồng, rét, sương muối mặc, chết lại trồng tiếp, không cần biết 10 năm sau còn sống cây nào liệu có cho mủ hay không? Họ làm như một cuộc thí nghiệm khổng lồ trên lưng nông dân. Chỉ có điều tiền "thí nghiệm" là tiền Nhà nước, tôi cá tiền tư nhân đố ai dám bỏ 1 đồng làm cái việc này". (Ông Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm