| Hotline: 0983.970.780

Con lợn đẹn

Thứ Hai 12/08/2013 , 10:55 (GMT+7)

Nghe tin em trai định ra thăm, ông Thủy làm thịt con lợn đẹn. Gặp nhau, 2 anh em ông tay bắt mặt mừng. Đúng lúc ông Thủy đang định ngả mâm ra đánh tiết canh thì ông Phó chủ nhiệm hợp tác xã và 3 dân quân ập vào tịch thu hết sạch "tang vật".

Mùng 10/7/1978, ông Thùy ở miền Nam viết thư báo tin cho lão Thủy biết ông sẽ ra Bắc thăm anh chị, và “đúng mùng 10/8 em có mặt”. Mùng 10, tức là ngày kia. Lão Thủy bàn với vợ:

>> Buổi cày đầu tiên
>> Miếng thịt trâu mất tích
>> Con nghé chết
>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

- Tuy trong thư chú ấy dặn là anh chị đừng bày vẽ gì tốn kém, nhà có gì ăn nấy, cốt anh em được sum họp. Nhưng lần tôi vào, ngày nào chú thím ấy cũng cơm gà cá gỡ. Nay chú ấy ra đây, bữa sau chả có thì thôi chứ bữa đầu chả nhẽ lại cũng bát canh quả cà với lại đĩa tép rang. Bà lên nhà cô Tuyết bán cửa hàng thực phẩm trên huyện, hỏi xem cô ấy có lo giúp được cân thịt ngoài không?

Thịt ngoài, tức là thịt do các nhân viên cửa hàng thực phẩm huyện ăn bớt được. Mỗi đợt cửa hàng bán thịt tem phiếu, lợn mổ từ nửa đêm, được xả thành từng miếng. Miếng cân tám, miếng cân hai, miếng một cân, miếng năm lạng... Mỗi miếng được xâu bằng một cái lạt để bán cho từng loại tem phiếu, mỗi loại thịt được chất thành một đống ở quầy. Muốn mua được thịt, người mua phải xếp hàng. Đến lượt ai, một nhân viên sẽ thu phiếu, cắt ô tiêu chuẩn, tính tiền, thu tiền, người thứ 2 sẽ nhắc luôn miếng thịt tương đương với ô phiếu ấy giao cho người mua mà không phải cắt từ con lợn móc hàm ra rồi cân. Tuy cắt ra từng miếng tương đương với từng loại tem phiếu như trên, nhưng các nhân viên cửa hàng móc ngoặc với đồ tể, không bao giờ cân đủ. Miếng cân tám chỉ cân bảy, miếng một cân chỉ chín lạng rưỡi... Bằng cách ấy, cứ độ 10 cân họ dư ra được cân rưỡi hoặc vài cân. Số thịt ấy đem bán ngoài với giá gấp ba, lấy tiền chia nhau. Bà Thủy thở dài:

- Tôi đã hỏi từ hôm qua. Dưng mà cô ấy bảo cả tháng nay cửa hàng không có thịt bán, đến nhân viên cửa hàng còn mốc mép, lấy đâu ra thịt ngoài.

Câu nói của vợ khiến lão Thủy càng buồn. Nhà có hai anh em, năm 1954 chú Thùy đi Nam. Nhờ đất nước thống nhất mà chú ấy mới có dịp về thăm lại quê cha đất tổ, tính ra đã 24 năm, chẳng lẽ lại không có nổi miếng thịt chén rượu. Gà vừa bị dịch, không chỉ riêng nhà lão mà đến cả làng cũng không còn một con. Không có nổi con gà thịt đã đành, mà cuối năm nay còn không biết lấy đâu ra hơn chục cân gà bán nghĩa vụ chứ đừng nói gì Tết nhất. Ao đã góp vào hợp tác xã, tuy có tiêu chuẩn phân phối cá nhưng phải chờ dịp hợp tác xã đánh cá mới được chia...

Chiều mùng 9, cho lợn ăn, mắt lão chợt sáng lên khi nhìn con lợn đẹn. Nguyên nhà lão có 4 lao động chính. Theo quy định hồi ấy, mỗi lao động chính 1 năm phải “làm nghĩa vụ” cho Nhà nước 20 kg lợn hơi, 4 kg gia cầm, cả nhà thành 80 kg lợn hơi, 16 kg gia cầm. Lợn và gia cầm ấy phải bán cho Nhà nước với giá chỉ bằng 1/3 giá chợ. Vượt tiêu chuẩn đó, phần vượt mới được bán ngoài hoặc là được Nhà nước trả tương đương giá chợ. Phiên chợ, nhà nào mang lợn hay gia cầm ra bán mà không xuất trình được giấy chứng nhận đã hoàn thành nghĩa vụ, xã tịch thu. Không đủ tiêu chuẩn, hợp tác xã trừ vào thóc công điểm, cứ 1 kg lợn hơi trừ 5 kg thóc. 1 kg gà trừ 4 kg thóc. Ba con lợn này lão định nuôi đến cuối năm làm nghĩa vụ. 2 con đã được mỗi con chừng hai yến, nhưng con thứ 3 thì đèo đẹn, cùng nuôi bằng nhau lúc 5 kg mà giờ mới nó được chừng mười một, mười hai cân.


Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Hay là thịt mẹ nó con lợn đẹn mà đãi chú ấy. Làm bữa tiết canh còn thịt thì để ăn mấy ngày. Vẫn biết mổ lợn là chuyện “động trời”, xã biết được thì “lên bờ xuống ruộng”, nhưng cùng tắc biến. Tìm ra được kế sách thoát hiểm ấy, như trút được gánh nặng, lão bàn với vợ, và được vợ tán thành. Thế là ngay lập tức lão lùa con lợn đẹn nhốt riêng vào một góc chuồng.

Cơm tối xong, lão Thủy mài dao bầu thật sắc rồi mới đi ngủ. Khoảng 3 giờ sáng lão dậy, khẽ lay vợ và Minh, thằng con trai lớn, dậy theo, thì thầm:

- Khẽ thôi kẻo mấy đứa trẻ thức dậy, nó ồn ào lên, hàng xóm biết thì chết. Bà đun cho tôi nồi nước, còn thằng Minh lấy cái bao tải kia bỏ ít tro vào.

- Để làm gì hả bố?

- Cho tro vào rồi, mày cầm bao ra chuồng lợn, chụp miệng bao vào đầu con lợn đẹn để cho nó phi thẳng vào bao. Nó há mồm định kêu thì tro bếp đã xộc vào đầy họng, thế là không kêu được. Làm đi con, phải đi thật khẽ, chụp đầu lợn cũng phải thật khẽ.

Tang tảng sáng thì con lợn đã thứ nào ra thứ ấy. Âu tiết đỏ au. Bộ lòng đã luộc chín. Bữa trưa sẽ chén bộ lòng, cái thủ, thịt áp chảo tất để dùng mấy ngày cho khỏi thiu. Lòng lợn, tiết canh, thủ luộc, ngang với cỗ Tết còn gì.

9 giờ 15 ông Thùy về đến nơi, anh em tay bắt mặt mừng. 10 giờ, lão Thủy bảo em trai:

- Chú ngồi chơi, anh xuống đánh tiết canh, thái lòng, làm mâm cỗ thắp hương thầy bu rồi ta chén.

Đúng lúc lão định ngả mâm ra đánh tiết canh thì có tiếng gọi cổng:

- Ông Thủy, mở cổng ra.

Cổng vừa mở, ông Phó chủ nhiệm hợp tác xã và 3 dân quân ập vào. Ông Phó nghiêm giọng:

- Chúng tôi được báo gia đình ông vi phạm chính sách lương thực thực phẩm của Nhà nước, chưa làm nghĩa vụ mà đã mổ lợn chè chén hoang phí. Quả nhiên đúng như vậy. Yêu cầu ông để nguyên tang vật để chúng tôi lập biên bản.

Như Từ Hải chết đứng, mãi sau lão Thủy mới mở miệng được:

- B... b... báo cáo các ông...

- Không báo cáo báo cầy gì hết. Lập biên bản, tịch thu tang vật mang về trụ sở hợp tác xã. Ai kia?

Ông Thùy vội vàng chạy ra:

- Báo cáo chư ông, em là Thùy, em ruột bác Thủy, đi Nam từ năm 1954, nay mới có dịp về.

- Trời đất, ông Thùy đấy ư? Đất nước thống nhất, anh em sum họp, quý quá. Nhưng mà việc vi phạm chính sách thì vẫn phải xử lý thôi. Anh em, lập biên bản đi, thu hết tang vật mang về.

Không sót một mẩu thịt nào. Cái âu tiết họ cũng đổ vào chai mang đi. Hai anh em đành uống rượu với đĩa đậu tương rang. Thấy anh trai nhấp ngụm rượu mà không sao nuốt nổi, lại sặc ra, ông Thùy an ủi:

- Thôi bác ạ. Cốt anh em vẹn toàn, sum họp là quý. Chứ vật chất, nó là cái thứ phù vân ấy mà.

Chiều hôm ấy, chị Lý, nhân viên tạp vụ ở trụ sở hợp tác xã kể vung lên:

- Không biết thịt thà ở đâu mà trưa nay mấy ông ban quản trị chè chén đến tận một giờ chiều. Ông chủ nhiệm say quá, nôn thốc nôn tháo, làm tôi phải dọn dẹp hoa cả mắt.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm