| Hotline: 0983.970.780

Chồng tôi hộc máu chết rồi!

Thứ Tư 14/08/2013 , 10:52 (GMT+7)

Chính sách xiết chặt quản lý lương thực thực phẩm của Nhà nước hồi ấy đã khiến cho miếng thịt, lạng mỡ là thứ chỉ xuất hiện trên mâm cơm nhà quê hai ba lần trong mỗi năm, còn tiết canh là món duy nhất chỉ ngày Tết nguyên đán mới có.

Tiết canh là “đặc sản” của người Việt. Thế nên một dạo, những anh có tật hay “ngâm nga” ở làng tôi thường truyền nhau bốn câu họ gọi là thơ (còn nó có phải là thơ hay không thì tôi không biết) mà tác giả là cụ Uẩn, một “fan cuồng” của món tiết canh. Thơ thế này: “Nhớ thời thuộc Pháp, thuở Tây xưa/Lòng lợn tiết canh bán ê hề/Ngày nay Chính phủ ta cấm ngặt/Nhìn rau ngổ nhớ tiết canh xưa”.

>> Cái thuốn xe đạp
>> Con lợn đẹn
>> Buổi cày đầu tiên
>> Miếng thịt trâu mất tích
>> Con nghé chết
>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

Nói như thế bởi vì tiết canh là phải có rau ngổ, cũng như thịt gà phải có lá chanh, thịt lợn phải có hành hay thịt chó phải có riềng, có mắm tôm. Không có rau ngổ không ra vị tiết canh. Chắc là trong một lúc thèm tiết canh đến phát cuồng, "fan cuồng" Vũ Hữu Uẩn đã ngắt mấy cọng rau ngổ lên ngắm nghía, nhấm nháp rồi nhân nhớ đến thuở hoàng kim mà “xuất khẩu thành thi”.

Chính sách xiết chặt quản lý lương thực thực phẩm của Nhà nước hồi ấy đã khiến cho miếng thịt, lạng mỡ là thứ chỉ xuất hiện trên mâm cơm nhà quê hai ba lần trong mỗi năm, còn tiết canh là món duy nhất chỉ ngày Tết nguyên đán mới có.

Đầu tháng chạp (tháng 12 AL), Ban quản trị Hợp tác xã họp. Kỳ họp này được toàn thể xã viên chú ý và trông ngóng đặc biệt vì cuộc họp đó quyết định một vấn đề hết sức trọng đại: Tết này mỗi lao động chính, lao động phụ (người vị thành niên và người già), mỗi trẻ em sẽ được bao nhiêu thịt lọc, tương đương với bao nhiêu thịt hơi. Quyết định rồi, ngày 20 tháng ấy đội trưởng các đội sản xuất sẽ căn cứ tiêu chuẩn của từng hộ trong đội mình mà gán cho mấy hộ chung nhau một con lợn. Từ ngày được gán, những hộ chung lợn sẽ phải góp cám cho chủ lợn để nuôi nó đến hết ngày 28 Tết. Cả ngày 29 lợn không được ăn, cốt cho sạch ruột để chừng 10 giờ đêm là “lên thớt”. Cũng sau ngày 20, cả làng sống trong nỗi phấp phỏng, đợi chờ. Trẻ con đang khóc, nghe dỗ “nín đi, rồi Tết thầy cho đi xem giết lợn”, là nín bặt ngay lập tức.


Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Chừng 8-9 giờ tối, những người chung lợn đã tề tựu ở nhà chủ lợn, bên ấm chè xanh và cái điếu cày hay điếu bát. Người nào đến nhà chủ lợn cũng mang theo lỉnh kỉnh nào rổ, nào chai, nào xoong. Rổ để đựng thịt, đựng lòng đựng xương. Chai để đựng tiết, xoong để đựng nước “xuýt”, tức là nước luộc lòng. Thực phẩm hiếm hoi, không chỉ thịt, lòng, xương, tiết mà đến cả nồi nước luộc lòng cũng phải được chia rất công bằng, gáo đầy gáo vơi có khi choảng nhau sứt đầu mẻ trán. Việc mổ một con lợn xem ra đã trở thành một nghi lễ, để thoả nỗi khao khát cả năm trời.

Quan trọng nhất là lúc chọc tiết lợn. Mà chọc tiết lợn thì khâu quan trọng nhất là hãm tiết, tức là làm cho tiết lợn không đông. Chỉ có thứ tiết không đông mới dùng đánh tiết canh được. Muốn hãm tiết phải dùng muối. Cho một ít muối vào cái chậu, dùng chuôi dao bầu di cho nát muối ra rồi khi dòng tiết chẩy vào chậu, lại dùng đũa ngoáy cho muối tan đều. Cho ít muối quá, tiết nhạt, sẽ đông ngay sau khi chọc. Hỏng. Cho nhiều muối, tiết mặn, đánh tiết canh sẽ không đông, bát tiết canh trở thành... canh luyễnh loãng, được gọi một cách mỉa mai là “máu canh”, nghe rợn cả người. Cũng hỏng.

Nghệ thuật cao nhất là cho muối làm sao để tiết không mặn không nhạt, đến lúc đánh, bát tiết canh đông đặc, được gọi là tiết canh “xâu lạt”, ý nói đổ bát tiết canh xuống đĩa, nhấc bát ra rồi xâu cái lạt qua khối tiết canh mà giơ lên, khối tiết vẫn không vỡ. Tết năm nay mà làm hỏng tiết, thì phải chờ đến đúng ngày này sang năm mới lại có. Thế nên khi chọc tiết lợn, thường thì anh nọ đùn anh kia, bởi anh nào cũng chỉ quen với cuốc với cày chứ cả năm có mấy khi đụng đến dao thớt đâu mà quen. Cũng vì lý do đó nên đám mổ lợn Tết nào ở làng tôi những ngày Tết thời bao cấp cũng chờ anh Báu.

Không biết có phải được trời cho hay không mà Báu hãm tiết không bao giờ hỏng, và chọc tiết lợn cũng thuộc hàng cao tay. Anh bảo:

- Phải chọc một nhát cho mũi dao bầu trúng ngay tim con lợn. Có thế tiết chảy ra mới mạnh, mà màu tiết mới đỏ tươi. Chỉ vài phút là con lợn chết ngay. Chọc chệch tim, vào phổi, tiết chảy đã yếu mà lại có bọt, trong tiết lẫn cả dịch phổi lợn, rất bẩn. Còn chọc làm đứt tĩnh mạch thì tiết lợn sẽ đen xì.

Được nhiều đám nhờ nên đêm 29 Tết, Báu chỉ chọc tiết con lợn mà mình được chung xong là để vợ ở lại chờ nhận thịt, còn mình đến những đám khác chọc tiết, hãm tiết hộ với lời giao hẹn:

- Phải cho tôi một bát tiết canh với chén rượu.

Sau khi chọc tiết, hãm tiết con lợn thành công, các đám bắt tay làm lông, mổ thịt, làm lòng. Và bao giờ người ta cũng trích một ít lòng, đánh mấy bát tiết canh để “bồi dưỡng” cho những người giết lợn, còn lại mới chia phần. Cả làng ngót ba chục đám mổ lợn. Khi Báu hãm tiết, chọc tiết đến đám cuối cùng thì đám đầu tiên cũng đã đánh xong tiết canh. Đúng lúc đó anh quay lại. Làm bát tiết canh và chén rượu trả công xong, anh sang đám thứ hai, xong đám thứ hai đến đám thứ ba, thứ tư...

Tang tảng sáng ngày 30, cả làng bỗng nháo nhào lên vì tiếng chị Báu gào ầm ĩ:

- Ối làng nước ơi... ối các ông các bà ơi là các ông các bà ơi... Cứu chồng tôi với... ối các ông các bà ơi... Chồng tôi ngã hộc máu chết rồi...

Những hàng xóm gần nhất vội vàng chạy ra, và họ thấy một cảnh tượng kinh hoàng: Anh Báu nằm thẳng cẳng, miệng ộc ra một đống máu bằng vành nón. Mọi người cuống cuồng kẻ lay người gọi nhưng anh không tỉnh, trong khi chị Báu vẫn bù lu bù loa. Mãi sau anh Du bảo chị Báu: “Lấy cái võng, cái đòn ra đây, khiêng ra trạm xá”.

Chừng một tiếng sau, anh Báu mới được khiêng ra trạm xá. Ngày Tết nên trạm vắng tanh. Được người gọi, ông Tựa trạm trưởng vội vàng từ nhà chạy ra. Thăm khám xong, ông bảo:

- Đưa nó về. Lấy cái nõn dong thọc vào họng cho nó nôn hết ra là khỏi. Nó say quá đấy mà. Thứ nó nôn ra là tiết canh chứ không phải máu.

Thì ra, đi cả làng chọc tiết, hãm tiết hộ rồi lại quay lại từng đám để nhận công. Ngót ba chục đám mổ lợn Tết, ngót ba chục bát tiết canh và cũng chừng ấy chén rượu đã khiến anh đứ đừ. Khật khưỡng ra về, đến gần ngõ nhà mình, anh bị vấp, ngã, nôn thốc nôn tháo và nằm đó... ngủ luôn. Nhận phần thịt của nhà mang về, ngồi chờ mãi không thấy chồng về để chế biến. Sốt ruột, chị Báu định đi tìm và gặp ngay cảnh trên.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm