| Hotline: 0983.970.780

Cái áo “ăn bớt”

Thứ Ba 20/08/2013 , 10:07 (GMT+7)

Thằng Rụ cong cổ gào: Thằng Hanh có cái áo đẹp quá, chúng mày ơ... ơi... Đang chơi ở sân chùa Bùi chờ giờ vào lớp (hồi ấy, các lớp học phải sơ tán vào đình, vào chùa để đề phòng máy bay Mỹ bắn phá) đám học trò lớp 5 chúng tôi đều nghển cổ nhìn.

- Thằng Hanh có cái áo đẹp quá, chúng mày ơ... ơi...

Thằng Rụ cong cổ gào. Đang chơi ở sân chùa Bùi chờ giờ vào lớp (hồi ấy, các lớp học phải sơ tán vào đình, vào chùa để đề phòng máy bay Mỹ bắn phá) đám học trò lớp 5 chúng tôi đều nghển cổ nhìn.

>> Nồi rượu cưới
>> Cân lòng chai rượu nuốt người... lao đao
>> Chị Dầu chị Mỡ
>> Chồng tôi hộc máu chết rồi!
>> Cái thuốn xe đạp
>> Con lợn đẹn
>> Buổi cày đầu tiên
>> Miếng thịt trâu mất tích
>> Con nghé chết
>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

Hôm ấy, thằng Hanh đến muộn. Khi nó gỡ cái nùn rơm đeo ở lưng ra, bỏ cái mũ rơm trên đầu xuống (nùn rơm và mũ rơm để chống bom bi của giặc), chúng tôi nhất loạt “ồ” lên vì cái áo của nó.

Cái áo mới toanh, sặc sỡ đủ màu: Xanh, nâu, cứt ngựa, hoa, ca rô trắng sọc đỏ, ca rô trắng sọc đen... Chỉ có điều những màu sắc đó không in trên áo, mà cái áo nó mặc được kết bằng hàng chục mảnh vải khác nhau, mỗi mảnh một màu.


Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Cái áo mới ấy khiến thằng Hanh nổi bật giữa đám bạn cùng lớp là chúng tôi, thằng nào thằng ấy rặt quần áo nâu vá chằng vá đụp, chẳng khác con công giữa đàn gà. Thấy chúng tôi xúm lại sờ, mân mê cái áo của mình bằng ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ và thèm muốn, Hanh vênh mặt:

- Chỉ bố tao mới may được cái áo này cho tao mặc, chứ bố chúng mày toàn nhòm đít trâu, thì đến mùa quýt cũng chả may được.

Lời Hanh khiến chúng tôi càng ngưỡng mộ, càng thèm được như nó, và không ít thằng tủi thân. Mỗi năm, mỗi người được một tờ “phiếu vải”. Mỗi tờ phiếu ấy được mua đúng 4 m vải. Tiếng là 4 m nhưng nếu mua được loại vải khổ ngang 0,8 m thì còn được 3,2 m2. Còn nếu chẳng may cửa hàng chỉ có loại vải khổ ngang 0,6 m, thì chỉ còn 2,4 m2.

Với diện tích vải ấy, những anh khổ người tầm tầm đủ may một bộ quần áo dài, muốn có quần đùi phải xoay cách khác. Còn áo lót thì “Bắt cởi trần, phải cởi trần/ Cho may ô, mới được phần may ô”.

Khổ nhất là những anh cao to lộc ngộc, may được áo thì thiếu quần và ngược lại, có chăng sau khi may một thứ, chỉ còn thừa dăm tấc vải. Phụ nữ được ưu ái hơn đàn ông ở chỗ mỗi năm ngoài 4 m vải, còn được thêm một mét màn để dùng những lúc bị “trời hành”.

Sống thì thế. Lúc chết, con cháu cầm giấy chứng tử của Uỷ ban xuống bách hoá, được mua 4 m vải liệm. Có một dạo, số người chết ở xã Ninh Sở bỗng tăng bất thường. Một tháng có hơn chục người chết. Công an đâm nghi.

Vào cuộc, mới hay ông Tư pháp xã tham ô, viết bừa giấy chứng tử cho những người... không có thật để người nhà cầm đến bách hoá mua vải liệm, tuồn ra chợ đen lấy tiền. Vụ án gây chấn động cả huyện.

Các loại vải hồi ấy quanh đi quẩn lại chỉ có phin xanh Nam Định, xanh chéo Nam Định, xanh Sỹ Lâm Trung Quốc. Được chuộng nhất là Trúc bâu trắng, loại này mua về, dấn mấy nước nâu là thành “Màu áo mới nâu non nắng chói” ngay, hay cẩn thận hơn, sau lúc dấn nâu đem vùi xuống bùn ung cho thành màu đen thì độ bền của vải tăng gấp 3 lần.

Một cái áo đen hay áo nâu loại ấy dãi nắng dầm sương ba năm không rách. Kaki và Simili là hai loại thượng hảo hạng. Những anh diện quần kaki cứt ngựa hay Simili xanh rêu, áo Sỹ Lâm, dận dép nhựa Tiền Phong trắng, cưỡi Phượng Hoàng cánh trả, được xem là những “công tử” hào hoa, lướt đến đâu gái theo đến đấy.

 Mùa hè mặc thế nào cũng được. Còn mùa đông, cái áo đại cán hay áo bông luôn là niềm mơ ước của mọi người. Nhất là bên ngoài áo đại cán hay áo bông, bên trong lại thêm cái áo len màu cứt ngựa hay màu nâu nhạt, thì niềm hạnh phúc thật... vô biên.

Vải hiếm, nên người ta dùng đủ mọi cách để kéo dài tuổi thọ của cái áo cái quần. Mông quần, đầu gối quần bị bợt vải hay bị rách, đàn ông, thanh niên thường mang đến thợ may. Người thợ sẽ dùng một miếng vải cũ đệm vào trong rồi may đụp lại bằng những đường chỉ hình quả trám, hình vuông, hình bình hành hay hình tròn đồng tâm, vòng nọ cách vòng kia chừng 1 cm, cứ thế thu hẹp lại dần.

Kiểu vá ấy gọi là “bích kê”. Sẵn tài may vá nên các bà các chị không mấy khi cần đến thợ mà vá lấy. Có những cái áo hay cái quần đụp nhiều đến mức người ta không biết lúc đầu nó được may bằng thứ vải gì nữa.

Cũng vì hiếm vải, nên cánh thanh niên nghĩ ra một chiêu rất “độc”. Lấy vài tấc vải trắng, thuê thợ may may thành một cái cổ cồn áo sơ mi, đính thêm một dải vải trắng rộng chừng dăm cm quanh cái cổ cồn ấy, làm khuy. Cắt cổ cái áo nâu cũ, áo đen cũ hay áo xanh cũ đi, đính cúc vào quanh vai áo, đem cái cổ cồn trắng cài cúc vào, khoác cái áo khác ra ngoài, thế là lừa được thiên hạ rằng ta có cái áo trắng tinh mặc trong.

Những người cần hình thức nhất là cán bộ Bộ Ngoại giao hồi ấy cũng không sao kiếm nổi bộ comple. Mỗi lần phải tiếp khách quốc tế hay phải đi công tác nước ngoài, nhà ngoại giao phải mang công lệnh đến xin Thủ trưởng cơ quan ký duyệt, sau đó xuống kho, thủ kho căn cứ vào chữ ký duyệt đó, xuất kho cho mượn một bộ comple và một cái cà-vạt.

Có những bộ comple cổ còn láng nhẫy ghét vì người mượn trước mang trả nhưng thủ kho lười không giặt, hay có nhưng cái cà-vạt qua cổ quá nhiều người nhưng không được giặt, không được là, quăn queo lại như cái ruột mèo phơi khô...

“Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”. Bố thằng Hanh là ông Khái, thợ may. Vì nhất định không góp máy, không vào Hợp tác xã may mặc nên ông bị coi là “phần tử lạc hậu, chậm tiến”. Mặc kệ, ông nhất định làm ngoài, mua chỉ chợ đen để may. Người làng tôi ai cũng mang vải, mang quần áo rách đến nhà ông để may hay vá, vì ông lấy công đã rẻ, làm lại nhanh, quần áo ông may khá đẹp.

 Cái máy may “xanh-gie” đạp chân của Tây nhà ông chạy suốt ngày. Nhờ nghề may mà gia đình ông sống khá phong lưu. Quần áo của vợ chồng ông và mấy đứa con, dù là quần áo cũ nhưng lúc nào cũng tươm tất, lành lặn.

Trở lại chuyện cái áo mới của thằng Hanh. Sáng hôm sau, thằng Rụ sang rủ tôi đi học, và thì thầm:

- Cái áo của thằng Hanh là cái áo “ăn bớt”, mày ạ.

- Sao lại là áo “ăn bớt”?

- Tối hôm qua thằng Hanh sang nhà tao học nhóm. Nhìn cái áo của nó, thày tao không nói gì. Nhưng lúc nó về, thày tao lẩm bẩm: “Đói cho sạch, rách cho thơm. Ai lại đi ăn bớt vải của người ta mà may áo cho con mặc”. Tao hỏi thì thày tao bảo bố nó làm thợ may, mỗi người mang vải đến may, thày nó lại ăn bớt của người ta một miếng, rồi dùng những miếng vải ăn bớt ấy ghép lại, may thành áo cho nó. Vậy nên cái áo ấy nó mới nhiều màu thế chứ.

- Vậy à?

Không chỉ nói với tôi, Rụ còn nói với nhiều đứa khác nữa. Chẳng mấy lúc, chuyện bố thằng Hanh ăn bớt vải của mọi người để may áo cho con mặc lan ra cả lớp. Thế là khi thằng Hanh vừa đến, một lũ đồng thanh reo ầm lên:

- Áo ăn bớt. A ha, áo ăn bớt. Thằng Hanh mặc áo ăn bớt chúng mày ơi. Áo ăn bớt đẹp ơi là đẹp...

Ngỡ ngàng một lúc rồi chợt hiểu ra, Hanh oà khóc, chạy về...

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.