| Hotline: 0983.970.780

Gã buôn ngựa xuyên dãy Hoàng Liên

Thứ Tư 27/11/2013 , 10:38 (GMT+7)

Gã buôn ngựa mà chúng tôi nói đến ở đây là Vàng Văn Hoàng, SN 1949, người dân tộc Tày ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Gã buôn ngựa mà chúng tôi nói đến ở đây là Vàng Văn Hoàng, SN 1949, người dân tộc Tày ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà (Lào Cai).

>> Đất và người Bắc Hà

Kí ức chỉ ngô, khoai, sắn

Nhà Vàng Văn Hoàng cách trung tâm thị trấn Bắc Hà chỉ chừng 2 cây số. Ngôi nhà nhỏ của gã nằm chênh vênh trên quả đồi um tùm cây cối, điểm xuyết vài ba gốc mận tam hoa. Cái cổng làm bằng tre cao chừng gần một mét đứng rệu rạo, hơi đẩy mạnh tay một chút là bung.

Thấy chúng tôi đến, gã lê đôi dép nhựa đã xỉn màu ra mở cổng. Vàng Văn Hoàng bảo, chúng mày đến tìm tao có chuyện gì, vào làm chén rượu nhé. Trong sân, mọi thứ nằm ngổn ngang, rất rối mắt. Trong đó, tôi nhận ra một chiếc quan tài, một chiếc yên ngựa, một chiếc thùng phuy. Tất cả đều làm bằng gỗ và đang được đóng dở dang.

Phải chăng cuộc sống khắc khổ nên trông Vàng Văn Hoàng già hơn rất nhiều so với cái tuổi 60 của mình. Nhưng trong gã, từ ánh mắt, cách nói chuyện vẫn toát lên phong thái của một lãng tử. Nhấp chén rượu ngô cay nồng, gã bảo vui lắm, vì lâu rồi không có khách từ xa đến cùng lão uống rượu.


Gã buôn ngựa xuyên dãy Hoàng Liên Vàng Văn Hoàng

Đôi mắt lim dim, gã bắt đầu kể về tuổi thơ của mình. Những câu chuyện nhiều lúc đứt đoạn, không có đầu mà cũng chẳng có cuối. Đôi lúc, xen lẫn cả tiếng khóc của hai đứa cháu nội được 2 tuổi.

Gã sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em. Nhà gã, không ai được đi học, không biết mặt mũi của con chữ tròn hay dài, ngang hay dọc ra sao. Trong kí ức của Vàng Văn Hoàng, tuổi thơ là những chuỗi ngày nằm trên lưng mẹ lên đồi. Lớn một chút nữa, Hoàng theo bố mẹ đi phát rẫy, làm nương.

“Không có cơm đâu, tao toàn phải ăn mèn mén, ngô, khoai, sắn thôi. Có mà ăn là tốt rồi, không sao sống được mà ngồi uống rượu với tụi mày như bây giờ”, gã cứ vừa cười vừa nói.

Những hôm, không theo cha mẹ lên đồi, mấy anh em ở nhà đói quá, ăn sống cả sắn. Trong cơn đói, mấy anh em ăn ngấu nghiến, rồi bị say sắn, nôn thốc nôn tháo, sùi cả bọt mép. Gã bảo, nghĩ lại, tới bây giờ vẫn sợ cái cảm giác đó.

Lớn hơn một chút, Hoàng vẫn không biết đến mặt con chữ là gì. Hằng ngày, Hoàng được giao nhiệm vụ đi chăn trâu, cắt cỏ. Trưa làm một đùm cơm trộn sắn, ngồi ăn ngay tại vệ suối, ăn xong thì ngả lưng vào một tảng đá nào đó “đánh” một giấc. Hôm nào đủ cỏ, Hoàng không phải đi chăn trâu nữa, hắn được cưỡi ngựa gùi đồ cho mẹ lên nương.

“Bé tí tao đã được ngồi trên lưng ngựa rồi, con trai bản mà không biết cưỡi ngựa, uống rượu thì không lấy được vợ đâu”, gã cười khà khà.

Tiếng lạc ngựa, tiếng vó ngựa như bản nhạc nuôi nấng tâm hồn của gã buôn ngựa Vàng Văn Hoàng. Trong kí ức của gã, hình ảnh về những buổi chợ phiên Bắc Hà có lẽ là ấn tượng nhất.

Đi chợ, được diện quần áo mới, được trò chuyện với các cô gái, và được uống rượu cùng món thắng cố say đến bí tỉ mà không bị ai chê cười. Và gã cũng không thể thể bỏ qua việc ngắm nhìn những chú ngựa người ta đem bán tại chợ phiên.

Xuyên dãy Hoàng Liên Sơn

Một năm, đất Bắc Hà chỉ làm được một vụ lúa, một vụ ngô, còn lại là trông vào mấy cây mận, mấy luống rau bị sương muối táp đến còi cọc. Nhiều đêm trằn trọc, Vàng Văn Hoàng nghĩ ra con đường thoát nghèo duy nhất là đi… buôn ngựa. Gã đi vay mượn anh em bạn bè, gom góp tài sản trong nhà bán lấy tiền làm vốn đi buôn.

Thời đó, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, đâu cũng là đường đất. Hôm nắng, gió cuốn bụi bay mù mịt, hôm mưa thì trơn trượt. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, Vàng Văn Hoàng vẫn quyết tâm đi buôn ngựa cho bằng được. Không đi theo đường to, gã cứ nhằm những con đường tắt, đường chuột chạy để đi. Và đương nhiên là đi bộ.

Quãng đường từ Bắc Hà sang Than Uyên (ngày nay thuộc Lai Châu) theo lối tắt cũng phải gần 270 cây số, còn nếu đi theo đường lớn chắc phải 400 cây. Thời gian từ khi đi cho đến lúc đặt chân tới Than Uyên trung bình mất một tuần. Khi đi, gã chuẩn bị cơm nắm, muối vừng, ít rau rừng xào mặn làm thức ăn dọc đường.

“Có những hôm tao chỉ đi và uống nước suối cầm hơi, thế mà vẫn sống mới tài chứ”, gã kể chuyện. Đói quá, gã trèo lên cây hái trái cây rừng ăn. May mắn gặp nhà dân thì vào xin bắp ngô, củ sắn ăn qua bữa. Chỉ khi gặp đường lớn, Vàng Văn Hoàng mới dám tiêu đến số tiền cầm đi mua ngựa.

Sau một tuần nếm mật nằm gai, gã cũng đến được mảnh đất Than Uyên, nơi được mệnh danh là xứ ngựa. Ở đây, người ta nuôi rất nhiều ngựa nhưng chỉ để thồ hàng nên không có chợ. Chính vì vậy, ngựa Than Uyên ít được biết tới trừ cánh buôn ngựa tại chợ Bắc Hà.

Xách chiếc túi lỉnh kỉnh quần áo và tiền, gã vào từng nhà trong bản hỏi xem ai muốn bán ngựa thì mua. Chuyến đi đầu tiên, gã mang theo một triệu tiền vốn. Ngựa hồi đó chỉ vài trăm một con, mua khéo, một triệu gã có thể được bốn con ngựa chứ chả chơi.

Chuyến buôn đầu, gã mua được bốn con, đem về chợ phiên Bắc Hà bán được giá 400 nghìn/1 con. Vượt chặng đường 600 cây số cả đi cả về, gã lãi được 600 nghìn một chuyến. “Tụi mày không biết đâu, tiền thời đó có giá, thế là bằng cả năm nhà tao làm nương rồi đấy”, gã thật thà.

Nhưng đã là đi buôn, chuyện lỗ lãi, hên xui cũng là chuyện thường. Có những chuyến đi hàng tuần của gã, người gần như kiệt sức mà không tài nào mua được một con ngựa. Tiền vốn cứ ăn cụt vào mà ngựa chẳng thấy đâu.

Một chuyến, bạn của gã ở xã Cốc Ly (cùng huyện Bắc Hà) muốn góp vốn cùng đi buôn ngựa. Đúng chuyến đó, hai gã trở về tay trắng vì không mua được ngựa. Cũng từ lần đó, người bạn của gã không ao giờ dám đi buôn ngựa nữa.

 Không cần bạn đồng hành, gã cứ túc tắc vượt qua núi cao, vực sâu sang Than Uyên buôn ngựa. Con ngựa có giá nhất mà gã từng mua có giá 500 nghìn. Gã mua về, một tháng sau bán đi lời được 300 nghìn.

Nó hiểu tiếng tao đấy

Áng chừng năm 1995 - 1996, vợ gã bị bệnh nặng qua đời, gã buồn không nói gì, ngày ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Từ đó, Vàng Văn Hoàng bỏ luôn nghề buôn ngựa. Thời gian sau, gã cũng nguôi ngoai, tiếp tục hùn vốn buôn mận tam hoa, một đặc sản trứ danh của vùng đất Bắc Hà. Rồi mận cũng mất giá, gã ở luôn nhà mở xưởng mộc đóng đủ mọi thứ từ xô chậu, thùng phuy đến quan tài.

Gã khoe với tôi chiếc thùng phuy đang đóng dở cho khách: “Cái này dùng để đựng rượu hay làm thùng nước tắm thuốc cũng tốt. Tao bào nhẵn lắm, nó ghép khít vào nhau thế này, nước không chảy ra được đâu”.

Không buôn ngựa nữa, nhưng gã vẫn nuôi ngựa, vừa để chơi, vừa thỉnh thoảng chở cho lão ít gỗ về làm mộc. Con ngựa gã đang nuôi có da và lông đỏ au, chân thẳng, dáng khá đẹp. Gã bảo, con ngựa này được khoảng 7 năm tuổi rồi, nhiều người hỏi mua nhưng gã không bán.

Dẫn tôi xuống chuồng ngựa, Vàng Văn Hoàng ghé vào tai con ngựa nói lầm rầm gì đó. Con ngựa mài mài móng xuống nền, đầu liên tục ngẩng lên cúi xuống rồi lắc bộ bờm dựng đứng. “Nó chào mày đấy, nó là ngựa nhưng nó hiểu tiếng tao, nuôi lâu rồi mà”, gã nói như để thanh minh.

+ “Tao chẳng nhớ là mình đi được bao nhiêu chuyến, mua được bao nhiêu con ngựa. Giờ tao già rồi, không đi được xa nữa, nhưng tuần nào không được đi chợ phiên ngắm ngựa, uống rượu thì không chịu được”, gã tâm sự.

+ Gã khoe, con ngựa mà gã đang nuôi nhiều người hỏi mua nhưng còn lâu gã mới bán. Mấy năm liền, gã cho con ngựa này đi đua đều giật liền các Giải Nhất, Nhì, Ba.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.