| Hotline: 0983.970.780

Những vùng đất khốn khó

Thứ Hai 01/02/2010 , 10:49 (GMT+7)

Ở thế kỷ 21 này nhưng có những vùng đất vẫn sống trong cách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đó người dân không đọc nổi chữ, chẳng biết đồng tiền mệnh giá VNĐ lớn nhất là bao nhiêu...

Ở thế kỷ 21 này nhưng có những vùng đất vẫn sống trong cách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đó người dân không đọc nổi chữ, chẳng biết đồng tiền mệnh giá VNĐ lớn nhất là bao nhiêu...

Thèm ăn cháo với... bột canh

Từ thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn) về xã vùng biên Bính Xá (huyện Đình Lập) có hơn 10km nhưng tôi phải đi xe cửu vạn hết 70.000đ, ngang bằng tiền tắc - xi dưới thành phố.

Anh xe ôm bảo thế đã là may, bởi mấy hôm nay trời ráo chứ mưa có trả cả trăm ngàn cũng chẳng ai dám vào vì đường trơn như đổ mỡ, dễ lăn tõm xuống vực. Vừa chở tôi, anh xe ôm vừa liếc nhìn vào những vạt rừng ven đường. Anh bảo: “Mình giấu sẵn dao trên đó rồi, khi về chỗ nào có củi thì chặt về đun đỡ được rất nhiều”.

Rất may khi đến nơi, ông Chủ tịch UBND xã nhiệt tình cử người dẫn tôi vào tận bản Pồ Phát - nơi khó khăn, cách biệt nhất của Bính Xá, nơi mà theo khẳng định của trưởng bản chưa bao giờ có nhà báo đến. Qua con thuyền gỗ cũ nát, nhỏ bé đến nỗi tưởng như ngồi trên đó chỉ cần cười thôi là cả tôi lẫn trưởng bản Hoàng Văn Báo đang chống sào sẽ lăn tòm xuống dòng sông lạnh buốt. Xóm đầu tiên chúng tôi đến là Khau Chạy. Ở đây không hề có điện, đường đi lại rất khó khăn, nhà cửa thì toàn bằng đất hết.  

Những đứa trẻ chưa bao giờ thấy máy ảnh, khóc như bị đem đi tiêm phòng

Chị Triệu Thị Phương vừa đi thả trâu về. Vụ này nhà chị được 5 bao thóc, phải ăn cháo ngô, cháo sắn suốt. Nhà cửa không có thứ gì đáng giá nổi trăm ngàn nhưng lấp ló sau nụ cười mộc mạc của chị Phương là một cái gì sáng loáng, ánh vàng. "Theo phong tục người Dao mình, phụ nữ rất thích bịt một hai cái răng vàng. Mình không có tiền cũng phải xuống tận thị trấn Lộc Bình bịt một cái răng mạ đồng hết 25.000đ. Ngay cái khuyên tai này màu vàng nhưng cũng không phải vàng đâu, mình mua của hàng rong hết 5.000đ đấy” - chị thật thà cho biết. Nhà chị Phương có 2 đứa con, không xe đạp, không xe máy đi đâu toàn đi bộ. Giở chiếc nồi cơm ra, tôi hỏi: “Sao bảo nhà chị toàn ăn cháo sắn?”. “Mùa đông đi tiểu tiện nhiều nên không nấu cháo vào buổi tối đâu vớ”, chị không hề giấu.

Cạnh đó, nhà ông bà Triệu Đức Tài năm nay 70 tuổi. Ông đang nấu 20 kg gạo rượu để chuẩn bị cho Tết dù rằng y như lời ông: “Vẫn không đủ đâu, nhà có 8 bao thóc, nấu rượu ăn Tết mất 1 bao nên thiếu sẽ phải ăn cháo đấy”. Nhà chỉ còn hai ông bà già ở với nhau, con cái lấy chồng, lấy vợ ra riêng hết. Cặm cụi suốt mùa ông bà vẫn bị 3 - 4 tháng thiếu đói. Bà Tài quần áo rách phải lấy chiếc khăn cũ buộc ngang bụng cho khỏi bung ra, bàn chân đất lội căm căm trong cái sân sục bùn dưới trời mưa phùn rả rích. Quần áo ông rách tươm, ngay cả chiếc mũ đội đếm vội đếm vàng cũng thủng vài chục lỗ, chỗ to đút vừa ngón tay cái, chỗ nhỏ cũng lọt đầu đũa. Mấy hôm trước, trời rét không có đủ quần áo ấm, ông bà chẳng đi nổi đâu cứ loanh quanh như con rùa xó bếp sưởi lửa cả ngày. Rét quá có đàn gà nuôi vừa rồi chết dịch hết, hàng xóm thương tình mới cho hai con nhỏ về nuôi.

Ông bà Tài quần áo rách tươm, phải chằng buộc cho khỏi bung

Khổ nhất của Khau Chạy phải kể đến nhà anh Triệu Đức Thành, 8 người mà làm được 16 bao thóc, trung bình vay một năm mấy tạ. Trong căn nhà tối om om, chẳng dám thắp đèn dầu ấy tôi thấy có chiếc xe máy Tàu rách đắp chiếu dựng góc nhà là tài sản chung của 2 anh em Thành. “Mình mua của người đi bán hàng rong 3,5 triệu thì đã nát lắm rồi, đi được mấy tháng sửa mất gần 2 triệu nữa. Vẫn phải vay mượn nợ đấy chứ có trả được đâu. Máy xát cũng hỏng không có tiền sửa nên dùng cối giã gạo. Giã cả ngày cật lực mới được mấy chục cân gạo”. Đang mặn chuyện thì mấy đứa con nhỏ của anh Thành đi kéo gỗ củi trôi sông, người ướt lượt thượt, răng va vào nhau lập cập dưới cái lạnh 7-8 độ C.

Anh bảo: “Chúng cũng được người ta từ thiện cho vài cái áo cũ nhưng rách nát quá, xấu quá nên chỉ mặc lúc đi củi hay khi ở nhà còn đến lớp, ngượng không dám mặc đâu. Có mỗi cái áo cánh mỏng manh, đổi cho nhau, hết anh mặc lại đến em cho hết cả mùa đông”. Ở xóm, dép lê tổ ong là một cái gì đó xa xỉ với lũ trẻ. Ngay đứa cháu nội của anh Thành cũng chỉ mặc một chiếc áo rộng của đứa lớn trùm tới mông mà không hề…có quần chứ đừng nói đến guốc dép. Phần thịt da lộ bên ngoài tím tái trước cái rét nơi thâm sơn cùng cốc. Khi tôi đưa máy ảnh lên chụp, mấy đứa lớn đứng cứng đờ người, đứa nhỏ giãy giụa cật lực trên tay mẹ, khóc rung lên từng chặp đến khi không còn tiếng. Hình như, đối với lũ trẻ này, việc chụp ảnh cũng đáng sợ, cũng đau đớn hệt như lúc bị… đưa đi tiêm phòng sởi, phòng cúm vậy. Bữa cơm nhà anh Thành hôm nay khá “tươm” vì cơm không phải độn, có củ cải khô và món chủ lực là bát muối đâm với gừng nghiền nhỏ. Nếu ăn cháo thì đã có món sắn xào muối trắng làm canh.

Đám con cháu nhà anh Thành

Trưởng bản Hoàng Văn Báo cho biết Pồ Phát có 58 hộ gồm người Tày, Nùng, Dao thì có 27 hộ nghèo. Ngay cả những hộ ở trung tâm bản như chị Phương Thị Pen vẫn đói dài đói dặc. Chị vừa ôm đứa cháu nội 14 tháng tuổi bé nhẳng vừa dỗ nó ăn bát cháo trắng với bột canh chứ không hề có mỡ, có thịt: “Đấy là hơi dồi dào một tí mới mua nổi bột canh chứ bình thường chỉ cháo rau với muối trắng thôi. Trẻ con ở đây thích ăn cháo với bột canh lắm vì nó ngọt mà”.

Người đàn bà thổ lộ trong khi đám trẻ lớn hơn đang mải mê chơi với chiếc xe hay đúng hơn là có mỗi cái khung xe gắn bốn chiếc bánh nhựa bé bằng lòng bàn tay. Thứ đồ chơi nếu ở đồng bằng, có vứt đi, trẻ con cũng chẳng buồn nhặt thế mà chúng thích thú lắm. Chị Pen bảo: “Nhà mình không có ruộng nên dựa vào việc cạo nhựa thông thuê mà sống. Giờ thông Cty chặt hết rồi không có nữa mà cạo nên mấy tháng không có tiền toàn vào rừng tìm chè rừng hay đào rễ cây mua để bán cho Trung Quốc. Rễ mua mọc trên đồi đâm nhánh rất sâu, đào tước da tay xuống dưới cả mét đất đá mới lôi lên nổi. Mỗi cân rễ cây mua ấy được người ta thu mua với giá trên 1.000 đồng.”

Có điều nhiều người đói đi đào rễ mua quá nên thứ cỏ dại ấy cũng hiếm hoi, phải vào những vạt rừng rất sâu, đào rất khó mà toàn được loại có rễ ngắn, rễ nhỏ mà thôi. Cả sáu miệng ăn nhà chị Pen giờ chỉ trông chờ vào đám rễ cây dại ấy, đem bán ăn đong sắn, ăn đong gạo… Trên quả đồi trống trơ có ngôi nhà lẻ của 6 mẹ con chị Hoàng Thị Nhung. Mấy ngày nay, chị đang tất bật chuẩn bị cho đám cưới đứa con gái. “Mình thách 12 triệu, nhà trai mới đưa được 7 triệu nên mình phải đi vay lợn, vay gà, vay gạo, vay hơn 100 lít rượu khắp bản đấy. Nếu đưa hết cũng không đủ đâu mà còn phải bù vào à, bù bao nhiêu, chưa ăn nên không biết đâu”, chị bảo.

Đến 18 âm lịch con chị cưới. Cô dâu mới có tên Hoàng Thị Hình sinh năm 1993, học hết lớp 6 nhất định không chịu cho tôi chụp ảnh mà chạy vụt vào buồng, thỉnh thoảng mới ló mặt ra liếc. Ở đây, vẫn còn tục lệ thách cưới khá nặng nề. Thách không còn trâu, lợn lễ vật mà giản đơn bằng cách đưa tiền mặt. Nếu trong xóm, trong bản nhà gái thách ít hơn, chứ ngoài xã phải đòi 15-18 triệu một đám. Đó là chưa kể tiền tổ chức ăn uống cũng gần bằng chỗ ấy nữa nên đa số đều vay mượn thậm chí bán trâu đi trả nợ, trả có khi con lấy vợ, gả chồng mà nợ cũng chưa hết. (Còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất