| Hotline: 0983.970.780

Kịch bản cho những cuộc bắt vợ

Thứ Ba 30/03/2010 , 10:21 (GMT+7)

Tục bắt vợ của dân tộc Lào đã có từ bao đời nay, dường như tục lệ này nhằm chống lại tục lệ ở rể với thời gian kéo dài cả chục năm. Vậy kịch bản nào cho những cuộc bắt trộm vợ?

Tục bắt vợ của dân tộc Lào đã có từ bao đời nay, dường như tục lệ này nhằm chống lại tục lệ ở rể với thời gian kéo dài cả chục năm, khiến cho những đôi vợ chồng trẻ mất hết quyền tự do. Vậy kịch bản nào cho những cuộc bắt trộm vợ?

Tôi theo Lò Văn Hải, Phó chủ tịch HĐND xã Mường Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) vào bản Phiêng Sản. Bản nằm cạnh dòng Nặm Be, tựa lưng vào núi Khỉ nhìn ra cánh đồng rộng mênh mông. Tên bản cũng là tên một loài cây, Phiêng Sản tiếng Lào có nghĩa mảnh đất bằng có nhiều cây xổ. Loài cây thường mọc ở gần bờ suối, ẩm ướt, quả to gần bằng chiếc bát ăn cơm do những đài hoa khép lại. Quả xổ ăn chua và hơi nhớt, tháng 5 gặt hái, nắng nóng người dân hái quả xổ chấm muối ớt ăn để giải nhiệt.

Chúng tôi rẽ vào nhà Lò Văn Đôi ở ngay đầu bản, lúc này trước cửa nhà Đôi có một số người đang ngồi sưởi nắng, dường như họ đang chờ đợi ai đó. Hải chỉ người đàn ông trạc 35 tuổi, đang ngồi chống cằm đôi mắt buồn rầu ngóng về con đường sau núi hun hút gió: Đây là anh Lò Văn Sòi, con gái anh ấy tên là Lò Thị Đôi, sinh năm 1992 vừa học xong Trung học phổ thông cơ sở bị Lò Văn Phôm ở bản Co Ngựu - xã Phúc Khoa bắt trộm về làm vợ đêm qua… 

Lò Văn Sòi buồn rầu vì con gái vừa bị bắt trộm làm vợ

Tôi mời Sòi vào nhà Đôi hỏi chuyện, Sòi chẳng buồn nói cứ ngồi hút thuốc lào vặt. Việc đứa con gái bị người ta bắt trộm là cú sốc quá lớn đối với anh. Đêm qua Sòi uống rượu ở nhà bạn khi về tới nhà đã rất khuya, anh vừa chợp mắt thì nghe nhiều tiếng người nói lao xao ngoài đầu sàn, hình như mọi người đang giằng co nhau cái gì đó, một lúc sau thì nghe bốn năm cái xe máy cùng nổ, chạy như rồ dại lên con đường trên núi. Vợ anh là Lò Thị Pheng giật mình trở dậy, chị ra ngoài sàn ngó lên đường rồi quay vào vén màn nơi con Đôi ngủ, nhưng không thấy Đôi ở đó. Pheng lay Sòi dậy: Con Đôi nhà mình chắc bị người ta bắt về làm vợ rồi. Sòi nhỏm dậy hỏi: Ai bắt nó? Vợ Sòi lắc đầu..

Sáng ra vợ chồng Sòi mới được mọi người quanh đó cho biết, đêm qua hơn chục thanh niên bản Co Ngựu đi trên 6 chiếc xe máy đến bản Phiêng Sản, mọi người nghĩ thanh niên bản nọ đến chơi bản kia là chuyện bình thường, có ai nghĩ họ đi bắt trộm vợ đâu.

Thấy Sòi cứ ủ rũ bên chiếc điếu thuốc lào, Lò Văn Đôi cười bảo tôi: Vợ thằng Sòi cũng là người Co Ngựu đấy, nó có chịu đi rể đâu, cũng bắt trộm vợ nó về đấy chứ… Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Thật à, ngày trước Sòi cũng đi bắt trộm vợ à? Sòi gật đầu xác nhận, anh nhệch miệng cười như mếu rồi liên tục rít ba bốn điếu thuốc lào, giọng khàn khàn: Ngày xưa mình yêu cô ấy, cô ấy cũng yêu mình, thế mới bắt trộm được nó về làm vợ chứ. Con Đôi và thằng Phôm có yêu nhau không mà thằng Phôm rủ người ta đến bắt?

Nghe vậy, Lò Văn Đôi cười an ủi: Chắc chúng nó yêu nhau mới chịu để người ta đến bắt về. Ngày trước mày đi bắt vợ cũng thế thôi, vợ mày có yêu mày mới chịu ra ngoài nhà cho mày bắt chứ? Nghe mọi người nói, mày cõng nó chạy ra đường rồi đưa lên ngựa bắt nó về đây. Vợ mày không chịu, nó giãy giụa mấy lần suýt rơi xuống vực, gần sáng mới mang được nó về bản, có đúng không? Sòi gật đầu. Tôi bảo Sòi: Ngày trước Sòi bắt trộm vợ ở bản Co Ngựu, bây giờ người Co Ngựu đến bắt con gái Sòi, đòi lại món nợ ngày xưa, thế là hoà chứ? Sòi lắc đầu đứng dậy đi ra ngoài.

Đôi rót cho tôi chén nước thành thật: Chú ạ, vợ mình cũng là người Co Ngựu cùng bản với vợ thằng Sòi đấy. Thằng Sòi đi bắt vợ còn mượn được ngựa, anh em nhà nó có ngựa mà. Còn mình thì phải cõng, mình cõng cô ấy ra ngoài, nặng bỏ cha, cô ấy lại giãy không chịu đi, thực ra thì cũng muốn đi rồi, nhưng mà cứ giãy. Mấy người giúp mình vừa xốc nách vừa đỡ vai, cõng ra tới đầu bản thì mệt quá không đi được nữa, cô ấy hỏi: Không cõng được nữa à, để tôi đi bộ về nhà anh hay sao? Mọi người thay nhau cõng, về tới suối Hô Be thì chẳng ai còn sức để cõng nổi cô ấy qua suối nữa, bọn mình phải chặt cây làm cáng. Ngồi trên cáng cô ấy vẫn còn giãy, mình bảo: Cô giãy ngã xuống suối không ai vớt lên đâu…

Nghe Đôi kể lại chuyện đi bắt vợ, vợ Đôi là Lò Thị Pỏm cười: Anh này thích cháu quá, đêm nào cũng đến chơi. Cháu bảo: Anh thích tôi, sao không bắt về đi, thế là đêm sau anh ấy rủ người tới bắt luôn. Mới đầu cháu không thích anh ấy đâu, nhưng mà anh ấy thích cháu quá, nên đành ở lại làm vợ anh ấy thôi…

Rít liền mấy điếu thuốc lào rồi phả khói mù mịt, Đôi cười tít mắt, anh chỉ cô gái đang cõng con tên là Lò Thị Xôm: Con Xôm này hai lần bị người ta bắt về làm vợ đấy. Lần trước, người bắt nó về làm vợ là người dân tộc Xá, bản Nà Lại, năm ấy nó mới 17 tuổi. Ở được mấy tháng, chẳng hiểu vì sao nó bỏ về nhà mình. Gia đình nhà trai đền cho mấy trăm ngàn tiền công lao động gì đấy. Khi về nhà được vài tháng đến lượt chồng nó bây giờ tên là Lò Văn Sam tới bắt làm vợ… 

Chàng trai này trở lại nhà bố mẹ cô gái thông báo việc bắt trộm vợ của mình

Tôi hỏi Xôm: Cháu có yêu thằng Sam không, sao để nó bắt về làm vợ?

Xôm vừa lắc lư đứa con trên lưng cười lộ chiếc răng vàng sáng choé, lắc đầu: Người yêu của cháu là người khác chú ạ, chồng cháu không phải là người yêu của cháu đâu. Bố mẹ cháu và bố mẹ chồng cháu bắt chúng cháu phải lấy nhau thì chúng cháu phải lấy nhau thôi. Con cháu đây, nó được hai tuổi rồi chú ạ…

Tôi lại hỏi: Bây giờ có con rồi thì yêu chồng chứ?

Xôm lắc đầu không trả lời, cô cõng con ra ngoài cửa, nói một tràng tiếng Lào. Tiếng Lào nghe gần giống tiếng Thái, tôi nghe câu được câu chăng, hình như Xôm bảo: Người yêu của cháu là người khác chú ạ, nhưng thôi, chuyện ấy qua rồi…

Tôi hỏi Đôi cách thức bắt trộm vợ như thế nào, có mấy bước? Đôi cười: Từ đời ông, đời cha chúng tôi mọi cuộc bắt trộm vợ của người Lào ở đây đều giống nhau. Người con trai và người con gái phải yêu nhau, không yêu nhau thì không bắt được đâu chú ạ, nếu cô gái không yêu khi bắt về cô ấy không chịu, cứ kêu khóc mãi, buộc người con trai phải thả cô ấy về nhà mình. Trước khi đi bắt vợ, nhà trai phải họp bàn anh em trong gia đình về người con gái mình bắt. Tất cả mọi người trong gia đình đồng ý thì mới tổ chức bắt, cũng có cô gái gia đình nhà trai không đồng ý, khi cô gái bị bắt về được một thời gian thì cho ở riêng. Đêm trước đi bắt vợ, người con trai ngầm báo cho cô gái biết đêm sau sẽ đến bắt cô về làm vợ.  

Cô gái bị bắt trộm làm vợ trở lại nhà bố mẹ đẻ

Phải đợi đến khuya mới bắt, khi mọi người đã đi ngủ cả, người con trai ám hiệu gọi cô gái ra ngoài sàn, có thể là thổi sáo hoặc tiếng chim hót…khi cô gái ra khỏi nhà, người con trai kéo đi, nếu cô gái không chịu đi thì chàng trai phải cõng, cõng không được thì mọi người xúm vào khiêng. Những người đi bắt giúp, họ đến chơi ở những gia đình bên cạnh, khuya họ mới ra về đứng đợi ngoài đầu bản chờ ám hiệu của chàng trai. Rất bí mật. Trước đây thì cõng hoặc khiêng, đường xa, nhà có ngựa thì lấy ngựa chở cô gái về, bây giờ có xe máy thì dùng xe máy để chở cô gái, nhưng phải có người ngồi kèm phía sau, phòng cô gái chạy trốn trở về. Khi đưa cô gái về tới nhà trai, họ đã chuẩn bị một căn buồng cho cô ấy vào trong đó, mọi người bắt gà mổ uống rượu ăn mừng “chiến thắng”.

Nếu cô gái đồng ý, thì ngay đêm ấy chàng trai vào ngủ luôn với cô gái, nếu cô gái không đồng ý thì sáng hôm sau hoặc 3 ngày sau phải thả cô ấy về. Gia đình cô gái có thể biết con gái mình bị ai bắt trộm ngay đêm ấy, có nhà chỉ biết chàng rể sau 3 ngày khi nhà trai mang gà và rượu đến thông báo cho gia đình nhà vợ biết. Hai gia đình uống rượu, bàn bạc chuyện cưới xin cho đôi vợ chồng trẻ. Hôm đó, đôi trai gái ấy cùng về, họ mổ gà làm cơm để hai gia đình ăn uống bàn bạc. Người được mời đến, phía nhà gái gồm những người lớn tuổi trong họ tộc, phía nhà trai có bố của chàng trai và những người anh em ruột thịt…Cách thức bắt trộm vợ của người Lào ở đây là thế anh ạ… (Còn tiếp)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm