| Hotline: 0983.970.780

Sống chốn... 5 không

Thứ Sáu 02/04/2010 , 10:18 (GMT+7)

Một công trình nước sạch không còn sử dụng được, đó là tất cả những gì bà con người Pa Cô định cư ở 3 bản biên giới Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau tỉnh Quảng Trị đang sở hữu.

Một công trình nước sạch không còn sử dụng được, đó là tất cả những gì bà con người Pa Cô định cư ở 3 bản biên giới Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau thuộc xã A Vao, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang sở hữu.  

Từng là căn cứ cách mạng

Chiếc ô tô của UBND huyện Đakrông đưa đoàn cán bộ vào thăm bà con nhân sự kiện lần đầu tiên đường ô tô vào đến Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau - (riêng bản A Sau còn cách đường ô tô gần 2 km). Ô tô leo lên đến độ cao hơn 1000 m so với mặt nước biển, thung lũng Pa Linh - Kỳ Nơi và A Sau từ từ hiện ra giữa mây ngàn. Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau nằm về phía tây của xã A Vao, giữa rẻo cao Trường Sơn, ngay đường biên giới Việt Nam - Lào. Đường lên miền tây A Vao mùa này mây trắng bao quanh. Mấy năm trước, từ trung tâm xã A Vao muốn đến các bản này chỉ duy nhất có một con đường là phải đi bộ leo núi, lội suối mất một ngày mới vào được. 

Trẻ em bản Pa Linh ngơ ngác đứng nhìn khách lạ

Khỏi phải nói sự mừng vui của người dân chiến khu xưa trong ngày đường ô tô vào được bản làng của họ. Con đường đèo dốc mới vỡ vạc băng rừng xanh dài mấy chục km được Bộ đội biên phòng Quảng Trị đầu tư xây dựng. Hồ Xuân, một người dân ở bản Kỳ Nơi, ôm chặt lấy ông Lê Văn Quyền, Phó Chủ tịch huyện Đakrông, chùng giọng: “Mình mừng lắm cán bộ ơi. Đợi chờ gần bốn mươi năm, từ ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, người dân các bản giữa rẻo cao mới có được niềm vui như ngày hôm nay. Chưa có đường giao thông, lâu nay bà con mình sống như các bộ lạc giữa rừng”.

Ông Hồ Xuân là một trong rất ít người nói rõ tiếng Kinh, chỉ trừ những em học sinh, còn đa số bà con ở các bản khi chúng tôi hỏi chuyện họ không hiểu, phải có người dịch hộ. Hồ Xuân cho biết chính vì sự cách trở với bên ngoài nên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng này được chọn làm căn cứ cách mạng. Duy nhất một lần lính của chế độ cũ miền Nam phải dùng máy bay trực thăng mới đổ bộ xuống được Kỳ Nơi, nhưng chúng vẫn không làm được gì trước những người Pa Cô luôn một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Hồ Xuân và không ít người dân ở đây vẫn còn giữ lại những tờ giấy biên nhận mà hơn bốn mươi năm trước ông đã ủng hộ tiền của cho cách mạng để phục vụ kháng chiến. Tấm lòng trung trinh giành cho đất nước của Hồ Xuân, của người Pa Cô ở các bản Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau giữa rẻo cao Trường Sơn không gì sánh bằng. Hôm nay, có đến 99% số hộ gia đình ở các bản này đang được hưởng chính sách có công với cách mạng. Song một thực tế rất buồn, những người Pa Cô ở đây đã đợi chờ ngày họ được hoà nhập với cộng đồng bên ngoài đã quá lâu. Bà con đang đối mặt với một cuộc sống vô cùng khó khăn về mọi mặt.

Cái gì cũng không có

Bước chân vào từng bản, chứng kiến đời sống của bà con chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Một cán bộ của huyện Đakrông có mặt trong đoàn thừa nhận thực tế đầy day dứt: Đây là những bản làng... 5 không. Không nước sinh hoạt, không điện, không đường, không thuỷ lợi, không có hệ thống liên lạc bằng điện thoại.... còn bà con muốn chữa bệnh phải đi bộ ra Trạm Y tế của xã mất ngày đường mới đến. Trước nay cũng vì đường sá không có nên chi phí vận chuyển hàng hoá rất tốn kém, tốn gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường, lái buôn cũng không dám mang hàng vào bán cho bà con. Những lần trước UBND huyện Đakông mỗi lần cứu trợ gạo cho bà con ăn Tết hay chống chọi với cái thiếu ăn của những ngày giáp hạt, đã hết sức khó khăn để đưa được gạo vào. Giá thuê gùi một bao gạo từ trung tâm xã A Vao vào đến nơi mất cả trăm ngàn đồng.

Hồ Văn Rai - thượng uý bộ đội Biên phòng của Đồn 625, người được biệt phái về cùng ăn cùng ở với bà con các bản. Thượng úy Rai là người Pa Cô nên hiểu đồng bào mình hơn ai cả. Rai cho biết: “Ba bản Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau có 79 hộ gia đình, cuộc sống của bà con hết sức khó khăn. Xưa nay người dân chủ yếu sống bằng nương rẫy. Các bản chỉ có mấy sào ruộng dọc theo các thung lũng dưới chân núi để trồng lúa nước”. Nhưng nghiệt nỗi, bà con cũng không biết cách trồng lúa nước. Phó Chủ tịch huyện Đakrông, ông Lê Văn Quyền Đang “vi hành” đã lập tức lội xuống ruộng bày cho bà con cách trồng lúa nước đúng kỹ thuật. Được chỉ bảo ân cần, bà Dã Viềng phấn khởi: “Cảm ơn cán bộ nhiều lắm đã bày cách trồng lúa nước cho đồng bào.”

Phó Chủ tịch huyện Đakrông - Lê Văn Quyền đang bày cách trồng lúa nước đúng kỹ thuật cho người Pa Cô ở bản Kỳ Nơi

Chúng tôi gặp Hồ Cu Ắt người ở bản A Sau. Ắt giọng buồn buồn: “Nhà mình trồng rất nhiều sắn và bắp nhưng không biết bán cho ai. Gùi một gùi sắn băng rừng ra đến Tà Rụt bán được mười ngàn đồng rồi lội rừng về lại nhà cũng mất hai ngày đường. Tiền bán sắn cũng chỉ đủ mua lại muối, dầu hoả... mà thôi. Không có đường giao thông nên bà con ở các bản chưa nghĩ đến chuyện làm ra sản phẩm ngày càng nhiều hơn, chủ yếu để phục vụ cho mình”.

Hồ Chiến, một người dân ở bản Pa Linh, thừa nhận: “Bà con mình không muốn làm nhiều lúa gạo và hoa màu vì làm ra biết bán cho ai. Chẳng có tư thương nào dám lội bộ giữa rừng vào tận các bản để mua các sản phẩm nông nghiệp. Mong rằng nhà nước quan tâm giúp đỡ, đừng để bà con chúng tôi sống mãi như thế này nữa”.

Sống nhờ phế liệu chiến tranh

Nghe tin đường giao thông bằng ô tô đã vào đến bản, một lái buôn từ đồng bằng lập tức có mặt bày cho bà con đi thu lượm phế liệu chiến tranh như sắt, nhôm, đồng ở các cánh rừng về bán kiếm tiền. Lần đầu tiên giữa vùng rẻo cao hẻo lánh của biên cương Tổ quốc, bà con tận mắt chứng kiến sự trao đổi giá trị từ hàng hoá thành tiền, họ mới biết thế nào là buôn với bán. Người Pa Cô từ già đến trẻ mừng khấp khởi, cơ hội làm ra đồng tiền hàng ngày với họ đã xuất hiện, điều mà mấy chục năm nay họ nằm mơ cũng không thấy. Thế là già, trẻ, gái, trai thi nhau vào rừng nhặt phế liệu chiến tranh, khai thác mây, tre về bán.

Người dân Kỳ Nơi và các bản trong vùng sống bằng việc khai thác mây rừng và thu lượm phế liệu chiến tranh

Ông Lê Văn Quyền, Phó Chủ tịch huyện Đakrông cho NNVN biết: Trước mắt huyện sẽ trợ cấp gạo để cho người dân ba bản Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau đủ ăn ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Tiếp theo đó các phòng ban lập ngay dự án đầu tư xây dựng đồng bộ cho ba thôn này ngay trong năm 2010.

Trước hết, sẽ đầu tư xây dựng công trình nước sạch sinh hoạt, công trình điện thắp sáng, thuỷ lợi, đường giao thông liên bản, xây dựng trường học kiên cố và giống cây trồng, vật nuôi để giúp 79 gia đình người Pa Cô ở ba bản trên sớm có được cuộc sống ổn định, từng bước vượt qua khó khăn.

Bà Dã Xon ở bản Kỳ Nơi, chỉ tay về phía đồi xa, cho biết: “Phế liệu chiến tranh còn nằm đầy ngoài rừng rậm. Mấy chục năm qua không có đường giao thông nên chẳng ai vào đó mà thu mua. Nay mới mở đường, lái buôn mang ô tô vào tận bản mua cho bà con. Mỗi cân sắt bán được 3 ngàn đồng, còn mây rừng bán được 2 ngàn đồng/kg. Ban đầu mình không biết đếm tiền đâu. Lái buôn đưa cho bao nhiêu tiền cầm bấy nhiêu. Nay quen rồi mỗi ngày khai thác sắt phế liệu và mây mình kiếm được hơn năm mươi ngàn đồng. Số tiền này dùng mua thêm gạo, muối, áo quần cho trẻ con, mừng lắm! ”

Dọc đường trở về miền xuôi lòng tôi cứ nặng trĩu. Chuyện người Pa Cô ở vùng chiến khu xưa bắt đầu biết kiếm tiền hàng ngày mới chỉ là phần đầu của hành trình gian nan thoát ra khỏi cuộc sống đói nghèo và lạc hậu. Trong khi các dân tộc ít người sống ở nhiều vùng trong huyện miền núi Đakrông đã nghĩ đến chuyện làm giàu thì người Pa Cô ở giữa rẻo cao này mới dám nghĩ đến chuyện kiếm đủ cái ăn hàng ngày. Con đường vươn lên để hoà nhập với anh em riêng trong đại gia đình người Pa Cô của họ cũng đang quá nhiều chông gai.

Người Pa Cô ở Pa Linh, Kỳ Nơi và A Sau đã vui lòng sống giữa rẻo cao với cuộc sống “5 không” để giữ gìn từng tấc đất ở biên cương Tổ quốc hơn mấy chục năm nay. Chúng ta không thể để bà con sống mãi trong khó khăn và lạc hậu như vậy được.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất