| Hotline: 0983.970.780

Si Ma Cai - miền đất cổ

Thứ Tư 02/06/2010 , 10:24 (GMT+7)

Nằm chót vót trên thượng nguồn sông Chảy, Si Ma Cai - huyện chợ ngựa, là vùng đất cổ xưa nhất Việt Nam.

Nằm chót vót trên thượng nguồn sông Chảy, Si Ma Cai - huyện chợ ngựa, là vùng đất cổ xưa nhất Việt Nam. Trên miền trầm tích của địa tầng và thời gian ấy, ta bắt gặp vô vàn chuyện lạ của hôm qua và hôm nay ở nơi tột cùng sông núi, tột cùng gian khó…

Miền đất cổ xưa

Ruộng và nương bậc thang ở Si ma Cai
Si Ma Cai được đọc chệch ra từ tiếng Sín Mà Cái, tiếng Mông có nghĩa là “chợ ngựa mới”. Chợ cũ nằm ở dưới thung lũng gần Phố Cũ của người Nùng và Hoa Kiều, nhưng do địa thế thấp, lại chật chội không có nơi buộc ngựa mỗi phiên, nên người ta chuyển chợ lên phía trên đỉnh núi chừng 2 cây số, đất ở đây rộng rãi lại khá bằng phẳng, nơi ngã ba đường đi về các thôn bản và ra cửa khẩu Hoá Chư Phùng tiếp giáp với Trung Quốc.

Năm 1967 huyện Si Ma Cai được thành lập, huyện lỵ đặt cạnh chợ ngựa, tháng 2/1979 chiến tranh biên giới bùng nổ Si Ma Cai được sáp nhập vào Bắc Hà, mãi tới năm 2000 Si Ma Cai mới được tái lập. Cách nay hơn chục năm, tôi từng đặt chân lên Si Ma Cai, chợ ngựa vẫn đặt tại nơi này, người vùng cao đi lại, vận chuyển hàng hoá chủ yếu bằng ngựa. Mỗi tuần một phiên, chợ họp vào ngày Chủ nhật, ngựa nhiều vô kể, mỗi người đến chợ đều dắt theo một con ngựa, ngựa buộc quanh chợ đủ các màu lông, chúng đá bụi và hí vang trời.

Nhìn lên bản đồ, Si Ma Cai nom như hòn cuội mới được tách ra từ lớp trầm tích của đất đá, chẳng khác gì củ khoai tây vẹo vọ. Theo các nhà địa chất, Si Ma Cai là vùng đất có độ tuổi cổ nhất trong nền cấu tạo địa tầng miền núi phía Bắc Việt Nam.

Sống trên điệp trùng trên miền núi đá, người dân Si Ma Cai chịu khó và can trường, nơi đây đã sinh ra những con người đã đi vào huyền thoại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong số những con người ấy, phải kể đến người anh hùng Giàng Lao Pà, người Mông xã Sán Chải. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã thuộc những câu thơ: Giàng Lao Pà côi cút/ Tây bắt đi dựng bốt xây đồn/ Người Mèo hận chất đầy non… Không cam chịu sự áp bức bóc lột, Giàng Lao Pà đã xin vào đội du kích cầm súng đứng lên giết giặc. Anh đã cùng đội du kích tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ vào những cuộc hành quân của giặc, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh lui cuộc tiến công của giặc Pháp ra khỏi Si Ma Cai. Suốt 10 năm (1949-1959) vùng đất Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương bị giặc Pháp và bọn thổ phỉ lũng đoạn, Giàng Lao Pà đã cùng đồng đội vận động được 606 tên phỉ ra hàng, thu 220 khẩu súng các loại, một mình anh đã gọi được 350 tên ra hàng cùng với nhiều súng ống. Ngày 1/1/1967 Giàng Lao Pà được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đi trên miền đất cổ xưa, tôi có cảm giác đây là miền đất mẹ, nơi những dòng sông bắt nguồn các từ triền núi cao qua triệu triệu năm tải những hạt phù sa để bồi đắp nên vùng châu thổ sông Hồng phì nhiêu, nơi trung tâm kinh tế - văn hoá của mọi thời đại của nước Việt Nam. Dấu ấn của miền đất cổ xưa là những triền núi đá xám lạnh, giăng giăng mây phủ, những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương rêu phong, những chiếc cối xay ngô mòn vẹt, những ruộng bậc thang vân vi trên các sườn núi… Và, những tảng đá mồ côi mỗi năm lại mọc cao lên trên những nương bậc thang mỗi năm lại thêm cằn cỗi. Tráng A Dua người xã Cán Cấu đang làm cỏ ngô ven đường lấy chiếc cuốc gõ gõ vào tảng đá: Đá ở đây cũng biết lớn đấy anh ạ, trước đây hòn đá này nó chỉ cao đến gối mình thôi, nhưng bây giờ nó đã lớn ngang ngực mình rồi. Nó càng lớn nhanh thì nương ngô của mình càng kém đi, năm ngoái nương ngô này chỉ thu được 60 gùi, năm nay gia đình mình tra nhiều phân lắm, nhưng chưa chắc được 50 gùi đâu…

Cái sự “đá biết lớn” là do mỗi năm đất bị rửa trôi, khiến đá ngày một cao lên, năng suất cây trồng cũng kém đi. Để hạn chế đất bị rửa trôi, người vùng cao Si Ma Cai đời này nối tiếp đời kia khuân đá đắp bờ tạo thành nương bậc thang. Nhờ ruộng bậc thang và nương bậc thang, nên người dân mới bám trụ được trên cái vùng đất khắc nghiệt nơi này. Mùa mưa trên núi thật khủng khiếp, mưa rền rĩ, mưa liên miên gần 6 tháng ròng, đất nhão nhoét đỏ quạch tuôn chảy xuống các dòng suối. Dòng sông Chảy mấy chục năm về trước nước trong xanh ngằn ngặt, người ta còn gọi đoạn chảy qua Mường Khương và Si Ma Cai là sông Xanh.

Ngôi đền dấu tích còn lại của Phố Cũ
Đấy là khi rừng còn nhiều, nhưng bây giờ, sau nhiều năm phá rừng làm nương rẫy mỗi khi mùa mưa đến, dòng sông Chảy lại càng thêm hung dữ. Nước ngầu đục, bọt tung trắng xoá cuồn cuộn đổ về xuôi chẳng khác gì con trăn đất khổng lồ đang quằn quại trên mặt đất, cuốn phăng tất cả những gì nó gặp trên đường. Trưởng phòng NN-PTNT Nguyễn Xuân Nhẫn bảo tôi: Si Ma Cai là miền đất cổ đang đứng trước nguy cơ bị sa mạc hoá. Để giảm tốc độ sa mạc hoá, Si Ma Cai đang thực hiện nhiều biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, tạo nguồn thu nhập cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng du canh du cư…

Phố Cũ nằm trên đường lên Sín Chéng, phố do người Nùng và Hoa Kiều lập nên với vài chục nóc nhà. Gọi là phố, nhưng chỉ là hai dãy nhà trình tường, lợp bằng ngói âm dương, tuy nhiên cũng còn khá nhiều nhà lợp cỏ dày cả mét, mái nhà nọ xít vào mái nhà kia mặt quay ra con đường, mùa mưa thì lầy lội bùn đất. Chiến tranh biên giới bùng nổ, một số gia đình người Hoa chạy sang bên Trung Quốc, một số thì di tản xuống các huyện phía sau, Phố Cũ bỏ hoang, chính quyền phải vận động dân ở các xã Lùng Sui, Cán Cấu, Sán Chải… tiếp quản Phố Cũ. Phố Cũ sẽ vẫn là Phố Cũ nếu huyện Si Ma Cai không tái lập và huyện lỵ không chuyển về Phố Cũ như bây giờ. Phố Cũ nay đã thay bằng những ngôi nhà xây hai ba tầng sau khi người dân được đền bù, Phố Cũ trở thành phố mới, còn Phố Mới - nơi chợ ngựa thì trở thành phố cũ. Dấu vết còn lại của Phố Cũ là ngôi đền nay đã trở thành hoang phế...

Cụ Cư Seo Diu, người dân Phố Cũ năm nay đã 79 tuổi dẫn tôi lên thăm đền, cụ bảo: Tôi không biết đền này thờ ai, nhưng nghe nói ngôi đền này do một người Nùng họ Đồng xây dựng cách nay khoảng hai trăm năm… Ngôi đền được xây dựng bằng gạch mộc, tường dày nửa mét, móng bằng đá xanh, mái lợp ngói âm dương. Ngôi đền chính đã sụp đổ từ lâu, nhưng chiếc cổng còn lại khá vững chãi, trên nóc có hai con rồng chầu chiếc bình phía trên là ngôi tháp hai tầng tám mái. Mặc dù ngôi đền đã sập, nhưng trong cổng đền, người dân đã lập một chiếc bàn thờ trên đó còn rất nhiều những bông hoa tươi. Ông Cư Seo Diu trầm ngâm: Ngôi đền này chắc thờ ai đó đánh giặc giữ yên biên giới ở nơi này…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm