| Hotline: 0983.970.780

Đất bỏ hoang vẫn phải đi... mua rau

Thứ Ba 08/06/2010 , 14:15 (GMT+7)

Ở vùng cao Tây Bắc không thiếu những cao nguyên trù phú, vậy mà vẫn còn tồn tại nhiều chuyện tréo ngoe. Từ chuyện nhà nông phải đi mua rau còn đất đai bỏ hoang đến chuyện vào mùa nông nhàn thừa mứa lao động nhưng cứ đụng vào mấy việc cần sức vóc vẫn đi thuê người nơi khác. Tìm hiểu sâu mới biết, khó khăn một phần bởi nhà nông bây giờ… nhàn quá.

Ở vùng cao Tây Bắc không thiếu những cao nguyên trù phú, vậy mà nhiều nơi vẫn đói nghèo truyền kiếp. Tìm hiểu sâu mới biết, khó khăn một phần bởi nhà nông bây giờ… nhàn quá. 

>> Nông dân - Khi nào chuyên nghiệp?

Mất của hơn mất công 

Trước khi đi thực tế tìm hiểu về nông dân ở Mộc Châu (Sơn La) tôi gặp ông Lê Phúc Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện. Chỉ sơ qua về tình hình sản xuất nhưng vị cán bộ nông nghiệp lão làng đã tỏ ra nản chí: “Suốt mấy chục năm trong ngành, xuống cơ sở nhiều thấy mà buồn. Điều kiện sản xuất không đến nỗi vậy mà bao năm dân vẫn nghèo”. Là người nhiều trăn trở nên có bao nhiêu chuyện liên quan đến đời sống sản xuất ở Mộc Châu ông Hà kể không biết mệt.

Theo câu chuyện của ông thì ở cao nguyên nổi tiếng trù phú này không ít những tréo ngoe. Từ chuyện nhà nông phải đi mua rau còn đất đai bỏ hoang đến chuyện vào mùa nông nhàn thừa mứa lao động nhưng cứ đụng vào mấy việc cần sức vóc vẫn đi thuê người nơi khác đến làm… Thành thử dù là vùng đất “giàu lên trông thấy” như chính lời ông cán bộ nông nghiệp này thì nơi đây còn nhiều bản làng đói nghèo ám ảnh.  

Vẫn chưa hết chua chát, ông Hà còn cho rằng, chính những chế độ chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước đến tận từng lon gạo đang khiến một bộ phận nông dân ở những vùng được xem là khó khăn lười đi. Để minh chứng cho lời mình, ông Hà chỉ rằng có những nơi Nhà nước hỗ trợ bể nước sinh hoạt, gặp sự cố đường ống nho nhỏ nhưng thay vì việc cùng nhau khắc phục, nông dân cứ để mặc chờ.  

Gia đình Vằn A Của mất tới gần 3 ngày để làm cỏ xong cho nương ngô

Còn ngay tại thị thị trấn Mộc Châu, ông Hà thách ai tìm được một vài nhà nông gánh rau tự trồng đi bán. “Đất rộng người đông, rau cỏ là thứ dễ trồng nhất. Vậy mà vẫn phải mua từ nơi khác về. Không hiểu nổi nông dân ở đây ăn rồi làm gì nữa”.

Theo lời dẫn ông Hà, tôi tìm vào bản Pa Cốp, một trong nhiều vùng đất sát Quốc lộ 6 thuộc xã Vân Hồ. Đầu bản là cánh đồng thoai thoải mênh mông nằm gọn trong thung lũng, nơi mà ông Hà đã nói trước rằng nếu dân chịu khó làm ăn thì không đến nỗi đói nghèo như thế.

Dân Pa Cốp nghèo thật. Trưởng bản Vàng A Chứ thống kê rằng cả thôn có 138 hộ thì già nửa là hộ đói nghèo. Và cái nghèo của Pa Cốp cũng được vị trưởng bản mới chỉ ngoài 30 khẳng định ngay là vì dân không chịu khó làm lụng ruộng nương. Năm 2009, trong thôn có tới 50% hộ dân đem nương cho người khác mượn lấy ít tiền tiêu rồi chấp nhận đi làm thuê kiếm được đồng nào xào đồng nấy. Diện tích đất sản xuất vốn tầm 120 ha cứ bị chém dần vì một số gia đình bỏ hoang không canh tác. Ít nhất là 100 trên tổng số 709 khẩu không làm bất cứ việc gì liên quan đến nông nghiệp. Một số khác thà bỏ làng đi làm thuê bữa đực bữa cái chứ nhất định không chịu “chôn đời” với cây ngô, cây mận và mấy con bò…  

Trưởng bản Chứ dẫn tôi sang nhà Giàng A Chừ như để chứng minh dân nghèo không phải vì cán bộ. Nhà Chừ có hai vợ chồng và 5 đứa con. Nghèo đói phơi ra từ mái nhà xiêu vẹo cho đến bếp núc lạnh tanh. Con chó, con gà dường như không đủ ăn nên còi cọc như sắp chết. Vậy mà trưởng bản Chứ cứ một hai rằng dù nghèo thế nhưng nhà Chừ nhàn nhã vào loại nhất bản. Bởi lẽ rằng vụ mận vừa rồi ở Pa Cốp cũng được kha khá nhưng thay vì hái mang ra chợ nhập cho các thương lái với giá thị trường như những hộ khác thì Giàng A Chừ gọi luôn con buôn vào quạ ngay tại vườn. Đút túi chỉ vỏn vẹn  500 ngàn cho cả vụ, còn lái buôn hái mận mang ra chợ Mộc Châu bán được gần 6 triệu. Hỏi sao làm thế mà không thấy phí? Chừ lạnh tanh rằng: “Đỡ mất công hái. Mệt lắm”.

Đây không phải là lần đầu Chừ thà chịu mất của chứ không muốn mất công. Vụ đào năm ngoái, cả nhà quyết định bán luôn cả vườn nhằm đỡ công vận chuyển đi lại. Hậu quả biết ngay, buổi sáng bán, buổi chiều đã thấy thương lái sang tay cho chủ khác với số tiền gấp ba. Vậy mà Chừ cũng không thèm lấy làm tiếc: “Người ta có công thì có tiền thôi”.

Trưởng bản Chứ phàn nàn thêm rằng mấy bận huyện, xã tổ chức tập huấn hướng dẫn áp dụng các loại giống mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất cho nông dân những vùng khó khăn. Trong bản cũng cử chừng 10 người gồm đầy đủ các ban bệ từ đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… đi tập huấn. Chỉ có điều học xong về nhà cán bộ bản cứ của nhà mà áp dụng. Còn đi vận động bà con thì chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Bao năm làm vậy có chết ai. Áp dụng cái mới lỡ mất mùa thì ai chịu”. 

Trong khi đó, trưởng thôn Chứ chỉ mất một buổi 

Nửa năm làm nửa năm chơi 

Theo chân trưởng bản Chứ lên nương mới thấy đất Pa Cốp trù phú và lời ông Hà nói rằng có thể giàu lên trông thấy là không sai. Cánh đồng ngô đến kỳ làm cỏ xanh mướt mắt. Chỉ có điều màu xanh ấy không thấm vào đâu so với diện tích đất có thể sản xuất. Dù đã xế chiều nhưng cả nương chỉ lác đác một vài nông dân đang làm cỏ cho ngô. Trưởng bản Chứ phân trần: “Nhiều nhà cứ gieo xong rồi để đấy, có chịu đầu tư phân bón, công sức đâu. Đang mùa làm cỏ cho ngô mà họ cứ để mặc như thế đó”.

Tiếp tục kể "cái tội" không chịu khó dẫn đến nghèo của bản mình trưởng thôn Chứ tỏ ra bực tức rằng cứ đến lúc chuẩn bị vụ nhà nào nhà nấy đăng ký số lượng giống tối đa có thể mua nhưng về làm lại chẳng được bao nhiêu. Bình quân cứ 20 cân giống trên một ha thu hoạch được 8 tấn ngô. Nhà nào cũng nhận tầm 40-50 cân, ước chừng phải vài chục tấn/ vụ. Nhưng đến mùa thu hoạch, thấy số lượng ít quá, hỏi thì họ trình bày muôn vàn lý do. Thứ thì không có tiền đầu tư, thứ lại đầu tư chưa đúng cách.  

Cán bộ khuyến nông ra tận nương dạy để ngô đạt năng suất cao thường lót phân trước rồi mới gieo hạt thì bà con lại cho vào một lượt cả phân lẫn hạt rồi vùi đất cho nhanh. Cũng vì cách làm cho nhanh ấy mà cây mọc cây không, 20 cân giống đáng ra được tầm hơn chục tấn dân Pa Cốp cũng chỉ có bảy.
Đi gần hết cánh đồng Pa Cốp mới gặp được hộ Vằn A Của, một trong số ít những nhà nông cần cù chịu đi làm cỏ ngô. Chỉ một đám ngô chừng một ha nhưng hôm nay nhà Của huy động tới 5 người làm. Cũng chừng ấy diện tích ngô, trưởng thôn Chứ chỉ phun thuốc trong một buổi là sáng hôm sau đã sạch cỏ còn nhà Của vẫn “trung thành” với cuốc dù đây là ngày thứ hai cả nhà kéo nhau ra đồng. Hỏi sao không phun thuốc như nhà trưởng thôn cho nhanh, Của lý sự rằng: “Cỏ chết thì ngô cũng chết. Ai dại gì mà phun”.

Nhà Của có 7 khẩu. Hai vợ chồng, 3 đứa con cùng bố mẹ già. Một năm làm chừng 20 cân giống ngô với 30 cân lúa. Cũng không thể nói Của lười, bởi hàng ngày cả nhà đều kéo nhau lên nương. Thậm chí nhiều hôm, buổi trưa còn ở lại lán để buổi chiều làm tiếp. Cánh đồng Pa Cốp có khá nhiều lán tránh nắng buổi trưa như thế. Nhưng lạ rằng buổi chiều mát trời thì lại chẳng có mấy ai. “Họ cứ làm lán theo phong trào thế thôi. Chứ làm đồng đều bữa đi bữa không hết. Đôi lúc ở trên nương cả ngày mà có làm được việc gì ra hồn đâu”.

Hết việc trên nương, Của lại về làm vườn. Cũng như bao hộ khác trong bản, vườn nhà Của cũng trồng mận. Nhưng vườn mận cũng còi cọc, sâu ăn trụi lá vì một năm chỉ được một lần phun thuốc. Nếu chăm bón đầy đủ thì một vụ cũng được chừng vài triệu nhưng với nhà Của “mấy cây mận chỉ lấy quả ăn cho vui thôi chứ bao năm nay đã thấy ai giàu đâu”.

Do đặc thù đất nương ở Pa Cốp chỉ làm được một vụ nên tất thảy việc nhà nông của gia đình Vằn A Của chỉ chừng 4-5 tháng là xong. Vậy xong lúa ngô rồi làm gì? “Thì lại lên nương chuẩn bị cho vụ sang năm”. Nghe câu trả lời từ Vằn A Của, tôi hình dung có lẽ chẳng nơi nào dành nửa năm trời chuẩn bị cho mùa vụ mới chu đáo như dân Pa Cốp. (Còn nữa)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.