| Hotline: 0983.970.780

Vào cung đường ma túy nóng nhất Tây Bắc

Thứ Hai 20/09/2010 , 11:12 (GMT+7)

Không biết tự bao giờ, xã Na Ư (huyện Điện Biên) luôn được đánh dấu đỏ trên bản đồ tác chiến của lực lượng phòng chống ma tuý...

Không biết tự bao giờ, xã Na Ư (huyện Điện Biên) luôn được đánh dấu đỏ trên bản đồ tác chiến của lực lượng phòng chống ma tuý. Đây là vùng trung chuyển khổng lồ trên cung đường ma túy lớn nhất Tây Bắc, một thời là căn cứ địa của đường dây buôn ma túy Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh.

Thung lũng tử thần

Có vẻ ngoài yên bình nhưng Na Ư là điểm ma túy nóng nhất Tây Bắc

Những con số thống kê ở Na Ư, nơi buôn ma túy trở thành nghề chính này  luôn gây cảm giác rợn người. 

95% hộ dân liên quan đến hàng trắng 

Nằm cách trung tâm TP Điện Biên Phủ hơn 30 cây số về phía Đông Nam, Na Ư có 34km đường biên giới tiếp giáp với xã Pa Hốc, huyện Mường Mày, một trong những "rốn" ma tuý nóng bỏng nhất của tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào). Do có vị trí “đắc địa” như vậy, từ thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, Na Ư nổi lên là một điểm nóng, sau đó liên tục được "thăng hạng" về tốc độ phát triển của tội phạm ma tuý.

 Trước khi vào Na Ư, một cán bộ biên phòng tỉnh Điện Biên “dằn mặt” tôi rằng “không có việc quan trọng thì tốt nhất không nên vào”. Ngay cả tay lái xe ôm từ trung tâm huyện vào xã cũng đòi tiền gấp đôi đi những nơi khác bởi “vào đó ớn lắm, người lạ chưa vào khỏi dốc đầu xã thì các bản đã biết hết rồi”.

Xã Na Ư có 6 bản, 100% là người dân tộc Mông gồm: Ca Hâu, Con Cang, Na Ư, Búng Bửa, Hua Thanh và Na Láy, thì có thời điểm cả 6 bản đều là những tụ điểm phức tạp về ma tuý, trong đó "nóng" nhất là 3 bản: Ca Hâu, Con Cang và Na Ư.

Có một điều lạ là dù nằm ở miền biên viễn nhưng bộ mặt Na Ư không nhếch nhác như nhiều vùng quê khác. Ở đây nhà cửa khang trang và đánh số hẳn hoi. Trên đường vào xã xe máy đời mới phóng rầm rập. Thỉnh thoảng, một vài chiếc ôtô láng cóng còi inh ỏi từ các ngả đường trong xã đi ra. Nhìn bề ngoài ít người nghĩ Na Ư khét tiếng khắp toàn quốc về ma túy.

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Tây Trang nằm sát UBND xã Na Ư.  Trung tá Nguyễn Tất Thắng, Tổ trưởng cười buồn khi tôi ngạc nhiên về sự khá giả của địa phương. “Làm nương, làm rẫy ở cái đất chỉ có đặc sản là “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” này thì đủ ăn, đủ mặc đã là may rồi. Vậy tiền đâu để sắm những chiếc ô tô như vậy? Tư duy một tý anh sẽ biết ngay thôi. Đây là thủ phủ ma túy của cả vùng Tây Bắc này mà”.

Nói đoạn, vị cán bộ biên phòng có thâm niên mấy chục năm cắm bản lật sổ thống kê những con số mà mới nghe qua đủ hiểu vì sao Na Ư vẫn thường được gọi bằng cái tên rờn rợn: Thung lũng tử thần. Toàn xã có hơn 200 hộ dân nhưng có 10 người bị thi hành án tử hình, 58 người đang thụ án trong các trại giam, 9 đối tượng đang có lệnh truy nã đặc biệt; 72 người đi khỏi địa bàn không ai biết… Không buôn bán thì nghiện ngập, ở Na Ư chỉ có vài hộ “sạch”, còn lại 95% hộ gia đình có thân nhân ít nhiều dính dáng đến hàng trắng.

Theo anh Thắng, tình trạng buôn bán ma túy ở Na Ư bắt đầu rộ lên từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Lúc đầu, chỉ có vài ba người cắt rừng sang bản Pa Hốc, để mua heroin đem về bán lẻ cho các con nghiện. Chẳng mấy chốc, những đối tuợng này trở nên giàu có trông thấy. Ma lực của đồng tiền đã khiến nguời dân Na Ư bỏ nương, bỏ rẫy để chạy theo cái chết trắng. Đến khoảng những năm 1995, ma túy ở đây rộ lên, người nguời đi buôn ma túy, nhà nhà đi buôn ma túy.  

Tràn ngập hàng nóng 

Đến Na Ư, nếu có ý định tìm hiểu về ma túy thì rất khó. Ngoài các chiến sĩ biên phòng, từ dân đến chính quyền đều gắng gượng hoặc không trả lời. Hẹn mãi, Chủ tịch xã Sình Chứ Só mới chậm rãi: “Ai đặt chân đến đây cũng chỉ hỏi về ma túy mà thôi”.Hỏi về kinh tế, ông Só bảo thuần nông, có vài hộ chăn nuôi được vài chục con trâu, con bò đã được coi là khá giả. Hỏi về xóa đói giảm nghèo, cả xã có hơn 230 hộ, thì 58 hộ thuộc diện nghèo. Hơn 300 ha đất nông nghiệp cũng chỉ làm một vụ. Chính quyền hay biên phòng có vận động tăng vụ thì dân lắc đầu vì sợ làm nhiều đất ruộng cằn đi.

Đó là cái cớ, còn thực chất họ chẳng cần làm. Dù khó khăn đến thế, nhưng Na Ư xếp vào loại nhiều ôtô nhất các xã vùng cao.  Tính sơ sơ cũng hơn chục chiếc, trong đó có những nhà mua xe tiền tỷ. Nghèo mấy thì nghèo nhưng sắm di động ở Na Ư gần như là điều bắt buộc. Tiền đâu ra nhiều thế? Ông Só cúi đầu ngần ngại: “Thì chắc là buôn ma túy”.

Thêm một lý do khiến Na Ư trở thành “thung lũng tử thần” là nghiện ngập. Theo thống kê, ngay trung tâm xã có 5 điểm bán lẻ ma túy, hơn 50 đối tượng nghiện ma túy. Hầu hết những vấn đề nổi cộm như trộm cắp, gây rối đều do các đối tượng này gây ra. Sình Chứ Só khẳng định từ ngày ông lên làm chủ tịch đến nay gần 20 người đã chết vì ma túy.
Đằng sau sự hào nhoáng ấy, Na Ư khiến người ta rợn người bởi số lượng hàng nóng khổng lồ. Tổng kết có đến 92% các vụ án bắt giữ tội phạm ma túy ở Na Ư đều thu được vũ khí nóng, bao gồm: súng các loại, lựu đạn, quả nổ, còn mã tấu, dao găm, kiếm, đao thì nhiều không kể xiết. Trong một cuộc vận động từ đầu năm, tổ công tác ĐBP đã thu giữ hơn 20 khẩu súng các loại. Giải thích điều này anh Thắng bảo rằng, hầu hết các vụ buôn bán ma túy đều phải trang bị súng. Thứ nhất là đối phó với các lực lượng chức năng, thứ hai là đề phòng các băng đảng khác tổ chức cướp hàng. Các chuyên án đánh ma túy lớn ở đây đều bắt buộc phải đấu súng.

Cuối tháng 7 vừa rồi, các lực lượng chống ma túy của Điện Biên và Lào Cai phối hợp bắt giữ ông trùm Hạ A Long ở bản Ca Hâu (xã Na Ư), khám nhà ông trùm này phát hiện camera, súng và ma túy. Đây là một trong rất nhiều ngôi nhà ở Na Ư từ trước đến nay vẫn được xem là bất khả xâm phạm bởi được kiến thiết tựa một pháo đài. Nhà Long nuôi đến 8 con chó béc giê, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào lưới sắt. Khi lực lượng ập vào thì tiếng súng trong nhà nổ ra ầm ĩ. (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm