| Hotline: 0983.970.780

Hoa rừng lạc lối

Thứ Ba 12/10/2010 , 14:10 (GMT+7)

Mấy năm nay, ở huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình bỗng nổi lên một cơn bão ngầm, thổi thốc tháo vào những bản làng xơ xác. Cơn bão có tên là cave. Những sơn nữ mới chỉ ở tuổi trăng tròn, trăng náu hay bề hề chồng con cũng náo nức rủ nhau xuống núi để tìm đến cái nghề rất nhàn hạ mà bà con ở đây vẫn nôm na gọi là nghề… dang chân.

Mấy năm nay, ở huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình bỗng nổi lên một cơn bão ngầm, thổi thốc tháo vào những bản làng xơ xác. Cơn bão có tên là cave. Những sơn nữ mới chỉ ở tuổi trăng tròn, trăng náu hay bề hề chồng con cũng náo nức rủ nhau xuống núi để tìm đến cái nghề rất nhàn hạ mà bà con ở đây vẫn nôm na gọi là nghề… dang chân.

Cuộc nổ súng kinh hoàng

Bỏ con nhỏ cho người nhà trông để "đi làm ăn xa"
Cách đây hơn tháng, một sự kiện được coi là kinh thiên động địa chính ở xã vùng cao Tân Pheo là chuyện một đầu gấu nổ súng vào nhà công an viên nhằm trả thù.

Vốn là một cô gái làm nghề không địa chỉ nên Hà dẫn Toàn, một trai giang hồ tứ chiếng về nhà, chẳng biết để tuyển gái đẹp trong bản hay làm gì nhưng suốt ngày chỉ thấy Toàn uống rượu, gây gổ, lúc cầm đá ném vỡ cửa kính ô tô, khi buồn tay đấm đá điên cuồng vào đám trai bản. Bị chính quyền triệu lên xã, hắn còn ngang nhiên mặc độc mỗi chiếc quần xịp, hoàn toàn chẳng coi cơ quan công quyền ra mùi mẽ gì.

Ngay lúc đó, Toàn còn gọi điện thoại cho đồng bọn ở dưới Hà Nội chuẩn bị hàng nóng, hàng lạnh đi một xe ô tô lên. Vừa tới xóm Náy, cả đám hùng hổ xông vào, nổ súng bắn bừa vào nhà công an viên là Chu Văn Tính, người trước đây đã ngăn cản hành động ngông cuồng của hắn. May mắn là anh Tính đang đi làm ở xóm khác, chỉ có vợ con ở nhà dở bữa ăn cơm. Thấy mấy người lạ xách súng, họ bỏ mâm cơm mà chạy trốn ra đằng sau, tránh được loạt đạn ác nghiệt.

Hụt con mồi, lũ côn đồ đạp tung mâm cơm đá vỡ hết bát đũa rồi lên xe rút lui. Biết được tin báo từ quần chúng, Chủ tịch xã Tân Pheo điện khẩn xuống công an huyện nhờ đón lõng xe ô tô. Khi lực lượng bắt giữ chặn chiếc xe, thấy động chúng vứt bỏ khẩu súng đi nhưng hàng loạt dao kiếm vẫn xếp ngồn ngộn trong xe. Trời bất dung gian, khi nổ súng bắn vào nhà anh công an viên xóm Náy, đầu đạn găm vào tường, rơi xuống đất được người dân nhặt bàn giao cho công an. Khi lục soát trong xe của lũ côn đồ vẫn còn đầu đạn cùng loại như thế nên mới khép tội được.

Từ xưa đến nay chưa bao giờ có chuyện xảy ra như thế ở Tân Pheo, suy cho cùng cũng bởi nạn đi làm không địa chỉ mà ra. Làm gái đông nhất là xóm Náy cỡ 10 người, các xóm khác cũng rải rác có. Đặc biệt đắng đót là chuyện ở xóm Bon có một trường hợp đứa con gái ông Thản bị bạn bè xấu rủ đi làm gái. Thấy con mất tích bố mẹ mới hoảng hốt bỏ tiền thuê xe đi tìm vừa hay đuổi kịp con ở ngoài thành phố Hòa Bình. Lôi được nó về nhà tưởng thở phào nhẹ gánh ai ngờ hôm sau nó tháo then gài cửa lẻn trốn đi mất.

Một trường hợp khác, có anh Hà vợ đẻ hai đứa con cũng dứt áo ra đi. Lúc đi nói dối là làm thuê nhưng về bạn bè cùng nghề chân dạng phô ra, lọt đến tai anh chồng biết liền bị anh lôi tuột về chửi, mắng, đánh đập cho một trận nên thân những tưởng chừa hẳn. Hôm sau, anh còn kèm để đi làm nương cùng, nhằng cái chị vợ lại trốn đi mất, đến nay cũng chưa về.

Thỉnh thoảng ở Tân Pheo lại có những vụ mất tích đường đột như vậy như mới đây là trường hợp ở xóm Chàm chẳng hạn: “Chỉ có đi làm gái chứ làm gì cũng phải có bằng cấp, chuyên môn chứ chúng chẳng có nghề gì, chữ còn không biết làm sao nổi. Quy luật là đi một hai tháng về, ở nhà dăm mười hôm lại đi. Bố mẹ ở nhà thấy con mang tiền về thì tiêu thôi cũng chẳng có ý kiến gì. Dân tình có nói họ cũng chẳng nghe, họ còn chửi cho: Chúng mày thấy bọn tao có tiền nên nói thế nọ, thế kia, bụng chúng mày xấu thế.

Trước kia chúng tôi đã đưa các cô này vào diện giáo dục cộng đồng nhưng cũng không ăn thua mà tệ nạn này càng lan rộng. Không chỉ có đi làm gái, ở xã còn bị mất tích bất thường 3 trường hợp. Chúng tôi phỏng đoán là bị lừa bán đi Trung Quốc bởi có một người cũng bị bán cho một ông chồng Trung Quốc chưa già mấy, có con cái với nhau, về quê rồi lại mới đi đấy. Hai người cùng đợt mất tích với chị ta không biết tin tức ở đâu, có lẽ một là bị bán làm vợ hai là bán vào ổ chứa”, chủ tịch xã Tân Pheo Bàn Thanh Sơn than kể chuyện.

Tôi cùng bà Sa Thị Phần, cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Pheo, đóng vai những nhà hoạt động xã hội, đi nghiên cứu tình hình ở các gia đình thuộc diện tình nghi đi làm gái ở xóm Náy. Anh Đinh Công Thào năm nay 49 tuổi không biết chữ, hai con trai, một con gái út sinh năm 1990 tên Hà. Hai con trai lấy vợ, chân chỉ làm ruộng, 2 con dâu cũng làm ruộng, gia sản có 3 con trâu bò, 4 ha rừng, trên 2.500m2 ruộng, thuộc diện kinh tế khá giả, thoát nghèo đã lâu.

Cứ như lời anh Thào, chỉ có cái Hà đi làm nước ngọt ở Hà Đông (Hà Nội). Công việc cụ thể là gì? Tôi hỏi. Anh hồn nhiên: “Chẳng biết, chỉ thấy thỉnh thoảng nó mang về một hai thùng rồi bảo con đi đóng chai cô ca đấy, được 500-600.000đ/tháng”. Nó làm ít tiền thế làm sao xây nổi cái nhà? Tôi hỏi tiếp nhưng ông bố vẫn không nao núng: “Tiền bán trâu bò, gà, lợn đấy. Làm cái nhà hơn ba mươi triệu nó đóng góp được mấy”.

Sa Thị Thêm (rìa trái) - một cô gái làm nghề không địa chỉ

Gần ngay nhà Hà mấy bước là nhà Sa Thị Thêm, sinh năm 1983. Bà Phần thì thào con Thêm đang ốm nên mới ở nhà chứ bình thường đi miết. Thêm bảo rằng nhà mình nghèo lắm, chỉ có trên 1.000m2 ruộng, đồi trồng sắn cây chẳng mọc được. Trước chồng Thêm lúc đi thợ xây, lúc đi làm lặt vặt, làm cả tháng, cả năm toàn chơi phá phách, cắm ký hút hít hết, chẳng bao giờ có tiền mua gói mì chính về cho con. Chán quá Thêm bỏ, chẳng cần ra tòa cho phức tạp, mỗi người cầm một đầu tờ giấy đăng ký kết hôn xé nát, thế là xong. Hiện Thêm ở cùng bố, em gái và đứa con nhỏ.

Chị bảo: “Gia đình em cũng nằm trong diện được hộ nghèo, trên họp bảo năm cho cái nhà mà cứ khất mãi chẳng thấy”. Trái ngược với ngôi nhà lá trống thuếch, trống thoác đang ở, trái ngược với lời kể khổ sở thê thiết với tôi, trên người Thêm diện một chiếc quần sóc ngắn tới mức không khác gì một mảnh lá dong rừng, chiếc áo hai dây lộ cũng ngắn chẳng kém lộ hết cả nửa mảng ngực.

Thỉnh thoảng các cô ấy quần áo cũn cỡn, son phấn thơm lừng, tay xách nách mang nào bánh kẹo, nước ngọt, nào quần áo, tiền bạc cho gia đình. Họ còn mổ lợn mổ gà liên hoan linh đình mừng gia đình đoàn tụ, mừng con cái làm ăn vào cầu. Đám trẻ trong xóm Náy nhìn thấy các chị như vậy, đâm…thần tượng, nên khi được rủ rê thêm vài ba em 16-17 tuổi, chúng theo ngay. Ai có hỏi đi làm gì, các em thản nhiên trả lời “Em đi làm cave”.

Khi tôi hỏi Thêm có đi làm bên ngoài không, như động vào đúng điểm yếu, chị giật thột chối đây đẩy: Có bao giờ đi làm gì đâu anh? Sao trên xã bảo có đi làm? Tôi cật vấn tiếp. Đến nước này, Thêm mới nhỏ giọt rằng mình đi làm hàng ăn ở nhà hàng Hương Lan tại Sơn Tây (Hà Nội), chẳng ăn thua mấy, con ốm thì về thôi. Hàng ăn ai giới thiệu? Chị gái họ em. Chị nào? Chị Hưởng. Bà Phần ồ lên khe khẽ: “À cái Hưởng trước nó cũng đi làm mà”.

Trong căn nhà lá liêu xiêu, chị Sa Thị Hợi, mẹ của An đang ở nhà ôm cháu. An cặp kè với một anh nghiện ở Hà Nội hồi còn hành nghề, được một đứa con sau bỏ chồng, về quê. Quay về với bố mẹ không có đất, không nghề ngỗng gì để nuôi con nên lại quầy quả đi đã ngót hai tháng nay. Nó đi làm gì chị Hợi chẳng biết cụ thể chỉ biết cũng diện không địa chỉ. Nhìn đứa con lấm lem bùn đất, ánh mắt lành lạnh, thất thần của An đang thẩn tha chơi với bà tôi chợt thấy nao nao.

Chị Sa Thị Phần đã từng có quãng thời gian 19 năm 4 tháng đằng đẵng làm trong Hội Phụ nữ xã Tân Minh nên rất rành từng hoàn cảnh, ngóc ngách của các chị em làm nghề gái. Chị bảo cách đây 7-8 năm bỗng xuất hiện một người đàn bà ở dưới xuôi đi buôn gỗ lên đây, chẳng biết bà ta rỉ tai mật ngọt thế nào mà có mấy sơn nữ ở xóm Náy tiên phong đi truyền nghề xấu cho cả bản, cả xã. Bà Phần lắc đầu ngán ngẩm: “Cứ đi tuyên truyền là người nhà của mấy cô nọ bảo vu xấu, bảo đặt điều. Có đứa đi một thời gian cũng có “chồng”, có đứa đi chửa bụng to tướng ôm con về cho bố mẹ nuôi lại đi tiếp, nhiều đứa có tiền xây nhà, mua xe máy nên bọn trẻ nhìn vào ham lắm. Quanh xã không dưới 20 người đi làm mà bản Náy này là điển hình cỡ cả chục cô tham gia”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024

Mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp quý II là tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 3,37%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14 - 14,5 tỷ USD.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.