| Hotline: 0983.970.780

Nợ nần quẫn bách

Thứ Ba 16/11/2010 , 10:47 (GMT+7)

Nợ nần như một vòng kim cô quấn lấy người nông dân ở nhiều vùng đồng bằng Nam Bộ. Nhà nào nghèo lại càng nghèo thêm cùng những gánh nợ chẳng biết đến bao giờ mới trả nổi.

Nhiều nông dân Nam Bộ bây giờ đầu tư vào các vụ bằng miệng

Nợ nần như một vòng kim cô quấn lấy người nông dân ở nhiều vùng đồng bằng Nam Bộ. Nhà nào nghèo lại càng nghèo thêm cùng những gánh nợ chẳng biết đến bao giờ mới trả nổi. 

>> Cận cảnh nông dân Nam Bộ

Biết bị ăn chặn vẫn nín thinh

Nói về chuyện nợ nần của nông dân Nam Bộ có muôn hình muôn vẻ. Người nghèo nợ kiểu người nghèo, những người có ý chí vươn lên nhưng gặp một vố thất bại bị nhấn càng sâu hơn. Chúng tôi xin được bắt đầu câu chuyện nợ nần ở một nơi mà người nông dân ngày ngày gò lưng ra trả những khoản lãi nợ vay nóng lên đến 15%.

Hầu hết nông dân ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) xưa nay sống dựa vào nghề đi biển. Nhưng mấy hôm nay dù sóng yên biển lặng thì phân nửa số ngư dân trong vùng chẳng thể ra khơi. Họ sợ, không phải sợ những sóng to gió lớn ngoài biển cả mà sợ cơn bão nợ đang bủa vây.

Cơn bão đã đẩy không ít người phải bỏ làng mà đi vì số nợ không biết đến bao giờ trả nổi. Ngồi uống rượu chay trên mấy chiếc thuyền neo đã quá lâu ngày thành ra mắc cạn nốt, câu chuyện của nhóm ngư dân Tăng Văn Dương (32 tuổi) không có chủ đề nào ngoài chuyện nợ. Dù đang ở độ tuổi sung sức nhưng xem chừng những nông dân như Dương đã quẫn bách lắm rồi.

Trong số họ, người nợ ít nhất cũng đã lên con số hàng chục và bây giờ, mỗi ngày trôi qua chỉ riêng chuyện kiếm đâu ra tiền để trả lãi thôi đã là một vấn đề nan giải chứ chưa dám nghĩ đến chuyện lo cho cuộc sống gia đình. Mấy lần ra khơi gần đây cả nhóm chỉ dám loanh quanh gần bờ rồi về chứ đi xa bởi càng đi càng lỗ.

“Tất cả đều dựa vào biển nhưng bây giờ mấy ai dám ra khơi đâu. Mỗi lần nổ máy thuyền là một lần xác định may rủi 50 - 50. Chi phí thì cao, lời lãi chẳng bao nhiêu, còn nếu không may bị lỗ thì nợ càng thêm nặng. Biết thế nhưng vẫn phải đi vì làm nghề biển đã theo thì không bỏ được. Hầu như gia sản mình đầu tư hết vào đấy, bỏ ngang bây giờ cả nhà chỉ có nước đi ăn mày”, anh Dương lý giải.

Nhóm ngư dân này gọi tình trạng hiện tại là đỉnh điểm của “đồng tiền khó”. Các ngân hàng đóng trên địa bàn quay lưng vì thấy tiền đồ dân đi biển có phần u ám quá. Một ngày neo thuyền là một ngày đói nên họ đành phải đi vay nóng bên ngoài. Gọi là vay nóng thế thôi chứ để trả được thì chưa biết đến bao giờ, còn hệ lụy của nó cay đắng quá.

Lãi suất cao đã đành, con tôm con cá đánh được cũng bị chủ nợ là các tư thương ép giá thấp hơn giá thị trường. Quy trình của một ngư dân vùng này trước khi ra biển là đến chủ nợ giật nóng một ít tiền và kèm theo điều kiện toàn bộ tôm cá đánh bắt về chỉ được phép bán cho chủ nợ mà thôi. Giá cả bao nhiêu cũng đều do người có tiền tự quyết theo kiểu “cho bao nhiêu thì cho”.

Trẻ con ở Đông Hải lớn lên trong vòng vây nợ nần của gia đình nên cũng phải tự mưu sinh từ nhỏ

“Biết là họ ăn chặn của mình đấy nhưng có cách nào khác đâu”. Kế thừa chiếc tàu cá 180 mã lực từ bố để lại, nhưng 20 năm bám biển của anh Dương rốt cục đổ khoản nợ gần cả trăm triệu càng ngày càng lún sâu và gần như đi biển để nuôi chủ nợ. Không ít lần cả nhóm bàn nhau bỏ cuộc, nhưng tính đi tính lại, bỏ nghề cũng chỉ còn nước bỏ làng mà đi vì muốn trả nợ lại phải bán nhà. Số tiền phải trả lãi hàng năm có khi còn cao hơn mức trang trải cuộc sống cho gia đình họ.

Ông cụ nhà anh Dương cũng vì thế mà mắc bệnh trầm cảm. Ông luôn tự vấn rằng phải chi ngày xưa cứ để cho con mình bỏ làng mà đi làm ăn thì giờ chắc cũng không đến nỗi nặng nợ như thế.

15 năm không trả nổi 4 triệu

Cũng chính vì kiểu làm ăn thất bại liên tục ấy, nhiều gia đình nông dân ở Nam Bộ có khi trọn cả đời người vẫn không trả nổi món nợ nên đành “hồi môn” cho những thế hệ sau.

Lâu nay, nói đến nợ của những người nông dân nuôi trồng thủy sản người ta vẫn thường dùng những cụm từ xót xa kiểu “tôm ăn sổ đỏ” hay “gánh nợ đồng tôm”. Đi dọc dải đất vùng ven biển từ Bạc Liêu đến Cà Mau có không ít những ngôi làng trắng sổ đỏ như thế. Có những nhà mà cả một thế hệ đi qua không hề biết cái sổ đỏ mảnh đất mình sinh sống mặt mũi nó ra làm sao. Cuộc đời họ là một chuỗi ngày sống trong vòng vây của nợ nần.

Lần đầu tiên tôi cảm nhận cái bi kịch của những người nông dân được mùa. Vụ tôm sú năm nay ở huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) được xem là thắng lợi khi giá cả khá cao. Cứ tưởng đấy là hạnh phúc to lớn của người nông dân vùng này sau những năm tháng đổ nợ vì tôm nhưng lạ một điều là với nhiều nhà nông chủ cả cánh đồng tôm hẳn hoi mà vẫn như người thất thần.

+ Suốt những ngày lang thang với nông dân Nam Bộ chúng tôi thử làm cuộc trắc nghiệm nhỏ với khá nhiều người nông dân rằng với đà này thì số nợ mà họ đang mang có khả năng trả nổi không? Tất cả đều trả lời bằng cách giơ bàn tay cuốn thành hình số 0. “Vướng vào nợ nần nên đầu óc suốt ngày cứ u u tối tối, chẳng tâm trí đâu mà lo cho con cái. Cứ cái gì đụng đến tiền là sợ nên bọn trẻ cứ lớn lớn một chút là rời quê đi làm kiếm tiền tự lo cho bản thân chú à”, bà Nhị buồn bã.

+ Cũng trong vụ thu hoạch tôm này, có một dự án muốn hỗ trợ người dân vay tiền thực hiện mô hình nuôi tôm trải bạt. Nhưng điều khó ở chỗ là họ bắt người nông dân phải có sổ đỏ hoặc giấy tờ bảo đảm. Điều kiện thế chẳng khác nào đánh đố người dân. Bởi như lời của ông Nguyễn Minh Đang, Chủ tịch UBND xã Hải Điền (Đông Hải) thì 95% sổ đỏ của dân trong xã nằm ngân hàng từ hơn chục năm nay. Tổng số “nợ xấu” ở ngân hàng còn mấy chục tỷ đồng, mấy ấp ở ngoài Bắc vào còn có “tinh thần trả nợ” chứ dân bản địa đã nản lắm rồi.

Hộ ông Nguyễn Văn Bé và bà Nguyễn Thị Nhị (68 tuổi) ở ấp Hòa 1, xã Long Điền (Đông Hải) cũng là một hộ nuôi tôm, cũng được mùa nhưng như cách nói chua chát của bà Nhị thì nhà bà làm nhưng lại được mùa cho người khác. Cái sự lạ trong câu chuyện của bà Nhị dần được sáng tỏ khi ngồi nghe hạch toán cách làm tôm của gia đình những năm gần đây. Đông Hải là vựa tôm kể từ năm 1995 khi vùng đất này bị nước mặn xâm thực.

Để minh chứng cho một quá trình “vùi trong nợ” của gia đình mình bà Nhị nói rằng nếu đem cuộc sống cả nhà so với 15 năm trước thì bây giờ có khi còn không bằng. “Ngày còn làm lúa, cũng trầy trật nhưng không đến mức đau lên ốm xuống vì nợ như bây giờ. Tính ra chừng ấy thời gian nuôi tôm thì chưa có năm nào mà thu hoạch vụ này có thể trả nợ vụ trước. Nhà tôi vay ngân hàng 4 triệu đồng từ bấy đến giờ mà có trả nổi đâu. Còn bây giờ, nợ trong nợ ngoài cũng đã lên mấy chục triệu rồi”.

Đầu tư vào vụ tôm năm nay của gia đình bà Nhị và nhiều hộ dân ở Long Điền là đầu tư miệng. Từ tiền thuê người cải tạo hồ đến tiền giống, tiền thức ăn, tiền thuốc… đều giao dịch bằng sổ chứ chẳng hề có một đồng tiền mặt. Thành thử, ngày thu hoạch tôm, chủ đầm thì một mà người đến lấy tiền công thì 5 -7. Được mùa, được giá mà bà Nhị nào đã được cầm đồng tiền bán tôm nó dày mỏng ra làm sao.

Bi đát là thế nhưng những gia đình như bà Nhị còn có sự an ủi vì bao nhiêu năm còng lưng vì tôm thì cuối cùng cũng có ngày được nhìn thấy một vụ được xem là thắng lợi. Còn cạnh đấy, những người nông dân năm trước bỏ tôm nuôi cá kèo xem chừng càng thê thảm.

Bi kịch của họ như cách gọi của ông Cái Hoàng Bảo, Phó phòng NN- PTNT huyện Đông Hải là bi kịch “được mùa thì mất giá và ngược lại”: Bao năm nay cái vòng lẩn quẩn trói người nông dân vùng này không chỉ là nợ. Tất cả đều bắt nguồn từ quy luật được mùa thì mất giá. Năm ngoái đổ xô đi làm muối thì năm nay tất yếu được mùa tôm. Thành thử có cảm giác như nông dân vùng này cứ suốt đời đuổi theo thất bại.

Có thể đến năm sau vị trí “được mùa mất giá hay đầu tư ít giá cao” lại thay đổi, nhưng tất cả đều chồng thêm nợ lên vai người nông dân Nam Bộ.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm