| Hotline: 0983.970.780

Thương hồ một dải Đà giang

Thứ Ba 18/01/2011 , 14:05 (GMT+7)

Thuyền chợ có tất cả 3 tuyến dài, trung, ngắn với khoảng 15 chiếc. Thuyền anh Mạnh chạy tuyến trung, cả đi lẫn về hết đúng bảy ngày bảy đêm, qua 13 chợ tất cả.

Những con đường “tơ lụa” trên dòng sông xanh ngắt vắt lên miền biên viễn. Những chiếc thuyền chợ chật ních gà lợn, chuột bọ với cánh lái buôn có thể ngủ ngồi hàng tuần xen lẫn với các thùng hàng cao ngất nghểu. Những cửu vạn có thể vác 1,5 tạ hàng băng băng ngược dốc hay chống sào đẩy hãm cả một thuyền hàng chục tấn. Những ông chủ trưởng thành từ nước mắt và máu trong cuộc chiến tranh giành lãnh địa khốc tàn… 

 I. Những đêm trong hầm chuột

Chủ thuyền Mạnh Phi cùng tôi xuống thuyền trong ánh mắt ái ngại, ướt rượt, buồn lo của người vợ trẻ. Anh đang sốt phát ban, đi khám, bác sĩ bảo kiêng gió, kiêng nước cả tuần nhưng vẫn nhất mực đòi đi vì đống hàng hóa đã ấp đầy trên khoang, không đi không được. Túi xách anh mang theo người, ngoài ít quần áo tư trang còn có cả một vốc thuốc to với những viên nhộng xanh đỏ.

Thuyền chợ có tất cả 3 tuyến dài, trung, ngắn với khoảng 15 chiếc. Thuyền anh Mạnh chạy tuyến trung, cả đi lẫn về hết đúng bảy ngày bảy đêm, qua 13 chợ tất cả. Lúc xuống bến tôi thấy đã có mấy chiếc thuyền thả neo sẵn. Dù sáng mới chạy, nhưng tất cả thương hồ đã ken kín hàng cùng người trên tàu Mạnh Phi từ chập tối. Muốn vào khoang thuyền, tôi phải lách qua đủ thứ tạp pí lù. Mấy con lợn thịt ủn ỉn ở mũi thuyền cùng vài chục con lợn giống lúc nào cũng cuồng chân cắn phá vách. Vài chục chiếc bu gà xếp lớp chình ình, luôn miệng quang quác, tao tác rầm mui. Hàng xếp cao tận nóc tàu. Hàng tràn lan lối đi. Hàng len từng kẽ hở, khe trống.

Mấy chiếc bóng điện đỏ đọc cũng không sao xua nổi bóng tối dày đặc bủa vây hầm tàu. Mắt chưa kịp quen với bóng tối khiến tôi vấp ngã dúi dụi, đầu, chân, thân mình va đôm đốp vào một cái gì động đậy. Thốt nhiên, từ một manh chiếu rách tươm, từ một chiếc chăn nhàu nhĩ bỗng thò ra một đám tóc rối bù, lấp ló khuôn mặt vàng ệch cùng tiếng ho sù sụ xen lẫn lời cắn cảu: “Đi đứng mắt mũi để đâu thế?”.

Lối đi ngổn ngang người nằm. Người vắt vẻo trên những chiếc võng móc tạm sát sạt nóc. Người thò chân, thò đầu qua kẽ hở của những đống hàng ngáy pho pho. Người trải chiếu sát cầu thang hay vạ vật ngay cạnh nhà vệ sinh sền sệt nước rác co quắp. Trên con tàu hai tầng chiều dài chắc khoảng hơn hai mươi mét, lèn kín khoảng gần trăm tấn hàng cùng cỡ 50 người đủ hạng từ chủ thuyền, khách buôn đến dân cửu vạn trong đó có gần chục cặp vợ chồng.

Mỗi thuyền nhân đều kè kè trên tay một bao tải chăn, chiếu. Thương hồ thuyền chợ thuê chỗ theo khoảnh. Mỗi khoảnh dài 1,5m, rộng chừng 1m một lượt tuần chợ có giá thuê từ 250-300.000đ. Những lượt chợ đầu, hàng lèn đầy ắp, không có chỗ nên ngủ ngồi thường xuyên. Theo mỗi phiên chợ, hàng cứ vơi dần, họ mới được đặt lưng xuống sàn. Mới đầu là nằm co nằm quắp rồi duỗi thẳng chân tay trong những cái khe hở do hàng hóa chất cao tận nóc tạo ra, luôn nơm nớp cảm giác hàng chực đổ đè vào người.

 Không có chỗ ở cố định trên tàu nên cứ thấy ở đâu hở ra đủ lọt thân mình là vạ vật. Mùa hè, sau cả ngày khối kim loại bị nung nấu dưới nắng, khoang tàu nóng như rang, người ta kéo nhau lên boong, lên nóc hay mắc võng gần…nhà vệ sinh cho dễ ngủ. Mùa đông, cứ thấy chỗ nào đông người là họ rúc vào. Buổi đầu tiên ngủ trên tàu, manh chiếu mỏng vẫn không xua nổi cái lạnh buốt lưng, thấu tủy. Cái lạnh len vào từng đường gân, thớ thịt tỏa ra từ cái sàn bằng sắt giá băng, tôi gần như thức trắng.

Mờ sáng, sau một hồi còi dài âm u, con tàu chợ xình xịch máy nổ, khét mù mùi khói dầu, từ từ rời bến Kênh. Mặt nước những ngày đại hàn bốc khói nghi ngút như trong nồi luộc bánh. Hơi nước giăng mờ màu xanh ngằn ngặt vốn có của Đà giang. Tối thứ hai, đã có kinh nghiệm, tôi lần xuống hầm tàu, nơi kín gió và có sàn gỗ ngả lưng. Mùi dầu máy, cứt gà, cứt lợn, cứt chuột cùng mùi ngầy ngậy, ngai ngái của mấy chục con người nằm xếp lớp xộc lên tận óc.

Chị Lan và chị Hoan sẵn sàng nằm nép lại nhường tôi nửa cái chăn, dẹp mấy cái xoong, chảo, nồi niêu để dọn một chỗ ngủ dài nhất nhưng tôi vẫn phải thò nửa chân ra ngoài vì sàn rất ngắn. Ngủ hầm tàu, tay người nọ chạm vai người kia, chân người này gác lên thân kẻ nọ cũng là chuyện vặt, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, thân hay sơ.

Trên cái sàn tàu chật chội người ta nấu ăn, tán chuyện, cãi nhau thậm chí yêu đương và đánh lộn. Thế nên mới có chuyện ở thuyền ông Hậu đang đêm có một ông chồng thò tay lên bụng vợ tự nhiên giật thột vì đôi bàn tay…đàn ông không phải của mình. Dậy, túm lấy bàn tay lạ làm chứng, cãi nhau một thôi một hồi bất phân thắng bại ông đành dựng cả chủ thuyền làm trọng tài. Đến nước này anh chàng kia mới tửng tưng, chầy cối cãi rằng: “Có phải tại tao đâu? Vợ mày đặt tay vào người tao, kéo tay tao thì tao cũng cứ để yên xem sao chứ”.

Từ khi Thuỷ điện Hoà Bình hoàn thành, hồ dâng nước kéo theo sự ra đời hàng loạt tuyến tàu buôn qua vài chục chợ, nối liền từ Hoà Bình lên Sơn La đưa hàng hoá từ miền xuôi lên miền ngược rồi cõng nông sản từ ngược về xuôi. Hàng trăm phận đời thương hồ Đà giang thời hiện đại hình thành từ ấy. Phóng NNVN đã rong ruổi cả tuần cùng những người buôn chuyến ấy để tìm hiểu về đời sống của họ.
Lại có chuyện vợ chồng nhà nọ “yêu nhau” mê mệt ngủ quên tới sáng để cả sàn tàu phải xem “phim mát” giữa trời quang, mây tạnh. Sự cố trở thành chuyện tiếu lâm cho cả chục con tàu chợ từ đứa trẻ ranh đến bà già móm mém cũng vanh vách từng chi tiết.

9h tối, máy nổ tắt, sàn tàu ngập chìm trong bóng tối. Lũ chuột chạy rồn rột trên mái, đuổi nhau rinh rích quanh sàn, rúc vào chân, chui vào tóc người thỉnh thoảng còn đột nhiên nhảy bộp vào mặt, đái vọt cái rồi cuống cuồng lủi đi. Dễ có đến cả tạ chuột. Cố dỗ dành đôi tai cho quen với tiếng chin chít náo loạn, tự dưng có tiếng phụ nữ kêu thất thanh váng tàu. Những ánh đèn pin lia qua, lia lại rồi tụ lại ở một khuôn mặt. Khuôn mặt của chị Thơm. Chị mới bị chuột cắn vào mắt còn chưa hết run rẩy. Người nào trên tàu chợ cũng đôi ba lần bị chuột cắn chảy máu chân, tay, mặt mũi như vậy nên hễ tắt đèn là ai ai cũng kéo chăn kín mít bởi hễ cái gì thò ra là dễ làm mồi cho đám chuột.

Lũ chuột tinh quái đến nỗi lừa được cả mèo chui vào những chỗ khe hẹp mà thoát thân. Loài ngặm nhấm này cứ nhằm vào những thứ ngon nhất, hảo hạng nhất sẵn có trên thuyền mà chén. Nào bột đậu xanh, đậu đen, nào bánh quy bơ, quy sữa. Ăn căng bụng chúng mới lần vào những thùng sữa tươi, nước ngọt uống giải khát. Cứ thế, chuột trên tàu chợ sinh sôi, nảy nở hằng hà, sa số trong sự bất lực, bực bội của giới thương hồ. (còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm