| Hotline: 0983.970.780

Những kỷ lục thuyền chợ

Thứ Tư 19/01/2011 , 10:00 (GMT+7)

Không ngủ được vì tiếng lợn ré giữa khuya, tôi mò ra mũi xem cảnh chọc tiết lợn. Một bóng đàn ông khắc khổ với cái xô nhựa trên tay đôn đáo chạy từ thuyền chợ này sang thuyền chợ nọ mua lòng sốt...

>> Thương hồ một dải Đà giang

Ông tên Sĩ, vợ ông tên Minh gọi tắt là Sĩ Minh. Vợ chồng ông Sĩ ở xã Hợp Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội), đi thuyền chợ đã 15 năm nay, rất nổi tiếng với nghề bán phở lợn và càng nổi tiếng hơn với kỷ lục 12 đứa con. Từng là chủ xưởng mộc nắm trong tay vài chục thợ nhưng gặp ách ông bà phải dẹp tiệm, cất bước bán phở dạo bám tàu chợ. Phở tàu chợ không cần chất lượng, không hoa mỹ, màu mè cũng tuyệt đối không có miếng thịt bò nào mà chỉ kèm tú hụ lòng lợn, dạ dày, tim, tràng, cật. Hợp đồng miệng theo cả năm, nội tạng được ông Sĩ bao thầu tất còn thịt thì nhường cho cánh ba toa. Chỉ một gánh phở đơn sơ, vợ chồng ông nuôi cả đàn con phương trưởng nhưng không ai chịu theo nghề bố mẹ…

8h sáng, chị Thủy nổi lửa nấu ăn chung với một chị luống tuổi rồi vừa tranh thủ xắt bắp cải ra muối trong những cái hũ con vừa đổ thang thuốc bắc mới cắt ra đun uống chữa đau lưng, mỏi khớp. Trên thuyền người ta thường ăn chung hay còn gọi thân mật là những nhóm gia đình như vậy, mỗi ông Nguyễn Nguyên Bình một mình ôm cái bếp dầu như con rùa nơi xó cửa. Ông rất có khiếu rao hàng. Bán thuốc nẻ E100 ông rao rằng: “Về đưa cho vợ, chỗ nào nẻ mới thì bôi còn lỗ nẻ cũ, to to đừng có bôi mà mất chỗ vui chơi đấy!”. Hay: “Uống thuốc Choice về mày cứ cho chồng cưỡi thoải mái mà không phải đi ủng, đi bao gì nhưng nhớ phải uống đều đấy! Quên mà vác bụng ra đây, tao không đền được đâu”. Ông cười bảo tôi, Tà Phù (Sơn La) lắm con gái đẹp, nhiều con trai máu nên có phiên bán được tới 4 hộp thuốc tránh thai, mỗi hộp 50 vỉ, mỗi vỉ 50 viên. Mà đâu phải chỉ một mình ông bán thuốc tây?

59 tuổi, ông Bình có thâm niên trên 40 năm theo sóng nước sông Đà. Lúc đầu ông đi nứa bè. Cứ bốn năm người một nhóm, mua tận mạn Đồng Nghê (huyện Đà Bắc) rồi dong về Hòa Bình. Gom đủ một bè nứa có khi đi mất hàng tháng. “Sông Đà lúc đó chưa có thủy điện còn lắm ghềnh, nhiều thác. Thác Bờ có ba cửa. Cửa ria bờ không lọt bè, chỉ khi nước lũ mới đi nổi. Cửa giữa luôn đi được. Cửa rừng có rất nhiều mỏm đá nhọn nhô lên như một rừng đá, có vào mà không có ra. Giữa thác, có mỏm núi đầu ba ba, chúng tôi cứ đánh bè đâm thẳng vào, đúng vào dòng chảy sẽ hất bè lao vào cửa giữa. Dân sông nước kỳ cựu, dù đang ngồi uống rượu hay lơ mơ ngủ nhưng nghe nước réo là biết đúng dòng hay sai. Không có tiếng réo ù ù nghĩa là bè đang vào vòng xoáy, rất khó ra dù có cố sức cậy bằng tay chèo. Lạc vào cửa rừng là chỉ còn nước tan bè, chết mất xác. Ai lớn phổi, bạo gan đi thuyền nhỏ vào đó cứu người cũng khó lòng mà thoát. Lần qua Hạt, ở đó có một xoáy nước tròn rất hiểm, bè lao vào cứ trôi ngược rồi trôi xuôi. Tôi vừa cầm con sào vừa chống bè ra khỏi khe đá. Rút cây sào lên, thân văng lên luôn trên mỏm đó. Chiếc bè cùng mấy người trong nhóm trôi vụt đi. Dông bão, cả một ngày đêm tôi ngồi đó giữa mưa gió, rét mướt đến chiều hôm sau mới có người đi thuyền qua cứu.

Hãi nhất là những lần qua hang Hùm trên địa phận huyện Mộc Châu (Sơn La). Cứ cỡ 1-3h chiều, thuyền bè không đi được qua đó vì gió từ suối Nhạp bắt đầu thổi thốc ra, ngang hang Hùm sẽ cuốn mọi thứ vào. Gặp tình thế đó, chỉ còn một chước là đánh đầu bè vuông góc với hòn Sĩ mới mong toàn tính mạng. Bữa đó, tôi đang ngồi ăn trên thuyền, thấy một phái đoàn bè gồm hai đậy bè (mỗi đậy bè gồm nhiều bè nối vào nhau) của cánh Hà Tây cũ đi qua. Do non kinh nghiệm, họ không biết quy luật này. Cả chục người cùng bè trôi ầm ầm vào hang trong tiếng la hét thất thanh, trong ánh mắt bất lực của những người chứng kiến. Nứa và người có vào mà không có ra cũng như nước có chảy vào hang Hùm mà không biết chảy đi đâu”.

Dân bè rượu cả vò, chó cả con. Tiền nhiều, mang cuộn chỉ đi đổi con gà, mang vài tấm vải đi đổi cả bè gỗ nhưng về cũng ăn chơi hết. Năm 1972, ông Bình đi bộ đội, 1979 ra quân rồi làm đủ nghề không kiếm nổi bát cơm manh áo lại tiếp tục lênh đênh kiếp chợ đường sông cùng bà vợ với đủ thứ hàng từ thuốc lào, chè, gạo, bóng nhựa đến thuốc tây. Vợ ông Bình mới ngã bệnh, không còn sức theo chợ nữa, ông gần như chuyển hẳn sang mặt hàng thuốc.

Anh Nguyễn Quang Minh tên thường gọi là Ngẩu quê ở Chương Mỹ (Hà Nội), vợ chồng anh đã có thâm niên 16 năm bán hàng thuốc lá, bánh kẹo trên thuyền chợ. Tết năm 2007, vợ anh bụng chửa vượt mặt vẫn ham đi bán hàng, tới 29 thuyền cập bến lúc 2 h thì 10 h đã đẻ đứa út cũng là một kỷ lục vui của tàu Mạnh Phi. Cặp vợ chồng Giang-Na với bé Hoài mới 9 tháng tuổi đã đi theo thuyền buôn được mấy chuyến. Bình thường bố mẹ em thay nhau bán quần áo rồi bế em nhưng lúc nào bận thì chuyền tay khắp lượt. Bé Hoài là tài sản chung, là vật quý của cả thuyền để lúc rảnh rỗi người ta tranh nhau bế, hôn hít, bẹo má vui đùa. Những thuyền khác cũng không hiếm các em bé đi theo bố mẹ như vậy. Những đứa bé ai bế cũng theo, mở mồm nói là những câu…chửi hay như đài. Những câu chửi đầy chợ búa, tục tĩu đã ăn sâu vào trí óc non nớt tự lúc nào.

Cả mấy chục mạng người nhưng chỉ có một nhà vệ sinh dạng dội ào cái, mấy giây sau thấy “sản phẩm” nổi lều bều ở mạn thuyền. Lắm lúc nhà vệ sinh quá tải, nhiều người không nhịn nổi, quây chiếu xung quanh sàn... Gió núi thổi tới, gió sông hắt qua, rét tê bại cả tứ chi, đờ đẫn cả mồm miệng nhưng những thương hồ tan buổi chợ về vẫn dội ào ào nước từ “suối nước nóng” - tức nước làm mát máy nổ trên tàu. Đám cửu cậy sức còn xối luôn cả nước lạnh múc dưới sông.
Tôi quen Yến, quê ở Hoàng Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) mới 15 tuổi đã nghỉ học chạy chợ phụ giúp mẹ được 3 năm. Năm nay em có một sạp hàng nho nhỏ của riêng mình. Nhanh nhảu bày những thùng nước ngọt, bia Hà Nội rồi cà phê hòa tan em vừa luôn miệng mời khách uống. Thường lãi lờ hàng giải khát được cỡ 20%. Mùa hè một vòng 7 ngày chợ gánh hàng của em được 10 triệu nhưng mùa đông được 1/3 số đó cũng là cả niềm mơ ước.

Gia đình đông kỷ lục nhất chợ là ông Hà Văn Kiệm với 7 người gồm con trai, con dâu bán từ mì chính, bánh kẹo, tóp mỡ, thị lợn đến giày dép các loại. Kỷ lục về người già ở chợ là bà Tẩm và Đản (mẹ anh Mạnh Phi) đi chợ lúc đã ngoại 70 tuổi khi xưa nay còn các bà như bà Thắm, bà Cúc, bà Nhân cũng đều xấp xỉ tuổi thiếu niên của Bành Tổ hết. Bà Thắm (71 tuổi) chuyên bán muối, bánh mì, miến giong lý giải cái sự đi chợ đến già của mình rằng: “Tôi đi chợ để con cháu không phải nuôi. Nghỉ hưu, 20 năm nay chạy thuyền chợ, không làm buồn chân buồn tay lắm! Chủ thuyền Lộc Ánh thương tôi già, người bình thường họ lấy 300.000đ/khoảng còn tôi chỉ 200.000đ thôi”.

 Tôi biết, ngoài những lý do mà bà Thắm nại ra đấy là cả sự xa xót về đám con cháu của bà. Buổi chiều đông tê tái mưa phùn, một bà già gầy còm, nhăn nheo nơi xó chợ bùn lầy, vừa đon đả mời khách vừa liên tục lấy lọ dầu gió bóp những ngón tay, khớp chân sưng phồng vì giá.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm