| Hotline: 0983.970.780

Trường Sa ký sự

Thứ Hai 28/03/2011 , 10:09 (GMT+7)

Cuộc sống của ngư dân ở Trường Sa vẫn còn nhiều khó khăn, ít dịch vụ thương mại nhưng đổi lại Trường Sa cũng có những thế mạnh về năng lượng, về kinh tế biển đặc thù,...

Như các huyện đảo khác, cuộc sống của ngư dân ở Trường Sa vẫn còn nhiều khó khăn, ít dịch vụ thương mại nhưng đổi lại Trường Sa cũng có những thế mạnh về năng lượng, về kinh tế biển đặc thù, hiếm nơi nào có được.

Thương đất liền… mất điện

Biết tôi chuẩn bị lên đường ra quần đảo Trường Sa, bạn bè, người thân tỏ ra lo lắng, vì biển mênh mông đầy rẫy bất thường, rồi cả thông tin về hoạt động nước ngoài xâm phạm vào vùng lãnh hải Việt Nam... Khi ấy để trấn an, tôi nói rằng quần đảo Trường Sa từ lâu đã trở thành huyện đảo, ngoài đó không chỉ có bộ đội mà ngư dân vẫn sống bình yên, tập hợp thành từng xóm, tựa như các huyện đảo khác như Lý Sơn ở Quảng Ngãi, hay Vân Đồn ở Quảng Ninh.

Nói cứng như vậy nhưng kì thực tôi cũng mường tượng về những điểm đảo Trường Sa như những hòn đảo cằn cỗi, hoang vắng, chỉ toàn đá và doanh trại quân đội. Có chăng sự hiện diện của dân sinh nơi đây chỉ là những xóm chài nghèo nàn lúp xúp. Tới khi đặt chân lên xã đảo Song Tử Tây, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác, tôi mới thực sự bị bất ngờ. Thực tế ở Trường Sa hoàn toàn khác với những gì tôi từng tưởng tượng.

Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục và tương đối bằng phẳng, chỉ cao hơn mực nước biển từ 4- 6 mét, đứng từ xa nhìn đảo như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho những cư dân trên đảo vị ngọt của đất liền nên môi trường sinh thái của đảo khá thuận lợi. Đảo có nhiều nguồn nước lợ, chỉ cần đào giếng chừng 10m là nước không bao giờ cạn cho nên Song Tử Tây không cần phải tiếp nước. Mà nguồn nước trên đảo còn đủ để ngư dân có thể chăn nuôi lợn, gà và trồng được rau xanh đảm bảo cung ứng thực phẩm cho gia đình.

Xã đảo Song Tử Tây, được quy hoạch gọn gàng thành hai khu: Khu dân sinh và Khu doanh trại quân đội. Khu dân sinh trong xã bao gồm Nhà văn hóa, UBND xã, lại có thêm một ngôi chùa hướng ra biển…Toàn bộ đường giao thông trên đảo đều làm bê tông, hai bên đường là những hàng cây phong ba, cây bàng vuông che mát. Tại đây người ta tận dụng từng mét đất để trồng cây xanh, đi bất cứ nơi đâu cũng thấy những khu vườn rau được rào, chống cẩn thận.

Trong số các đảo thuộc Trường Sa, chỉ duy nhất xã đảo Song Tử Tây có đàn bò, người dân trên đảo trân trọng và yêu quí bò như những con vật cảnh. Hình ảnh đàn bò nhởn nhơ nằm nghỉ dưới bóng cây đem lại cảm giác thanh bình giống như ở đất liền. Có thể nói, tuy ở cách xa đất liền trên 300 hải lí, nhưng quang cảnh xã Song Tử Tây đã phản ánh lên một cuộc sống khá đủ đầy của nhân dân trên đảo.

Nhưng ấn tượng ở Song Tử Tây không dừng lại ở những xóm chài “tiêu chuẩn”, điểm nhấn của Song Tử Tây cũng như hầu hết các xã thuộc Trường Sa là sự khác biệt, vượt trội hẳn so với đất liền. Trong những ngày cuối tháng 3, tiết trời khô hạn, đất liền đang “khởi động” mùa cắt điện luân phiên thì ở Trường Sa nguồn năng lượng điện lúc nào cũng được cung ứng đủ 24/24h. Thậm chí còn dư thừa, xài không hết điện năng.

Nếu như trước đây chúng ta vẫn thường lấy hình ảnh người lính Hải quân “sạm đen” để mô tả đặc thù thời tiết nắng, gió vô cùng khắc nghiệt ở vùng đảo Trường Sa thì ngày nay quân và dân trên đảo đang khai thác chính những “nhược điểm” cái nắng, cái gió làm nguồn năng lượng sạch và vô tận phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Toàn bộ các xã đảo đều được lắp đặt song song hai hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời. Như trên đảo Song Tử Tây có 21 quạt gió được bố trí xung quanh đảo và 484 bảng pin năng lượng mặt trời đủ sức tạo ra một nguồn điện năng trên 6.000 kw/tháng.

Hệ thống chiếu sáng của đảo gồm 175 cột đèn Led và cũng được áp dụng công nghệ tự động tiên tiến nhất. Mỗi cột đèn có một bảng pin năng lượng mặt trời để tự cung cấp năng lượng và được lắp thiết bị hẹn giờ tự động tắt, bật theo từng mùa mà sai số chỉ tính từng giây.

Nhờ có nguồn năng lượng dồi dào nên chất lượng cuộc sống của nhân dân trên đảo cũng được cải thiện. Không còn cái cảnh biệt lập, ngày ngày trông ngóng tầu cập cảng để nhận tin từ gia đình. Người dân trên đảo đã có thể theo dõi nắm bắt từng sự kiện thời sự trên đất liền qua vô tuyến, internet, hàng ngày liên lạc thăm hỏi họ hàng bằng điện thoại di động. Mặc dù khoảng cách địa lý khá xa nhưng “điện nắng, điện gió” như đã kéo đất liền trở lại gần Trường Sa hơn.

Nói về cuộc sống trên đảo, anh Huỳnh Quyền, ngư dân trên đảo Song Tử Tây, cởi mở: “Cũng như trong đất liền thôi. Đất liền thứ gì cũng có nhưng không có tiền để mua, còn ở đây mua sắm khó khăn hơn một chút nhưng nguồn cá lại nhiều, kiếm tiền dễ hơn. Muốn thứ gì tôi chỉ cần điện thoại là ở đất liền sẽ gửi tàu mang ra”. Cũng như bao ngư dân khác trên đảo, anh Quyền có một căn nhà nhỏ, xinh xắn và đầy đủ tiện nghi trong xóm. Từ ngày ra đảo làm kinh tế, đời sống gia đình mỗi lúc một khấm khá hơn chứ không còn khó khăn như trước. Hàng ngày anh đi biển, đánh cá, câu mực, còn vợ anh thì nhận việc nấu ăn cho bộ đội.

Cá ở xung quanh đảo nhiều lắm. Nhiều tới nỗi, hôm biển động anh Quyền chỉ mang lưới ra quây chặn cũng được vài tấn. Không có điều kiện đông lạnh, anh để mặc cá trong lưới để bắt bán dần. Lẩm nhẩm tính thu nhập trung bình của hai vợ chồng anh tối thiểu cũng trên 15 triệu đồng/tháng. Nếu trúng vụ cá như vừa rồi, thu nhập còn lên tới trên 20 triệu đồng. Hai vợ chồng anh đã có 2 cháu gái, cháu nhỏ là Phương Trang đang học vỡ lòng, cháu lớn tên Tố Nga đang học lớp 5 ở với ông bà trong đất liền. Con bé đi học xa, nhà cũng thấy vắng vẻ hơn nhưng cũng phải chấp nhận chứ biết làm sao được.

May mà ở huyện đảo Trường Sa đã phủ sóng điện thoại nên ngày nào vợ chồng anh Quyền cũng nói chuyện với con cho đỡ nhớ. Mấy hôm trước gió mùa, tiết trời oi bức, ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa lại cắt điện, cháu gọi điện về nhà bảo nóng không học nổi, rồi kêu nhớ nhà. Ở nhà lúc nào cũng có điện, học xong còn được xem phim chứ ở với ông bà cứ bị cắt điện hoài. Buổi tối oi bức như thế mà cháu phải học bằng nến. Cháu còn bảo kể chuyện ở huyện Trường Sa không bao giờ mất điện, chỉ lấy nắng và gió để tạo ra điện chạy quạt, xem ti vi nhưng các bạn cùng lớp không tin, ngay cả người lớn trong xóm cũng cho rằng cháu nói xạo. Ước gì bố gửi được ít điện ở nhà vào đây cho các bạn đất liền biết cháu không nói xạo.

Chỉ là câu chuyện con trẻ nhưng không hiểu sao nghe bé Nga nói mà trong lòng anh Quyền cũng thấy vui vui. Có lẽ, bấy lâu nay trong lòng anh vẫn canh cánh nỗi niềm sợ mấy đứa nhỏ bị thiệt thòi nhưng giờ thấy con gái dễ hòa nhập cùng bạn học; nó lại yêu mến, tự hào về huyện đảo Trường Sa như vậy anh cũng không còn gì phải lo lắng… (Còn nữa)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất