| Hotline: 0983.970.780

Thế mạnh thoát nghèo là... rời làng

Thứ Ba 10/05/2011 , 12:32 (GMT+7)

Làm ruộng, chăn nuôi đều “hết cửa”, phần lớn nông dân ở nhiều làng quê Bắc Bộ bỏ quê lên phố làm ăn...

Có đến 7 đứa con đi làm thành phố nhưng ông Phái vẫn không xoay nổi vài trăm ngàn tiền giống

Làm ruộng, chăn nuôi đều “hết cửa”, phần lớn nông dân ở nhiều làng quê Bắc Bộ bỏ quê lên phố làm ăn. Cũng có người được gọi là giầu. Nhưng cái giầu của họ sao mà khổ quá.

>> Giầu nghèo ở quê

Bỏ làng để thoát nghèo 

Huyện Nho Quan xưa nay nghèo…có tiếng ở Ninh Bình. Cũng không có gì lạ bởi đây là vùng chiêm trũng khắc nghiệt bậc nhất xứ này. Vậy mà, độ mấy năm nay tỷ lệ thoát nghèo của nhiều xã trong vùng giảm nhanh rõ rệt. Không ít thôn bản đã có thể gọi là giầu với nhà tầng, xe máy đời mới… Tại sao ở một nơi “nghèo có tiếng” này vẫn có được bộ mặt khang trang đến thế?  

Lang thang ở các cánh đồng xã như: Văn Phong, Gia Tường, Xích Thổ…mùa nông nhàn thật khó để tìm được người làng. “Họ lên phố làm thuê hết rồi. Bám ruộng chỉ có chết”. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tường Quách Văn Nghĩa phân trần vẻ ngán ngẩm. Thì ra câu nói “giàu ở quê bằng ngồi lê ở phố” thành kim chỉ nam của cả cái xứ này. 

Xã Gia Tường có 1.500 hộ nhưng hiện chỉ 7,3% trong số đó còn phải giữ sổ hộ nghèo. Ông Nghĩa khoe rằng, so với mặt bằng chung trong huyện, Gia Tường chỉ thua có mỗi thị trấn Nho Quan về tốc độ thoát nghèo. Trong khi nếu nhìn vào điều kiện sản xuất của họ, đã có lúc ai đó đã phán rằng nếu dân Gia Tường thoát được nghèo có chăng là chuyện lạ. 

Cũng chính vì điều kiện sản xuất như thế nên tôi hơi thắc mắc về những con số lý tưởng kia và làm cuộc khảo sát với 3  cán bộ địa phương ở huyện Nho Quan. Hai ông phó chủ tịch xã Gia Tường và Xích Thổ, một ông trưởng thôn ở xã Văn Phong. Những cán bộ này tâm sự thật rằng, thế mạnh thoát nghèo của địa phương là... bỏ làng đi làm thuê. Không biết tự bao giờ họ đưa cái khoản “ngồi lê ở phố” ra thay cây lúa, củ khoai tính vào thu nhập. Buồn hơn nữa, họ gọi đấy là thu nhập chính nhưng lại lại chẳng biết cụ thể mức thu nhập ấy là bao nhiêu. 

Ở xã Gia Tường, ông Nghĩa khẳng định có tới hơn 70% nông dân cứ hết vụ là rời quê. Số không bỏ làng lên phố làm thuê chẳng phải hạng dư giả gì nhưng vì điều kiện sức khỏe không đi được. Ông Nghĩa tỏ vẻ tự hào dân xã mình thoát nghèo nhanh và cũng ngay tắp lự thừa nhận rằng họ thoát nghèo theo cái cách…khổ quá. “Làm thuê khi thời vụ nông nhàn năm thì mười họa. Việc làm thì nhiều nhưng đụng gì làm nấy, việc chọn người thôi. Những ngày “ngồi lê ở phố” này lại đóng vai trò quan trọng để dân Gia Tường thoát nghèo. Thực tế cũng chứng minh số gia đình còn giữ sổ hộ nghèo ít ỏi thường là vì họ không có người bỏ làng… Giầu cũng chỉ giầu nông thôn với tài sản nhà hai tầng, xe gắn máy là oách lắm rồi. Chứ dân tôi cũng biết nếu đem so với thiên hạ còn "muỗi" lắm. Dân đi làm thuê tiếng là có thu nhập thế thôi chứ cũng chẳng ai thống kê được bao nhiêu cả. Bấp bênh lắm, nhưng chắc chắn là hơn làm ruộng”, ông Nghĩa bộc bạch.  

Nếu bấp bênh như lời ông Nghĩa thì bộ mặt khang trang từ nhà tầng, xa máy nhờ đâu? “Ở quê con gà tức nhau tiếng gáy. Nhà này có con đi làm ăn xa xây được cái nhà thì nhà khác có hay không có cũng phải cố cho bằng được. Dù không ít những ngôi nhà ấy được xây bằng tiền vay ngân hàng”. Ông Bùi Xuân Trịnh, trưởng thôn Chát, xã Văn Phong thậm chí còn hồ hởi hơn khi khoe rằng dân trong thôn ông đi làm thuê cả năm có nhà mang về hàng chục triệu bạc chứ chẳng chơi. Vị trưởng thôn này cũng tự hào thêm nữa là nhờ cái nghèo đeo đẳng bao đời mà dân quê ông làm thuê…giỏi lắm. Bất cứ việc gì cũng làm, miễn là có tiền.  

Đó cũng là lý do dù ruộng đồng có mất mùa vụ này sang vụ khác thì thôn Chát  cũng chỉ còn lại hai hộ nghèo. “Dân tôi là dân lưu lạc. Không rời làng được thì chết đói chứ chẳng chơi. Có tiền hay không thì chưa biết chứ cứ đi khỏi làng là thoát nghèo cái đã. Đi làm thuê nhưng cũng là làm ở thành phố thì ai cho sổ hộ nghèo được nữa”. 

Cái triết lý “làm ở thành phố thì không được nghèo” ấy khiến số hộ nghèo các xã ở Nho Quan giảm nhanh thật. Nhưng lại làm tăng số hộ cận nghèo. Có một điều chắc chắn mà những cán bộ này đã nói với tôi rằng, nếu không đưa khoản làm thuê ở phố vào thu nhập chính hàng năm thì chắc chắn những hộ cận nghèo này sáng ngày hôm sau sẽ lại nghèo.  

Giàu trên lý thuyết 

Giàu nhờ cái mác “ngồi lê thành phố” khiến không ít địa phương ở Nho Quan rơi vào cảnh chỉ giàu trên lý thuyết. 

Theo thường lệ cứ thời điểm này là ông Đinh Văn Phái (thôn Sơn Cao, xã Gia Tường) lại lên xã nhận tiền con cái đi làm thuê gửi về. Gia đình ông chỉ còn lại hai ông bà già với 4,4 sào ruộng. Mấy đứa con cứ học đến độ biết chữ là bỏ quê đi làm ăn xa. Nếu xét theo tiêu chí thoát nghèo như “phong trào” đang rộ lên ở cái đất này thì gia đình ông bét lắm cũng phải loại khá. Khá là bởi nhà có 9 khẩu nhưng 7 đã “có lương” rồi. Lương dù bấp bênh hay không chẳng biết chứ cứ như tính toán thì ít nhất mỗi tháng từ 3- 5 triệu đồng. Nhà quê được thế là no đủ lắm rồi. 

Nhưng gặp tôi ở cổng ủy ban xã ông Phái cứ than ngắn than dài. “Khổ lắm chú à. Người ta bảo giàu ở quê bằng ngồi lê ở phố. Con cái cũng nói làm tháng vài triệu bạc tưởng là to nhưng chi phí trên đó đắt lắm. Tiếng là có con cái đi làm thuê nhiều tiền nhưng chúng cũng cày trật mặt mà có dư giả gì đâu”. 

Đúng là nhà ông Phái không dư giả gì thật. Bằng chứng là ông đến ủy ban xã bằng chân đất và nhất định phải chờ bằng được khoản tiền mấy chục ngàn hỗ trợ người cao tuổi mới chịu về. Không phải ông hẹp hòi hay yêu sách gì mà cái chính là không có khoản ấy thì vụ này ruộng nhà ông phải bỏ hoang do đám mạ chết úng chưa tìm đâu ra tiền mua giống mới. 

Bảy đứa con nhà ông Phái “rải” từ Bắc chí Nam. Như thằng con út đấy học hết cấp hai hắn bỏ làng lên các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn làm thợ mỏ đá. Mỗi tháng tất tần tật cũng được 3-4 triệu đồng. Giá cả ngày càng tăng, thành thử dù có thương bố mẹ lắm thì mỗi tháng hắn cũng chỉ gửi về được vài trăm bạc. Mấy bận lễ tết thấy người ta được nghỉ ông cũng bấm bụng ra bưu điện giục con về nhà ít hôm. Nhưng hắn bảo sợ tốn kém nên không dám về.  

Đài báo, tivi suốt ngày đưa tin sập mỏ đá nơi này nơi khác, ông bà nghe như ngồi trên đống lửa vì thắng út cũng làm thợ đá. Lo là lo thế nhưng cũng chẳng dám khuyên con bỏ nghề vì đơn giản: “Về thì lấy gì sống ở cái đất chó ăn đá gà ăn sỏi này”. Từ đứa đầu tiên rời làng đến tận đứa thứ 7 nhà ông Phái vẫn giữ nguyên sự nghèo khổ ban đầu. “Con cái có làm cũng chỉ lo được cái thân chúng là may. Còn bố mẹ dù già cũng phải tự lọ mọ kiếm hạt gạo mà ăn thôi. Lấy đâu ra tiền mà tích cóp”.  

Trong tư duy của ông Phái thì ở cái xã Gia Tường này những nhà giàu nhất là cán bộ quân đội về hưu. “Lương thiếu tá, đại tá nghe đâu từ 5-7 triệu đồng. Trong khi làm ruộng mỗi tháng nhà tôi lãi từ 30 - 40 ngàn đồng. Gấp gần 200 lần đấy. Giàu đến thế là cùng”. Thì ra những gia đình có người làm cán bộ từ lâu là niềm mơ ước của nông dân nhưng họ chẳng có cách gì hiện thực hóa giấc mơ ấy cả.

Cả hai ông bà đều bị bệnh nhưng chỉ dám đi khám vào những lúc có tổ chức từ thiện khám bệnh miễn phí. Căn nhà cấp 4 xập xệ không chống chọi nổi một trận mưa nhưng viện trợ từ “lương thành phố” không đủ để sửa sang. Nếu để tự hai ông bà già góp lướm sửa thì họ không dám nghĩ đến. Thành ra giờ lỡ có việc gì cần đến tiền trăm ông lại biên thư cho con cái cầu viện. Nhưng cũng năm thì mười họa bởi đám con ông chẳng dư giả gì.  

Ông bảo rằng gia đình “chết vì cái tiếng”. Có con đi làm ăn xa nên mất luôn diện hộ nghèo trong khi nếu hạch toán chi li thì hai ông bà còn…nghèo hơn cả hộ nghèo. Ngày ngày bà Thảo vợ ông dù bị bệnh phong hàn tránh nước nhưng vẫn phải lội đồng mò cua. Thêm được vài ngàn với hai ông bà cũng là quá quý. 

Thế mới biết, nếu chỉ gặp chính quyền thì không hiểu hết những nỗi khổ của các hộ “giàu trên lý thuyết” này. Đi thêm các xã Văn Phong, Xích Thổ… vẫn là bề ngoài hoành tráng từ danh nghĩa “lương thành phố” nhưng thực chất là tiền ngân hàng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất