| Hotline: 0983.970.780

Thân em đánh dậm nuôi chồng

Thứ Sáu 10/06/2011 , 10:34 (GMT+7)

Chuyện rằng có ông thầy địa lý người Tàu chơi khăm chỉ hướng xây đình làng Võ Lao (Chương Mỹ, Hà Nội) quay về phía chuôm Dậm nên như một lời nguyền, số phận phụ nữ bốn xóm đều gắn với nghề đánh dậm…

Chuyện rằng có ông thầy địa lý người Tàu chơi khăm chỉ hướng xây đình làng Võ Lao (Chương Mỹ, Hà Nội) quay về phía chuôm Dậm (ao có hình chiếc dậm) nên như một lời nguyền, số phận phụ nữ bốn xóm đều gắn với nghề đánh dậm…

>> Thân cò vạc nhà quê

LẶN LỘI ĐỒNG KHÔNG MÔNG QUẠNH

4h sáng, chị Đỗ Thị Nam đã dậy, lặng lẽ luồn người qua chồng con rồi xuống bếp lục cục vét ít cơm thổi sẵn từ buổi tối, vài vụn tép cho vào túi bóng buộc chặt, sẵn tiện đổ một chai nước vối thật đầy. Vẫn còn nhọ mặt người, Cấp Tiến đã râm ran tiếng gọi của những người đàn bà đánh dậm. Dân đánh dậm ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm. Xóm có chừng 15-20 người đi dậm, chia thành nhiều nhóm, phần đa là hàng xóm, họ hàng của nhau.

Nhóm của Nam gồm 6 người đã có 4 người nhà gồm hai chị dâu và một chị chồng. Nếu đi xuôi họ phải đi từ 5h sáng xuống mạn Vân Đình, Tế Tiêu, Đồng Mít, Miếu Môn cách nhà 30- 40km, còng lưng đạp xe cỡ 9h mới tới. Nếu đi ngược thường xuống khu Xuân Mai hay Lương Sơn (Hòa Bình) để đánh. Đến địa điểm tập kết, những gói cơm ngả ra ăn chập chuội trên bờ mương, bờ máng. Phần còn lại gói ghém đội đầu rồi trùm nón lên trên để dành bữa trưa. Lắm chị cẩn thận còn buộc cả túi cơm vào quai nón để có rơi, cơm cũng không bị chấm bùn đất.

Nghề dậm mùa cuối năm ít mưa, nước cạn mới trúng còn mùa nóng này kiếm mỗi ngày dăm bảy chục đã giỏi. Trên là cái nắng 37-38 độ, dưới là mặt nước đang sôi lên như phải bỏng, những người đàn bà vẫn cứ ì oạp dầm mình. Trung bình một tháng hè họ 2- 3 lần kiệt sức phải tiếp nước. Giữa những cơn sốt ngây ngấy váng vất vẫn vững nhịp dậm chân. Thân cò lặn lội giữa đồng không mông quạnh lắm nỗi hiểm nguy.

Bận nhóm Nam gặp ba thanh niên quần áo lịch sự ra ruộng, ngỡ tưởng xem đánh dậm ai ngờ họ tụt ngay quần, ngỏng…cái của nợ lên cười khả ố. Sợ quá, mấy chị vội lùi sang bờ mương bên kia, tay lăm lăm đàm đạp thủ thế. Không xơ múi gì, đám người kia trước khi đánh bài chuồn còn nói vớt vát: “Chim tớ, tớ khoe, xem có bằng chim của chồng đằng ấy không?”.

 Trung bình mỗi tháng nhóm của chị gặp hai ba lần cảnh chướng tai, gai mắt của đám thanh niên, trung niên, thậm chí lão niên mất nết như vậy. Lắm khi tuy không bị sàm sỡ nhưng đám người làng cậy gần nhà còn xông ra đuổi, dẵm bẹp dậm, đổ hết cua ốc xuống máng, cũng chỉ biết gạt nước mắt ngậm ngùi. Lúc đứa con thứ hai của Nam hơn 3 tháng, gạo trong nhà hết sạch, chẳng thể kiêng khem thêm được, chị đành xách giỏ lên đường. Đi dậm mà sữa chảy rịn ướt mấy lần áo rách. Sữa căng độn trong bầu ngực mỗi nhịp dậm chân. Tức đến độ phải vắt bỏ. Những tia sữa phun thành hình cầu vồng, trắng nhờ nhờ, nhỏ tong tong xuống bùn...

Cả hai vợ chồng Nam đều mù chữ. Đi đâu nhìn biển chỉ dẫn cũng không biết đọc, ngay con đẻ cũng không biết tính năm sinh. Tôi đến thăm nhà Nam. Cảnh vắng vẻ. Hỏi, mấy đứa trẻ tri trô: “Bố bắt dịt (vịt) bán mua bim bim cho chon ờ”. Chồng Nam làm thợ xây, một công cũng được 120.000đ nhưng cả tháng nay mấy đám gọi cũng chẳng đi vì ngại…nắng nóng, chỉ quẩn quanh chơi và chăn độ mươi con vịt góc vườn. Gian nhà tạm chừng 20m2 tuếch toác, không xe máy, chỉ có cái xe đạp với cái tivi màu là đáng giá.

Đang chơi, đứa con nhỏ bỗng mếu máo khóc. Thấy vậy thằng anh tuột vội chiếc quần lấm cứt của em vứt toẹt xuống sân. Con chó nhỏ được dịp mừng xoắn đuôi, xông vào dọn cái quần rồi liếm sạch mông con bé. Đứa nhỏ tồng ngồng hồn nhiên nô đùa tiếp. Thằng anh bảo tôi: “Hôm qua, em sốt, mẹ mua sữa nó éo uống hết, để thiu chứ phải cháu uống một lúc mấy hộp”. Con bé từ lúc sinh ra trên cõi đời chẳng mấy khi biết đến vị sữa hộp bị một phen tiêu chảy lử lả.

CHỬA VƯỢT MẶT VẪN DẬM

Trưởng xóm Tân Hợp Phan Văn Ổn thống kê trước đây cỡ 80% phụ nữ xóm đi đánh dậm. Giờ nhà cửa thay đầm hồ, nước tù, nước đọng ít tôm cá nên lắm người bỏ nghề. Ngay như vợ anh Ổn trước từng trọ trên Hà Nội, sớm sớm đi bộ từ làng Ngọc Hà xuống mạn Canh, Diễn hay sang Gia Lâm hành nghề cũng đã bỏ dậm ngót chục năm nay. Còn giữ nghiệp cua ốc trong làng là những người không có đường làm ăn nào khác.

Dân dậm giờ chủ yếu là phụ nữ luống tuổi như hai chị em Nguyễn Thị Miên, Nguyễn Thị Anh đi dậm nuôi mẹ già gần 80 tuổi quanh năm ốm yếu. Cả hai vốn không được thật người cho lắm, hỏi chuyện chỉ cười cười, nói nói đâu đâu. Già đến như bà Nghê đã ngoại 60 tuổi vẫn ì oạp dưới ao chưa nghĩ đến ngày giải nghệ.

Cúc, Chúc hai đứa con của chị Phan Thị Êm tuổi vừa mười tám đôi mươi là hai cô gái duy nhất của bốn xóm dậm còn chịu theo mẹ đi làm. Ba mẹ con trung bình mỗi buổi cũng kiếm được 300.000đ, hôm nào “vào cầu” được 500- 600.000đ nhưng cũng có buổi trắng giỏ vì chim trời, cá nước. Chị Êm đã ngoại ngũ tuần nhưng còn khỏe lắm, mỗi bữa ăn 7- 8 bát cơm, làm hùng hục thanh niên khó sánh. Chị như cây cột cái của nhà. Công to, việc lớn sửa cửa, làm nhà đều từ tiền con tôm, con tép trong giỏ chị. Bốn đứa con gái cũng đều một tay mẹ truyền nghề, chỉ đạo kỹ thuật xúc cua, nhấc dậm dù chị cứ luôn miệng ngượng nhịu “Ôi dào, huấn luyện huấn liếc gì đâu chú, chữ nghĩa khó nhất còn học được chứ đánh dậm chỉ vài hôm là quen thổ, quen tay thôi”.

+ Bốn xóm ở Võ Lao sớm sớm, chiều chiều không ít đàn ông tụ bạ, hết la cà quán xá lại tính toán lô đề. Cánh này ăn chịu nhiều đến nỗi ngay cả anh Ổn trưởng xóm mở cái quán ra bán được một thời gian, hãi quá phải dẹp bỏ.

+ Đồ nghề của người đánh dậm rất đơn giản chỉ một cái dậm, một cái đàm đạp, hai cái giỏ, tổng vốn cỡ 200.000đ. Chân đầy sẹo, toác máu vì dẫm mảnh chai, mảnh ốc, gai góc đủ loại, người dầm trong nước bẩn kinh niên nên lắm chị bị bệnh phụ khoa nặng đến nỗi cứ định kỳ lại đi đốt điện cổ tử cung một bận.

Hai đứa lớn đã đi lấy chồng, bỏ dậm. Đứa nào cũng được chị cho lưng vốn dăm ba chỉ vàng. Hai đứa sau, chị cũng đang dành tiền bỏ ống cho chúng sau này về nhà chồng đỡ tủi. Trên 30 năm đánh dậm, ngay bận chửa vượt mặt thằng út thứ 6 chị vẫn đi, bị điện giật gục vào bờ ngất lịm. Kẻ cắt quai giỏ đầy phè ốc để khiêng cho đỡ nặng, người hết hô hấp nhân tạo lại day tim. Cô em dâu chị hoài của, ngồi nhặt chỗ ốc rơi, bị mắng: “Người chết rồi còn tiếc con ốc à?” mới bừng cơn mụ mị, òa khóc. Đợt đấy, phúc nhà chị to như cái đình, cả hai mẹ con đều thoát nạn.

Chị Nga, chị Du ở thôn Cộng Hòa cứ nhất định không cho tôi đi dậm cũng bởi “Tốt phô ra, xấu xa đậy lại chứ đẹp gì cái nghề này hở chú?” nhưng tôi cứ lẽo đẽo theo. Đồng vắng. Vừa dựng xe họ vừa quấn lên người những quần áo rách, nâu thẫm màu bùn. Thân dìm trong nước đến lưng, đến ngực. Mặt bịt kín hở mỗi con mắt. Chân dậm, tay nhấc. “Ì oạp, ì oạp” ba đạp một dồn. Những chiếc nón lá như dập dềnh trên mặt nước theo mỗi bước đi.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Vẫn không dừng tay nghỉ họ chỉ khoác tạm một tấm áo mưa vòng qua lưng. Nước máng dềnh lên, nước trời dồn xuống. Cả cánh đồng xám xịt, nặng trĩu một màu chì trong cơn giông oi bức đầu mùa.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.