| Hotline: 0983.970.780

Thùng gạo rỗng trong những ngôi nhà tiền tỷ

Thứ Năm 23/06/2011 , 10:18 (GMT+7)

Thời thịnh, nông dân vùng tôm từng dồn tất cả gia sản mơ rũ bùn thành đại gia. Rủi ro, những đại gia ấy rơi tự do xuống đáy của sự bần hàn.

Thời thịnh, nông dân vùng tôm từng dồn tất cả gia sản mơ rũ bùn thành đại gia. Rủi ro, những đại gia ấy rơi tự do xuống đáy của sự bần hàn. 

>> Bi kịch thủ phủ tôm

Ở nhà tiền tỷ, chạy vạy tiền ngàn 

Thời tôm bắt đầu nổi, xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) được quy hoạch ồ ạt bỏ lúa để thoát nghèo. Nhà có tiền đổ vào đã đành, nhà khốn khó cũng sốt sắng vác sổ đỏ ngân hàng lao vào ăn thua đủ với tôm. Thống kê mới nhất, Liêu Tú có 1.270 ha nuôi tôm và gần như 100% “đi bụi” sau đợt dịch vừa rồi. 

Ấp Tổng Cán mang vẻ ngoài của một đô thị. Nhà lầu san sát được đánh số thứ tự hẳn hoi, các dịch vụ phục vụ đời sống nhà giàu như: karaoke, nhà hàng ăn nhậu, nhà nghỉ… Vậy mà ông Bí thư chi bộ ấp Lưu Văn Chiến vạch trần vạch trụi bằng sự ngao ngán: "Thấy hoành tráng vậy chớ bên trong không có gì đâu. Ở nhà lầu nhưng thiếu nợ, thiếu ăn thấy mồ luôn. Ở nhà lầu nhưng còn khổ hơn ngày xưa ở nhà lá dừa làm lúa nữa. Nhà lầu nhưng biển đề bán nhà treo nhan nhản”.  

Rồi ông thống kê, nơi ngày xưa đẻ ra nhiều đại gia tôm hiện có 163 hộ còn đủ sự liều lĩnh để bám trụ và hi vọng. Buồn thay, 124 hộ trong số đó rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nợ, nghèo bủa vây. 10 năm theo tôm, đã có lúc Tổng Cán trở thành thủ phủ tôm của cả tỉnh Sóc Trăng khi chốn này luôn dẫn đầu về diện tích và số tiền vay ngân hàng.  

Những năm 2004 dân nuôi tôm ở Tổng Cán rất ít khi nói chuyện tiền trăm, và họ cũng không muốn giấu sự giàu sang nhanh chóng của mình. Nhà lầu mọc lên giữa đồng, mua sắm ô tô trở thành chuyện thường ngày ở…ấp. Tổng Cáng thời ấy hầu như chỉ có hộ khá và giàu, ra đường người ta gọi nhau là đại gia, triệu phú… 

Đó cũng là thời điểm mà đôi vợ chồng Liễu Minh Tuấn (53 tuổi) và Lâm Thị Bấu (52 tuổi) cất được ngôi nhà ba tầng non nửa tỷ bạc. Hai ông bà có 7 đứa con, đứa nào đứa nấy xe máy, điện thoại thích là mua, chán là đổi. “Tiền bạc lúc đó vừa nhiều vừa có giá, hầu như chẳng mấy khi phải lo nghĩ gì về kinh tế. Vậy mà bây giờ…”. Ông Tuấn bỏ dở câu nói để lấy hơi trình bày về những thất bát triền miên.  

Vợ chồng ông Tuấn bên hồ tôm đẩy họ xuống đáy cơ hàn

Vụ vừa rồi gia đình ông Tuấn lỗ mất 30 triệu. Với dân nuôi tôm chừng ấy không phải nhiều, nhưng đấy là tất cả những gì còn sót lại của gia đình đại gia tôm một thời. Đến cả đôi bông tai 1,2 chỉ vàng đứa con gái gửi để dành lúc lấy chồng ông bà cũng giấu giếm “ném” vào tôm. Nhưng chỉ đầu tư được gần một tháng tôm chết và mất sạch, con gái hỏi vàng bà xèo tay rồi rơi nước mắt. Không biết nó giận hay buồn mà bỏ làng lên phố làm công nhân.  

Thương con nhưng bất lực, bởi hiện tại gia đình đang nợ ngân hàng hơn 250 triệu đồng. Một quý, người ta đến thu lãi một lần, khoảng 20 triệu. Mấy năm nay cứ “căn” đúng thời gian thu lãi, hai ông bà ra chiếc lều ngoài hồ tôm…trốn cán bộ ngân hàng. “Đổ vào bao nhiêu chết hết bấy nhiêu như thế có thánh cũng chào thua. Giờ nếu chú có mượn 50 ngàn thôi thì gia đình cũng đành xin thất lễ”. 

Hôm chúng tôi đến nhà, vợ chồng ông đưa ra hai cái giấy. Một giấy khám bệnh và một giấy thông báo trả lãi của ngân hàng. Hai cái giấy ấy nếu đưa cho gia đình ông chừng dăm bẩy năm về trước ông sẽ phẩy tay bảo bà xắn cục tiền đưa cho người ta mà chẳng cần phải bận tâm. Nhưng bây giờ đã khác. Bất lực, hoang mang và…cù nhầy. Giấy khám bệnh của bệnh viện thông báo căn bệnh đau dạ dày và viêm túi mật ông Tuấn bị từ năm 2006 phải chữa trị dứt điểm nếu không sẽ biến chứng gây nguy hiểm.  

Nhưng “bác sĩ họ bảo ông ấy cù nhầy không chịu khó chữa trị. Họ đâu biết ông không chữa được bởi vì không có tiền. Đâu biết lúc ông mắc bệnh trùng với lỗ vụ tôm đầu tiên. Được bao nhiêu tiền đổ vào tôm hết cả. Năm trước vừa cất nhà lầu thì năm sau đã phải mang sổ đỏ đi cắm ngân hàng, từ đó đến nay chưa một lần gia đình dám nghĩ đến chuyện lấy về. Lãi ngân hàng không có trả thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh”. Bà Bấu đau buồn kể lể. 

Thực ra cũng đã có lúc hai ông bà nghĩ đến chuyện chữa bệnh. Đó là khi họ thông báo với mấy đứa con về bệnh tình của bố để xin mỗi đứa một ít góp lướm vào chữa cho dứt điểm. Nhưng mấy đứa con ông bà cũng là dân nuôi tôm, cũng không thoát được dịch, được nợ, được nghèo nên chỉ tiếp sức được cho bố mẹ vỏn vẹn 300 ngàn. Một cái giấy bảo hiểm có giá 449 ngàn, thiếu gần 150 ngàn nên tính chuyện đi vay. Nhưng như lời bà Bấu thì ở cái vùng tôm này bây giờ đi vay 100 ngàn cũng là chuyện lớn rồi.   

Tổng Cáng xưa nay nhiều đại gia lắm mà? Dường như không muốn trả lời thẳng câu hỏi của tôi, bà Bấu kể một câu chuyện: Nhà khá nhất ở Tổng Cán bây giờ là ông trưởng ấp Chiến, đại gia tôm một thời. Nhưng người ta gọi gia đình ông khá chẳng liên quan gì đến tôm tép mà là nhờ vợ ông có cái cửa hàng tạp hóa bán mấy thứ lặt vặt. Đó là nơi mà những người như bà Bấu vài bữa lại chạy vạy đến ghi nợ mấy chai nước mắm, mấy ký gạo, mấy gói mỳ tôm… Ở nhà lầu thế này mà nhiều lúc thùng gạo trơ đáy đấy chú ơi. Đến mức phải tính chuyện bán cả nhà đi để mà sống.   

Ở ấp Tổng Cán có rất nhiều nhà lầu nhưng hầu hết chủ nhân hết sức bi đát

Nhưng ở Tổng Cán bây giờ muốn liều lĩnh đến mức ấy cũng khó bởi vì “người mua nhà thì ít người rao bán thì nhiều”. 

Không gì khổ bằng lỗ tôm 

Câu nói ấy tôi đã nghe hàng ngàn lần khi đi khảo sát ở những vùng tôm như Trần Đề, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu… của tỉnh Sóc Trăng. Họ sống trong nhà mình mà chẳng biết ngân hàng đến xiết nợ lúc nào. Cán bộ ngân hàng có thông cảm đến mấy cũng phải ngán ngẩm bởi mỗi khi tìm đến đưa giấy nợ thì gia chủ nhìn trước ngó sau rồi bỏ trốn.  

Những câu chuyện như gia đình ông Tuấn, gia đình anh Sị quá quen với ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Châu. Bởi gần chục năm làm cán bộ ngân hàng ở vùng tôm may ít rủi nhiều này khiến ông “chai” với chuyện dân nuôi tôm “bỏ của chạy lấy người” rồi. “Lúc họ được mùa, có tiền thì hầu như chuyện gì cũng có thể giải quyết. Còn thất bát một vụ thì bi đát cũng chẳng ai bằng. Mà buồn hơn nữa là tôi thấy càng ngày trúng càng ít, bại lại nhiều”.

Xã Lai Hòa (huyện Vĩnh Châu) vụ vừa rồi thiệt hại đúng 25 tỷ, bằng 10% tổng thu nhập GDP của xã năm 2010. Chủ tịch xã Nguyễn Thành Ngộ phàn nàn nông dân nuôi tôm của xã ông sao mà bi đát thế. Chuyện nghèo, chuyện nợ từ nuôi tôm ở Lai Hòa cũng thăng trầm như bao địa phương khác ở vùng ĐBSCL. Ông Ngộ thống kê đã có lúc con tôm xóa hết 70% số hộ nghèo trong xã. Không ít hộ khá, giàu rồi thành đại gia nhờ tôm. 

Nhưng hiện tại, nếu nuôi tôm phải xác định là nuôi ngân hàng. "Nuôi tôm vẫn là kinh tế chủ lực của xã, nhưng 65% nuôi tôm là hộ nghèo và cận nghèo thì hỏi thử là chủ lực gì đây”. Hiện xã Lai Hòa còn nợ Ngân hàng CSXH 17 tỷ quá hạn, hỏi khả năng trả, ông Ngộ lắc đầu: Trả à? Khó lắm. Lấy gì trả mới được chứ?". 

Nhác thấy ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Châu xuống làm việc, Kim Sị (39 tuổi) ở ấp Lai Hòa A quay gót về mà không dám vào UBND xã. Sị chẳng thể nhớ gia đình anh nợ quá hạn ngân hàng bao nhiêu lâu, nhưng thỉnh thoảng dân trong ấp lại thấy Sị bán xe máy, bán một ít đất vườn nhưng vẫn không hết nợ. Vụ tôm vừa rồi hắn muốn làm thủ tục vay để đầu tư tiếp thì người ta đòi phải trả nợ cũ đi đã. Quẫn bách quá đành liều đi vay nóng vàng bên ngoài với giá lãi “một chỉ một tháng một phân”.  

Sị đổ toàn bộ 20 triệu vay được vào vụ tôm này với suy nghĩ, thắng thì trả bại thì gán luôn hồ tôm cho người ta. Chỉ trong vòng 15 ngày đã biết kết quả. Mấy hôm nay người ta thấy Sị phải lóc cóc sang nhà bà chị làm nghề bán rau ngoài chợ xin gạo nấu cơm. Hồ tôm phải xén bớt một phần cho chủ nợ, mọi người còn lại trong nhà khăn gói rời làng đi làm thuê. Nói chuyện tôm bây giờ hắn nản lắm: “Bỏ thôi, lên phố làm thuê”. Đại gia một thời phải tính nước kiếm bữa qua ngày.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm