| Hotline: 0983.970.780

Bệnh tật bủa vây

Thứ Tư 19/10/2011 , 12:10 (GMT+7)

Hiện tại, nhìn vào bữa ăn nông thôn, nhìn vào cuộc sống thường nhật của họ vừa hãi vừa xót xa.

Dân quê nghèo, nhưng xưa nay họ vẫn tự an ủi rằng mình không phải hít khói bụi, không phải ăn thực phẩm hóa chất như người thành phố… Vậy mà bây giờ, nhìn vào bữa ăn nông thôn, nhìn vào cuộc sống thường nhật của họ vừa hãi vừa xót xa. 

>> Nhức nhối làng quê

Chết oan vì nghèo

Hầu hết những làng quê  tôi về người dân đều kêu nông thôn bây giờ cái gì cũng bẩn. Biết thì biết, kêu thì kêu nhưng hỏi họ phải làm gì thì chỉ có những cái lắc đầu. 

Không ít làng quê, dân bịt khẩu trang cả ngày

Ông Vũ Văn Lợi, trưởng thôn Đại Bái (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), thống kê rằng: Sống ở quê bây giờ chỉ tính sơ sơ thôi người nông dân đã phải gánh ít nhất 10 thứ chất độc rồi. Độc từ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; độc từ khói bụi đường giao thông, khói bụi từ những bãi rác tự phát do không có chỗ tập trung xử lý; độc cả từ nguồn thực phẩm chẳng rõ nguồn gốc đang tuồn về ngày một nhiều… Độc từ nguồn nước sinh hoạt trong lòng đất vì ở những làng quê này 100% dân đang phải dùng nước giếng khơi.

Đó chỉ mới là cách tính chung, còn như làng Đại Bái nhà ông Lợi còn phải gánh thêm mấy nhà máy xi măng mà mỗi lần xả thải khiến cá ngoài sông cũng chết nữa thì dân nông thôn hầu như chẳng ai thoát khỏi bệnh tật. Ăn thì độc, thở thì bụi, uống nước thì ô nhiễm…, trưởng thôn Lợi chia bệnh ở quê mình thành các loại sau: Loại nhè nhẹ như khớp, ho hen, bệnh ngoài da… cứ phó mặc, khỏi thì khỏi, không khỏi cũng phải chịu. Loại nặng như bệnh về gan, ung thư thì đi viện với những gia đình vay mượn được và chấp nhận chết với những gia đình túng bấn. 90% dân làng Đại Bái đều phải đi theo con đường thứ hai khi bệnh tật bập vào người.

Giả sử không chịu chết thì biết làm gì được, bởi như cách tính của vợ chồng ông Lợi, làm ruộng ở ngôi làng này bây giờ  năng suất vào khoảng hai tạ/sào. Đấy là lúc thuận, còn gặp thiên tai, dịch bệnh chỉ ngót nghét tầm một tạ. Bình quân mỗi khẩu được chia một sào mốt, nếu làm quên ngày quên đêm thì  một vụ lúa họ lãi 500 ngàn đồng/người.

Thôn Đại Bái có 444 hộ nhưng chỉ vỏn vẹn 166 mẫu ruộng. Hết vụ nông dân kéo nhau đi làm hết việc này sang việc khác thì may ra mới đủ đắp đổi từng bữa ăn. Làm ruộng bây giờ một vụ lúa phải tiếp xúc với hóa chất 4-7 lần thì chẳng có gì lạ khi thống kê bệnh tật, dân thôn này chẳng cần điều tra vẫn có thể phán 100%. Trong đó, 80-90% bị bệnh khớp do làm việc nặng. Số còn lại như ung thư, suy thận, xơ gan… có thể liệt vào danh sách trong sổ tử bởi trước sau gì cũng chết.

Bệnh tật nhiều thế thì dân Đại Bái xoay xở thế nào từ 500 ngàn đồng tiền lãi của một vụ lúa? “Vay được thì vay còn không vay được thì chỉ có nước chờ chết mà thôi”. Ông Lợi chẳng nói ngoa, cách nhà ông một ngõ là nhà vợ chồng anh Hoàng Văn Dương. Anh chồng vừa mới mất cách đây có vài ngày nhưng vì bệnh gì thì chẳng ai biết. Ba bốn năm ròng ngã bệnh nhưng hai vợ chồng cùng hai đứa con chưa hề có ý định đi viện một lần. Người đoán ung thư, người đoán xơ gan, người đoán đột quỵ do lao lực….

Chẳng biết bệnh gì nhưng khi thấy “khó ở trong người” anh Dương giấu vợ con rồi bắt đứa con gái lớn mới có 18 tuổi khẩn trương lấy chồng dù nó đã thi đậu một trường cao đẳng ở Hà Nội. Nguồn cơn để ông chồng chấp nhận chết chứ không đi viện là bởi vì Dương tính rằng: Nếu có đi viện cũng kéo dài cuộc sống thêm dăm bẩy năm, trong khi số tiền chữa bệnh vào khoảng 30 triệu đồng, tức là bằng gia đình làm ròng rã 60 vụ lúa. 2 vụ một năm, 30 năm sau vợ con anh không chi tiêu, không mất mùa mới đủ tiền trả nợ. Thế nên anh chấp nhận giấu bệnh và chịu chết.

Chẳng đến mức mất mạng vì nghèo như anh Dương nhưng gia đình chị Hiền cũng rơi vào hoàn cảnh “biết bệnh nhưng không có tiền để đi khám”. Sau một lần bị ngã, bà  vợ thấy tức ngực, khó thở và ho liên tục. Mấy bận chị cũng muốn đi viện khám lắm nhưng ông chồng túng bấn quá hay sao mà bàn dại vợ: Đi viện bây giờ ít nhất cũng tiền triệu. Đó là chưa kể nếu phát hiện bệnh rồi thì tiền chữa chạy biết lấy đâu ra. Hai đứa con làm công nhân, bình quân một tháng 5 người trong gia đình thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Lo ăn còn chật vật nên có đau cũng phải dây dưa cù nhầy đến đâu thì đến.

Những trường hợp xót xa ấy dần dần phổ biến ở quê, đến nỗi trưởng thôn Lợi nói nản: Dân quê bây giờ có khi chết oan vì nghèo túng.

Bệnh vào từ miệng  

Cùng quê ở huyện Mê Linh (TP Hà Nội) nhưng những nông dân đang điều trị mà tôi gặp ở Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) mang nỗi khổ hoàn toàn khác nhau. Những người dân ở  thị trấn Quang Minh cứ nằng nặc đổ tội cho KCN gần đấy xả chất thải có độc tố gây ung thư, còn những người dân xã Liên Mạc thì hoang mang không biết vì sao số người mắc bệnh ở quê mình lại nhiều đến thế. Tôi theo chân ông Cao Hoài Châu (66 tuổi), một nông dân ở thôn Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) về vùng quê có tỷ lệ người bị ung thư vào loại cao nhất TP Hà Nội bây giờ.

Có bệnh cũng phải chịu chết vì nghèo

Không nhà máy, không lò gạch, không khu công nghiệp, Liên Mạc là một xã thuần nông chủ yếu sống dựa vào trồng lúa. Vậy mà thống kê của Trạm y tế xã từ đầu năm đến nay đã có hàng chục người chết vì căn bệnh ung thư. Tính trung bình cứ một ngày 10 người, có tháng lên đến 350 người kéo đến trạm y tế xã khám bệnh. Trong cuốn sổ sinh tử của trạm y tế xã Liên Mạc, danh sách số người chết vì ung thư ngày một dài hơn. Dân tình hoang mang một phần vì không biết nguyên nhân, một phần vì nếu bệnh tật bập vào người thì chỉ còn chờ chết.

Nhà ông Châu ở xóm 4 của thôn Xa Mạc. Cả xóm có 210 hộ nhưng chỉ mấy tháng trong năm nay đã có ít nhất 10 người chết vì bệnh ung thư và 6 người đang ngắc ngoải đếm ngược thời gian sống. Trong số 6 người này chỉ mình ông Châu còn mặn mà với việc chữa trị, 5 người còn lại chấp nhận chết vì nghèo.

Cũng như làng Đại Bái, Xa Mạc thuần nông. Ở những ngôi làng thuần nông như thế hầu hết nông dân chẳng mấy khi đủ tiền để hoạch định được ngày mai mà họ sống theo kiểu làm ngày nào lo ngày đấy. Bệnh như ông Châu, cứ ba tháng phải lên Hà Nội điều trị hóa chất một lần. Mỗi đợt điều trị hết tầm 4 triệu đồng tiền thuốc. “Dân thôn này mỗi khẩu cũng 1,1 sào ruộng, cũng lãi 500 ngàn một vụ lúa. Lấy đâu ra 16 triệu trong vòng một năm để chống chọi với bệnh tật. Không chấp nhận chết thì còn biết làm gì được nữa”, xóm trưởng Trịnh Văn Thắng phân tích.

Bàn về ô nhiễm nông thôn bây giờ, nhà văn Đình Kính buồn bã: Lối sống giản dị, thanh sạch, nền nếp, quy củ bao đời nay theo tinh thần lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn có nhau… đang dần mất đi cũng vì nghèo. Những mặt trái của cơ chế thị trường, ô nhiễm sinh ra bệnh tật đang ào ạt tấn công vào người nông dân và nông thôn, đang phá vỡ văn hóa làng xã, họ phải bó tay chịu chết cũng vì quá nghèo.

Đúng là Xa Mạc không hề có tác động của công nghiệp, vậy thì tại sao số người mắc bệnh ung thư lại nhiều đến như thế? Ông Châu đưa ra ty tỷ lý do mà nghe xong tôi rợn cả da gà: “Thực phẩm tẩm hóa chất này, nguồn nước ô nhiễm này, khói bụi, mùi hôi từ những bãi rác tự phát trong thôn… Sống ở quê mà thực phẩm hàng ngày đều nhập từ tận đẩu tận đâu về. Khẩu phần ăn hàng ngày chủ yếu ba thứ: Gạo, thịt và rau. Bệnh từ miệng vào mà. Gạo thì thuốc trừ sâu, thuốc BVTV. Rau thì thuốc kích thích tăng trưởng, thịt lại tẩm hóa chất, thuốc tăng trọng… Hầu hết đều phải đi mua cả. Dân chẳng có thời gian mà trồng rau hay chăn nuôi bởi ngoài hai vụ lúa họ bỏ làng đi làm ăn hết”.

Hết ăn lại sang uống, tiếng là dân Thủ đô nhưng hầu hết các hộ dân ở xã Liên Mạc còn dùng nước giếng khơi. Nước múc lên có mùi nằng nặng, bệnh tật nhiều quá nên một số gia đình mua bể về lọc. Mỗi cái bể bây giờ giá tầm hai ba trăm nhưng ở thôn 4 chỉ chưa đầy 20% gia đình đủ tiền sắm bể.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm