| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi "làng khuyết"

Thứ Năm 20/10/2011 , 10:39 (GMT+7)

Làm ruộng èo uột khiến phần lớn nông dân bỏ xứ đi mưu sinh thành cả một phong trào. Buồn ở chỗ “cuộc cách mạng” của họ quá nhiều trăn trở, âu lo và vô vàn hệ lụy.

Làm ruộng èo uột khiến phần lớn nông dân bỏ xứ đi mưu sinh thành cả một phong trào. Buồn ở chỗ “cuộc cách mạng” của họ quá nhiều trăn trở, âu lo và vô vàn hệ lụy.

>> Bệnh tật bủa vây
>> Chuyện “ngân hàng niềm tin”
>> Nhức nhối làng quê

Bi kịch từ vòng luẩn quẩn

Hầu hết các làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ bây giờ số lao động tự do nơi đâu cũng lên đến con số hàng trăm, hàng ngàn. Họ bỏ làng bởi thực tế phũ phàng là trông vào những suất ruộng được chia chỉ có nước chết đói. Thành thử về một số địa phương ở vựa lúa Thái Bình, Nam Định… có cảm giác làng bây giờ chỉ còn người già và trẻ con.

Xã Giao Tân hầu như chỉ còn người già và trẻ con ở quê

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Phương (Viện Xã hội học) gọi những ngôi làng kiểu này là làng khuyết. Theo cách lý giải của bà Phương, đứng về mặt xã hội, "cuộc cách mạng" rời làng chính là nguyên nhân đẻ ra vô vàn hệ lụy: Những đứa trẻ lớn lên thiếu sự chăm sóc của bố mẹ rất dễ đi vào con đường hư hỏng; những phong tục tập quán tốt đẹp của làng quê dần mất đi bởi muốn tổ chức cũng thiếu người; hôn nhân, hạnh phúc gia đình tan vỡ từ những mối tình “anh xe ôm gặp chị đồng nát” trong hoàn cảnh xa vợ xa chồng…

Về lý thuyết, xã Giao Tân (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) vẫn còn 2.434/2.960 hộ làm nông nghiệp. Nhưng với thực trạng một khẩu chỉ được 380m2 ruộng nên ông Trần Hữu Ngạn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Giao Tân, ngán ngẩm thống kê số lao động đi làm ăn tự do năm nào cũng xấp xỉ 1.000 người. Khơi chuyện rời làng, ông chủ nhiệm buồn lắm. “Giao Tân có 12 xóm, thống kê thôn ít nhất thì số lao động bỏ làng đi làm ăn cũng đã 50% rồi. Họ đi lúc nào không ai biết, về lúc nào không hay. Có những gia đình đi cả nhà, quanh năm cửa đóng im ỉm, ruộng ai muốn làm thì làm, không làm thì bỏ hoang mặc kệ".

Ông Ngạn cho biết dân Giao Tân bỏ ruộng bỏ làng độ vài năm trước. Họ lên thành phố bán sức làm thuê đủ thứ nghề để lấy tiền tự trang trải cuộc sống và gửi về quê cho gia đình. Đến khi hết sức khỏe, những người nông dân ấy lại trở về làng dùng số tiền dành dụm được để sinh hoạt, thuốc thang “mua” lại sức khỏe cho mình.

Ông Ngạn tính, mỗi một người bán sức khỏe ở phố hàng tháng có thể gửi về 2 triệu đồng cho gia đình, một năm, 1.000 người chuyển về Giao Tân tầm 20 tỷ. Nghe qua thì lớn, nhưng nếu nhìn vào cuộc sống của những người hết sức khỏe trở về đang dùng số tiền ấy để mua lại sức khỏe cho mình thì quả hết sức bèo bọt.

Làm việc môi trường độc hại, đụng việc gì làm việc nấy để có tiền, những người về làng bây giờ có mấy ai không bệnh tật? Toàn là xơ gan, ung thư phổi, kiệt quệ sức lực... Mất sức khỏe cộng thêm vô vàn hệ lụy từ phong trào rời làng khiến phần lớn nông dân lao động tự do đều rơi vào bi kịch cả.

Anh trai ông Ngạn tên H nhà ở xóm 7 cũng là một lao động từng rời làng lên Hà Nội làm nghề đập phá nhà cũ. Mấy tháng đầu còn thấy ông gửi tiền về nuôi con, nuôi vợ đều đều nhưng dần dà số tiền ngày một ít đi. Vừa lo lắng cho sức khỏe của chồng, vừa sợ ông dính vào tệ nạn như một số người trong làng cùng làm nghề này nên bà vợ cũng khăn gói lên Hà Nội để kèm. Chồng làm gì vợ làm nấy, vậy mà phải đến lúc ông chồng đang làm việc ngã vật ra lên cơn thì bà mới biết là chồng mình đã nghiện ma túy. Họ trở về làng, lại trông vào mấy sào ruộng, sống lay lắt với rất nhiều loại bệnh trong người.

12 xóm ở Giao Tân bây giờ mỗi xóm chứa khoảng 10-15 con nghiện kiểu như anh trai ông Ngạn. Số bệnh tật từ quãng thời gian đi lao động tự do cũng chiếm 70% số bệnh nhân trong xã. Họ lo lắm, nhưng lo thì lo còn bỏ làng vẫn là đường sống duy nhất.

Dẫn tôi đi một vòng quanh làng mình, trưởng thôn 10 Phạm Quang Trung mới chán nản phán rằng: “Tệ nạn càn quét đã đành, đến các phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương từ nhưng sinh hoạt cộng đồng cũng dần mất nốt. Tất cả cũng chỉ vì phong trào rời quê”. Thôn 10 có 822 khẩu nhưng thanh niên trong làng bây giờ chỉ còn duy nhất Bí thư đoàn Thanh niên là còn ở quê.

Bỏ làng, bỏ vợ, bỏ chồng…

Tệ nạn, bệnh tật như một hệ lụy tất yếu của những cuộc rời làng. Nhưng điều khiến trưởng thôn Trung cũng như những cán bộ địa phương tâm huyết cảm thấy buồn nhất là thực trạng không ít cặp vợ chồng sau khi bỏ làng cũng bỏ nhau luôn. Cụ thể, thôn 10 có 226 hộ thì 40 hộ đi cả vợ lẫn chồng. Ít nhất từ 5-7 cặp trong số 40 hộ ấy bỏ nhau vì những cuộc tình “anh xe ôm gặp chị đồng nát”.

“Thị trường” ưa thích của những nông dân rời làng ở Giao Tân là Hà Nội. Đàn ông thì làm xe ôm, thợ nề, tháo dỡ nhà cửa… Đàn bà đi nhặt ve chai, buôn đồng nát hoặc làm thợ phụ cho các tốp xây dựng. Ngày đi làm, tối về họ sinh hoạt tập thể trong những căn phòng trọ chỉ tầm 20m2. Chồng một nơi vợ một ngả nên trưởng thôn Trung phân tích: “Đói chay phải tính nước, lẽ thường ở quê thì không sao chứ lên phố thiếu thốn đủ bề. Cuộc sống của họ phải dựa vào nhau trong khi không có gia đình bên cạnh nên cái chuyện dân nông thôn ở phố ngoại tình rồi gia đình tan vỡ cũng là chuyện không thể tránh khỏi”.

Phụ nữ Giao Tiến phải gánh việc đàn ông

Nằm cạnh xã Giao Tân là xã Giao Tiến, nơi số nông dân rời quê lớn hơn rất nhiều. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Mạnh Hùng thống kê có khoảng 4.000 lao động ở xã này thường xuyên rời làng đi làm thuê tự do. Cũng tương tự như Giao Tân, xã Giao Tiến bình quân mỗi một khẩu chỉ có khoảng 0,7 sào ruộng nên xu thế “hướng ngoại” của dân đã có từ lâu lắm rồi.

+ "Trên thực tế, ở nhiều ngôi làng chúng tôi khảo sát không phải không có nghề phụ nhưng đó là những nghề phụ cho thu nhập quá thấp. Một ngày làm móc sợi quần quật cũng chỉ được 20 ngàn như ở xã Giao Tân thì người dân chỉ còn cách duy nhất là rời làng nếu không sẽ chết đói”, thạc sĩ Phương trăn trở.

+ “Ở Giao Tân bây giờ lớp trẻ có hai thứ nghiện: nghiện ma túy và nghiện Internet. Đó cũng là một hệ lụy do bố mẹ bận bỏ làng đi kiếm ăn nên không ai quản lý. Cháu gái tôi đi học, cô giáo ra đề văn tả mẹ nó cứ ngồi khóc hu hu. Hỏi ra mới biết là nó chẳng có chữ nào vì từ lúc lọt lòng ra mẹ nó đi làm biền biệt, một năm chỉ về nhà đúng một lần”, ông Ngạn kể.

Chuyện mặt trái của việc rời làng theo ông Hùng nặng nề nhất là nghiện ngập. Hiện cả xã cũng tầm 50-70 con nghiện nằm trong danh sách mà xã nắm được, còn nghiện trôi nổi chẳng ai có thể thống kê. Nhắc đến chuyện “bỏ làng, bỏ vợ, bỏ chồng” ông Hùng không muốn nói nhưng cũng thừa nhận đó là thực tế không thể tránh khỏi.

Tôi vào thôn Quyết Thắng, nơi 80% đàn ông trong thôn bỏ làng mưu sinh xứ người. Gọi là thôn nhưng Quyết Thắng ngày xưa vốn là một xã nên có tới 10 xóm. Gặp những ông xóm trưởng ở đây, chẳng biết có phải vì xã “chỉ đạo” hay không mà tất cả đều lắc đầu nguầy nguậy khi tôi đề cập đến hệ lụy rời làng. Ông Vũ Đức Hải, xóm trưởng xóm 4 quanh co mãi nhưng rồi cũng thừa nhận: "Đều là cảnh xa quê nên cảnh các ông chồng lấy vợ bé là có thật”.

 Chính quyền thì nói thế, nhưng chị Thủy, một phụ nữ có chồng đi làm ăn xa ở thôn Quyết Thắng lo lắng: "Họ làm gì, cuộc sống ngày mai ra sao? Chẳng ai biết được. Thôi thì số phận, muốn đến đâu thì đến”. Khi tôi nói chuyện này với ông Ngạn, vị Chủ nhiệm HTX bảo rằng, đàn bà ở những vùng quê như Giao Tiến và Giao Tân là những người khổ nhất. Việc lớn, việc nhỏ, việc nhà, việc họ tất cả đều đến tay. Họ nai lưng ra làm quần quật cả ngày để cuối cùng bị bỏ rơi với chút sức tàn lực kiệt.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).