| Hotline: 0983.970.780

Cát bụi dưới vó ngựa đua

Thứ Tư 21/12/2011 , 10:38 (GMT+7)

Những chú ngựa đua giá bằng cả một chiếc máy bay, được mua bảo hiểm bằng cả chiếc siêu xe hạng sang. Những chú ngựa cảnh mini chỉ bằng con chó béc giê cùng chủ dạo bước thong dong trên vỉa hè, trong siêu thị....

Những chú ngựa đua giá bằng cả một chiếc máy bay, được mua bảo hiểm bằng cả chiếc siêu xe hạng sang. Những chú ngựa cảnh mini chỉ bằng con chó béc giê cùng chủ dạo bước thong dong trên vỉa hè, trong siêu thị. Những chàng “bật mã ôn” thắt ca vát, mặc comple vào hội nghị ai cũng nhăn mặt vì mồ hôi ngựa…

CHUYỆN Ở LÒ "SẢN XUẤT" NGỰA ĐUA

 

 

Tác giả bên một chú ngựa mini
Rầm rập, rầm rập. Những con ngựa đua vút đi như những mũi tên bắn ra khỏi cung để lại cho thảo nguyên đám bụi mờ đỏ huyền ảo trong sương sớm. Đám nài cong người, gò lưng trên lưng tuấn mã cùng một hướng xé gió. Vài chú chim ăn sớm giật mình bay vụt từ bãi cỏ lên thinh không. Đó là cảnh thường nhật ở lò sản xuất ngựa đua đầu tiên của Việt Nam đặt tại Thái Nguyên.

 

Năm 1893, môn đua ngựa lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam bởi người Pháp, đến năm 1932, Hiệp hội ngựa đua Sài Gòn được thành lập và xây dựng trường đua Phú Thọ. Sau ngày giải phóng miền Nam môn thể thao mang nặng tính cá cược này bị gián đoạn đến tận năm 1989, Sở TDTT TP HCM mới khôi phục trở lại.

Ở miền Nam, nguồn ngựa đua được nuôi tại Đức Hòa - Long An, Củ Chi - TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh miền núi phía Bắc có Bắc Hà (Lào Cai), Trùng Khánh (Cao Bằng) cũng có đua ngựa mỗi lúc Tết đến, xuân về. Giống ngựa Việt Nam tầm vóc nhỏ hay gọi là ngựa cỏ với chiều cao vây (cao tới vai) bình quân đạt 110 – 115 cm, khối lượng bình quân 165 - 175 kg, cưỡi chạy nhanh 25 – 28km/giờ, thành tích không đáng ở “vòng gửi xe” so với làng ngựa đua thế giới.

Một đại gia Pháp lần trong đống tài liệu thời thuộc địa Đông Dương ghi ở Sài Gòn có trường đua ngựa, ở Hà Nội có trường dạy ngựa liền tìm đến Việt Nam. Sài Gòn còn trường đua Phú Thọ nhưng Hà Nội nơi dạy ngựa chẳng còn vết dấu. Lên Thái Nguyên muốn thành lập trường đua ở Phúc Xuân gần hồ Núi Cốc, lấy Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi (tiền thân là trại ngựa Bá Vân) làm nơi luyện ngựa đua.

Hội nghị do Phó Chủ tịch tỉnh chủ trì với đầy đủ ban ngành, khí thế hừng hực cuối cùng không thông bởi duy nhất lý do cá cược dù vốn làm trường đua, mua ngựa giống được phía nhà đầu tư hứa bỏ hết, Thái Nguyên chỉ góp mỗi đất.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm, một "nhà ngựa học" sừng sỏ, bảo tôi: “Có những con ngựa đua cả triệu đô la cũng đừng hòng sờ được vào một cọng lông của nó. Việc nhập ngựa đua thuần chủng, thành tích cao dạng “nguyên đai nguyên kiện” về Việt Nam là điều rất khó nên trước nhu cầu ngựa đua đang phát triển, Trung tâm mới làm đề tài nhập tinh ngựa đua về”.

Chuyện mua tinh ngựa cũng lắm cái cười ra nước mắt. Nhóm một đạt thành tích cao được chào giá 10.000 đô/cọng tinh (tương đương trên 200 triệu) nhưng cũng mấy đơn vị nhập khẩu chào hàng rồi bỏ của chạy lấy người vì hàng quá hiếm, tính mạo hiểm cao.

Nhóm tinh của ngựa đạt thành tích khiêm tốn cũng tầm trên chục triệu (thời giá năm 2006). Khi nhận được văn bản của đơn vị, Trung tâm Thẩm định giá, Bộ Tài Chính cũng phải lắc đầu nguầy nguậy rằng: “Tinh ngựa đông lạnh là loại hàng hóa đặc biệt… Trung tâm Thẩm định giá nhận thấy hiện nay không đủ căn cứ để thẩm định. Trung tâm Thẩm định giá trả lời để quý cơ quan được biết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá mua tinh ngựa theo hợp đồng”.

Nôm na là cứ nhập về, có sự cố gì tội vạ đây mày chịu. Đến công đoạn vận chuyển cũng thực là cầu kỳ. Tinh đựng trong bình ni tơ lỏng bị các hãng máy bay cấm vì sợ cháy nổ nên phải đựng trong bình nitơ loại thấm lỏng luôn ở nhiệt độ âm 196 độ C.

Vốn đề tài như rắc mì chính. Năm 2006 được phê duyệt đề tài chỉ nhập 12 liều. Thủ tục lâu, cuối năm tinh về thì đã hết mùa ngựa cái động dục đành bảo quản để chuyển sang năm 2007. Bảy mươi hai liều tinh nhập ròng rã trong 3 năm mới nổi vì tiền ít. Cọng tinh bằng ruột bút bi có thể tích 0,5 ml, một lần ngựa đực “sung sướng tới đỉnh” phải cỡ 35-40 cọng. Đắt ở thành tích bởi giá sản xuất vài đô nhưng có những con ngựa đua giá bằng cả cái máy bay tư nhân, hàng năm đóng phí bảo hiểm ngang một cái ô tô hạng sang không thể lấy tinh vì khi lấy tinh đã “về hưu” trên con đường binh nghiệp rồi.

 Giá cả đắt đỏ như thế nên tinh ngựa khi nhập về phải có ba bên nghiệm thu gồm doanh nghiệp nhập, Bộ môn Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo của Viện Chăn nuôi và Trung tâm. Lượt đầu số lượng 12 liều của 2 con đực khác nhau nên đơn vị nhập phải giao 14 liều, mỗi loại thừa ra một liều để rút xác suất, giải đông, kiểm tra trên kính hiển vi tỷ lệ sống. Kính này có phần mềm vô cùng tinh vi giúp chụp lại kết quả, sao lưu hình ảnh động, kiểm tra bao con sống, hoạt lực ra sao, tỷ lệ tiến thẳng của tinh trùng thế nào hệt như máy bắn tốc độ của công an giao thông chụp người vi phạm. Cuối cùng cả ba bên ký tên trên cọng tinh giá ngót hai tấn thóc rồi… bỏ.

Khác với nhiều loài gia súc khác, ngựa có đặc điểm thời gian chịu đực dài cả tuần lễ, không xác định được thời điểm chính xác rụng trứng là đi tong vài chục triệu một liều tinh. Do vậy mà phải thử thật kỹ bằng cách dắt ngựa đực thí tình đi qua đàn ngựa cái, con nào thò cổ ra khỏi chuồng, ngửa mặt hí vang trời, quay mông, cong đuôi, khụy chân, đái dắt thậm chí cho ngựa đực cắn vào mông là động dục chắc chắn. Ngày đấy phối chưa chắc đã được vì trứng chưa rụng nên phải dắt ngựa ra giá kiểm tra bằng cách thò tay vào hậu môn.

Ngựa đua nhập ngoại về Việt Nam ngựa đực hầu như bị thiến hết để “giữ bản quyền” dòng giống còn ngựa cái sinh sản cũng rất kém không biết có phải đã bị tiêm một loại hóa chất bí truyền nào không.

“Tay nhúng vào nước ấm để ngựa đỡ giật mình rồi moi hết phân ở hậu môn, thò vào qua lớp ruột mỏng của trực tràng sờ nang trứng. Buồng trứng có một nang phát triển căng dần từ cứng dẹt sang tròn mềm, tích căng chắc rồi hơi mềm trở lại là xả (rụng). Trong một tuần động dục, kiểm tra ngày 2 lần. Thời điểm trúng gần rụng cứ 4 tiếng kiểm tra một lần vì sau 8 tiếng trứng rụng không gặp tinh là hỏng. Kiểm tra mỗi con như thế 15 lần. Mùa sinh sản đơn vị có 120 con ngựa cái, tôi và đồng nghiệp phải cả ngàn, cả vạn lượt thò tay như vậy. Phối ngựa phải bốn người như một kíp mổ, một người giữ ngựa cái, một người tay lăm lăm cầm súng bắn tinh hướng nòng vào sừng tử cung, một người phụ lấy tinh giải đông, một phụ lắp cọng tinh vào súng. Tỷ lệ đậu thai của ngựa chỉ trên 30% đã là may mắn”, TS Trà cho biết.

Sau 21 ngày kiểm tra. Ghi nhật ký. Khám thai mà không có kết quả, từ lãnh đạo đến công nhân chuồng nuôi mặt dài như…mặt ngựa. Rút kinh nghiệm kiểm tra, rà soát từng bước, thời điểm xem sai sót ở đâu. Việc trực chiến ngựa đẻ hơn cả vợ đẻ bởi đẻ bọc nguyên ối không phát hiện trong vòng mươi phút là ngựa con chết ngạt. Đẻ thai to phải can thiệp bằng cách lôi theo nhịp rặn đẻ của ngựa mẹ. Mỗi lần co bóp tử cung là mắm môi cầm chân ngựa mà lôi. Kéo mạnh sẽ gãy cẳng ngựa non mà kéo yếu thì sẽ chẳng giúp nổi ngựa mẹ.

Suốt ngày trong chuồng ngựa, từ anh em công nhân đến giám đốc đều ám mồ hôi loài động vật này, ngồi xe điều hòa cả tuần không bay hết mùi, dự cuộc họp nào là ai nấy nhăn mặt, bịt mũi, kêu ầm.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.