| Hotline: 0983.970.780

Dưới biển sợ thiên tai, trên bờ sợ “độc chiêu” của xã

Chủ Nhật 05/02/2012 , 17:09 (GMT+7)

Không chỉ các chủ đầm ở Tiên Lãng (Hải Phòng) lâm vào thế khó khi bị thu hồi, ở nhiều địa phương, những người dân bám biển cũng liên tục bị đẩy vào thế khó…

Không chỉ các chủ đầm ở Tiên Lãng (Hải Phòng) lâm vào thế khó khi bị thu hồi, ở nhiều địa phương, những người dân bám biển cũng liên tục bị đẩy vào thế khó khi diện tích bãi biển của họ liên tục bị thiên tai và “nhân tai” đe dọa. PV NNVN tiếp tục tìm hiểu thực tế ở Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình…

>> Chưa “bò”, đã lo “chạy”
>> Ký sự đời biển “bạc”…
>> Bão nợ chồm lên cơn sóng
>> Bi kịch sau những chiến công


Nuôi ngao tuy có lãi cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn 

Những người bám biển nuôi ngao ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) “trầy vi tróc vảy” từ những “trận đòn” của thiên nhiên nhưng “không chết”. Vậy mà chỉ cần một “chính sách mới” của UBND xã, không ít hộ bỏ đầm.

Nuôi ngao ở thế “chân tường”

Xã Đông Minh có gần 300ha đất bãi triều, trải dọc trên 4km bờ biển. Diện tích bãi triều được tích tụ bồi đắp từ hai con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý. Do được thiên nhiên ưu đãi nên diện tích bãi triều ngập mặn đã được người dân sử dụng nuôi ngao hơn 10 năm nay.

Trước nhu cầu phát triển kinh tế biển của người dân địa phương, UBND xã đã quy hoạch khoảng 230ha đất bãi triều để các hộ dân đấu thầu. Đến năm 2007, xã Đông Minh “khởi động” chiến dịch cho đấu thầu đất bãi triều ven biển để nuôi ngao một cách rầm rộ.

Khi có chính sách của xã, ông Bùi Văn Xuấn ở xóm 2, thôn Đông Chai kết hợp với 15 hộ anh em khác đấu thầu được 1 ha với thời hạn 3 năm. Ngoài diện tích đất đấu thầu của xã, anh em ông Xuấn còn chuyển nhượng 0,5ha của các hộ dân trong thôn để góp thêm vào quỹ đất đầu tư nuôi ngao. Có đất rồi, cả đại gia đình dồn công sức, tiền của cải tạo hồ đầm, đầu tư giống, máy móc, thuê người làm… 

+ Do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt nước thải từ các nhà máy trong huyện, rồi thuốc trừ sâu, thuốc trừ ốc bươu vàng đổ trực tiếp ra biển làm ngao chết ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, một năm nhiều nhất chỉ có 1 lần ngao chết thì nay mật độ ngao chết ngày càng dày đặc hơn, khoảng 4-5 lần/năm. Có năm ngao chết trải dài trên toàn bộ diện tích của xã Đông Minh, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiều hộ làm ăn thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần khó có khả năng bù đắp được trong những năm tiếp theo. Ngay tại thời điểm chúng tôi về xã Đông Minh, hiện tượng ngao chết vẫn đang tiếp diễn, có chủ hộ nuôi ngao giống đã bị thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

+ Ông Nguyễn Văn Thiêm, một thương lái chuyên thu mua ngao ở Đông Minh cho biết, vụ vừa qua, tuy lượng ngao chết có giảm so với cùng kỳ các năm trước, nhưng sản lượng thu mua ngao ở đây rất thấp. Lý do là nhiều chủ đầm, vì giá thuê đắt, đã không thể tiếp tục đầu tư thâm canh. Hơn nữa, các đầm hiện đã không còn màu mỡ nên ngao lớn chậm. Trung bình 2 năm mới được thu hoạch, trong khi trước đây, thời gian chỉ là 1,5 năm.

Năm đầu tiên, vì nguồn vốn có hạn nên gia đình ông chỉ thả có mức độ, thu nhập chưa đủ để trả tiền thuê đất bãi triều. Năm 2008, lãi được một ít, nhưng tất cả vốn liếng thu được lại dồn cả vào nuôi ngao tiếp. Đã có lúc ông Xuấn nghĩ rằng bám biển và giàu có chỉ còn là vấn đề thời gian, vậy mà bây giờ… Thấp thỏm trong lều canh ngao được làm bằng tre, gỗ và lợp lá nằm chênh vênh bên bờ biển thênh thang gió, mưa và rét, chắc hẳn người đàn ông này đang thấm nhuần hai từ “biển bạc”.

Phải. Biển từng cho gia đình ông cuộc sống khá giả, nhưng cũng chính biển đang đẩy vợ con, anh em, họ hàng ông Xuấn vào cảnh khốn cùng. Chỉ mấy năm bám biển, ông Xuấn đã có thể đúc rút: Nuôi ngao, vụ nào lãi thì lãi to, vụ nào chết cũng chết sặc tiết. Thiên tai hoành hành chán lại đến “nhân tai”.

 Về thiên tai, ông Xuấn cũng như bao chủ đầm khác ở vùng đất này đã gặp nhiều. Chẳng hạn như thời điểm cuối tháng 6/2009. Đầm ngao chết hàng loạt, trắng hết cả một vùng bãi triều ngay trước thời điểm thu hoạch. Chỉ riêng vụ đó, tính ra, gia đình ông bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Hay như cái ngày “đại tang ngao” ở Đông Minh mới chỉ xảy ra vào năm ngoái. Cứ mỗi lần vỏ ngao dạt lên bờ là người dân nuôi ngao trong xã lại như mất hồn vì nợ. Nợ giống, vốn, nợ ngân hàng, và nợ cả những khoản tiền đã ứng trước của thương lái.

Vậy nhưng, những cơn bão thiên tai gây ra rồi cũng qua, các chủ đầm lại lục tục gầy dựng lại. Cho đến năm nay, khi gặp “cơn bão” không đến từ biển cả, lạ thay, họ lại khốn cùng hơn.

“Chẳng hiểu căn cứ vào đâu UBND xã lại ban hành “chính sách mới” chẳng khác nào “nhân tai” khiến hầu hết người nuôi ngao ở đất này khốn đốn hết”. “Chính sách mới” hay “nhân tai” mà ông Xuấn nhắc tới chính là việc UBND xã Đông Minh quyết định tăng giá thuê đầm từ 3 triệu lên 12 triệu đồng/năm bắt đầu từ năm 2012. Chủ đầm nào không đồng ý giá này, xã sẽ “xử lý” bằng hình thức không ký xác nhận vào đơn xin vay vốn ngân hàng để tiếp tục sản xuất.

 “Độc chiêu” trên khiến các chủ đầm ở đây phải lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Bỏ đầm thì tiếc bao công sức, tiền của đầu tư cải tạo, còn nếu xuống giống cho vụ tới thì sẽ không biết lấy tiền đâu ra để đầu tư khi mà xã không ký xác nhận cho vay.

“Trước hoàn cảnh ngặt nghèo này, nhiều hộ liều mạng ký vào hợp đồng với xã nhưng vẫn lo sợ ngao chết thì mất cả chì lẫn chài”, ông Xuấn ngán ngẩm. Bản thân gia đình ông, sau khi có quyết định của xã, cả nhà chạy đôn chạy đáo nhưng vẫn không biết sẽ đào đâu ra số tiền hơn 200 triệu để xuống giống ngao cho vụ tới. “Vay lãi thì sợ không trả được, vay anh em bạn bè thì cũng có mức độ. Ngân hàng thì đóng cửa không cho, tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa”.

Ép dân… tự nguyện

Cũng phải công bằng mà nhìn nhận, nghề nuôi ngao ở xã Đông Minh nói riêng, huyện Tiền Hải nói chung là nghề “hái ra tiền”, bởi thực tế thì đã có không ít nông dân ở đây giàu lên nhanh chóng. Nhiều ông chủ đầm mua được đất, xây nhà cao cửa rộng ngoài phố, thậm chí, có dăm ba hộ còn sắm cả xe hơi hạng sang để thăm đầm.

Nhưng, cũng nhiều hộ sạt nghiệp vì nuôi ngao. “Nuôi ngao cho lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn. Khi ngao bị chết, muốn vớt vát lại vốn thì không có nghề gì bù đắp được ngoại trừ tiếp tục nuôi ngao”, bà Đỗ Thị Đào, một chủ hộ nuôi ngao ở Đông Minh tâm sự.

Cách đây vài năm, nhận thấy lợi thế trong việc nuôi ngao, nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ việc sản xuất lúa, sản xuất muối sang nghề này. Để đáp ứng nguyện vọng làm giàu chính đáng của dân, UBND xã đã thống nhất tổ chức đấu thầu đầm ngao, với giá thuê là 3 triệu đồng/ha/năm. 

 
Theo nhiều thương lái, sản lượng ngao của Đông Minh giảm rõ rệt

 Thế nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ được 3 năm, hy vọng làm giàu từ “mũi nhọn kinh tế” này đã bị dập tắt khi UBND xã Đông Minh ra thông báo thanh lý hợp đồng và nộp tiền thuê đất bãi triều ngập mặn, trong đó khẳng định: “Mức thu thuê bãi nuôi ngao 20 triệu/ha/năm, nộp tiền ngay cho 3 năm tiếp theo. Nếu hộ ông (bà) không nộp tiền thuê đất coi như hộ ông (bà) không có nhu cầu thuê thì UBND xã thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật, thu hồi diện tích bỏ thầu theo quy định”.

Không chấp nhận mức giá vô lý và mang nặng tính áp đặt này, các hộ nuôi ngao đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị xã xem xét lại mức giá và thời gian nộp tiền, vì theo họ trong khi các xã liền kề như Nam Thịnh, Thái Đô, Thái Thụy chỉ thu không quá 3 triệu đồng/ha/năm thì ở Đông Minh lại gấp gần 7 lần.

Tuy nhiên, đấu tranh mãi, cuối cùng mức giá mà UBND xã “ấn định” cho các chủ đầm có giảm xuống, nhưng vẫn ở mức 12 triệu đồng/ha/năm. Kèm theo “điều kiện ép buộc” là phải có chữ ký xác nhận của xã, các hộ mới được vay vốn ngân hàng. Nhiều chủ đầm ngao ở Đông Minh ngao ngán mà rằng, chủ trương trên của xã không khác gì việc “ép dân… tự nguyện”.

Trao đổi với chúng tôi về những kiến nghị của các chủ đầm nuôi ngao, ông Tô Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Đông Minh cho rằng, việc UBND xã Đông Minh thu 12 triệu đồng trong khi các xã khác liền kề chỉ thu dưới 3 triệu đồng là không có gì phải bàn cãi. Lý do là đất bãi của các xã này rẻ hơn ở Đông Minh rất nhiều.

 “Bãi ở Đông Minh màu mỡ và nuôi ngao nhanh lớn hơn rất nhiều. Bãi của chúng tôi có thể nuôi 60 tấn ngao/ha là bình thường, nhưng sang xã Thái Đô, Nam Thịnh... nuôi 60 tấn không thể được, nó sẽ chết. Vì thế, nếu chuyển nhượng thì giá 1 ha đất bãi của Đông Minh ít nhất cũng khoảng 150-200 triệu trong khi ở các xã liền kề chỉ có 30 triệu đồng/ha”, ông Tiến giải thích.

Theo ông Tiến, số tiền 12 triệu đồng/ha/năm này khi thu sẽ ghi rõ đóng tiền thuế cho Nhà nước khoảng 2 triệu đồng, còn lại là tiền “tự nguyện” xây dựng trụ sở UBND xã, hội trường...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.