| Hotline: 0983.970.780

Khu công nghiệp mang lại nỗi buồn

Thứ Hai 27/02/2012 , 10:49 (GMT+7)

Bất cập trong quy hoạch, áp lực phát triển nóng… đã biến hàng nghìn ha đất nông nghiệp cùng hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho KCN trở nên lãng phí. Đất lúa, đất màu người dân ngàn đời khai khẩn bỗng chốc bị thu hồi rồi để phơi nắng, phơi sương. Nơi ấy, giờ đây chỉ có cỏ và gió...

Bất cập trong quy hoạch, áp lực phát triển nóng… đã biến hàng nghìn ha đất nông nghiệp cùng hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho KCN trở nên lãng phí. Đất lúa, đất màu người dân ngàn đời khai khẩn bỗng chốc bị thu hồi rồi để phơi nắng, phơi sương. Nơi ấy, giờ đây chỉ có cỏ và gió...

Những câu hỏi day dứt 

Xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có 2 KCN thuộc loại lớn là Vân Trung và Đình Trám. Về chuyện KCN bỏ hoang ở Hoàng Ninh thời điểm này người dân bảo chỉ cần nhìn vào 2 tấm biển là có thể biết thực trạng ra sao. Tấm biển thứ nhất nằm ở KCN Đình Trám. Dù được bao bọc bởi hệ thống hàng rào nhưng tận sâu trong các lô đất quy hoạch cho các nhà đầu tư vẫn mọc lên dòng chữ “cấm chăn thả trâu bò”. Vậy mà thỉnh thoảng lại thấy người dân lùa trâu bò từ trong KCN Đình Trám đi ra.

Còn tấm biển thứ hai năm ở KCN Vân Trung đề rõ: “Khu vực đang thi công, không phận sự miễn vào”. Tấm biển này của một nhà đầu tư dựng lên có lẽ nhắm vào đối tượng là những người dân địa phương vẫn thường tận dụng bãi đất của KCN để thả trâu bò, làm sân phơi, chỗ tập lái xe.... Nhưng lạ ở chỗ, nông dân mất đất ở đây khẳng định: “Người không phận sự ở đất này bây giờ là các nhà đầu tư chứ không phải chúng tôi”. 

Sau 5 năm KCN Vân Trung vẫn chỉ là bãi đất hoang

Chỉ trong vòng 10 năm, người dân thôn My Điền, xã Hoàng Ninh đã hai lần mất đất. Lần thứ nhất họ hiến 63 ha để gộp thành 98 ha xây dựng KCN Đình Trám, lần thứ hai bị lấy đi hơn 100 ha phục vụ KCN Vân Trung. Gần như 100% đất nông nghiệp của thôn My Điền bị chuyển đổi, đổ lấp mặt bằng để phục vụ cho các KCN. Buồn ở chỗ sự mất mát, hi sinh ấy xem chừng vô ích vì sau bao năm thu hồi các KCN “chỉ mang lại cho người dân chúng tôi nỗi buồn mà thôi”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh KCN Vân Trung, nhóm người dân mất đất bao gồm các ông: Thân Thanh Sơn, Nguyễn Văn Bình, Thân Văn Tuyển, bà Dương Thị Hiền… thay nhau nói: “Toàn bộ bãi đất hoang gọi là KCN Vân Trung bây giờ ngày xưa là cánh đồng hai lúa một màu. Vốn nằm bên sông Cầu lại trải dài theo  quốc lộ, hệ thống thủy nông thuận lợi nên bao đời nay nó luôn là nơi cho năng suất lúa cao nhất”.

Họ thống nhất với nhau là phải nói, phải kể, phải kêu gào để có thể so sánh với thực trạng thảm thương của KCN bây giờ. Sau 5 năm triển khai xây dựng, KCN Vân Trung vẫn chỉ là bãi đất ảm đạm, hoang tàn. Hơn 100ha đã được san lấp chỉ thấy mỗi tấm biển pa-nô đã bị gió quật rách bươm, cỏ hoang mọc lên um tùm. Những đống ống và cây cột điện bê tông nằm chỏng chơ phơi nắng, phơi mưa và một hàng rào bao quanh đang xây dựng dở dang vì bị người dân ngăn cấm. Tất cả chỉ có thế, khác hoàn toàn so với những lời có cánh, những tham vọng của chính quyền và chủ đầu tư là sẽ biến nơi này thành đại dự án công nghệ cao, sản xuất máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, các thiết bị thông tin truyền thông hiện đại...

Trước đây, cứ hai vụ lúa một vụ màu, đời này qua đời khác những hộ thuần nông khác trong thôn My Điền trông cả vào cánh đồng Ngòi để sống. Năm 2007, dự án KCN công nghệ cao Vân Trung thu hồi toàn bộ diện tích cánh đồng Ngòi để phục vụ công nghiệp, người dân My Điền đã trình chính quyền và nhà đầu tư 18 câu hỏi, trong đó có những vấn đề sống còn như: nông dân mất đất sống bằng gì, đến bao giờ thì lao động địa phương có được việc làm, trở thành công nhân?...

Không ai trả lời nhưng đất nông nghiệp vẫn bị cưỡng chế thu hồi. Ban đầu thì tiếc đất canh tác, dần dần người dân chuyển sang bức xúc vì đất nông nghiệp sau khi bị san phẳng chẳng thấy KCN xây dựng gì. Một năm, hai năm, rồi năm năm, những lo ngại trong số 18 câu hỏi ấy thành hiện thực. 4000 khẩu, 800 nóc nhà bỗng dưng thất nghiệp. Nhận xong tiền đền bù họ cứ ngồi chờ KCN Vân Trung đi vào hoạt động để gửi gắm con em vào làm công nhân.

Suốt 5 năm trời, vấn đề thời sự nhất ở thôn My Điền lúc nào cũng chỉ xoay quanh là KCN công nghệ cao đến bao giờ sẽ đi vào hoạt động? Đơn thư có, họp hành có, kêu mãi rồi cũng có câu trả lời. Cuối năm ngoái khi UBND tỉnh có “tối hậu thư” sẽ thu hồi giấy phép của nhà đầu tư nếu không triển khai xây dựng thì dân mới thấy có người đưa máy móc về để xây dựng hàng rào. Chỉ có điều, vài chiếc máy xúc ủi, vài con người về chỉ “biểu diễn” được ít hôm lại im lìm bỏ hoang. Thấy “chướng tai gai mắt” quá, những nông dân mất 100% đất nông nghiệp bèn kéo nhau ra giữ không cho nhà đầu tư xây hàng rào quanh KCN. Thậm chí ngay cả lúc nửa đêm, nông dân My Điền cũng phải cắt cử người ra giữ đất đề phòng các nhà đầu tư lén lút đổ đất. Họ chẳng còn tin vào lời hứa của chính quyền cũng như các nhà đầu tư bởi sau 5 năm KCN Vân Trung vẫn chỉ là bãi đất hoang. "Có chết chúng tôi vẫn đấu tranh chứ chẳng tin vào KCN nữa", ông Sơn bức xúc.

"Vỡ hoang" khu công nghiệp

KCN Đại An, tỉnh Hải Dương đã xong giai đoạn 1 từ lâu. Cách đây 5 năm, chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng giai đoạn 2 với diện tích gần 500 ha, cao gấp gần 3 lần diện tích giai đoạn 1. Điều này cũng có nghĩa là hầu hết diện tích đất lúa của nông dân 2 xã Tứ Minh (TP Hải Dương) và Cẩm Đoài (huyện Cẩm Giàng) bị thu hồi. Lạ ở chỗ, suốt 5 năm nay, cả bãi đất để trống ấy mà người ta cũng chẳng làm gì, ngoài để… cỏ mọc.  

Cấm chăn thả trâu bò trong KCN

Bức xúc nhất về thực trạng KCN bỏ hoang phải kể đến gia đình ông Thân Thanh Sơn. Bố của ông là cụ Thân Văn Thuông làm 7 thửa ruộng liền kề tại đồng Ngòi từ năm 1987. Khi KCN đổ về, ông cụ dường như nhìn thấy trước thực trạng ngày hôm nay nên mới vác đơn đi kiện đòi giữ đất. Lo lắng, bức xúc đến nỗi, cuối năm ngoái, trước khi đổ bệnh qua đời, cụ Thuông trăn trối với ông Sơn rằng: Phải tiếp tục đi kiện, tuyệt đối không được tin vào lời hứa xây dựng KCN. Chứng kiến thảm cảnh của KCN Vân Trung, một người dân địa phương “nổi hứng làm thơ” rằng: Trông làng cứ tưởng giàu sang/ Bên trong rỗng hết dân đang đói dần.

Nông dân thôn Kim Xá, xã Cẩm Đoài thi nhau "vỡ hoang" KCN để cấy lúa. Gia đình anh Nguyễn Văn Phong có 5 sào ruộng bị thu hồi hết sạch từ lâu, nhưng ngặt vì nghề không có, tiền đền bù thì đã tiêu sạch nên đành “nhắm mắt làm liều”. Mỗi vụ, anh cùng vợ và 2 đứa con làm khoảng hơn 1.000 m2 đất để cấy lúa. Anh bảo, nếu không vào KCN để cấy, thì gia đình thiếu ăn to. “Đất của chủ đầu tư, mình vào đấy canh tác thì đương nhiên là sai, là làm chui rồi. Nhưng không làm thì lấy đâu ra thóc mà ăn. Thấy ruộng bỏ hoang, cả làng lại làm, cớ sao mình bỏ?”, anh Phong phân trần.

Cả thôn Kim Xá có gần 500 gia đình, thì có tới 90% bị thu hồi ruộng để làm KCN Đại An giai đoạn II. Số còn lại, theo trưởng thôn Vũ Văn Ngưu, là các hộ không có ruộng, hoặc đã nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ khác. Tóm lại, là cả làng không sót ai không bị thu hồi. “Nói thế chứ, mình làm ruộng quen rồi, đi chơi nó cứ rảnh chân rảnh tay, buồn bực lắm”, ông Ngưu tâm sự. Điệp khúc “Nắng ngủ, mưa nghỉ, mát trời đi chơi” là câu cửa miệng của những người dân nơi đây. Cũng chính bởi lý do “khổ quen, sướng không chịu được”, mà người dân thôn Kim Xá cực chẳng đã phải vào KCN để “cấy trộm” lúa. Họ quan niệm, cứ được bao nhiêu thóc thì tốt bấy nhiêu bởi thời buổi thóc cao gạo kém, nông dân chính hiệu mà phải bỏ tiền ra đong gạo, xem ra quá nghịch lý. Vả lại, số tiền bồi thường, hỗ trợ của chủ đầu tư chẳng đáng là bao, chỉ ngót ngét 16- 17 triệu đồng, chả thấm tháp gì so với thời buổi khủng hoảng, chứ đừng nói 5 năm đã trôi qua...

“Việc nông dân cấy lúa trong KCN là sai”, ông Nguyễn Đức Duy, Chủ nhiệm HTX Cẩm Đoài, người đại diện cho “tầng lớp nông dân không ruộng”, thừa nhận. Nhưng ông Duy cũng giải thích, thấy đất trong KCN chưa dùng đến, nên nông dân “mượn tạm” để canh tác.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.