| Hotline: 0983.970.780

Một điệp vụ hoàn hảo

Thứ Tư 02/05/2012 , 08:21 (GMT+7)

Chính Nhà Trắng cũng đã phải thừa nhận chưa có tổ điệp báo nào lại thành công được như cụm 10 - Lưới A22...

Khi tôi kể lại câu chuyện từng xảy ra tại nhà tù Côn Đảo này, chắc chắn, cựu Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu sẽ há hốc mồm ngạc nhiên, sửng sốt, không ngờ được rằng, chính ông ta đã vô tình tham gia vào một “điệp vụ” mà nhờ nó, “Việt cộng” đã có cái gậy đập mạnh vào chính lưng ông ta và phái đoàn Ngụy quyền trên bàn Hiệp định Paris.

Nhân vật chính trong câu chuyện này là A25 - bí danh của Lê Hữu Thúy - người sau này được phong hàm Đại tá tình báo chiến lược và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. A25 là một trong 5 nhà tình báo chiến lược nằm trong cụm H10 - Lưới A22 do Vũ Ngọc Nhạ làm cụm trưởng, gồm: Nguyễn Xuân Hòe, công cán ủy viên phủ Tổng thống; Vũ Hữu Ruật, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Sài Gòn; Hoàng Hồ, nghị sĩ dân biểu Sài Gòn; Lê Hữu Thúy, công cán ủy viên Bộ chiêu hồi và Huỳnh Văn Trọng, cố vấn chính trị đối ngoại của Tổng thống Thiệu được Thiệu rất tin dùng và từng cử làm trưởng phái đoàn của chính phủ Thiệu, sang Mỹ để hội đàm cùng chính phủ Mỹ để tìm kế sách đối phó với phe Cộng sản ở Hội nghị Paris.

Trong một báo cáo tổng kết của Nhà Trắng đã phải thú nhận về cụm 10 - Lưới A22 như sau: “Từ trước tới nay, loại trừ những phim ảnh hay tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. Chúng tôi không muốn nói đến sự thành công trong việc xâm nhập và leo cao lên các cơ quan then chốt. Điều mà chúng tôi muốn nêu lên ở đây là sự thành công của họ quá tốt đẹp, đối với những phần tử đã bị lộ liễu, đã từng bị phát giác, Vũ Ngọc Nhạ đã cùng đồng bọn đã từ địa vị là những kẻ tử tội, nghiễm nhiên trở thành những công chức cao cấp, những ủy viên thủ trưởng, Tổng thống, những tin tức chiến lược mà Cảnh sát Quốc gia (chỉ Ngụy quyền Sài Gòn – PV) biết họ đã cung cấp, có giá trị giúp cho Hà Nội có những dự kiến chắc chắn, khiển định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh này”.


Di ảnh của Đại tá, Anh hùng LLVT Lê Hữu Thúy, bên cạnh là đồng đội Hoàng Hồ

Trở lại câu chuyện về điệp viên A25 Lê Hữu Thúy. Tôi có dịp may mắn được ngồi tâm sự cùng người con gái thứ hai của A25 – chị Thanh Hương – Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 4, TP Hồ Chí Minh. Cuộc chuyện trò diễn ra ngay tại nhà riêng trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận – nơi mà vị Đại tá anh hùng đã từng sinh sống. Chị Thanh Hương vốn tốt nghiệp Đại học khoa Triết, tự học thêm bằng cử nhân tiếng Anh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ triết học về Tôn giáo.

Giọng bồi hồi, chị Thanh Hương kể lại: 

- Ngày trước, ba cưng tôi nhất nhà bởi những lúc rảnh rỗi, ba thường ngồi trên ghế bố, dịch trực tiếp tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, còn tôi giúp ba chép lại. Trước giải phóng, tụi tôi chỉ biết ba làm nghề viết báo, sau này, khi đất nước thanh bình, ba mới kể cho tôi nghe về nguồn cội gia đình, về quê cha đất tổ. Ba vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho ở miền quê Hoằng Hóa – Thanh Hóa. Ông nội mất sớm, bà nội ở vậy nuôi ba cùng 4 chị em gái.

Dù gia đình không giàu có nhưng bà nội vẫn cho ba theo học trường Trung học Alexandre de Rhodes của Nhà chung Thanh Hóa, ba học rất giỏi cho nên được linh mục dòng Đa Minh – cha Bửu Dưỡng rất quý trọng. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ba ra Hà Nội học Đại học cùng với Trần Kim Tuyến là đồng hương (sau này Trần Kim Tuyến là Trùm mật vụ Sài Gòn – PV) và cùng tham gia nhóm Tri thức “Chi hội Hòa Bình”, có cả linh mục Bửu Dưỡng.

Năm 1949, ba được kết nạp vào Đảng và hoạt động ở Hà Nội với Bí danh là A25. Trước đó, ba cùng từng công tác tại Ty công an Thanh Hóa. Cho tới tháng 10/1954 thì ba được giao nhiệm vụ trà trộn cùng những người dân Công giáo di cư vào Nam. Cũng trong năm này, ba má gặp nhau và kết hôn khi má mới 17 tuổi. Má là tín đồ Công giáo toàn tòng. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, nên má rất ủng hộ việc của ba, chẳng những thế, má còn vận động họ hàng cùng bí mật tham gia hoạt động.

Khi rảnh rỗi, má lại giúp ba những kiến thức về Công giáo, má cũng chỉ cho ba những phần tử đội lốt Công giáo chống Cộng để ba đề phòng và có cách ứng phó. Má đã giúp cho ba rất nhiều trong công việc, vừa là bình phong, vừa đảm đang nuôi dạy con cái để ba toàn tâm hoạt động. Năm 1959, khi ba bị địch bắt do một tên chiêu hồi khai, nhờ có má kịp tiêu hủy các tài liệu, chứng cứ nên bọn địch không khép tội được ba, đành phải thả, sau đó, nhờ mối quan hệ với Trần Kim Tuyến và Đỗ Văn Mậu – giám đốc Nha An ninh Quân đội, ba đã được tuyển vào làm sĩ quan Nha An ninh Quân đội Sài Gòn.

Nhờ vỏ bọc này, mà ba đã thu được nhiều thông tin có giá trị về ý đồ chiến lược của Mỹ - Ngụy và sau này, trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, ba đã lập được bản đồ chi tiết Khu Tam giác Bến Lức – Đức Hòa – Chợ Lớn tạo điều kiện cho Quân giải phóng dễ dàng thâm nhập Sài Gòn một cách an toàn. Do chỉ thị từ cấp trên, từ năm 1967, ba chuyển sang làm công cán ủy viên Bộ chiêu hồi cho đến khi vụ án gián điệp gây chấn động dư luận trong và ngoài nước diễn ra năm 1969 mà chính quyền Sài Gòn lúc đó gọi là “Mission Impossible – Huỳnh Văn Trọng" trong đó, bác Vũ Ngọc Nhạ, bác Huỳnh Văn Trọng và ba bị địch kết án “Khổ sai chung thân”.

Thật ra, Ngụy quyền lúc đó rất muốn tử hình ba và các bác trong cụm H10 – Lưới A22, nhưng chúng không dám vì lúc đó, áp lực của dư luận trên thế giới; đồng thời lúc đó, tại Hội nghị Paris, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cũng đã cảnh báo nếu Mỹ - Thiệu thẳng tay đàn áp, bắn giết những người yêu nước thì số phận của những phi công Mỹ sẽ không được đảm bảo. Cho nên, bọn chúng áp dụng mức án “Khổ sai chung thân”. Sau này, bác Vũ Ngọc Nhạ trong những lần đến thăm nhà có kể lại rằng: dù không phải án tử hình, nhưng, bọn địch rắp tâm để cho ba và đồng đội chết một cái chết từ từ, cực kỳ đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

Sau khi tuyên án, bọn chúng không đưa ba và bác ra Côn Đảo ngay mà đưa về biệt giam tại khu biệt giam của Đặc ủy tình báo số 3A Bạch Đằng. Đây là một hang ổ khét tiếng dã man của CIA, ba và bác Nhạ mỗi người vào một phòng 2 mét vuông. Lúc đầu chúng cho tăng nhiệt độ lên 40 – 50 độ C, rồi khi người tù mồ hôi vã ra như tắm thì đột ngột chúng lại hạ thấp nhiệt độ xuống chỉ còn 12 - 13 độ C, cứ lặp đi lặp lại như vậy, xen kẽ là những đòn tra tấn và sự hành hạ của máy kiểm tra nói dối khiến cho người tù luôn trong trạng thái kiệt quệ thân xác và trí não. Bác Nhạ thì miên man ốm nặng, còn ba bị sốt cao, cả hàm răng bị sưng tấy, rụng dần, mỗi ngày thổ ra hàng bát máu, mủ trộn lẫn.

Sau khi bị hành xác hơn một năm trời, tại khu biệt giam này, đầu năm 1971, địch mới đưa ba ra Côn Đảo lưu đày với số tù CT 847. (Còn nữa)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.