| Hotline: 0983.970.780

Ông Chủ tịch huyện ơi, sao dân khổ thế này!

Thứ Sáu 18/05/2012 , 11:48 (GMT+7)

Lấy danh nghĩa “Lập quỹ xóa đói giảm nghèo”, chính quyền huyện Bù Đăng đang đẩy người dân vào cảnh bần cùng. Có vô lý không khi “xóa nghèo” bằng cách đẩy người dân nghèo vào cảnh nghèo hơn?

Cả ngàn hécta điều, sao, cao su, những căn nhà với toàn bộ đồ dùng, vật dụng bên trong bị ủi sập… Đó là hình ảnh cưỡng chế, thu hồi đất ở xã Phú Sơn. Lấy danh nghĩa “Lập quỹ xóa đói giảm nghèo”, chính quyền huyện Bù Đăng đang đẩy người dân vào cảnh bần cùng. Có vô lý không khi “xóa nghèo” bằng cách đẩy người dân nghèo vào cảnh nghèo hơn? 


Những căn nhà bị ủi sập.

DÂN NGHÈO LÂM CẢNH BẦN CÙNG!

QL14 lâu nay vốn nhỏ hẹp lại đầy ổ gà khiến chúng tôi mất đến 3 giờ mới đi hết đoạn đường 70 cây số từ thị xã Đồng Xoài đến UBND xã Phú Sơn. Đến nơi, một số người dân đã đợi sẵn, nét mặt họ đầy vẻ căng thẳng. Anh Long, một người dân xã Phú Sơn bảo: “Tụi tôi phải đón anh cho bằng được để dẫn đi vì từ đây vào đến rẫy của bà con còn gần 10 cây số nữa. Đường đi rất khó và nguy hiểm. Anh đi một mình không an toàn”. Vừa nói anh Long vừa liếc mắt chỉ cho tôi một tốp đàn ông đang ngồi cách đó vài chục mét.

Đi một đoạn, anh Long mới nói: “Tụi đó toàn dân giang hồ vùng này được thuê theo dõi những người “cứng đầu”, đi khiếu nại như chúng tôi. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Tôi nói không an toàn cho anh là như vậy”.


Điều, cao su bị chặt hạ.

Hơn 13 giờ, sau hơn 1 tiếng lên xuống những quả đồi trên con đường gập ghềnh đá sỏi, chúng tôi mới đến tiểu khu 174, 175, xã Phú Sơn. Dừng xe lại chúng tôi mới có dịp quan sát xung quanh, những quả đồi mênh mông, xanh mướt ngày nào giờ đã biến thành vùng hoang hóa. Những thân, gốc cây điều khá to, bị đốt cháy đen, nằm ngổn ngang. 

Lúc chúng tôi đến, một đoàn cưỡng chế chừng 50 người đang “bao vây” túp lều nhỏ của anh Lâm Văn Nhâm cùng người mẹ mù 75 tuổi. Hai mẹ con anh Nhâm có khoảng 3 héc ta điều trồng từ năm 2005 vừa bị cưỡng chế, thu hồi trắng. Do ngôi nhà nhỏ dựng ngay trên đất rẫy đã bị ủi sập, không có chỗ ở nên anh Nhâm dựng túp lều cho mẹ trú tạm, nhưng ngày nào lực lượng “hậu” cưỡng chế cũng vào yêu cầu mẹ con anh dọn đi. “Bữa giờ 2 mẹ con bả bị đuổi hoài. Cứ dựng lều lên là bị kéo sập xuống. Tội lắm. Từ hôm qua đến giờ bả chưa có gì trong bụng, tụi tôi mua cháo mang đến cho bả ăn mà mấy ổng canh bên ngoài không cho vào”.

Những người dân dứng cạnh tôi tranh nhau “tố” chính quyền. Qua lời kể của họ tôi mới biết, đã mấy lần anh Nhâm đổ xăng vào người đồng thời tưới quanh túp lều, sẵn sàng cùng mẹ “tử thủ” trong túp lều nếu bị lực lượng cưỡng chế dùng áp lực “bứng” mẹ con anh đi.



Bà mù Đường Thị Kéo, bị lực lượng cưỡng chế bế ra khỏi lều và đặt ngồi ngay chỗ có tổ kiến lửa, báo hại bà sau đó phải lên trạm xá xã nằm cả tuần mới hết sưng.

Gần 20 người trong đại gia đình bà Võ Thị Thu Nga, 56 tuổi, ở thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn, đều trông vào nguồn thu nhập duy nhất là hơn chục hécta đất (xâm canh) trồng tiêu, cà phê, điều, xen canh khoai mì từ năm 1998 đến nay. Cuối năm 2011, lực lượng cưỡng chế vào ủi sạch từ nhà cửa đến cây trồng khiến cả gia đình bà không còn nơi nào bấu víu. Bà Nga chỉ biết đi khắp nơi gõ cửa cầu cứu, nhưng vô ích. “Lúc cưỡng chế họ ngăn không cho ai vào nên toàn bộ tài sản trong nhà đều bị chôn vùi hết. Ngoài các vật dụng hàng ngày, khi đó trong nhà đang có 21 bao cà phê khô (loại bao 50 ký), một chiếc máy bơm Đ15 mua hơn 20 triệu để tưới cây và 5 cuộn ống dây lớn. Tất cả bị xe ủi càn hết xuống suối, lấp đất lên”, bà Nga nói trong nấc nghẹn.


Một người dân bị còng tay vì can tội ngăn cản lực lượng cưỡng chế.

NHIỀU SAI PHẠM, KHUẤT TẤT

Ngoài hàng trăm hộ dân có đất xâm canh đã bị cưỡng chế, thu hồi trắng thì tại các tiểu khu từ 174 đến 177 còn có 36 hộ với 36 hợp đồng (HĐ) trồng rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng (BQLRPHBĐ). Trong đó có 24 HĐ theo chương trình 135 và 12 HĐ theo chương trình 661 của Chính phủ. Nhưng, tất cả những HĐ này đều bị ông Chủ tịch huyện Nguyễn Anh Hoàng “qui” vào một “tội” là sai về mặt pháp lý (?).

Điều đáng nói là hầu hết các hộ sau khi ký HĐ đều phải tự bỏ tiền túi ra trồng, chăm sóc, nhưng chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào từ BQLRPHBĐ thì đã bị cưỡng chế. Trước đó, họ không được thông báo trước về việc cưỡng chế, không có ai đến lập biên bản kiểm kê tài sản, cây trồng trên đất. Xác minh thông tin này tại UBND xã Phú Sơn, ông Cao Ngọc Quang, Phó Chủ tịch xã lại cho biết chính quyền có thông báo cho dân biết trước khi thực hiện việc cưỡng chế.


Xe ủi càn quét.

Quá trình cưỡng chế, những chiếc máy ủi đã “tiện đường” càn luôn sang tiểu khu 173 (không nằm trong diện tích đất bị thu hồi), ủi luôn cả vườn cao su, sao đen “661” tại đây. Khi người dân khiếu nại, ông Chủ tịch huyện nói ông không ra lệnh ủi tiểu khu 173, có thể do nhầm.

Bà Phạm Thị Huệ (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) cho biết, năm 2005, bà được BQLRPHBĐ ký hợp đồng giao, trồng 11 hécta rừng 661 tại tiểu khu 173 và 175. Thời hạn HĐ 4 năm (từ 2005 đến 2009) được Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phê duyệt dự án, thiết kế. Theo đó, sao là cây chủ lực được trồng trên cả 11 hécta, xen điều (5 hécta).

Năm 2007, bà tiếp tục trồng xen cây cao su vào 6 hécta còn lại. Theo biên bản kiểm tra hàng năm, cây trồng của bà Huệ đều đạt và đang được Sở NN-PTNT làm hồ sơ chuyển đổi thành đất 50 năm. Đặc biệt, trên sơ đồ, toàn bộ đất của bà Huệ nằm ngoài diện tích bị cưỡng chế thu hồi. Nhưng ngày 28/12/2011, đoàn cưỡng chế đã ủi trắng toàn bộ diện tích đất của bà Huệ mà không có một thông báo nào. Những cây sao, điều 12 tuổi, cao su 5 tuổi (đã có thể cạo mủ) lần lượt gục ngã trước lưỡi máy ủi, máy cưa. 

 
Sau khi cưỡng chế, màu xanh của cây bị thay bằng cảnh hoang tàn.

Uất ức nhìn vườn cây bao năm chăm sóc bị tàn sát, cùng quẫn khi bỏ hàng tỷ đồng đầu tư vào khu đất giờ trắng tay, sáng 18/3/2012, bà Huệ đã treo cổ tự tử. May người nhà phát hiện kịp thời, bà Huệ mới được cứu sống.

Năm 2005, ông Đinh Văn Chu, (SN 1943, ở Tân Thành, thị xã Đồng Xoài), cùng 5 hộ khác được giao khoán 30 ha tại tiểu khu 177 để trồng cao su, điều và keo lai theo chương trình 661 (HĐ đầu tiên hết hạn 2008 và đã ký gia hạn đến tháng 11/2012). Biên bản kiểm tra hàng năm của BQLRPHBĐ cho thấy rừng trồng đạt 70% – 75% và cũng không nằm trong diện tích đất bị thu hồi. Thế nhưng, ngày 2/1/2012, đoàn cưỡng chế vẫn vào ủi sạch 4 ha điều 6 năm tuổi trồng xen cao su 2 tuổi.

Trước đó, họ không hề nhận được bất kỳ thông báo nào về việc sẽ bị cưỡng chế, thu hồi này. “Ông Chủ tịch huyện nói rằng hợp đồng của chúng tôi sai là vì không có biên bản giao đất, bản đồ không có chữ ký của 2 bên, và khi tái ký hợp đồng không thanh lý hợp đồng cũ!?”, ông Chu bức xúc.

+ Diện tích cưỡng chế, thu hồi thực sự là 1.100, 1.378, 1.487, hơn 2.000 hécta hay bao nhiêu? Về vấn đề này, Chủ tịch huyện Bù Đăng cho biết “tỉnh thu 1.100ha, huyện thu thêm 278ha làm quỹ riêng. Còn con số 1.487 ha là tôi nói nhầm”. Khi PV đề nghị cung cấp văn bản về kế hoạch thực hiện quỹ xóa đói giảm nghèo của huyện (278ha) thì ông Chủ tịch huyện nói ông không giữ văn bản đó (!?)

+ Tại UBND xã Phú Sơn, đại diện Ban Thanh tra đảng và Tư pháp xã này ngoài việc bày tỏ thái độ không đồng tình với chúng tôi rằng việc cưỡng chế thu hồi đất của dân như vừa rồi vì “rất thiếu tình người, gây bất mãn cho dân”, vị cán bộ tư pháp cũng khẳng định “Diện tích thu hồi riêng ở Phú Sơn này khoảng 2 ngàn hécta!”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm