| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ Thượng Hải

Thứ Tư 23/05/2012 , 10:46 (GMT+7)

Một thời Thượng Hải là trung tâm tài chính thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau New York và Luân Đôn. Dưới bóng những cao ốc của Thượng Hải tôi bất ngờ gặp những điều không thể tin nổi.

Thượng Hải là đặc khu kinh tế được tự do hóa sớm nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Một thời Thượng Hải là trung tâm tài chính thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau New York và Luân Đôn. Dưới bóng những cao ốc của Thượng Hải tôi bất ngờ gặp những điều không thể tin nổi.

>> Tô Châu, Hàng Châu - thiên đường hạ giới

Thành phố Thượng Hải vốn là làng chài hẻo lánh, do nằm ở cửa sông Dương Tử thuận tiện cho các tàu biển vào ra buôn bán với các nước trên thế giới, thành phố được phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhất là khi Trung Quốc thực hiện tự do hoá thương mại, Thượng Hải phát triển chóng mặt. Là thành phố trực thuộc trung ương, Thượng Hải có diện tích 6.340 km2, với 24 triệu dân sống trong 18 quận, dân sống trong nội thị là 20 triệu người, chủ yếu dân tứ xứ từ khắp các nơi đổ về, dân gốc Thượng Hải chỉ chiếm 10%.


Những ngôi nhà chọc trời ở TP. Thượng Hải

Từ lâu Thượng Hải trở thành "thủ đô kinh tế" của Trung Quốc, thành phố có hơn 4.000 ngôi nhà cao tầng được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu hiện đại. Những nhà được gọi là cao tầng phải từ 30 tầng trở lên. Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu cao 468m, là tháp cao nhất châu Á và đứng thứ ba thế giới. Tháp nhìn xuống sông Hoàng Phố, đứng bất cứ chỗ nào trong thành phố cũng đều nhìn thấy ngọn tháp. Từ phía bến Thượng Hải nhìn sang, ngọn tháp cao vút trên bầu trời xanh ngằn ngặt, những ngôi nhà xây dựng theo phong cách cổ điển phương tây từ đầu thế kỷ XX trên bến Thượng Hải là niềm tự hào của người Anh, Pháp, Tây Ban Nha…nay trước những ngôi nhà cao chọc trời mới được xây dựng cách nay vài chục năm thì những ngôi nhà đó trở nên "khiêm tốn" khoác chiếc áo cổ kính của thời gian.

Ở Thượng Hải có những con đường mang tên những địa phương của Trung Quốc, ví như người Quảng Đông đến, họ cư trú đông đúc trên một dãy phố nào đó, thì con đường ấy mang tên đường Quảng Đông. Điều bất ngờ thứ nhất mà chúng tôi nghĩ rằng Thượng Hải sẽ có đường Sài Gòn hay Hà Nội. Nhưng không phải, theo Ngô Minh Mẫn, hướng dẫn viên của đoàn thì ở Thượng Hải có hai con đường tên Việt Nam là đường Hải Phòng và Quảng Ninh.

Người dân Thượng Hải đều sống trong những ngôi nhà chung cư cao bốn, năm mươi tầng. Nhờ những chiếc cửa sổ bằng kính mở ra, lộ ở phía sau là những bộ quần áo phơi gió với đủ màu sắc. Vì phát triển quá nhanh lại nhiều nhà cao tầng, nhiệt độ bình quân ở Thượng Hải 17,50 C, nhưng nhiều năm mùa hạ có ngày lên tới 400C, trung bình 150 người một cây xanh. Mặc dù là thành phố đông dân nhất Trung Quốc nhưng Thượng Hải rất sạch, đi cả một đoạn đường dài không nhìn thấy một mẩu thuốc lá hay một mảnh giấy vứt trên đường.


Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu

Trên đường phố xe ô tô nhiều hơn xe máy và xe đạp, mặc dù ô tô nhiều như vậy nhưng Thượng Hải không mấy khi bị kẹt xe, tắc đường. Trên các nút giao thông của các thành phố Trung Quốc đều có cầu vượt, đi cả ngày chỉ thấy vài công an đứng ở những giao lộ quan trọng, bởi hệ thống camera được đặt khắp trên đường và các ngã ba, ngã tư. Ngày cũng như đêm đường phố Thượng Hải xe chạy như mắc cửi trên đường không lúc nào vắng. Ban ngày Thượng Hải bề thế và uy nghiêm với hàng ngàn ngôi nhà chọc trời, về đêm Thượng Hải choáng ngợp ánh đèn mầu, với đủ màu sắc rực rỡ.

Dưới bóng những cao ốc chọc trời là những phố buôn bán, sinh sống của người dân lao động thì chật trội và nhếch nhác chẳng khác gì nhiều phố sá Hà Nội. Nhu cầu nhà ở, tiền bạc và phương tiện đi lại đối với người dân Thượng Hải được đặt lên hàng đầu. Ngô Minh Mẫn người Nam Ninh khi đến Thượng Hải làm ăn, mới đầu anh dự định lấy vợ ở Thượng Hải, đã làm quen với một vài cô gái, sau vài tuần hẹn hò đi lại, các cô đều hỏi: Anh làm gì, thu nhập mỗi tháng bao nhiêu, đã có nhà và có xe chưa? Mẫn cho biết anh chưa có những thứ đó thì cô gái nói lời chia tay không một lần trở lại.

Anh bảo: Muốn lấy vợ ở Thượng Hải phải có 3 cái chìa khoá, đó là: Chìa khoá nhà, chìa khoá két và chìa khoá xe. Nếu thiếu một trong ba chìa khoá đó thì khó mà lấy được vợ. Ngoài ba thứ đó người vợ còn đòi hỏi người chồng có đức tính: Dậy sớm như gà, hiền như thỏ, khoẻ như trâu, mạnh như dê, trung thành như chó…Đó là những tiêu chuẩn và đức tính của người đàn ông mà các cô gái Thượng Hải muốn kết hôn. Không thể trách con gái Thượng Hải thực dụng, cuộc sống ở nơi này buộc họ phải như vậy.

Mẫn không thể lấy được vợ ở Thượng Hải mà phải về Nam Ninh, anh bảo: Con gái Thượng Hải là dân tứ chiếng tụ về đây, họ xinh đẹp và kiêu sa như tứ đại mỹ nhân thời cổ đại Trung Quốc. Tôi hỏi: Mình chưa nhìn thấy cô gái nào ở Thượng Hải đẹp cả, toàn thấy những cô gái to lớn như hộ pháp, thế là sao? Mẫn cười rung bả vai: Trước khi lấy chồng cô nào cũng xinh đẹp, nhưng nhiều cô ăn khoẻ quá người cứ phì ra nom chết khiếp. Mọi người để ý những bữa ăn tự chọn là thấy. Mẫn đây, ngủ ở khách sạn nào bữa sáng thấy người Trung Quốc thì thôi không dám vào ăn nữa. Vì không tranh nổi với họ và thấy ngượng lắm…

Còn nhớ bữa ăn sáng ở khách sạn Mi Lan thành phố Tô Châu, khách Trung Quồc ồ ạt chen vai thích cánh vào lấy thức ăn, người nào cũng bê những đĩa thức ăn đầy tú hụ, đoàn chúng tôi chờ cho vãn người vào lấy thức ăn thì nhiều món đã không còn. Bữa sáng hôm sau chúng tôi không phải giữ ý gì nữa mà cũng liều mình "xông vào cuộc chiến sinh tồn", một cô trong đoàn chúng tôi trong lúc chen lấn bị một bát cháo của một người Trung Quốc đổ vào chiếc váy rất điệu đà, khiến cô không còn đủ dũng khí để chen vào lấy thức ăn tiếp nữa. Tôi để ý một quý cô Trung Quốc sau khi ăn hết một đĩa thức ăn đầy tú hụ còn ăn tiếp bốn quả trứng gà khiến chúng tôi ai nấy đều lắc đầu thán phục.


Phố miếu Hoàng Thành, nơi hoạt động của tập đoàn "hai ngón"

Phố miếu Hoàng Thành là con phố mua bán vỉa hè của thành phố Thượng Hải, ở đây tha hồ trả giá, giá trị của hàng chỉ mười nhưng giá ghi thì cả trăm, ai trả giá nào thì bán giá đó, cò kè thoải mái. Trước khi vào phố buôn bán này chúng tôi được cảnh báo đây là nơi tập đoàn "hai ngón" hoành hành dữ dội, ai có tiền để ở túi trước thì còn là của mình, còn để ở túi sau là tiền của người khác. Rồi nạn đánh tráo tiền giả cũng nhanh như chớp. Tôi để ý thấy đôi vợ chồng bán đồ chơi ở đây họ có sức khoẻ tuyệt vời, suốt một tiếng đồng hồ đứng đợi các quí bà mua sắm hai vợ chồng họ rao hàng không biết mệt.

Chúng tôi rời Thượng Hải lên Bắc Kinh bằng tàu hoả, khách đông nghẹt, một điều bất ngờ nữa là những nhân viên nhà ga này đã "xin" chúng chúng tôi mỗi người 10 tệ để đưa chúng tôi qua cầu thang điện mà không phải xếp hàng. Thượng Hải thành phố phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng nó không thể giấu được sự nhếch nhác, phản cảm trong cái bóng hào quang của mình…
Những người bán hàng rong ở Thượng Hải chủ yếu là đồ chơi, họ tập trung ở các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn nơi du khách trong nước và nước ngoài tới thăm quan. Họ kiên nhẫn chèo kéo khách và rao hàng không mệt mỏi.

Điều bất ngờ và ám ảnh nhất đối với tôi khi tới Thượng Hải không phải là những ngôi nhà cao tầng hay những dòng xe cộ…những thứ đó tôi đã nhìn thấy qua phim ảnh, sách báo, nên không cảm thấy ngỡ ngàng hay quá bất ngờ.

Bất ngờ nhất là hình ảnh những người ăn xin nằm ngồi lê la trước cửa chùa Phật Ngọc. Chùa Phật Ngọc được xây dựng từ thời nhà Tống, trên diện tích 33 mẫu, đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất tại Trung Quốc.


Người ăn xin trước chùa Phật Ngọc

Tượng Phật Ngọc tay lần tràng hạt ngồi thiền nhập định, gương mặt từ bi, đôi mắt buồn nhìn xuống, như đang cầu cho chúng sinh vượt qua những khổ nạn. Trên trán Phật Ngọc là nửa viên ngọc Dạ Minh Châu do Từ Hy Thái Hậu cúng tiến. Viên Dạ Minh Châu về đêm phát sáng, như lòng dạ trong sáng của đức Phật. Có lẽ biết được tâm lý của du khách khi vào viếng chùa nên những người ăn xin đã tụ hội về đây, khi thấy một người sờ túi thì tất cả nhất loạt chìa những chiếc ống bơ han rỉ về phía du khách, nom gương mặt người nào cũng đen đúa, nhem nhuốc và đau khổ.


Nhân viên nhà ga Thượng Hải sau khi nhận tiền đưa khách và hành lý 
qua cửa hậu lên tàu

Đấy là hạng người ăn xin hạ đẳng nhất, còn một loại người ăn xin cao hơn là những "ca sĩ" hát rong trong các nhà hàng, họ hát một hai bài phục vụ cho thực khách khi ăn, sau đó là xin tiền.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm