| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền ngày càng xa rời quyền lợi nông dân

Thứ Sáu 13/04/2012 , 10:24 (GMT+7)

Hầu hết các văn bản báo cáo lên Trung ương của tỉnh Hà Nam về những vụ kiện đất đai đều “thòng” vào những câu kiểu như: Đã giải quyết thấu tình đạt lý. Vậy nhưng thực tế, tất cả những nơi chúng tôi đến, nông dân vẫn miệt mài kêu oan vì giá đất nông nghiệp quá rẻ rúng.

Hầu hết các văn bản báo cáo lên Trung ương của tỉnh Hà Nam về những vụ kiện đất đai đều “thòng” vào những câu kiểu như: Đã giải quyết thấu tình đạt lý. Vậy nhưng thực tế, tất cả những nơi chúng tôi đến, nông dân vẫn miệt mài kêu oan vì giá đất nông nghiệp quá rẻ rúng.

>> Chỗ trên trời, nơi dưới đáy
>> 20 triệu đồng và chuyện 1 thôn có 2 bệnh viện
>> Cái lý của người dân

Chiêu trò rẻ hóa đất nông nghiệp

41 hộ dân ở xã Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vốn là cán bộ cũ của Nông trường Ba Sao, theo tiếng gọi của Đảng, đến khai hoang dựng nghiệp từ những năm đầu thập niên 70. Thuở ấy, Ba Sao còn là vùng đồi núi hoang vu, đá lộ thiên lởm chởm, đất cằn cỗi bạc màu chẳng ai canh tác. Thành thử, khi tiên phong đến khai hoang, mỗi hộ dân được chính quyền tạo điều kiện cho một căn hộ cấp 4 rộng 37m2, cấp 360m2 đất ở, 4 sào đất vườn, 8 sào đất nông nghiệp để trồng dâu nuôi tằm. Năm này qua năm khác, vụ này qua vụ khác, công sức của những người dân xã Ba Sao biến vùng đất hoang vu ngày xưa trở thành những dải đất nông nghiệp trồng màu có giá. Tiếc thay, công lao ấy là sự khởi đầu bi kịch mất đất mà ròng rã suốt 10 năm trời đi kiện họ vẫn chưa được giải quyết.


10 năm trời đi kiện giá đất nông nghiệp rẻ...

Về Ba Sao những ngày này, vấn đề thời sự nóng bỏng nhất của người dân vẫn là chuyện đất đai. Nghe đâu một dự án du lịch sinh thái Tam Chúc có tổng diện tích lên đến 4.000 ha vừa cắm hết mốc quy hoạch vào đất nông nghiệp khiến người dân như ngồi trên lửa. Càng nóng hơn nữa bởi đây là những thước đất cuối cùng họ còn sau những dự án thu hồi kiểu trời ơi.

Xã Ba Sao có địa hình tựa như miền trung du với nhiều núi đồi hình bát úp. 10 năm trời đi kiện, 41 hộ dân mất đất ở Ba Sao buồn, bức xúc vì ở nơi này chỉ cách TP Phủ Lý có 17 cây số, vậy mà công lý lại xa vời vợi. Đợt mất đất đầu tiên đến vào năm 2005 khi 537 hộ dân phải giao đất để nâng cấp Quốc lộ 21A. 41 hộ dân đại diện đi kiện bây giờ gồm bà Bùi Hà Huấn, ông Đàm Văn Dự, ông Vương Quốc Bảo… Họ gọi chính quyền là “cường hào nông thôn”, đơn thư kiện cáo chỉ gửi lên Trung ương chứ huyện hay tỉnh không còn tin tưởng được nữa.

Cái dạo mới biết tin nhà nước thu hồi đất để nâng cấp Quốc lộ 21, những hộ dân như bà Huấn chẳng mảy may ý kiến gì. Họ nghĩ: Làm đường sá người dân cũng được lợi nên nếu đền bù đất hợp lý thì bàn giao thôi. Vậy nhưng khi ra UBND xã, biết tin chính quyền áp giá đất nông nghiệp có 15 ngàn đồng/m2 thì ai nấy đều tá hỏa. Tính tổng cộng, 115.253 m2 đất của 41 hộ dân chỉ có giá hơn 900 triệu đồng. Thấy rẻ quá, nhiều gia đình không chịu nhận tiền đền bù mà cùng nhau đi khiếu nại. Họ lý giải: Công lao khai khẩn không phải là ít, có những gia đình phải trải qua hai thế hệ mới bám trụ nổi với đất này. Đất Ba Sao bây giờ là đất nông nghiệp hẳn hoi chứ có phải là nơi chó ăn đá gà ăn sỏi ngày xưa nữa đâu mà rẻ thế. Chính quyền căn cứ vào đâu mà áp giá đền bù 15 ngàn/m2? Mất đất chúng tôi làm nghề gì, chừng ấy tiền đền bù thì nông dân làm sao ổn định được cuộc sống?


...người dân Ba Sao vẫn ngóng chờ

Như gia đình bà Huấn, được chính quyền cấp 6.155m2, trong đó có 300m2 đất ở, 3.537m2 đất vườn, 2.318m2 đất đá từ năm 1991. Năm 2005, gia đình đã giao cho Hội đồng Giải phóng mặt bằng 1.274m2, nhưng lại chỉ đền bù có 64m2 đất ở giá 350 ngàn/m2, số đất còn lại tính giá rẻ có 15 ngàn đồng/m2. Nhưng ngay cả cái giá quá rẻ này người dân cũng không được nhận hết. Lý do là vì Hội đồng Giải phóng mặt bằng đã mượn danh HTX làm chủ sở hữu để biến đất thu hồi của dân thành đất công ích rồi mới tính giá đền bù. Thành ra có chuyện người dân phát hiện nhiều bảng kê sơ đồ hiện trạng đất và thu hồi đất của từng hộ dân trong đó không hề có số liệu hay nội dung gì, nhưng đã được cán bộ xã ký sẵn, đồng thời với một số bảng kê mạo danh chữ ký của người dân. Bằng cách đó, chính quyền biến một phần quỹ đất nông nghiệp của các hộ dân thành đất công ích, nhằm chiết khấu tiền đền bù từ 15 ngàn đồng/m2 xuống thành mức hỗ trợ sản xuất 3 ngàn đồng/m2. Như vậy, số tiền dôi ra mỗi mét vuông là 12 ngàn đồng và được đền bù cho... UBND xã.

Sau khi phát hiện những chiêu trò biến giá đất nông nghiệp không thể rẻ hơn được nữa của chính quyền, các hộ dân mất đất ở Ba Sao tiếp tục khiếu kiện lên UBND tỉnh Hà Nam. Đã có những cuộc tiếp dân, đối thoại, lập biên bản nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết. Trong số 41 hộ dân đi kiện, có người đã chết như anh Nguyễn Mạnh Hùng, có người phải bán từng quả trứng gà để bắt xe đi Hà Nội đưa đơn như ông Đàm Văn Dự, có người phiếu báo gửi hồ sơ của bưu điện chất thành đống hàng nghìn tờ như ông Vương Quốc Bảo… Nhưng đất nông nghiệp vẫn cứ rẻ, họ vẫn chưa nhận một đồng nào tiền đền bù.

Đơn thư của họ cũng đến được Chính phủ, đến được nhiều lãnh đạo cấp cao, nhưng khi có văn bản chỉ đạo tỉnh Hà Nam làm rõ thì tỉnh này lại báo cáo “đã giải quyết thấu tình đạt lý”. Người dân lại đi kiện, họ chỉ mong chính quyền làm đúng chính sách thôi mà cũng khó.

Thu hồi hơn 5.000m2 đất canh tác, bồi thường 2,2 triệu đồng

Đó là thực tế vụ việc đất đai đang nóng nhất ở tỉnh Hà Nam hiện nay: Vụ thu hồi đất canh tác của gia đình ông Lê Hồng Ngọc, 77 tuổi, trú tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên.

Năm 1982, một đơn vị quân đội X10 trả cho xã Tiên Tân 4,86 đất “thùng ao, thùng đấu” vì không sản xuất được cộng với 5,7 ha đất mặt nước thả cá, nuôi vịt đẻ. Đất xấu, ao hồ lồi lõm nên HTX Tiên Tân gọi người dân lên chia nhưng không ai nhận cả. Năm 1982, HTX và UBND xã đã vận động ông Ngọc ra làm kinh tế. 10 năm đầu vất vả, khó khăn, bỏ ra nhiều công sức, tiền của để san lấp, đắp bờ, cải tạo mới trở nên màu mỡ. Mồ hôi, công sức đổ xuống biến vùng đất ao, vũng ngày xưa thành mô hình kinh tế được tỉnh, huyện, rồi Bộ NN-PTNT khen thưởng. Hàng năm vợ chồng ông đều đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp nên cả chính quyền xã Tiên Tân lẫn người dân thôn Lão Cầu đều mặc nhiên công lao ông Ngọc sẽ được đền đáp xứng đáng. Nhưng, đang yên lành thì cuối năm 2009, gia đình ông Ngọc đột nhiên nhận được “trát” lên nhận 2,2 triệu đồng tiền hỗ trợ thu hồi 5.022m2 ruộng lúa của gia đình. Thấy bất công vì đất rẻ rúng quá, ông Ngọc liền đâm đơn kiện. Chưa đâu vào đâu thì cách tết âm lịch năm 2009 có 4 ngày, UBND huyện Duy Tiên đã huy động 50 cán bộ, công nhân, công an và các cơ quan ban ngành đến để cưỡng chế. Cán bộ huyện này lý giải: Phần đất 5.023m2 trước năm 1982 được giao cho đơn vị X10. Từ năm 1989 giao cho ông Ngọc nhận khoán của HTX, lấy tên là Trại cá. Đất này không phải là đất ruộng hoang được khai hoang, phục hoá nên chỉ hỗ trợ chứ không phải đền bù. 

Không nhận tiền đền bù, 10 năm trời đi khiếu kiện nhưng đến nay, những nhập nhèm về giá đất nông nghiệp ở Ba Sao đang chìm dần. Liên hệ làm việc với chính quyền địa phương, cán bộ ở đây trả lời: Lên huyện, tỉnh, hoặc trung ương chứ chúng tôi chỉ là “trạm trung chuyển”, không có thẩm quyền.

 Hôm tôi đến tìm, ông Ngọc đang đắp chăn nằm chờ quyết định của Chính phủ. Ông bảo: Đất đai ở Hà Nam nóng nhất một phần vì chính quyền địa phương toàn tìm cách lách luật, nghị định, chính sách của Trung ương, dân luôn bị coi như rác, họ không quan tâm.

“Suốt 30 năm trời gia đình tôi nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hẳn hoi, năm 2000 tôi còn xây dựng đề án xây dựng mô hình trang trại đa canh nhưng đều bị từ chối. Năm 2008 lại xây dựng đề án cải tạo, xây dựng khu kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái tiếp tục bị từ chối. Về chuyện đất đai gia đình tôi, tỉnh Hà Nam đã 12 lần báo cáo lên Trung ương không đúng sự thật rồi”, ông Ngọc bức xúc. 1.200 lá đơn ông Ngọc gửi liên tục trong vòng 3 năm, đến lúc vì lý do tuổi tác nên ông ủy quyền cho con gái là chị Lê Thị Anh tiếp tục kêu kiện lên tận Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có văn bản giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra và kết luận việc khiếu nại của gia đình ông Ngọc và một số hộ dân khác ở xã Tiên Tân, tổ chức đối thoại công khai. Tuy nhiên đến nay, vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chính quyền tỉnh Hà Nam vẫn bảo lưu quan điểm “đã giải quyết thấu tình đạt lý”.

Dân ra rả kêu giá đất nông nghiệp rẻ mạt, chính quyền tìm cách “giải quyết nội bộ”, chả trách đất nông nghiệp tỉnh Hà Nam ngày càng nóng, người đi kiện ngày càng đông.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm