| Hotline: 0983.970.780

Từ cần câu đến... con cá

Thứ Tư 07/11/2012 , 10:14 (GMT+7)

Có nghề trong tay nhưng áp dụng SX để đem lại hiệu quả là cả một câu chuyện dài.

Có nghề trong tay nhưng áp dụng SX để đem lại hiệu quả là cả một câu chuyện dài. Được sự tiếp sức về KHKT, nguồn vốn, con giống… nhưng số nghề đem lại hiệu quả bền vững chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nghề nhanh chóng chết “yểu” hoặc đang thoi thóp.

>> Dạy thật, học thật

Được nghề... như cởi tấm lòng

Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu trong việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Chỉ tính từ năm 2010, 2011 cả tỉnh đã đào tạo nghề trên 45.000 lao động; trong đó học khóa ngắn hạn miễn phí là 13.000 người. Để làm tốt công tác đào tạo nghề, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng 23 cơ sở dạy nghề với hơn 2.000 giáo viên giảng dạy có chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhiều người dân sau khi được học nghề đã tự mở trang trại kinh doanh và SX. Tính trung bình, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trên dưới 80%. Nhiều nghề đã dần gây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ.

Tôi có dịp trở lại Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), nơi gây dựng lên thương hiệu nấm cho tỉnh. Tôi còn nhớ như in câu chuyện ông Đới Văn Ngọc, Giám đốc trung tâm kể cách đây hai năm. Ngày đầu đem giống nấm về trồng, cực khổ vô cùng, đến khi mẻ nấm đầu tiên cho thu hoạch thì người dân lại “ngoảnh mặt làm ngơ”.

“Dân nói ông này trồng nấm độc cho dân ăn chứ nấm, niếc gì?”, ông Ngọc bùi ngùi. Trút bỏ bộ com lê, cà vạt… ông khoác lên mình chiếc tạp dề cùng các thầy cô trong trung tâm mang nấm đến từng cửa hàng, quán ăn để “minh oan” cho nấm. Hội chợ xuân thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), nhà nhà nô nức kéo nhau đi chơi xuân, mua sắm… ông ngồi lặng lẽ bán từng cân nấm sò, nấm mỡ. Quá khứ đã khép lại, giờ đây nghề trồng nấm ở Nghĩa Hưng đã thực sự được bà con đón nhận. Các trang trại trồng nấm được mọc lên đúng nghĩa câu cửa miệng "mọc như nấm"…


Nông dân xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định) ủ rơm làm nấm

Một trong những “vua nấm” của đất Nghĩa Hưng là ông Đới Văn Giang (xã Nghĩa Thịnh). Sau 3 tháng miệt mài học nghề tại khu nhà trồng nấm của trung tâm dạy nghề, ông đã trở về mở trại nấm riêng của gia đình mình. Ban đầu để chắc ăn, ông chỉ xây dựng thí điểm nhà trồng nấm với diện tích 200 m2 với ba loại nấm chủ đạo là nấm sò, nấm rơm và nấm mỡ.

Dù đã được học lý thuyết, thực hành rất nhiều nhưng khi áp dụng vào SX thì còn rất nhiều điều bỡ ngỡ. Giáo viên của trung tâm dạy nghề, có khi là đích thân ông Ngọc lên để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật từ "A đến Z". Khi đã nắm chắc quy trình SX, ông Giang đánh quả liều, mang luôn sổ đỏ ngôi nhà đang ở vay thế chấp lấy tiền thuê thêm 3.000 m2 đất hoang hóa.

Đúng là, cho người lao động “cần câu” thôi thì chưa đủ, điều quan trọng hơn cả là hướng dẫn họ câu khi nào, câu ra làm sao? Chỉ có như vậy, việc tóm được “con cá” mới dễ dàng, hiệu quả hơn.

“Có đất trong tay, tôi liền thuê máy phun cát rồi dựng luôn 4 lán trại kiên cố. Nhiều người trố mắt ra nhìn rồi bảo: Tay này ăn phải gan cọp hay sao mà liều thế?”, ông Giang cười khà khà. Trời không phụ lòng người, ngay năm đầu tiên, 3.000 m2 đất hoang hóa “đẻ” ra được 25 tấn mỡ muối. Toàn bộ số nấm này được xuất bán cho một Cty kinh doanh nấm ở Nam Sách (Hải Dương).

Từ ba loại nấm ban đầu, đến nay ông trồng thêm cả nấm linh chi. Đây là một loại nấm có giá trị rất cao nhưng đòi hỏi kỹ thuật trồng khá ngặt nghèo. Từ đầu năm đến nay, trại nấm nhà ông Giang đã xuất ra thị trường trên 10 tấn nấm sò.

“Ngồi hạch toán sơ sơ, tôi thấy nghề này ăn đứt nghề chăn nuôi, trồng lúa”, ông Giang nhẩm tính. Mới đây, gia đình ông còn xây dựng thêm hai lò hấp nấm công nghệ cao từ nguồn vốn hỗ trợ SX. Dẫn tôi đi xem khu lò hấp mà ông Giang mừng ra mặt. Ngoài ông Giang, xã Nghĩa Thịnh còn rất nhiều hộ gia đình ăn nên, làm ra được từ nghề nấm như bà Phạm Thị Liễu, Vũ Thị Hồng… ở thôn Hải Lạng Trang.

Tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nghề trồng nấm mới chỉ manh nha nhưng nó vẫn phát đi một tín hiệu đầy lạc quan. Ông Nguyễn Văn Tưởng, xã Mão Điền cho biết, nhà trồng 1 mẫu lúa, những năm trước sau khi thu hoạch rơm rạ được chất đống rồi đốt hoặc ném xuống kênh rạch. Nhưng từ khi có nghề nấm, toàn bộ rơm rạ đều được tận dụng làm nguyên liệu SX.

“Vừa phát triển kinh tế lại vừa tránh được ô nhiễm môi trường, "anh nấm" này trông vậy mà hay ghê”, ông Tưởng khoan khoái nói. Gọi là trại cho oách, khu trồng nấm mới chỉ là thử nghiệm của gia đình ông Tưởng rộng chừng 50 m2. Vụ nấm đầu tiên xuất trại, người dân đến mua đắt như tôm tươi.

Ông Tưởng dẫn tôi đi xem trại nấm và bảo: “Có nghề trong tay, lại được hỗ trợ giống, kỹ thuật…chắc chắn trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô trồng nấm”. Tại Bắc Ninh, ngoài trồng nấm, nghề nuôi gà thương phẩm ở xã Xuân Lai (Gia Bình) cũng đang đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. 75% số lao động đã có thể tự mở trang trại chăn nuôi gà ngay tại gia đình sau khi kết thúc khóa học... 

Nhiều nghề chết “yểu”

Tuy vậy người dân hào hứng với nghề SX nấm hiệu quả như đã nói trên, là không nhiều. Tôi còn nhớ, một vài năm trước đây tại các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, thị trấn Liễu Đề của huyện Nghĩa Hưng; xã Trực Thuận của huyện Trực Ninh (Nam Định)… đi đâu cũng thấy người làm nghề móc sợi, đan bẹ chuối, chiếu cói. Trái ngược với trồng nấm, những nghề này đang dần hấp hối, thậm chí là chết “yểu”.

Đặc điểm của những nghề này là tương đối nhàn, người dân có thể tranh thủ làm trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng cũng chính vì điều này dẫn tới việc đầu ra của sản phẩm không đều, không đảm bảo đủ cả về số lượng và chất lượng. Trong khi sản phẩm lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.

Điều đó khiến cho đầu ra của sản phẩm ngày càng bị "bóp chặt", người dân chán nghề rồi bỏ luôn. Cá biệt có những nghề như móc sợi, đan bẹ chuối, tuy sản phẩm vẫn được các đơn vị nhập khẩu ưa chuộng nhưng vẫn không thể phát triển mạnh. Rồi thì chuyện một số trang trại nấm đang “khỏe mạnh” bỗng dưng bị xóa sổ… vì cơ chế?

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.