| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới và những sự khác biệt

Thứ Hai 20/09/2010 , 10:51 (GMT+7)

Mời bạn đọc cũng theo dõi buổi tọa đàm về chủ đề NTM để hiểu hơn chủ trương và những thuận lợi, khó khăn trong trong việc xây dựng NTM.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng và ông Nguyễn Duy Lượng-Phó chủ tịch Hội nông dân VN đang trả lời trực tuyến

Ngày 17/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng BCĐ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cùng đại diện các cơ quan của Bộ NN - PTNT đã tham gia cuộc tòa đàm trực tuyến trên Cổng điện tử Chính phủ về chủ đề NTM. Nhiều câu hỏi của người dân đã được các đại biểu trả lời thẳng thắn, súc tích. Để bạn đọc hiểu hơn về chủ trương và những thuận lợi, khó khăn trong trong việc xây dựng NTM, chúng tôi xin chuyển tải một phần quan trọng của buổi tọa đàm.  

Cho đến nay nhiều người còn chưa biết rõ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xin Thứ trưởng khái quát đôi nét về chương trình này, và cho biết sự khác biệt của chương trình lần này so với nhiều chương trình xây dựng nông thôn đã được tiến hành từ nhiều năm trước đây?

Ông Hồ Xuân Hùng: NTM có năm nội dung cơ bản. Thứ nhất là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. Hai là sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa. Ba là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Bốn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển. Năm là xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ.

Để xây dựng nông thôn với năm nội dung đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí. Về một số khác biệt, có thể nói, xây dựng nông thôn đã có từ lâu tại Việt Nam. Có thời điểm chúng ta xây dựng mô hình nông thôn ở cấp huyện, cấp thôn, nay chúng ta xây dựng cấp xã.

Khác biệt trước hết là chúng ta xây dựng theo tiêu chí chung cả nước được định trước. Khác biệt thứ hai là xây dựng nông thôn địa bàn cấp xã và trong phạm vi cả nước, không thí điểm, nơi làm nơi không. Khác biệt thứ ba là cộng đồng dân cư là chủ thể của xây dựng NTM, không phải ai làm hộ, người nông dân tự xây dựng. Khác biệt thứ tư, đây là một chương trình khung, bao gồm 11 chương trình mục tiêu quốc gia và 13 chương trình có tính chất mục tiêu đang diễn ra tại nông thôn.

Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, vấn đề đặt ra là cần phải phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân. Vậy vai trò chủ thể đó cần được phát huy trên lĩnh vực nào, và làm thế nào để phát huy được?

Ông Hồ Xuân Hùng: Trong Nghị quyết Trung ương 7 có nói rõ vai trò chủ thể của người nông dân. Nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thay vì như khẩu hiện mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

 Để sát thực với người nông dân, ví dụ quy hoạch bộ mặt NTM trong hai năm tới phải vừa kế tiếp được truyền thống hàng nghìn năm của nông thôn Việt Nam đồng thời phù hợp với xu thế phát triển văn minh của đô thị Việt Nam và đô thị thế giới. Khâu này người dân phải bàn và tham gia ngay từ đầu, là khâu hết sức quan trọng, có tính chất lâu dài.

Thứ hai, thảo luận, bàn bạc xong rồi, khi triển khai, người dân quyết định cái gì làm trước cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ.

 Thứ ba là công trình nào mà người dân làm được thì để người dân làm, không phải cái gì cũng thuê. Làm thế họ có thu nhập, đồng thời có thể đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng NTM thông qua việc xây dựng công trình đó.

Thứ tư là làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà họ theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho văn minh sạch đẹp của làng xã từ chính nhà mình. Không phải trong nhà sạch mà ngoài ngõ bẩn hay ngược lại.

Thứ năm, người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chương trình xây dựng NTM được thực hiện trên cơ sở có sự đầu tư của Nhà nước và sự phát huy nội lực của địa phương. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về phần đầu tư của mỗi bên?

Ông Hồ Xuân Hùng: Thực tiễn cho thấy, cơ cấu vốn là 40% từ ngân sách Nhà nước bao gồm 2 khoản. Khoản 1 là các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục tiêu trên địa bàn nông thôn chiếm 23%. Ví dụ, chúng ta đang làm chương trình xây dựng bệnh xá, trường học, đường nông thôn… Nếu không xây dựng NTM, chúng ta cũng vẫn phải làm. Khoản thứ 2 xuất phát từ yêu cầu xây dựng NTM. Nhà nước bổ sung hỗ trợ thêm 17% cho 8 nhóm, như nước sạch môi trường, đường liên thôn, liên xóm, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng…8 công trình nhà nước hỗ trợ, 7 công trình nhà nước đầu tư 100% vốn.

 Tổng số vốn từ 2 loại này chiếm 40%. Còn 60% còn lại lấy từ đâu? 30% vay của ngân hàng đầu tư sản xuất cho người dân và công trình phúc lợi… 20% nữa do doanh nghiệp đầu tư. Thực tế các xã đạt NTM đều có vai trò của doanh nghiệp, đây là khâu bền vững. 10% còn lại là từ nguồn của người dân. Người dân trước hết tự bỏ tiền của để chỉnh trang sửa sang các công trình, đầu tư sản xuất của chính họ trên đất của họ, trong đó một số ít cũng tham gia vào các công trình công cộng. Cũng có nơi huy động ngày công, có nơi hiến đất, cũng có nơi đóng tiền.

Thưa Thứ trưởng, kinh phí cho xây dựng một xã đạt tiêu chuẩn xã NTM là rất lớn, có nơi lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã phải tự huy động nguồn đầu tư tới 60%, vậy Chính phủ có cơ chế, chính sách gì giúp địa phương huy động được nguồn vốn trên? (ông Cao Văn Xuân, một cựu chiến binh ở Sơn Tây, Hà Nội)

Ông Hồ Xuân Hùng: Có thể nói Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giúp nông dân trong việc xây dựng NTM. Hiện có mấy chính sách đáng quan tâm:

Thứ nhất, Chính phủ đã Nghị định 61/2010/NĐ-CP thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mới chỉ có 1,63% doanh nghiệp và chưa đến 1% đầu tư vào khu vực này. Bản thân các địa phương cũng chưa tạo điều kiện thu hút họ, và rủi ro trong lĩnh vực này cũng cao. Với Nghị định này, Chính phủ đã quy định danh mục đầu tư được ưu đãi rất lớn, rất rõ…

 Thứ hai là Nghị định 41/2010/NĐ-CP về quỹ tín dụng cho nông dân vay để đầu tư phát triển, cùng một số chính sách cho người nghèo, chính sách nhà ở xã hội, hay chính sách không chỉ cho nông dân vay vốn cho sản xuất mà còn cho sửa chữa, sắm sửa nhà cửa, vườn tược…

Thứ ba là nơi nào có thể khai thác quỹ đất thì có thể đấu giá, và cho phép để lại 70% giá trị để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Dĩ nhiên phải chú ý phòng tránh lợi dụng để bán đất. Ví dụ, khi hình thành một chợ mới, một khu hành chính xã mới, lập tức giá đất xung quanh có thể phát sinh lợi nhuận cao…

Thứ tư là tạo ra cơ chế để các tổ chức quốc tế, thu hút bà con trong nước, ngoài nước có thể tham gia đóng góp cho quê hương mình xây dựng NTM. (Còn nữa)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.