| Hotline: 0983.970.780

Tiêu chí thu nhập: Có bất hợp lý?

Thứ Ba 25/10/2011 , 10:30 (GMT+7)

Bình Lợi là xã nghèo nhất ở huyện Bình Chánh (TP HCM). Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ hỏi thẳng vào thu nhập, sẽ thấy ngay điều này...

Về các xã đang xây dựng NTM, hỏi tới những tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư…, hầu như cán bộ xã nào cũng có thể nói vanh vách rằng rằng năm này, tháng kia sẽ hoàn thành. Nhưng hỏi tới tiêu chí thu nhập thì ai cũng ngập ngừng, thiếu tự tin thấy rõ. 

XÃ NGHÈO KHÁC GÌ LEO NÚI 

Thu hoạch mía ở xã Bình Lợi (Bình Chánh, TP HCM)

Bình Lợi là xã nghèo nhất ở huyện Bình Chánh (TP HCM). Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ hỏi thẳng vào thu nhập, sẽ thấy ngay điều này. Hiện tại, chuẩn nghèo của TP HCM là 12 triệu đồng/người/năm, thì theo kết quả điều tra của Chi cục PTNT TP HCM, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của xã Bình Lợi mới chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm, tức là vẫn nằm ở mức cận nghèo của thành phố. 

Còn theo ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ trên 12 triệu đồng/người/tháng, tức là xấp xỉ chuẩn nghèo. So với các xã của huyện Bình Chánh đã được đưa vào xây dựng chương trình NTM từ nay đến 2015, thu nhập bình quân đầu người ở Bình Lợi cũng thấp hơn nhiều: Quy Đức 14,26 triệu đồng/người/năm, Đa Phước 16 triệu đồng/người/năm, Bình Chánh 35 triệu đồng/người/năm. 

Xuất phát điểm về thu nhập thấp như thế, nhưng cũng như 3 xã nói trên, do đã được đưa vào chương trình xây dựng NTM 2011-2015 của thành phố, nên muộn nhất là đến năm 2015, Bình Lợi phải hoàn thành tiêu chí về thu nhập. Trong khi đó, do đò giang cách trở, công nghiệp, dịch vụ ở Bình Lợi còn khá èo uột. Kinh tế chính của xã chủ yếu vẫn là nông nghiệp, với các cây trồng chính là mía, lúa và nuôi trồng thủy sản.  

Cây lúa ở Bình Lợi năng suất thấp, chỉ khoảng hơn 3 tấn/ha, nông dân trồng theo kiểu tự túc lương thực, nên hầu như không tính toán lời lãi ra sao. Cây mía có khả quan hơn khi diện tích đạt trên 1.000 ha, năng suất khoảng 70 tấn/ha. Nhưng giá mía ở Bình Lợi khá thấp, chỉ khoảng 600-700 đ/kg (giá mía vụ này ở Đông Nam Bộ hiện từ 900 đ/kg trở lên), đầu ra lại bấp bênh, do đó lợi nhuận trên mỗi héc - ta không nhiều. Nuôi trồng thủy sản ở Bình Lợi chủ yếu là các đối tượng cá nước ngọt, đầu ra của sản phẩm cũng không ổn định.  

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp, Bình Lợi đang cố gắng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung chuyển những diện tích lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, những giống cây con mới cũng sẽ đưa vào đồng ruộng để thay thế những giống cũ. Tuy nhiên, đầu ra vẫn là bài toán khó nhất đối với nông dân Bình Lợi. Về việc này, ông Phạm Văn Lũy, thừa nhận rằng đến huyện, TP vẫn còn lúng túng trong việc tìm đầu ra cho nông dân, thì xã cũng đang bí là phải.

Tôi hỏi: “Liệu đến 2015, xã có hoàn thành được tiêu chí thu nhập không?”. Ông Phạm Văn Lũy cười trừ: “Theo chỉ đạo của trên, theo nghị quyết của Đảng bộ huyện thì phải ráng mà phấn đấu thôi”.

Hỏi gặng thêm nữa, ông Lũy mới thừa nhận rằng với đà phát triển kinh thế xã hội của xã như mấy năm nay, giỏi lắm đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Lợi mới đạt khoảng 14 triệu đồng/người/năm, tức chưa gấp rưỡi được thu nhập bình quân của xã hiện nay.

Không chỉ Bình Lợi, với những xã nghèo khác đang xây dựng NTM, việc đạt được tiêu chí thu nhập, chẳng khác gì phải leo một ngọn núi cao mà không rõ có tới đỉnh được hay không.

Điều đáng nói là theo chương trình xây dựng NTM ở từng địa phương, xã nào cũng phải hoàn thành mọi tiêu chí, trong đó có tiêu chí thu nhập chỉ trong vòng một vài năm tới. Do đó, cuộc “leo núi” này vốn đã quá khó, lại càng thấy mịt mù hơn.  

Một cán bộ xã An Sơn (Thuận An, Bình Dương), nói thẳng: “Xã tôi nghèo nhất trong các xã ở Thuận An. Vậy mà theo chương trình NTM của tỉnh, đến 2013, An Sơn phải hoàn thành mọi tiêu chí xây dựng NTM. Những tiêu chí khác, nếu có quyết tâm, có sự đồng lòng, có sự rót vốn kịp thời của Nhà nước, cùng đóng góp của các doanh nghiệp, người dân, thì có thể hoàn thành được. Nhưng chuyện nâng cao thu nập lên gấp rưỡi so với bình quân chung khu vực nông thôn của tỉnh, đâu có dễ như thế. Mình tăng thu nhập, các xã khác cũng tăng thu nhập. Mình làm giàu, họ cũng làm giàu. Họ lại khá hơn mình, có lực hơn mình.

Mặt khác, An Sơn vẫn gần như thuần nông, kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính. Nếu là đất trồng cao su như trên Bến Cát, Phú Giáo thì còn đỡ. Đằng này ở đây chỉ có thể trồng cây ăn trái. Rủi như trong 2 năm tới trái cây rớt giá, hay bị thiên tai, dịch bệnh gì đó, thì giữ thu nhập cho người dân như hiện nay là đã khó rồi". 

Ông này nói thêm: "Xã tôi đang tính tới việc kết hợp các nhà vườn với dịch vụ du lịch theo kiểu homestay (loại hình du lịch mà du khách được ở và sinh hoạt chung nhà với người dân bản xứ như thành viên trong gia đình) để nâng thêm thu nhập cho nông dân. Nhưng để thu hút được khách du lịch, thì phải đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, công tác quảng bá và đào tạo cho nông dân biết làm du lịch nhà vườn. Bây giờ những yếu tố nói trên còn kém hoặc hầu như chưa có. Trong vòng 2 năm tới, chẳng biết có kịp phát huy được du lịch nhà vườn hay không?”. 

Rất khó để thực hiện, nhưng vẫn buộc phải làm khi mà thời gian bắt buộc phải hoàn thành đã cận kề, nên một điều dễ nhận thấy là những giải pháp nâng cao thu nhập ở các xã nghèo đang xây dựng NTM gần như chẳng có gì mới mẻ, sáng tạo, hay có tính khả thi cao. Quanh đi quẩn lại vẫn là những giải pháp nặng tính khuyến nông như thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã…  

Thậm chí, nhiều xã buộc phải bấu víu vào những giải pháp mà về lâu dài, có thể mang lại những bất ổn khó lường. Chẳng hạn, khi đề cập đến những giải pháp giúp làm tăng thu nhập cho người dân địa phương, ông Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (Tân Uyên, Bình Dương), cứ kỳ vọng rằng cái sân gôn đang được xây dựng trên địa bàn xã sớm được hoàn thành, qua đó sẽ thu hút được nhiều lao động địa phương với mức thu nhập cao hơn so với hiện nay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.