| Hotline: 0983.970.780

Rô đầu vuông Bắc tiến

Thứ Năm 01/03/2012 , 10:47 (GMT+7)

Cá rô đầu vuông từ khi nuôi đến lúc thu hoạch cá lớn nhanh, khỏe mạnh, không có dấu hiệu dịch bệnh...

Sẵn có diện tích mặt nước rộng gần 1.000 ha, môi trường nước khá trong sạch, huyện Phú Xuyên đã tập trung xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô, định hướng tương lai thành vựa cá của Hà Nội và các vùng phụ cận.

Bắt nhịp theo xu hướng ấy, năm 2011, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp Trạm Khuyến nông Phú Xuyên tổ chức khảo sát, triển khai xây dựng mô hình nuôi thâm canh thủy đặc sản tại xã Chuyên Mỹ với những đối tượng nuôi như trắm đen, cá rô đầu vuông, cá trê đồng…

Chuyên Mỹ vốn là địa phương đi đầu trong chương trình dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo các mô hình chuyên canh, đa canh, nuôi thủy sản (lúa - cá - vịt). Nhiều hộ gia đình tại đây đã đầu tư vốn xây dựng hệ thống ao nuôi thủy sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài các mô hình chăn nuôi cá truyền thống, thâm canh thủy đặc sản là một hướng đi mới khả quan, được rất nhiều người quan tâm.

Mô hình được triển khai tại khu vực đã được quy hoạch vùng chăn nuôi thủy sản tập trung. Tám hộ chăn nuôi thủy sản giỏi tại thôn Ngọ được chọn để tham gia với tổng quy mô 10 ha tham gia. Trưởng nhóm hộ là Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, người có tiếng nói rất uy tín trong cộng đồng dân cư.

Điều thuận lợi là hệ thống đường giao thông, điện lưới, nhà bảo vệ... tại khu vực chăn nuôi đa số đạt yêu cầu kỹ thuật đảm bảo thuận lợi cho việc chăn nuôi và thu hoạch cá sau này. Tuy vậy, kỹ thuật nuôi của người dân còn hạn chế, chủ yếu nuôi bằng kinh nghiệm, chưa chú ý đến công tác phòng bệnh và xử lý môi trường nước trong quá trình sản xuất. Các yếu tố dịch vụ đầu vào về giống, thức ăn, thuốc thú y... chưa ổn định, vốn của nông dân còn mỏng. Thêm vào đó các đối tượng nuôi lại mới, nhất là cá rô đầu vuông vốn đã quen điều kiện khí hậu trong Nam nay phải thuần hóa, thích ứng dần dần với vùng đất hoàn toàn xa lạ. Nguồn giống được tuyển chọn từ Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, thức ăn sử dụng 100% cám công nghiệp có độ đạm 20%-22%.

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ 100% con giống đảm bảo chất lượng (riêng cá trắm đen không hỗ trợ), 20% thức ăn và 20% chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước; tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và yêu cầu cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát thực địa để hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện tốt các khâu: chuẩn bị ao nuôi, chăm sóc và kiểm tra sự phát triển của cá, tư vấn cho các hộ xử lý những phát sinh tại cơ sở đúng kỹ thuật - kịp thời…Cán bộ của Trung tâm đã mở các lớp ngay tại bờ ao hướng dẫn cho bà con phòng bệnh cá bằng các cây thảo mộc rất quen thuộc như cây chuối, cây thầu dầu tía...

Những kinh nghiệm quan sát hình thái bên ngoài được truyền đạt để nhận biết một số bệnh thường gặp trên cá, phương pháp mổ cá để phát hiện các loại bệnh thông thường biểu hiện bên trong được phổ biến rộng rãi. Với phương châm học đi đôi với hành, các chủ trang trại còn được giảng viên hướng dẫn thực hành cách kiểm tra nhiệt độ trong nước ao bằng đĩa secchi, kiểm tra nhanh hàm lượng ôxy hòa tan, PH và các khí độc NH3, NH4, NO2…Qua đó, nông dân hiểu được cách phân biệt cá chết do thiếu ôxy, do môi trường, do nấm, vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng rồi đưa ra biện pháp điều trị hữu hiệu chứ không còn vãi thuốc bừa bãi xuống ao như trước.

Kết quả kiểm tra hàng tháng cho thấy cá phát triển, sinh trưởng tốt, không xuất hiện dịch bệnh tại vùng nuôi, năng suất ước đạt với trắm đen khoảng 8 tấn/ha; cá rô đầu vuông khoảng 15,6 tấn/ha; cá trê đồng khoảng 15,8 tấn/ha. Các đối tượng thủy đặc sản đều cho năng suất nuôi cao hơn hẳn so với các đối tượng cá nuôi truyền thống, giá bán cũng cao hơn hẳn. Riêng về đối tượng mới là cá rô đầu vuông, từ khi nuôi đến lúc thu hoạch cá lớn nhanh, khỏe mạnh, không có dấu hiệu dịch bệnh. Trọng lượng cá giống lúc mới thả nuôi chỉ cỡ 2.000 con/kg, đến khi thu hoạch trọng lượng cá bình quân đạt 6-8 con/kg giúp cho nông dân thu nhập khoảng 120 đến 150 triệu đồng/ha.

Nhân đà thắng lợi của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục cho nhân rộng mô hình thâm canh đặc sản trên địa bàn huyện Phú Xuyên, biến các mô hình thành điểm đào tạo nghề cho nông dân nhiều vùng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.