| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ tâm sáng, dân sẽ theo

Thứ Năm 12/04/2012 , 10:29 (GMT+7)

Xuân Lộc có 14 xã, mỗi xã có vài ấp. Điểm chung nhất ở các cán bộ ấp xã, từ Bí thư ấp, trưởng khu hay thậm chí nông dân đều hết lòng vì NTM.

Nghe chúng tôi bày tỏ ý định gặp một vài nhân tố điển hình làm công tác dân vận ở cơ sở và gương nông dân tiên phong làm NTM, Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Nhật giới thiệu ngay: "Xuân Lộc có 14 xã, mỗi xã có vài ấp. Các anh có thể đến một ấp bất kỳ xã nào, gặp bất kỳ ai đều được cả. Điểm chung nhất ở họ, từ Bí thư ấp, trưởng khu hay nông dân đều hết lòng vì NTM".

>> Cú hích ''CLB trăm triệu''

Chuyện về ông "vác tù và"

Chúng tôi về UBND xã Xuân Định, tại đây, ông Bùi Trọng Vinh, Bí thư Đảng ủy, đã đứng đợi trước sân để đưa chúng tôi về ấp Bảo Thị, gặp ông Phạm Văn Điêm - một trong những người chuyên “vác tù và” xây dựng ấp văn hóa từ 10 năm nay.

Chẳng hiểu làm thế nào, có “tuyệt chiêu” gì mà trong mấy năm ông Điêm làm Bí thư ấp, 100% đường trong ấp Bảo Thị được nhựa hóa, bê tông hóa từ mỗi nhà ra đến ruộng, điện tỏa sáng đến từng con hẻm sâu nhất, nhỏ nhất; nhiều năm nay không có những vụ lộn xộn, mất đoàn kết trong thôn xóm.

Đáng tiếc là mới đây, ông Điêm bị bệnh nặng nên không thể làm tiếp công việc được nữa. Vừa thấy chúng tôi, ông Điêm xởi lởi ra tận ngõ mời vào nhà uống nước. Ông gầy sọp vì vừa trải qua cơn bạo bệnh. “May mà ông trời còn thương nên cũng ổn rồi, sức khỏe gần đây tốt lên hẳn”, ông Điêm vừa nói vừa nở nụ cười rất tươi, ánh mắt hiền từ và dễ mến.

Chúng tôi hỏi: “Chú làm cách gì mà bà con lại chịu nghe vậy?”. Ông Điêm bảo: “Thì đầu tiên là tôi, sau đó anh chị em, con cháu trong dòng họ nhà tôi phải nêu gương tham gia phong trào xây dựng NTM trước. Đó là nguyên tắc lớn nhất”. Khi xã giao cho ấp Bảo Thị vận động bà con triển khai con đường nhựa đầu tiên, gia đình ông Điêm bàn bạc gom góp hẳn 2 cây vàng. Đến khi con đường nhựa thênh thang hoàn thành, ông quyết định huy động sức dân tham gia làm thêm gần chục con đường trải bê tông và cứng hóa ra đến tận thửa ruộng. Để làm gương, ông tình nguyện hiến tới 2.100 m2 đất làm cả một con đường rộng 7 mét, dài 300 mét chạy ngang qua khu vườn của gia đình. Hàng trăm cây sầu riêng, mít thái, chôm chôm trị giá cả trăm triệu đồng cũng được ông đốn bỏ để chung tay làm NTM. Rồi chị ông, em ông, cháu ông, ai có đất góp đất, ai có tiền góp tiền, xung phong cùng ông làm gương trước. 

Ông Phạm Văn Điêm (giữa) trên con đường trải nhựa ra tận vườn trái cây

Nói đến đây ông Điêm giải thích thêm: “Ngoài tiên phong thì làm dân vận phải công bằng. Nghĩa là nếu muốn mở con đường rộng thêm 4 mét thì phải lấy đều mỗi bên 2 mét. Không được lấy của bên này 2,5 mét, bên kia chỉ 1,5 mét dù người ta đất nhiều hay ít. Điều quan trọng nữa là phải thể hiện tính dân chủ. Ngay khi làm công trình đầu tiên, tôi đã lập dự án chi tiết, trong đó trình bày số liệu cụ thể về nguyên vật liệu, ngày công, xe ủi, xe lu, chi phí… rất rõ ràng. Trong khi trình bày, người nào chưa hiểu tôi sẵn sàng giải thích đến khi họ hiểu thì thôi. Những công trình sau đó tôi cũng làm như vậy, ai cũng thấy công tâm nên chịu nghe”.

Chính vì ông Điêm có tâm sáng, nhiệt huyết cao, lại “thổi” tù và hay, nên bà con trong ấp cùng bảo nhau theo, cuộc họp nào có ông phát biểu mọi người đều vỗ tay rầm rầm tán thành.

"Chính quyền rất... dễ thương"

Dắt chúng tôi ra khu vườn trái cây sai trĩu quả sầu riêng, chôm chôm, mít rộng 3,7 ha, ông vợ chồng ông Mai Trần Thạc (ấp Bảo Thị, xã Xuân Định) cười nói vui vẻ: “Từ hồi có con đường nhựa chạy tận ra vườn, trái cây nhà tôi được thương lái đánh cả xe tải đến mua. Họ khoái lắm vì trước đây vào mua phải gánh từng thúng, đẩy xe ba gác hoặc đi xe trâu, xe bò đến cực khổ, mùa mưa có khi ngã vỡ mặt. Nhưng giờ giao thông tốt, ai cũng có lợi, giá bán trái lại cao nên ai cũng sướng”.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Định Bùi Trọng Vinh nghe vậy tiếp lời: “Thì con đường cũng có sự đóng góp rất lớn của gia đình bác. Này nhé, bác có 3 miếng đất, miếng nào cũng dính vào quy hoạch làm đường. Tổng cộng 3 miếng mỗi bên lấy vào 2 mét, chạy dài vài trăm mét thì đâu có ít tiền".

Ông Bí thư xã còn nói với chúng tôi: "Anh chị đây quý lắm. Ngay khi xã phát động, ông bà bảo nhau về làm ngay. Khi chúng tôi đến, đã thấy vợ chồng anh Thạc huy động người nhà dỡ hàng rào, chặt hết cây hai bên đường rồi! Sau đó, thấy làm đường nhựa đẹp quá, xã và huyện cũng kẹt vốn nên ông bà còn xin góp 60 triệu đồng nữa chứ”.

Trong câu chuyện rôm rả, chúng tôi thấy được sự gắn kết rất thân tình, gần gũi giữa người dân và những người đại diện cho chính quyền xã, ấp. Có thế nên vợ ông Thạc mới hồn nhiên nói: "Ở đây nói chung chính quyền xã rất… dễ thương. Còn ông Điêm bí thư ấp thì bà con chúng tôi tin tưởng tuyệt đối. Cho nên, chỉ cần ổng thông báo là chúng tôi làm theo ngay. Chúng tôi còn nhớ rất rõ, mấy năm trước ổng đi xin được bên Cẩm Mỹ một chiếc cầu bê tông, cốt thép. Khi mang chiếc cầu về đây có người trả 30 triệu nhưng ổng không bán mà tình nguyện làm cầu bắc qua con suối nhỏ cho bà con đi lại đỡ cực mỗi mùa nước lớn".

Nghe đến đây, ông Điêm nhớ lại: Có những hộ còn nghèo nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất làm đường. Thấy gia cảnh như vậy, chúng tôi luôn biết quan tâm, động viên và đề xuất để cả ấp cùng chung tay góp sức giúp họ. Việc gì quá tầm tay như xây chuồng trại chăn nuôi, vốn sản xuất, kỹ thuật, giống… thì đề nghị chính quyền hỗ trợ kịp thời.

Với cách làm có lý, có tình này mà dân ấp Bảo Thị bỗng dưng “lây” nhau tâm lý “khoái” tham gia phong trào xây dựng NTM. Nhiều người coi việc “chung tay” này là chuyện đương nhiên, không có gì to tát. Vì thế, nông dân Bùi Đức Công (ấp Bảo Thị) khi gặp chúng tôi nhất quyết không muốn kể về “thành tích” góp đất, góp tiền của mình mà chỉ cho chúng tôi vài chục hộ khác xung quanh “để các anh đi phỏng vấn”. Phải qua ông Bí thư xã, chúng tôi mới biết ông Công cũng hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng trăm cây ăn trái và tình nguyện đóng góp 40 triệu đồng để tham gia làm nhiều tuyến đường bê tông và nhựa hóa ra tận cánh đồng bắp, trái cây bạt ngàn trái ngọt…

HUYỆN "3 NHẤT"

"Đi gần hết số xã trong huyện, các anh thấy rồi đấy, đời sống bà con nói chung ở các xã không chênh lệch nhau nhiều, nhà nào cũng khấm khá. Ấy là do hệ thống tổ chức ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Xã nào cũng có những nhân tố tích cực, từ ông Bí thư ấp, đến hàng nghìn hộ dân trong huyện đều nắm vững tinh thần và trách nhiệm góp sức cho phong trào xây dựng NTM.

Chính vì thế, chúng tôi tự hào nói rằng: Đến nay, ngoài việc đã có xã hoàn thành xây dựng NTM đầu tiên trong cả nước, Xuân Lộc còn có nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia đứng đầu tỉnh (hơn 50%); giá trị sản xuất nông nghiệp cao nhất tỉnh và là huyện có ít vụ tranh chấp, khiếu nại nhất tỉnh",Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND huyện Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm