| Hotline: 0983.970.780

Về vùng hành lớn nhất miền Bắc

Thứ Hai 13/01/2014 , 11:22 (GMT+7)

Mặc dù lần thứ hai về thăm Kinh Môn (Hải Dương), nhưng chúng tôi vẫn bị cuốn hút, ấn tượng bởi màu xanh ngút ngàn, mùi thơm từ những cánh đồng trồng hành, tỏi có thể nói là lớn nhất miền Bắc.

LTS: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết tổ chức SX hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao... góp phần tái cấu trúc ngành NN-PTNT. NNVN khởi đăng một số mô hình trồng trọt để các địa phương tìm hiểu, áp dụng.

Chúng tôi về Kinh Môn (Hải Dương) khi trời lạnh buốt và những cơn gió thổi hắt lên từ sông Kinh Thầy càng làm tăng thêm cái lạnh trước tiết tiểu hàn. Mặc dù lần thứ hai về thăm vùng này, nhưng chúng tôi vẫn bị cuốn hút, ấn tượng bởi màu xanh ngút ngàn, mùi thơm từ những cánh đồng trồng hành, tỏi có thể nói là lớn nhất miền Bắc.

SX chuyên nghiệp

Chị Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Hải Dương dẫn chúng tôi thăm những vùng SX vụ đông “có số, có má” và tự hào khoe: "Các anh biết không, diện tích hành của cả tỉnh gieo trồng trung bình hàng năm khoảng trên dưới 5.000 ha nhưng vùng hành tập trung của các cụm xã Hiệp Hòa, Lê Ninh, Lạc Long, Thăng Long ở Kinh Môn đã chiếm tới 3.500 ha".

Và quả thật, xe chúng tôi chạy bon bon dọc theo con đường bờ sông, nhưng mãi mới ra tới giữa cánh đồng hành xanh ngút này. Cái mà chúng tôi thán phục bà con nông dân ở đây là sự sáng tạo và kinh nghiệm thâm canh, sự chịu thương, chịu khó một nắng, hai sương và toàn bộ diện tích trồng hành trên đất 2 vụ lúa.

Ông Dương Văn Tấn, Chủ nhiệm HTX Hiệp Hòa cho biết: Kinh Môn là vùng trồng hành lấy củ, hành củ để già và chỉ thu hoạch khi mà hành đã “xuống dọc”, củ đã được tích lũy phình to, một phần thân củ đã trồi lên mặt luống, lá đã ngả màu. Hành củ Kinh Môn có mặt trên khắp các chợ trong cả nước và góp phần làm lên hương vị của cái Tết cổ truyền: “Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Chất lượng của hành tỏi ở đây được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Hải Dương, với trên 3.500 ha hành, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha, sản lượng hành của Kinh Môn đạt 55.000 tấn, trong đó một phần được xuất sang Trung Quốc. Một số tư thương ở đây cho biết, Trung Quốc rất ưa chuộng hành tỏi của các tỉnh miền Bắc VN, vì chất lượng, độ thơm, cay. Tuy vậy cũng có thời điểm hành từ Trung Quốc đổ ngược về VN, do cạnh tranh về giá tốt hơn, mức độ an toàn thực phẩm thì họ nói “cần xem lại”.


Mùa hành "ngọt" ở Kinh Môn

Ngoài Kinh Môn thì Nam Sách, Kim Thành cũng có những vùng hành tỏi, tuy nhiên diện tích tập trung và làm trên đất 2 vụ lúa thì quy mô nhỏ hơn. Vùng Nam Sách chủ yếu là trồng hành hoa, tức là hành thu non, lấy cả lá và phần củ chưa già, phục vụ ăn tươi. Nông dân ở đây trồng hành khá "siêu" và họ chọn những giống hành đẻ nhánh cực mạnh; hành cứ được tỉa dần cung cấp “dài dài” cho thị trường nội địa.

Về chế biến, Hải Dương mới có một công ty chế biến hành thái lát sấy khô, cả củ và lá, tuy nhiên công suất cũng còn khiêm tốn, chính vậy mà thị trường tiêu thụ đôi khi cũng trong cảnh “trồi sụt” thất thường cùng cảnh ngộ của nhiều mặt hàng nông sản. Mặc dù vậy các cán bộ HTX ở đây vẫn khẳng định: “Vụ đông vẫn là vụ làm giàu; giá trị thu hoạch từ 1 ha hành tỏi ở đây biến động từ 200 - 300 triệu đồng, bằng 3 lần làm 2 vụ lúa. Những tòa biệt thự, những căn nhà đúc hoành tráng đều từ cây hành, củ tỏi mà ra cả đấy”.

Ông Vũ Đức Thảo ở xã Thăng Long trồng 1,2 ha hành vụ đông nói rằng: "Đúng là chỉ có dồn ruộng, làm lớn thì nông dân mới làm giàu và dám đầu tư cả về cơ giới và công nghệ. Cái khó nhất, chi phí lớn nhất của trồng hành vụ đông là vấn đề giống; giống ở đây phần lớn là nông dân chúng tôi tự chọn, tự lo, tự bảo quản. Nếu không biết cách, không có kinh nghiệm thì có khi công sức đổ cả xuống sông do hỏng giống trong bảo quản.

Hiện tượng “bỏ vỏ” của hành các anh cũng biết đấy; cả tấn hành giống khi nhập vào bảo quản có khi chỉ vớt vát được vài chục kg, còn lại là vỏ nếu sai quy trình và thiếu kinh nghiệm".

Cũng là một hộ có tới 0,7 ha trồng hành vụ đông, ông Nguyễn Hữu Dũng ở xã Thăng Long cho biết: Trồng hành không phải là khó, nhưng phải biết kỹ thuật, đúc rút được kinh nghiệm; sử dụng phân bón, lên luống, lấp củ, chăm sóc để hành đẻ vừa phải, củ to chắc và phải thơm nồng cay xè mắt khi cắt. Sâu bệnh trên hành ở vụ đông cũng cần hết sức chú ý. Lạnh, nhiệt độ thấp thì làm củ tốt, năng suất cao, nhưng nếu gió đông nhiều, ấm thì củ bé mà lá thì nhiều, rồi nhanh luỗng lá khi sương mù, ẩm độ cao. Những năm có điều kiện thời tiết như vậy phải sử dụng thuốc trừ bệnh mới giữ được lá hành.

Ông Dũng và ông Thảo mỗi vụ cũng để ra được hàng trăm triệu từ hành sau khi đã trừ chi phí.

Thiếu đầu tư

Mặc dù là một vùng truyền thống SX hàng hóa của tỉnh nhưng vùng hành tỏi Kinh Môn cũng chưa thực sự được quan tâm đầu tư, cây hành cũng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành; giá trị mang lại cho ngành nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở cụm xã này là rất lớn.

Theo các cán bộ địa phương ở đây thì, để nâng cao giá trị trong chuỗi SX sản phẩm hành tỏi cần nâng cấp hệ thống tưới để không phải nơm nớp lo úng, lụt và nhất là tưới đủ ẩm khi gặp hanh khô đúng vào giai đoạn hành cần ẩm để sinh trưởng thân, lá.

Hệ thống giao thông nội đồng cũng cần được đầu tư để hàng trăm ngàn tấn hành củ tươi được lưu thông tốt hơn, khách hàng đến với Kinh Môn thuận lợi hơn và hơn bao giờ hết là hỗ trợ đầu tư máy móc để cơ giới hóa khâu lên luống, làm đất, kết hợp với bón phân lót, đặt củ…

Về khoa học công nghệ, cần có những nghiên cứu và khuyến cáo công tác chọn giống, bảo quản giống nhằm giảm chi phí giống khi gieo trồng, một trong những khâu “ngốn” chi phí đầu vào cao nhất của cây hành;

Vùng Kinh Môn cũng rất cần sự có mặt của các DN trong tổ chức SX, SX theo tiêu chuẩn GAP, xây dựng thương hiệu và nhất là chế biến, bảo quản để giá trị từ củ hành tăng lên gấp 3 - 4 lần hiện nay.

Vụ đông ở miền Bắc là một lợi thế lớn; các sản phẩm củ, quả của chúng ta vừa phong phú về chủng loại, vừa có chất lượng khiến nhiều vùng phải “ghen tỵ” khi mà chúng ta trồng được và thu hoạch rộ thì một loạt các vùng ở phía Bắc của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Vân Nam… tuyết dày đang bao phủ, rau tươi nếu có trồng được thì chỉ có thể bằng công nghệ nhà kính, nhà lưới với chi phí không nhỏ và tất nhiên giá thành cũng sẽ rất cao.

Vấn đề là chính sách và cách tổ chức SX như thế nào để có thể đưa các sản phẩm này sang nước bạn một cách bền vững? Câu hỏi này chỉ có thể được giải đáp khi tất cả các Bộ ngành liên quan vào cuộc, và chúng ta phải có con đường chính thống, chính ngạch và đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa rủi ro về thương mại.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.