| Hotline: 0983.970.780

Lao đao nghề nuôi gà đồi Yên Thế

Thứ Sáu 16/07/2010 , 09:21 (GMT+7)

Một biệt thự to lớn nằm giữa ngút ngát, miên man xanh của đồi vải mà chủ nhân của nó là một tấm gương về làm ăn kinh tế giỏi của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ít ai ngờ chị Phan Thị Hạnh (xã Tam Tiến) cũng có những giai đoạn vấp váp mới có ngày hôm nay.

Một biệt thự to lớn nằm giữa ngút ngát, miên man xanh của đồi vải mà chủ nhân của nó là một tấm gương về làm ăn kinh tế giỏi của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ít ai ngờ chị Phan Thị Hạnh (xã Tam Tiến) cũng có những giai đoạn vấp váp mới có ngày hôm nay.

>> Nuôi ếch thất bại phải bán đất, đi làm thuê
>> Lời gan ruột!
>> Sự tàn suy của cả một làng nghề đặc sản
>> Chúng tôi đã từng thất bại

Khởi điểm của chị nuôi lợn sau đó sang bò rồi mới chăn gà. Quy mô ban đầu từ 500-1.000 con đến cao điểm chăn tới 8.000-9.000 con. Nhà chị toàn nuôi gà đồi, dạng chăn thả bán thâm canh. Chị kể: “Năm 2005, 2006 gia đình lao đao vì cúm gà nhưng cứ kiên gan làm bởi tôi phán đoán sau cúm mà giữ lại được đàn chắc giá bật lên ngay. Mùa đông năm đó cỡ gần Tết dương lịch, chuẩn bị xuất chuồng rồi. Gà đang ăn bình thường, kích cỡ to nên tôi hoàn toàn yên tâm, cầm chắc trong tay lãi 30-40 triệu.

Bỗng một sớm sương muối, gió bấc tràn về. Chiều tôi vãi cho ăn, chúng vẫn tranh nhau mổ căng diều, sau một đêm tỉnh giấc, sáng ra, cho ăn, gà uể oải không thèm mổ. Bắt lên có dấu hiệu tụ huyết trùng và thương hàn, viêm đường hô hấp, hốt quá tôi vội vã đi mua thuốc bệnh cùng thuốc bổ như B1, B12, C… tống vào. Đến ngày thứ ba vẫn thấy chết lả tả vài chục con, cuối cùng chùn tay quá, tôi không chịu nổi đành bán thốc bán tháo. Bán xong tiếc ngẩn cả người vì lúc xuất có 30.000đ/kg, người mua đem về nuôi tiếp sau 3 hôm xuất đúng giá 48.000đ/kg”. 

Sau bao phen lao đao, chị Hạnh mới thành công

Sau khi mổ khám những con gà xấu số, chị Hạnh rút ra được nhiều kinh nghiệm rằng dù có nuôi thả đồi nhưng những đợt rét vẫn phải che chắn cẩn thận và cho gà ăn uống, bồi bổ đầy đủ để phòng bệnh. Kiến thức mỗi lúc một tích luỹ nhiều qua từng đợt nuôi: “Đừng cho là mình giỏi mà không cần học. Thứ nhất là môi trường ô nhiễm, vừa toi đàn gà xong, chưa xử lý môi trường (bằng vôi củ, bằng đốt hết lá rác bẩn, rửa chuồng, quét màng nhện, rửa mái, rửa máng ăn, đốt cót quây chuồng, phun thuốc sát trùng 2 lần, dây điện, bóng điện đánh rửa bằng xà phòng, phơi chuồng 2 tháng mới nhập gà), không nuôi ngay. Gà khoẻ mạnh xuất chuồng cũng không nên nuôi ngay mà phải nghỉ cỡ 30 ngày. Trong thời gian nghỉ ta phát quang vườn vải (gà thả dưới đồi vải) để ánh nắng rọi xuống mặt đất, tiêu huỷ vi trùng, vi rút. Vắc xin cũng rất quan trọng nếu không tiêm phòng rủi ro rất lớn, có thể thiệt hại đến mức xoá sổ cả đàn”.

Ngoài chuyên môn ra, người chăn nuôi phải nhanh nhạy trong tính toán nghiên cứu thị trường. Mùa nóng người tiêu dùng thích ăn vịt đuổi đồng vì thịt mát ngọt chứ không chuộng gà nên khó bán, cần tránh thời điểm từ tháng 6-8 ra, nếu có nuôi cũng nuôi ít. Sau thời điểm đó, cần tăng đàn để đón đầu dịp tháng mười, mùa cưới xin, giỗ chạp. Đợt tháng 3 vừa qua, dịch tai xanh rục rịch tràn về, người người sợ hãi thịt lợn, chị Hạnh đã quyết đoán rất thông minh. Bình thường gà nuôi cứ trên 2 kg mới xuất chuồng nhưng khi đó gà được giá, chị nhanh tay xuất non trước cả tháng, lúc trọng lượng gà chỉ 1,6-1,7 kg, cầm một cục lãi lớn. Chăn nuôi kỹ thuật, tính toán giỏi giang, ứng biến linh động nên hàng năm chị Hạnh đều bỏ túi chừng 160-180 triệu. Riêng từ đầu năm đến giờ chị đã lãi trên 100 triệu, chưa nói tới 2 lứa gà với trên 1 vạn con nữa ở thời điểm cuối năm nếu thuận buồm, xuôi gió sẽ lãi gộp không dưới 250 triệu.

Không được may mắn như chị Hạnh, cùng là cảnh nuôi gà đồi nhưng anh Hoàng Văn Trung, xã Đồng Tâm liên tiếp thất bại. Năm 2000 anh chăn 1.000 con gà, ở thời điểm chưa ai nuôi, không tìm được thị trường, không bán được giá, đành bỏ nghề. Đến năm 2003 anh lại tiếp tục chăn gà với quy mô nhiều hơn ai ngờ toàn lận đận. Năm 2005 nuôi 4.000 con mất 130 triệu. Năm 2007 mất 160 triệu. “Năm 2005, gà ăn vẫn khoẻ, hai hôm sau mặt bạc, mào tái đi đến hôm thứ ba gục đầu chết, hôm thứ tư xoá sổ cả 4.000 con. Thấy thế tôi có ra hàng thú y bảo gà bị thế này, thế này, họ chẩn đoán bảo bị Niu Cát Sơn rồi cho thuốc về tiêm. Thuốc là loại pha sẵn rồi, không rõ nhãn mác, tiêm mãi cũng chẳng khỏi có lẽ đã cho thuốc không đúng bệnh.

Sau đó tôi khôi phục lại đàn, vay ngân hàng để mua giống, vay ngoài thêm, chịu cám đại lý để mà đầu tư, năm 2006 túc tắc khôi phục tưởng ngon ăn, đến 2007 đẩy mạnh tăng đàn trên 4.000 con lại bị chết hàng loạt. Triệu chứng là gà vẫn béo, ăn vẫn no nhưng cứ đêm bị chết đột ngột. Trong 3 ngày sạch chuồng. Không chỉ có nhà tôi mà cả làng, cả xã gà cũng chết với hiện tượng tương tự”. Chẳng nhờ vả nổi ai, hai vợ chồng anh hì hụi đào 4-5 cái hố. Vừa gạt đất dưới chân để chôn gà mà nước mắt trên mặt trên mũi cứ nhạt nhoà. Chôn xong đàn này, đàn kia lăn đùng ra chết. “Đến giờ tôi vẫn không biết khi ấy gà bệnh gì dù tiêm phòng khá đầy đủ, 35 ngày tiêm phòng cúm, 45 ngày tiêm phòng Niu Cát Sơn mũi một, trên 50 ngày tiêm phòng Niu Cát Sơn mũi 2”. Đáng trách là gà chết hôm 20, máu mê gỡ gạc ngày 21 anh Trung lại vào gà mới luôn dù anh chống chế rằng đem thả ở những chuồng khác… Sau cả chục năm anh Trung vật lộn với con gà đồi, giờ mang cả một khoản nợ lên tới vài trăm triệu và nhà vẫn là cái lều xưa cũ.

Cùng chung cảnh liêu xiêu đó là anh Nguyễn Văn Trung với thâm niên nuôi 7 năm gà đồi. “Đợt ông bà mới cho ở riêng, tôi học nghề nuôi gà nhưng quên không tiêm phòng Niu Cát Sơn nên gà mắc dịch, mất 42 triệu. Mấy năm sau, cũng do tôi chủ quan không tiêm phòng cúm vì nghe lời một ông nuôi gà ở Bắc Ninh truyền đạt rằng mùa nóng không có cúm nên đợt đó chết trên 3.000 con gà, ra đi mất 180 triệu. Túng quẫn quá đến nỗi tôi từng phải bỏ quê vào trong Nam làm mộc để trả nợ. Mãi sau này, lại về quê, lại gắn bó với nghề nuôi gà. Giờ thì tôi cẩn thận phòng dịch lắm rồi. Chăn nuôi mà không phòng dịch tốt khác gì miếng ăn tới miệng rồi bị tước mất đâu. Anh xem, tôi còn kẻ biển treo trước cổng vào, ghi rõ “Khu vực miễn dịch, cấm vào”, làm nghề này mà cứ nể nang, ai cũng cho vào thăm gà khác gì tha bệnh vào nhà…”.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm