| Hotline: 0983.970.780

Sạ sớm, khó lường

Thứ Năm 21/10/2010 , 12:09 (GMT+7)

Có ý kiến cho rằng sạ sớm chưa hẳn đã hay. Để rộng đường trao đổi về vấn đề này, chúng tôi đã gặp gỡ những người trong cuộc.

NNVN ngày 20/10 có bài “Sốt sắng sạ sớm” nói đến việc nông dân ĐBSCL năm nay sạ vụ lúa ĐX sớm do lũ nhỏ và chạy theo giá lúa. Có ý kiến cho rằng sạ sớm chưa hẳn đã hay. Để rộng đường trao đổi về vấn đề này, chúng tôi đã gặp gỡ những người trong cuộc.

>> Sốt sắng sạ sớm

PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Nguy cơ dịch bệnh gia tăng

Năm nay ĐBSCL nước lũ nhỏ nên trên đồng ruộng cỏ dại, lúa chét mọc rất nhiều. Đây sẽ là điều kiện tốt để cho các loại sâu, bệnh, rầy nâu, dịch hại có môi trường sinh sống, trú ngụ và tấn công vào các trà lúa ĐX mới gieo sạ. Nước trên đồng ruộng thấp nên bà con khó vệ sinh đồng ruộng. Nếu trục nhận cỏ dại, lúa chét quá trễ sẽ dẫn đến ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra, do không có phù sa nên đất kém dinh dưỡng, đất bị chua do không được rửa phèn. Vì vậy, chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV của bà con vụ này chắc chắn sẽ tăng cao.

 Nguồn nước sông cạn kiệt sẽ dẫn đến thiếu nước ngọt cho sản xuất, nước mặn sẽ xâm nhập sớm hơn mọi năm và vào sâu trong nội đồng. Riêng diện tích ven biển, nếu xuống giống trễ sẽ bị nước mặn xâm nhập vào cuối vụ làm lúa bị chín háp, thất mùa.

Trong điều kiện như năm nay thì tốt nhất các địa phương nên gieo sạ lúa ĐX dứt điểm trong tháng 11 để tránh hạn mặn lúc cuối vụ. Về giống lúa, nên gieo sạ những giống có thời gian sinh trưởng ngắn để rút ngắn thời gian mùa vụ. Khuyến cáo nông dân nên tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt để né rầy. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vận động bà con xuống giống chung theo từng cánh đồng, tránh tình trạng nước thấp nông dân tự xé rào xuống giống riêng lẻ. Vì làm như vậy sẽ rất nguy hiểm, tạo điều kiện cho dịch bệnh, nhất là rầy nâu gây hại mạnh hơn.

ThS Võ Thị Hồng Thủy, Chi cục phó Chi cục BVTV Kiên Giang: Thiệt hại sẽ không nhỏ

Do Kiên Giang có 3 vùng sinh thái khác nhau nên lịch thời vụ xuống giống không trùng nhau. Các huyện vùng Tây Sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên sẽ xuống giống tập trung theo hai đợt. Đợt 1 từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 và đợt 2 cuối tháng 11 đầu tháng 12. Riêng vùng U Minh Thượng và một số xã ven sông Cái Lớn, Cái Bé phải xuống giống trước, dứt điểm trong tháng 10 để tận dụng nguồn nước mưa và tránh hạn vào cuối vụ. Nguy hiểm là có những khu vực ngoài quốc lộ cặp theo ven sông lại sạ trước, phía trong lại gieo sạ sau theo lịch thời vụ chung. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh lây lan do đồng ruộng không được cách ly tốt.

Năm nay vì lũ thấp, đồng ruộng ít phù sa, thiếu nước để rửa phèn, rửa mặn và vệ sinh đồng ruộng. Giá lúa cao và mực nước trên ruộng thấp nên nông dân để lúa chét nhiều. Khi bắt tay vào gieo sạ lúa ĐX làm đất cập rập, thời gian ngắn rơm rạ không kịp phân hủy nên khó tránh khỏi ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn mạ. Nước ít cũng là điều kiện tốt cho cho chuột, ốc bươu vàng và nhiều loại dịch hại khác tích lũy mật số, lây lan gây hại.

Vì vậy, nông dân cần phải tuân theo khuyến cáo của ngành để giảm thiệt hại, nhất là về lịch thời vụ, tăng cường áp dụng các biện pháp 3 giảm 3 tăng, IPM trong quản lý dịch hại và phương pháp 4 đúng khi phun thuốc để bảo vệ sản xuất. Không nên vì giá lúa cao, mực nước trên ruộng thấp mà tự ý xé rào xuống giống trước, thiệt hại sẽ không nhỏ và rất khó lường.

Ông Phạm Thành Tâm – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú (An Giang): Thực hiện lịch thời vụ theo đặc thù riêng

Nhiều xã của An Phú như Đa Phước, Nhơn Hội, Long Bình, Quốc Thái, Phước Hưng có hơn 1.200 ha đất ruộng không bị ngập nước. Đây là một điều vô cùng khó khăn cho vụ mùa sắp tới khi chi phí vệ sinh đồng ruộng, sản xuất của nông dân có thể sẽ tăng lên gấp bội và làm thay đổi lịch thời vụ của địa phương. Nước lũ không ngập ruộng, cỏ dại mọc nhiều làm phát sinh nhiều dịch bệnh và là nơi lí tưởng để lũ chuột đồng có nơi trú ẩn và phá hoại mùa màng của nông dân.

Trên các mặt ruộng, lượng rơm rạ không được phân hủy sẽ làm tăng nguy cơ lúa gieo sạ sẽ bị ngộ độc hữu cơ là rất lớn. Bên cạnh đó, nước lũ về kém không mang phù sa bồi đắp ruộng đồng, do đó để đảm bảo về năng suất lúa vụ sau thì nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí về phân bón. Lúa chét cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người nông dân thêm phần lo lắng. Bởi vì sau khi thu hoạch lúa hè – thu xong, khoảng vài ba ngày sau, từ các gốc rạ sẽ đẻ nhánh và trổ bông sau đó. Những hạt lúa chét này sau khi chín sẽ rơi rụng xuống mặt ruộng và nằm chờ cho tới khi có điều kiện sẽ giương lên thành cây và nằm xen lẫn với lúa chính vụ.

Do đó, bà con phải tốn thêm chi phí cho việc thuê nhân công nhổ bỏ những cây lúa này mà bà con thường gọi là lúa kê hay lúa trời. Đối với những nông dân chuyên sản xuất lúa giống thì vấn đề lúa chét mọc xen lẫn với lúa chính vụ được xem như là “đại kị” vì khó đảm bảo độ thuần của giống. Sau khi đi khảo sát và thấy được những khó khăn trên của bà con nên về phía ngành nông nghiệp địa phương đã đề xuất với Sở NN- PTNT An Giang để trình UBND tỉnh cho phép An Phú được thực hiện lịch thời vụ theo đặc thù riêng của địa phương mình. Theo đó, An Phú sẽ tranh thủ nước rút đến đâu là cho bà con làm đồng và gieo sạ đến đó.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Phớt lờ khuyến cáo

Năm nay lũ nhỏ một số huyện trong tỉnh đang “xé rào” xuống giống vụ ĐX 2010-2011 sớm trước lịch thời vụ khoảng 1 tháng. Đến nay, trong tỉnh đã xuống giống 10.000 ha/205.000 ha vụ ĐX. Mặc dù tỉnh đã đưa ra khuyến cáo và công bố chia thành 3 đợt xuống giống. Đợt I từ 26-31/10, đợt II từ 24-30/11, đợt III từ 25-31/12 nhưng nông dân vẫn phớt lờ tranh thủ xuống giống sớm. Trước tình hình giá lúa ở mức trên 5.000 đồng/kg rất có thể trong vòng 2 con nước (tức là 2 đợt xuống giống) nông dân sẽ xuống dứt điểm diện tích lúa ĐX trong toàn tỉnh.

Năm nay không có lũ đồng nghĩa với việc ít phù sa, đồng ruộng kém màu mỡ, sử dụng phân bón nhiều hơn, sâu bệnh có điều kiện phát triển, buộc phải tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Không có lũ, chuột có điều kiện phát triển trên diện rộng, nông dân vội vã xuống giống sớm có nguy cơ thiệt hại. Với những nguy cơ trên, chi phí sản xuất lúa của nông dân trong vụ này sẽ tăng cao so mọi năm.

 Trong khi đó, thời vụ xuống giống ĐX là một trong những yêu cầu cần được quan tâm, chú ý hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch hại và không thể né đợt hạn ở cuối vụ. Việc bố trí thời vụ sản xuất lúa đông xuân cần thỏa mãn các yêu cầu: đảm bảo né rầy nâu di trú từ vụ TĐ sang, đủ lượng nước sản xuất trong suốt vụ, tránh ngập úng đầu vụ và hạn, mặn cuối vụ. Ở giai đoạn lúa trổ chín (tháng 2, 3 và nửa đầu tháng 4) phải có đầy đủ lượng ánh sáng và số giờ nắng cần thiết và lượng mưa ít nhất mới đảm bảo năng suất.

Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Trung tâm Giống Đồng Tháp: Không chủ động kịp giống

Năm nay nông dân xuống giống sớm do chạy theo giá lúa thị trường, từ chỗ đó Trung tâm dự trù giống không kịp. Trung tâm có hơn 20 giống nguyên chủng và giống xác nhận Trung tâm sản xuất ra đều “cháy hàng”. Theo đúng lịch xuống giống mọi năm vào đầu tháng 10 nông dân mới tìm mua giống kéo dài đến giữa tháng 11 mới ngưng. Nông dân chỉ mua trong vòng một tháng nên lượng lúa của Trung tâm không đủ để đáp ứng.

 Theo cảnh báo của ngành nông nghiệp, nông dân xuống giống sớm rất có khả năng sâu, rầy gây hại nặng. Tại thị xã Hồng Ngự diện tích xuống giống vụ ĐX sớm gần 200ha chiếm ¼ diện tích của huyện nhưng đã có 50 ha đã bị rầy nâu tấn công lúa đang đã giai đoạn từ 10-15 ngày tuổi.

Nông dân Ngô Văn Sư, ấp 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp): Bám lịch Nhà nước bán lúa giá thấp

Tôi thấy giá lúa hiện nay đang ở mức khá cao từ 5.200- 5.500 đồng/kg như vậy nông dân lãi trên 30% là cầm chắc trong tay. Chính vì lẽ đó chúng tôi cầm lòng không nổi, không để đất bỏ lâu được. Trước tình hình nước lũ không nhiều, nên tôi và một số hộ dân trong xóm be bờ, đưa máy vào ruộng bơm nước ra đã xuống giống được 3 ngày nay. Xuống giống sớm mấy ngày này thời tiết thuận lợi, nên lúa nẩy mầm đều.

Nếu xuống giống theo đúng ngày khuyến cáo của huyện lỡ gặp mưa cũng phải chịu tốn tiền mua lúa giống mới, chứ có ai hỗ trợ cho tôi đâu. Năm nay tôi thấy thuận lợi, nên tranh thủ xuống giống sớm hơn năm ngoái đúng một tháng, lúa sẽ cho thu hoạch trước Tết một tuần. Làm theo lịch nhà nước đưa ra toàn là thu hoạch sau Tết bán lúa giá thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang): Quyết tâm không “xé rào”

Xã có trên 2.000ha sản xuất nông nghiệp, thuộc diện vùng sâu nên quanh năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa chính là ĐX, 2 vụ còn lại trồng màu hoặc bỏ đất trống. Năm nay nước lũ nhỏ, cán bộ xã đã đến từng nhà dân để vận động không xuống giống sớm, phải tuân thủ xuống giống vụ lúa ĐX theo đúng lịch thời vụ của tỉnh đưa ra tức là vào ngày 15-30/11 cho đợt 1, còn đợt 2 sẽ cách sau một tháng. Để ăn chắc vụ ĐX 2010-2011, UBND và nông dân đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng lúa giống, vệ sinh đồng ruộng. Xã quyết tâm không chạy theo phong trào mà xé rào.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.